Cuộc chiến pháp lý mới của Apple

Thứ Hai, 12/09/2016, 21:31
Việc Chính phủ Ireland quyết định kháng cáo sau phán quyết hôm 30-8 của Ủy ban châu Âu (EC) - yêu cầu nước này phải truy thu 13 tỷ euro (14,5 tỷ USD) tiền thuế từ hãng Apple tuy đã được tiên liệu, nhưng vẫn đang thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.

Bởi Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan từng đề cập tới việc này ngay sau phán quyết của EC - việc nhận tiền phạt của Apple chỉ là cái lợi trước mắt, vì Ireland sẽ có thể mất hàng loạt khoản đầu tư và hàng nghìn việc làm, nếu chấp hành theo quyết định của EC.

Apple có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Trước đó, Apple và Ireland luôn tuyên bố, sẽ kiện để chống lại phán quyết của EC về vấn đề này. Sau khi nhận quyết định chính thức của EC, Apple và Ireland có hơn 2 tháng để nộp đơn kháng cáo. Án phạt của Apple là việc chưa có tiền lệ, nên sẽ có nhiều vấn đề phát sinh và đây là điều giúp giới luật gia tìm cách để lách.

Để đưa ra phán quyết hôm 30-8, EC đã chuẩn bị tập hồ sơ dày 130 trang và đó là kết quả của các cuộc điều tra kéo dài 3 năm về những ưu đãi thuế mà Ireland dành cho Apple. EC cho rằng, việc Ireland tiếp tay cho Apple trốn và lách thuế là bất hợp pháp và gây thiệt hại lớn cho các nước khác.

Báo cáo của EC chỉ rõ, trong năm 2011, chi nhánh của Apple ở Ireland lãi tới 16 tỉ euro, nhưng chỉ  đưa 50 triệu euro vào diện chịu thuế. Mãi đến năm 2015, trước sức ép của châu Âu, Ireland mới điều chỉnh mức thuế đối với Apple, nhưng khi đó Apple đã điều chỉnh cơ cấu hoạt động tại nước này.

Thay vì nhận 13 tỷ euro từ Apple, Ireland quyết định chi 667.000 euro để thuê luật sư kháng cáo đối với phán quyết của EC. EC yêu cầu Ireland phải nhận 13 tỷ euro và đây là khoản thuế truy thu lớn nhất từ trước tới nay.

Đó cũng là mức phạt lớn nhất trong lịch sử mà EC áp đặt đối với một tập đoàn kinh tế. Tờ Thời báo Ireland cho rằng, số tiền 13 tỷ euro là quá lớn, và đang đẩy chính phủ Ireland vào thế phải chống đỡ cả trong và ngoài nước.

Trong khi đó, tờ Il Messaggero của Italia đã tiết lộ nhiều bất thường xung quanh ưu đãi mà Ireland từng dành cho Apple - trong khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Ireland phải chịu mức thuế 12,5%, thì Apple lại được hưởng mức có 1% từ năm 2003, và 11 năm sau giảm xuống chỉ còn 0,005%.

Theo bà Margrethe Vestager, Cao ủy phụ trách cạnh tranh tại châu Âu, mức thuế kể trên đồng nghĩa với việc, Apple chỉ trả 50 euro/1 triệu euro lợi nhuận thu được trong năm 2014. Mức thuế doanh nghiệp trung bình ở châu Âu là 23%, nhưng Ireland lại cho Apple hưởng mức 0,005%, khiến các nước châu Âu thất thu lớn. Chính sách của Ireland đã gây thiệt hại lớn đối với châu Âu.

Giới kinh tế cảnh báo về cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Liên minh châu Âu (EU), sau khi EC tuyên án phạt liên quan tới trốn thuế dành cho Apple. Bởi phán quyết hôm 30-8 của EC được cho là "lời tuyên chiến" đối với Mỹ và Ireland.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cuộc chiến pháp lý sắp tới không chỉ diễn ra giữa Apple và EU, mà sẽ là giữa Mỹ và EU. Ngay sau khi EC ra phán quyết, Apple lập tức phản đối.

Giám đốc điều hành Tim Cook cho rằng, quyết định của EC là chưa từng có và sẽ tác động nghiêm trọng trên diện rộng - EC đang nỗ lực viết lại lịch sử Apple ở châu Âu, và mối quan tâm của EC không phải là việc Apple đóng thuế bao nhiêu, mà chỉ nhắm đến việc chính phủ nào sẽ thu tiền. Apple bán điện thoại, máy tính và dịch vụ trên khắp châu Âu, nhưng lại khai báo thuế tại Irlande để đóng thuế ít.

Tập đoàn công nghệ Apple.

Theo các nhà lãnh đạo EU, án phạt 13 tỷ euro có thể được giảm bớt, nếu các nước trong khối có động thái truy thu thuế từ Apple. Và lập trường cứng rắn lần này của EC có thể ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược của các công ty lớn đa quốc gia tại châu Âu.

Trước nguy cơ cơ quan chống độc quyền của EU sẽ nhắm vào các công ty đa quốc gia khác của Mỹ như Amazon, Mc Donald's, Starbucks hay Google's, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra một số cảnh báo. Washington khuyến cáo, nếu thực thi phán quyết theo kiểu "đơn phương" sẽ ảnh hưởng đến đầu tư của nước ngoài vào châu Âu.

Ngày 6-9, một đơn vị đặc biệt của Australia đã xác định, khoảng 1.000 đối tượng nộp thuế tại nước này có liên quan tới trốn thuế và rửa tiền. Trước đó (5-9), Bộ trưởng Doanh thu và Dịch vụ tài chính, bà Kelly O'Dwyer và Bộ trưởng Tư pháp, ông Michael Keenan tiết lộ, hơn 2,5 tỷ AUD (tiền Australia) của các quỹ nước ngoài có liên quan đến 1.000 người dân Australia đã được xác định trong "Hồ sơ Panama".

Ngoài ra, Trung tâm phân tích và báo cáo giao dịch Australia đang hợp tác với các ngân hàng trong nước và quốc tế để xác định việc kế toán và luật sư giúp các đối tượng che giấu và di chuyển tài sản bất hợp pháp ở nước ngoài.

Tuệ Sỹ
.
.
.