"Cuộc chiến" trong chính quyền Mỹ

Thứ Sáu, 13/09/2019, 12:24
Nước Mỹ ngày càng "rối như tơ vò" bởi một cuộc đấu âm thầm bên trong chính quyền. Đỉnh điểm của nó là cuộc điều tra của 3 Ủy ban Hạ viện nhằm vào Tổng thống Donald Trump và luật sư riêng của ông Rudy Giuliani với cáo buộc gây áp lực cho chính quyền Ukraine hỗ trợ chiến dịch tranh cử bằng cách nhờ Ukraine thăm dò cựu Phó Tổng thống Joe Biden và con trai ông, Hunter.


Từ bức thư của 3 Ủy ban Hạ viện

"Sự lạm quyền" là cụm từ đang được nhiều tờ báo Mỹ sử dụng khi nhắc đến cuộc điều tra mới nhất nhằm vào đương kim Tổng thống. Hãng tin CNBC cho hay, 3 Ủy ban Hạ viện Mỹ đã cùng đồng thuận trong vấn đề này sau khi có thông tin cho hay, luật sư Rudy Giuliani trong những tuần gần đây liên tục thúc giục đại diện hàng đầu của tân Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, thăm dò xem các quan chức Ukraine có cố tình hay tham gia vào kế hoạch làm tổn hại chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump hay không và rằng liệu những nỗ lực ngoại giao của chính cựu Phó Tổng thống Joe Biden ở nước này có ảnh hưởng đến sự tham gia của Hunter Biden với một công ty khí đốt ở Ukraine do một nhà tài phiệt khác quản lý hay không...

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang bị điều tra với cáo buộc gây sức ép lên Chính phủ Ukraine. ảnh: Foreign Policy.

Nguồn tin từ hãng Reuters thì khẳng định, cuộc điều tra được tiến hành trên diện rộng, nghĩa là ngoài việc xem lại mối quan hệ của ông Donald Trump với Ukraine hồi năm 2016, 3 Ủy ban Hạ viện cũng đang tìm hiểu về khả năng chính quyền Kiev bị ép buộc hỗ trợ chiến dịch tái tranh cử của người đứng đầu Nhà Trắng.

Thậm chí, Chủ tịch Ủy ban Tình báo, Ủy ban Giám sát và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã viết thư gửi Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao để tìm kiếm các hồ sơ liên quan đến hoạt động mà các ủy ban này mô tả là những nỗ lực nhằm "thao túng hệ thống tư pháp của Ukraine".

Một hồ sơ công khai do 3 ủy ban nói trên cung cấp cho báo chí cho thấy, trong gần hai năm qua, Tổng thống Donald Trump và luật sư Rudy Giuliani dường như đã "hành động bên ngoài" các cơ quan thực thi pháp luật và các kênh ngoại giao để ép buộc Chính phủ Ukraine theo đuổi hai cuộc điều tra có động cơ chính trị dưới vỏ bọc "Hoạt động chống tham nhũng".

Khi cuộc bầu cử năm 2020 đến gần hơn, ông Donald Trump và luật sư riêng lại càng gia tăng áp lực hơn nữa đối với chính phủ và hệ thống tư pháp Ukraine. Thậm chí, như hãng CNBC đưa tin, hồi cuối tháng 8, luật sư Rudy Giuliani đã đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ trong cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Ủy ban quốc gia của đảng Dân chủ.

Chủ tịch của các Ủy ban này lưu ý rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đe dọa sẽ rút hơn 250 triệu đô la hỗ trợ an ninh từ Ukraine vốn đã được Quốc hội phê chuẩn vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và Ukraine.

"Nếu Tổng thống đang cố gắng ép buộc Ukraine lựa chọn giữa việc tự bảo vệ mình trước Nga mà không cần sự trợ giúp của Mỹ hoặc tận dụng hệ thống tư pháp để phục vụ cho chiến dịch tranh cử thì điều này thể hiện sự lạm quyền đáng kinh ngạc, một lợi ích cho Moscow và sự phản bội của lòng tin của công chúng", hãng CNBC bình luận.

