Cuộc chiến trên những dòng sông

Thứ Năm, 04/06/2015, 15:56
Vì lợi ích, vì lòng tham, con người không chỉ "bức tử" những dòng sông trong sạch, "đầu độc" môi trường sống, mà còn "giết chết" chính đồng loại của mình. Đấu tranh bảo vệ môi trường là vấn đề sống còn, liên quan trực tiếp đến vận mệnh con người. Ý thức được nhiệm vụ thiêng liêng của mình, tập thể cán bộ, chiến sĩ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49B - Bộ Công an) đã và đang trở thành "khắc tinh" của tội phạm môi trường, nhiều chuyên án lớn được triệt phá thành công.
Tuyên chiến với "cát tặc"

Thành lập từ năm 2006, lực lượng Cảnh sát môi trường cả nước nói chung và Cục C49B nói riêng đã chủ động triển khai, phối hợp với các cơ quan chức năng phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về môi trường và an toàn xã hội.

Hiện Cục C49B trực tiếp quản lý 19 đơn vị nghiệp vụ các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Trong vài năm trở lại đây, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, tập trung nhiều nhất tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi kiểm tra.

Tình trạng đổ xả trái phép chất thải xây dựng, chất thải sinh hoạt ra các tuyến đường vắng, sông, hồ, hệ thống thoát nước công cộng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, bảo tồn thiên nhiên vẫn diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo Cục C49 tham gia trồng cây xanh bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm diễn biến phức tạp, khó lường. Với các chiêu trò "tạm nhập tái xuất" để đưa hàng vào Việt Nam nhưng lại tổ chức tiêu thụ trái phép trong nước, những năm trở lại đây, các loại tội phạm môi trường không ngừng phát triển và biến tướng tinh vi, trở thành nỗi ám ảnh của nhân dân, là "ung nhọt" gây hại cho xã hội.

Phát huy vai trò xung kích, đi đầu trong việc đấu tranh phòng chống các loại tội phạm về môi trường, trong những tháng đầu năm 2015, Cục C49B phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh bất ngờ kiểm tra 3 cơ sở sản xuất thực phẩm tại phường Tân Thới Nhất (quận12), phát hiện 43.720kg măng ngâm hóa chất, cùng 15kg hóa chất không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Kiểm tra Công ty TNHH sản xuất Hòa Thắng tại huyện Bình Chánh, phát hiện 4.000kg nội tạng heo bẩn. Tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh tại Bình Chánh tiếp tục phát hiện hơn 117.327kg cà phê và hóa chất phụ gia không có nguồn gốc, xuất xứ.

Nổi bật lên là tình trạng khai thác cát ở nhiều tuyến sông gây sạt lở nghiêm trọng, làm thất thoát tài nguyên, mất đất ở, đất sản xuất. “Cát tặc” sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng. Chúng bố trí lực lượng cảnh giới thông báo cho nhau để trốn chạy hoặc nhấn chìm phương tiện khác. Có đối tượng nhắn tin đe dọa cán bộ kiểm tra và người dân cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Cát khai thác trái phép được các đối tượng liên kết với nhau hợp thức hóa chứng từ. Bên cạnh đó, các đối tượng lợi dụng dự án nạo vét, cải tạo luồng lạch ở sông Đồng Nai, sông Soài Rạp để tận thu cát và khai thác cát trái phép. Trước diễn biến nguy hại từ việc khai thác cát lậu, Cục C49B quyết định xác lập chuyên án do Đại tá Dương Văn Linh, Phó Cục trưởng C49B trực tiếp chỉ huy.

Ngày 29/12/2014, sau nhiều tháng theo dõi, Cục C49B phối hợp với Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng loạt tấn công, bắt giữ nhiều tàu khai thác cát trái phép tại khu vực Cồn Ngựa, cách đất liền Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 5 hải lý, cách địa giới đất liền thành phố Hồ Chí Minh 8 hải lý và cách địa giới đất liền Tiền Giang 16 hải lý.

Hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã đồng loạt, hiệp đồng tác chiến bắt giữ 9 tàu có trọng tải từ 5.000 tấn đến 12.000 tấn đang âm thầm hút hàng trăm mét khối cát dưới lòng biển, tạm giữ gần 50 người có mặt trên tàu hút cát để phục vụ công tác điều tra. Ban chuyên án nhận định, đây là đường dây khai thác cát hoạt động tinh vi, có nhiều máy móc, công cụ hỗ trợ hiện đại.

