Cuộc chiến với bạo lực

Thứ Bảy, 02/04/2016, 15:17
Các bạn độc giả yêu quý! Trong lá thư này tôi muốn gửi tới các bạn đôi chút tâm tình về vấn nạn bạo lực. Tất nhiên đó là bạo lực nhiều cấp độ từ gia đình đến trường học và sau cùng là xã hội. Đó thực sự là một cuộc chiến cam go hiểu theo nghĩa cộng đồng mà tất cả chúng ta phải chiến đấu để giảm thiểu, khống chế và ngăn chặn nó.


Gia đình có lẽ là nơi chúng ta nên nhắc đến đầu tiên bởi hiểu theo nghĩa thông thường nó là tế bào của xã hội hoặc nói cách khác nó là một xã hội thu nhỏ. Nòi giống, nền tảng gia đình, hoàn cảnh kinh tế, văn hóa hay gọi là gia phong của từng tế bào xã hội mang ý nghĩa quan trọng tới cốt cách và sự hình thành phát triển từng con người cụ thể trong gia đình đó. 

Tôi còn nhớ thuở ấu thơ, tôi là một đứa trẻ ngỗ ngược. Bởi hoàn cảnh gia đình tôi những năm sau hòa bình 54 có nhiều xáo trộn thiên về bi kịch. Cha tôi, một người tham gia kháng chiến có bề dày và thành quả nhưng lại vướng vào chuyện tình ái khi ông đã có vợ và ba chị con gái. Tôi là kết quả của câu chuyện tình ái đó. 

Tất nhiên để giữ được gia đình cha tôi phải hy sinh sự nghiệp. Và bi kịch bắt đầu từ đó. Gia cảnh sa sút do thời cuộc, sự nghiệp chấm dứt, cha tôi dắt díu mẹ con tôi dựng thêm một mái nhà riêng. Bà vợ cả ở cùng 3 chị con gái trong sự thừa nhận của dòng họ. Tôi là một đứa trẻ lanh lợi lớn lên trong cái gia đình luôn bất ổn bởi sự chia rẽ ấy. 

Cha tôi dần tìm đến rượu và có vẻ như ông bất lực buông xuôi. May cho tôi là truyền thống dòng họ dù sa sút nhưng vẫn kịp truyền cho tôi ngọn lửa sống. Tôi bị ép và dần ham mê đọc sách. Thế nên từ rất nhỏ khi chứng kiến cảnh bà mẹ cả và mẹ đẻ tôi luôn ở trong cuộc chiến tranh dai dẳng cộng thêm sự cầm cân nảy mực thiên vị của cha tôi khiến gia đình chẳng bao giờ bình yên thì tôi đã kịp neo mình vào một thế giới khác. Đó là thế giới với chân trời rộng mở của những cuốn sách thần tiên. 

Dù vậy thì tôi cũng chỉ là một đứa trẻ vẫn không thể thoát ra khỏi những hệ lụy. Cuộc chiến tranh gia đình không chỉ tra tấn về mặt tinh thần mà còn là những màn bạo lực tôi phải chứng kiến để dần nhen trong bản năng tôi ý thức phòng thủ. Và tôi trở thành một đứa trẻ cộc cằn, bướng bỉnh luôn xù lông tự bảo vệ mình. 

Thêm biến cố chiến tranh phá hoại tôi cùng các em phải xa Hà Nội, xa gia đình về quê ngoại ở Hà Nam sơ tán. 9 tuổi đầu tôi đã độc lập làm thủ lĩnh của hai đứa em trai. Cứ thế tôi phát triển con người mình bằng một sự hoang dại không thể kìm giữ. Tuổi thơ của một thằng bé Hà Nội về quê sơ tán như tôi là một tuổi thơ dữ dội. Không một trò gì tôi không làm. Những trận đánh nhau long trời lở đất với đám trẻ quê mà đa phần là họ hàng. Trốn học. Đói quắt quay và những miếng ăn trộm cắp để sinh tồn như củ khoai, con cá… 

Hết sơ tán về Hà Nội học. Lại là những đứa trẻ thành phố lêu lổng gặp nhau. Trường học của những năm tao loạn ấy dù môi trường rất tốt nhưng không thể gột rửa hết được những gì hoang dại lũ trẻ như tôi tạo nhập. Chưa hết cấp 3 tôi gần như đã là một thanh niên bất trị, hư hỏng. May mắn là những cuốn sách có giá trị giáo dục cao thời ấy đã cứu tôi. Quân ngũ là cánh cửa mở rộng thời bấy giờ cho những người như tôi phấn đấu để trở thành công dân đúng nghĩa. 

Sa đà vào cá nhân tôi với khúc tuổi thơ trúc trắc cũng để tôi muốn dẫn chứng điều quan trọng ở bức thư này, đó là mọi sự bạo hành phát triển thành bạo lực đều có phần của nguyên cớ gia đình. Tôi sẽ không bao giờ trở thành nhà văn nếu không có những cuốn sách và môi trường quân đội tôi luyện. Một đứa trẻ hư sẽ rất dễ trở thành một công dân xấu.

Chưa bao giờ chúng ta lại lo ngại về bạo lực học đường như hiện nay. Không ít các clip đánh nhau được tung lên mạng. Đó là những hình ảnh một nhóm học sinh nam hỗn chiến với một nhóm học sinh khác. Hoặc là màn tỷ thí của hai học sinh mô phỏng theo hình mẫu chiến binh của game bạo lực. Hơn thế, những nữ sinh duyên dáng xinh đẹp cũng không kém phần dũng mãnh khi lăn xả vào nhau túm tóc, xé áo, cào cấu, đấm đạp nhau. 