Đến kế hoạch luận tội Tổng thống

Cho đến nay, Nhà Trắng, luật sư Rudy Giuliani và người phát ngôn của cựu Phó Tổng thống Joe Biden chưa đưa ra bất kỳ lời bình luận nào về vụ việc này. Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng CNN, ông Joe Biden hiện đang dẫn đầu các nghị sĩ đảng Dân chủ trong cuộc ganh đua tranh cử vị trí Tổng thống với ông Donald Trump vào năm 2020.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và luật sư Rudy Giuliani. ảnh: AP

Kết quả cuộc thăm dò dư luận công bố ngày 8-9, hiện có 29% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ ông Joe Biden, trong khi các ứng cử viên bám đuổi gần nhất là Thượng nghị sỹ độc lập bang Vermont, ông Bernie Sanders, với 19% cử tri ủng hộ và Thượng nghị sỹ bang Massachusetts, Elizabeth Warren, giành được 18% số phiếu ủng hộ.

Còn theo kết quả của hai hãng Washingtonpost-ABCNews được tờ The Hill trích dẫn đăng tải từ hồi giữa tháng 7 thì cựu Phó Tổng thống Joe Biden nhận được 53% số phiếu ủng hộ của cử tri so với tỷ lệ ủng hộ 43% dành cho đương kim Tổng thống Donald Trump. Chủ đề mà người Mỹ quan tâm nhất hiện nay là các vấn đề kinh tế, chăm sóc sức khỏe và nhập cư, chính sách đối ngoại, kiểm soát bạo lực súng đạn, các vấn đề về thuế cùng những vấn đề đặc biệt khác liên quan đến phụ nữ và nạo phá thai.

"Cuộc điều tra mới được đưa ra trong bối cảnh đảng Dân chủ và các công tố viên Quốc hội đã tiến hành một số cuộc thăm dò ông Donald Trump, các cộng sự, tài chính và quan hệ kinh doanh của ông. Cuộc điều tra mới nhất cũng là một phần trong một loạt các nỗ lực của đảng Dân chủ nhằm thúc đẩy các biện pháp bảo vệ bầu cử mới sau khi có thông tin rằng các nhà hoạt động của Nga tham gia vào các nỗ lực nhằm thúc đẩy ủng hộ Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016", CNN bình luận.

Thông tin từ CNBC thì khẳng định, Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ cũng đang dự định sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết nhằm chính thức hóa cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump trong trung tuần tháng 9. Các thành viên của Ủy ban Tư pháp nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu về việc đề ra một giải pháp nhằm xác định rõ hơn tính chất của cuộc điều tra này.

Mặc dù cách tiếp cận theo hướng luận tội Tổng thống Donald Trump đang bị các nghị sĩ đảng Cộng hòa chỉ trích mạnh mẽ nhưng có vẻ như các nghị sĩ đảng Dân chủ đang cố gắng lặp lại tiền lệ của các cuộc luận tội nhằm vào cựu Tổng thống Richard Nixon và cựu Tổng thống Bill Clinton.

Đáng chú ý là từ hồi tháng 5, Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã khẳng định không thể kết luận liệu Tổng thống Donald Trump có hành vi cản trở tư pháp hay không trong cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016, đồng thời cho biết "buộc tội Tổng thống Trump không phải là một lựa chọn để xem xét song đến nay, các nghị sĩ đảng Dân chủ vẫn không chịu "lùi bước".

Cụ thể, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đang tiếp tục cuộc điều tra và các phiên điều trần cấp cao liên quan đến một loạt tranh cãi về quan hệ giữa ông Donald Trump và Nga. Lần này, "quân bài" của đảng Dân chủ là Felix Sater - nhân vật trung gian trong một dự án lớn của ông Donald Trump tại Moscow trong thời gian còn đang tranh cử.

Cụ thể, từ tháng 9-2015, Felix Sater trở thành người trung gian trong nỗ lực mới nhất của ông Donald Trump để phát triển một tòa tháp ở thủ đô Moscow của Nga. Cùng với luật sư Michael Cohen, Felix Sater đã giúp "đế chế kinh doanh của ông Donald Trump" liên kết với một công ty Nga để thỏa thuận thành công và vẽ ra viễn cảnh Moscow có thể thu lợi hàng trăm triệu USD từ dự án này. Chính ông Donald Trump đã ký một lá thư về ý định cho dự án vào tháng 10-2015 và trong email gửi tới Michael Cohen, Felix Sater cũng khẳng định rằng thỏa thuận này có thể giúp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.