Các đầu nậu đã ký hợp đồng với các đơn vị có mỏ tại Bến Tre. Đối tượng cát tặc lấy giấy tờ của các công ty đó để hợp thức hóa nguồn gốc cát khai thác trái phép trên biển. Lượng cát khai thác được sẽ bán cho một số đơn vị san lấp mặt bằng các dự án ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số nơi khác.

Thiệt hại trong vấn nạn khai thác cát lậu ở Cồn Ngựa là đặc biệt nghiêm trọng. Không chỉ ảnh hưởng đến quy luật dòng chảy của các con sông hướng ra biển, mà còn gây sạt lở hàng loạt bờ sông, bờ biển của nhiều địa phương, làm thay đổi môi trường sinh thái của các loài cá…

Phía sau chuyên án là những giọt mồ hôi lặng lẽ của cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Với đặc thù của nghề, trong mỗi chuyên án, trinh sát phải "ăn dầm nằm dề" hàng tháng trời dưới cơ sở, hóa trang làm những ngư dân quăng chài đánh cá, đối mặt bất trắc và hiểm nguy, có khi phải dầm mình trong bùn lầy, dưới lòng kênh đen thối... Kiên trì bám trụ, kiên quyết thực hiện cho bằng được nhiệm vụ được giao.

Đại tá Dương Văn Linh, Phó Cục trưởng Cục C49B cho biết: "Các lực lượng đã thắng lợi trong chuyên án này. Kết quả có được là do sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm".

Vì mt màu xanh…

Trăn trở với sự tồn vong của dòng sông, đau đáu với sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng và cảnh quan môi trường bị xâm hại, các chiến sĩ Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an không quản ngại gian khổ, khó khăn để làm tròn trách nhiệm và xứ mệnh được giao. Một trong những chiến công đáng ghi nhận của cán bộ, chiến sĩ Cục C49B năm 2014 là vụ án xả thải của Công ty cổ phần Hào Dương tại huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh).

Sau nhiều tháng mật phục với điều kiện và hoàn cảnh vô cùng khó khăn, anh em trinh sát luôn miệt mài làm việc, thu thập chứng cứ, ghi hình, chụp ảnh hiện trường, làm sao phải giữ được bí mật đến phút chót. Vì bị bắt quả tang và sử phạt hành vi thả chất thải không đạt tiêu chuẩn ra môi trường nhiều lần, Công ty Hào Dương rất cảnh giác.

Các cán bộ C49 trực tiếp kiểm tra vụ chôn chất thải độc hại của Công ty An Điền.

Một cán bộ Cục C49 cho biết: "Công ty Hào Dương luôn tổ chức canh gác, cảnh giới nghiêm ngặt, nhiều vòng. Chỉ cần phát hiện có động tĩnh gì là người ngoài cấp báo, ở trong sẽ lập tức tắt hết các công tắc vận hành máy xả thải. Coi như phi tang vật chứng. Anh em trinh sát đã phải đằm mình dưới sông nhiều đêm, kiên trì bám trụ, đồng thời mưu trí, dũng cảm trong việc xử lý tình huống". Việc triệt phá thành công vụ xả thải của Công ty Hào Dương, phần nào làm nức lòng nhân dân, trả lại màu xanh hiền hòa cho sông Đồng Điền.

Thiếu tá Nguyễn Tuấn Quảng, Đội phó Phòng 2, Cục C49B cho biết: "Đấu tranh thành công chuyên án là sự phối hợp chặt chẽ của tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, dưới sự chỉ đạo giám sát của lãnh đạo các cấp. Mỗi đồng chí có một sở trường riêng, vai trò nhiệm vụ khác nhau nhưng trên hết chúng tôi đều hướng đến mục tiêu chung là nỗ lực hết mình, làm tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của người Cảnh sát môi trường, góp phần tích cực vào công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội".

Đấu tranh phòng chống tội phạm môi trường là một nhiệm vụ hết sức khó khăn và phức tạp. Các hành vi xâm phạm gây ảnh hưởng xấu đến môi trường, diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên nhiều địa bàn, nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Đối tượng vi phạm gồm nhiều thành phần khác nhau, bao gồm cả người Việt Nam, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam.

Từ những người có chức vụ, quyền hạn, giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đến các công nhân trực tiếp làm việc... Cuộc chiến với tội phạm môi trường ngày một cam go, đầy thách thức, luôn đòi hỏi một cái đầu lạnh, một trái tim nóng với một quyết tâm cao nhất của người chiến sĩ Công an.

Ngọc Thiện
.
.
.