Tệ hơn là những trận đánh hội đồng một em gái của những em gái khác là bạn học cùng lớp. Lý do thì đủ loại. Nhưng đặc biệt nguy hiểm là bạo lực xảy ra từ thày và trò. Thày đánh trò, ừ thì chẳng tốt đẹp gì về hành vi của thày, ừ thì còn có thể bao biện lý trấu, lý rơm nhưng nói gì đây khi cá biệt có trò dám đánh thày giữa lớp. Thường đọc một cái tin như thế dù không quen biết nhưng bao giờ tôi cũng thấy bị tổn thương ghê gớm. Môi trường giáo dục biến dạng đến mức ấy bảo sao không lo ngại cho tương lai đất nước.

Khoan hãy nói về nguyên nhân của những sự đau lòng trên, tôi muốn các bạn bình tĩnh nhìn nhận những vấn nạn xã hội trong cái lốt bạo lực hiện nay. Khẳng định không có một ngày nào báo chí lại vắng bóng những điều tra vụ án giết người, những tường thuật về ẩu đả, hỗn chiến của những va chạm những mâu thuẫn thông thường và lớn hơn là thanh toán nhau của những cá nhân, băng nhóm xã hội đen dẫn đến những hậu quả khôn lường. 

Hỏi có ai không thảng thốt khi chứng kiến hàng trăm con người lao vào đánh chết kẻ trộm chó rồi thiêu cả xe lẫn người. Có thể hiểu, họ đã mất đi những con vật yêu quý, thậm chí là đã mất người thân trong khi truy đuổi bị chính bọn trộm chó kháng cự bắn chết để tích tụ lại sự căm phẫn nhưng không thể thông cảm chia sẻ với họ được. Một xã hội đổi mạng những con chó lấy mạng con người thì đau lòng quá. 

Có cần phải kể chi tiết bao nhiêu thảm án đã xảy ra như cơm bữa không? Vợ giết chồng chỉ vì một cơn ghen. Con giết cha chỉ vì một câu nói xỉ nhục. Người chồng cùng tình nhân muốn sống với nhau đang tâm lập mưu giết vợ. Một người cha độc ác giết con chôn ngay trong nhà. Một đám nhậu bạn bè chỉ vì những mâu thuẫn nho nhỏ xung quanh ly rượu cũng đoạt mạng nhau. Rồi làm ăn vay lãi, nợ nần. Những đồng tiền bỗng dưng nhuộm đỏ máu người. 

Đau xót nữa, những bạo lực ở lĩnh vực pháp luật. Người dân chống người thi hành công vụ nhưng đáng tiếc cá biệt có người thực thi pháp luật lại vi phạm pháp luật bạo hành người dân dẫn đến tử vong nơi nhiệm sở. Nhiều lắm, kể chẳng hết được đâu những cái chết muôn vẻ, những thương tật vĩnh viễn không chỉ thương tâm mà còn làm nát tan gia đình, kéo lùi xã hội.

Khi con người bỗng dưng trở nên thú tính ở một thời khắc nào đó đều có thể xảy ra bạo lực dẫn đến án mạng. Vì đâu nên nỗi thế? Xã hội phát triển thay đổi từng ngày diện mạo nhưng không đồng bộ. Sự phát triển kinh tế không tương thích với phát triển văn hóa khiến nền tảng bị lung lay, những tiêu cực khiến xã hội xuống cấp. Gia đình không còn là nơi trú an toàn. Sự dạy dỗ truyền thống ngày càng mai một. Ly hôn phổ biến. Từ bạo hành tinh thần đến bạo hành thể xác trong đó phải kể đến cả bạo hành tình dục phát triển tràn lan. 

Với học sinh và vấn nạn bạo lực học đường đương nhiên được quy lỗi cho gia đình và nhà trường. Giáo dục là quyết định. Trong đó có trách nhiệm của những nhà hoạch định giáo dục có vai trò không nhỏ. Liệu có ổn không khi dạy trẻ cả kỹ năng đi trên thủy tinh. Lòng dũng cảm ư? Có đúng nhưng bạo lực cũng nảy mầm từ đó. 

Tất nhiên không thể bỏ qua nguyên nhân tâm sinh lý của lứa tuổi học trò hiếu động. Truy tìm nguồn gốc bạo lực? Là cái ác bắt nguồn từ nhiều nhẽ. Sự bức xúc xã hội từ chênh lệch giầu nghèo. Những chất gây nghiện như rượu, ma túy. Đạo đức băng hoại. Sự tha hóa từ bản năng đến lý tính. Tha hóa của các lớp người, của giới chức xã hội… Vâng, chẳng còn nghi ngờ gì bạo lực xã hội có thể nói đã ở mức báo động và cần có một cuộc chiến cộng đồng thật quyết liệt dành cho nó.

Tự nhiên viết đến đây, tôi nghĩ đến một câu chuyện nhỏ nhưng lại là sự bất an không nhỏ với nhiều người hiện nay. Đó là cung bậc hành xử với nhau trong đời sống mà ở đó sự hung hãn ít khi vắng mặt. Hôm rồi tôi đạp xe trên đường suýt va vào một xe máy do anh này phóng quá nhanh. Xe đã phanh kịp, anh thanh niên còn rất trẻ trừng mắt như muốn ăn tươi nuốt sống ông già sáu chục:

- Thằng già không sợ chết à?

Chả hiểu sao tôi mỉm cười bật ra hồn hậu, hài hước:

- Đến sống bố mày còn không sợ nữa là chết. Con trai…

Anh ta trân mắt nhìn tôi như nhìn một sinh vật kỳ quái rồi cũng cười mỉm lao vút đi. Nụ cười, tôi nhìn ra như sự công nhận có lỗi. Lòng tôi bất giác tràn ngập niềm vui hy vọng.

Hà Nội 29-2-2016

Phạm Ngọc Tiến
.
.
.