Nhưng dự án tòa tháp Trump ở Moscow cuối cùng đã đổ bể vào giữa năm 2016, khi ông Donald Trump sắp giành được đề cử của đảng Cộng hoà. Tuy nhiên, Tổng thống không bao giờ tiết lộ những cuộc đàm phán này với công chúng và liên tục khẳng định không có lợi ích gì ở Nga...

Và sau cuộc bầu cử, khi các cuộc đàm phán riêng của ông cho dự án này được công khai, Michael Cohen đã nói dối với Ủy ban Tình báo Hạ viện và Thượng viện về thỏa thuận Moscow, tuyên bố rằng ông Donald Trump đã cắt đứt nó vào tháng 1-2016 và rằng ông đã không nói chuyện với Văn phòng Tổng thống Nga Vladimir Putin về dự án này.

Rồi khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra thì Michael Cohen lại thừa nhận rằng những lời khai trước là nhằm đánh lạc hướng các nhà điều tra trong Quốc hội và đó là một lý do mà ông này hiện đang phải cư trú tại một cơ sở liên bang ở ngoại ô thành phố New York…

Và nỗ lực "tấn công" của đảng Dân chủ

Bình luận về những cuộc điều tra mới đây nhằm vào ông Donald Trump, nhiều nhà phân tích cho rằng, có vẻ như đảng Dân chủ đang mở một cuộc "tấn công tổng lực" nhằm hạ bệ uy tín của đương kim Tổng thống, nhất là trong bối cảnh các ứng viên của đảng này đang ngày càng giành được nhiều lợi thế tranh cử và sự ủng hộ của các cử tri. Một loạt cuộc điều tra bắt đầu được tiến hành với những cái cớ rất bất ngờ.

Như ngày 8-9, Quốc hội Mỹ mở cuộc điều tra nhằm vào Tổng thống Donald Trump về một cuộc xung đột lợi ích giữa tăng chi tiêu quân sự Mỹ và các chuyến thăm tới khu nghỉ dưỡng của ông. Ủy ban giám sát Hạ viện cho rằng cần phải xem xét lại xem liệu việc tăng chi tiêu quân sự tại sân bay và việc các nhân viên quân sự Mỹ được hưởng các thỏa thuận giảm giá tại khu nghỉ mát golf gần đó của ông Donald Trump có vi phạm Hiến pháp hay không.

Rồi đề xuất của Tổng thống về việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 tiếp theo tại khu nghỉ dưỡng Trump National Doral ở Miami được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Pháp hồi tháng trước cũng bị các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Hạ viện nghi ngờ đây là hành vi "tham nhũng".

"Các lợi ích tài chính cá nhân của Tổng thống rõ ràng đang tạo thành quyết định về các hoạt động chính thức của chính phủ Mỹ. Quan trọng nhất, quyết định đề xuất khu nghỉ dưỡng Doral có lẽ là trường hợp công khai đầu tiên, trong đó chính phủ nước ngoài sẽ phải trả tiền cho doanh nghiệp riêng của ông Donald Trump để làm việc với Chính phủ Mỹ", Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ Jerrold Nadler cùng các thành viên cấp cao khác của đảng Dân chủ trong ủy ban viết trong một tuyên bố đưa ra hôm 28-8.

Ngay cả việc Phó Tổng thống Mike Pence ở lại khu nghỉ dưỡng golf tư nhân của ông Donald Trump ở Ireland trong chuyến thăm chính thức nước này cũng đang bị Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Giám sát của Hạ viện điều tra với cáo buộc vi phạm Hiến pháp…

Rõ ràng, đảng Dân chủ chưa khi nào "lùi bước" trước ông Donald Trump và các "cuộc tấn công" được tiến hành hàng loạt bất chấp những thất bại trước đó. Điều này càng được thể hiện rõ khi trang Politico dẫn lời của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thuộc đảng Dân chủ từng khẳng định trong một cuộc họp rằng, mục đích duy nhất của bà là muốn nhìn thấy Tổng thống Donald Trump nhẹ nhất là bị luận tội. Và điều này cũng cho thấy cơn sóng ngầm trong lòng nước Mỹ đang ngày càng "sục sôi" và chỉ chờ cơ hội để "vỡ bờ".

Huyền Chi (tổng hợp)
.
.
.