Cuộc đời của Hoàng "ve chai" bên những dòng kênh thối

Thứ Ba, 16/04/2013, 15:53

Dù khó khăn, dù đói nghèo nhưng trong Hoàng “ve chai” toát lên sự hãnh diện và niềm tin vào cuộc sống. Nhất là những lần mò mẫm nhặt được hàng nóng giao nộp cho Công an Hoàng "ve chai" mới tự tin mình không phải là người thừa trong cuộc sống này…

Một chữ cắn đội không biết, làm giấy tờ thì chỉ biết điểm chỉ, 7 người của ba thế hệ sống ọp ẹp trong căn nhà cấp 4 rộng chưa đầy 9m2, từ năm 15 tuổi Nguyễn Văn Hoàng (Hoàng “ve chai”, 49 tuổi, ngụ 295/2/16 Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, Bình Tân) đã mò mẫm dưới những dòng kênh thối, nước đen kịt đến chảy máu tay, chân chi chít sẹo để kiếm ve chai bán đắp đổi qua ngày.

Cũng vì không biết chữ nên có lần Hoàng phải vào tù vì tội lưu hành tiền giả. Ra khỏi trại khi đã thụ án 6 năm, về đến nhà mẹ chết, vợ chết, Hoàng lại tiếp tục lầm lũi dưới những dòng kênh lượm ve chai để nuôi hai đứa con. Tuy nhiên dù khó khăn, dù đói nghèo nhưng trong Hoàng “ve chai” toát lên sự hãnh diện và niềm tin vào cuộc sống. Nhất là những lần mò mẫm nhặt được hàng nóng giao nộp cho Công an Hoàng "ve chai" mới tự tin mình không phải là người thừa trong cuộc sống này…

1. Phải nhờ đến Công an phường Bình Trị Đông chúng tôi mời tìm căn nhà ọp ẹp, 4 bức tường loang lổ và đống ve chai chất như núi trước nhà tại khu hẻm nhà mồ, nơi Hoàng và 6 thành viên trong gia đình sinh sống.

Khi đến nơi cũng là lúc Hoàng “ve chai” vừa đi làm về. Thân hình đen nhẻm, các vết sẹo chi chít trên tay chân và mặc dù tắm gội sạch sẽ nhưng cái mùi của nước cống, nước sình vẫn còn đượm trên người Hoàng ngửi, vẫn còn lượm giọng. Ngồi bên cạnh Hoàng là người vợ vừa gá nghĩa với Hoàng mấy năm nay đang mang thai tháng thứ 8.

Mặc chiếc áo đã sờn vải vào người để ra phép lịch sự với khách Hoàng bộc trực như chính cái nghề mà anh mưu sinh bao mấy chục năm nay "có sao nói vậy". Chỉ vào căn nhà rộng 9m, một gác gỗ nơi 7 người chui rúc hằng đêm Hoàng thổ lộ: Phải vay mượn ki cóp lắm được hơn 2 triệu năm 1991 về đây mua được "miếng đất" rộng 9m2 lấy chỗ cho vợ con chui ra chui vào và cũng để thoát cảnh những ngày tháng ăn ngủ đầu đường xó chợ.

Cứ 7 giờ sáng sau cữ cà phê, Hoàng và chiếc xe ba gác rong ruổi qua các tuyến kênh Tân Hóa Lò Gốm, kênh cạnh CV Đầm Sen, Hiệp Tân bắt đầu một ngày mưu sinh. Mò mẫm dưới dòng kênh đen ngòm đặc quánh, nước bốc mùi hôi thối lâu lâu đụng phải xác chuột chết heo chết và một vài phần thi thể của người.

Mặc mưa, mặc nắng chang chang, hành trang mò mẫm dưới các con kênh là hai chiếc thau sắt luôn mong được đầy phế liệu. "Mỗi ngày kiếm cũng được hơn 100 ngàn lo hai bữa cho con và để dành tiền cho con vợ nó sinh!".

Hỏi Hoàng “ve chai” sao không tìm kiếm ve chai trên cạn cho nó đỡ dơ bẩn và cũng không phải mắc các chứng bệnh nguy hại từ dòng nước đen ngòm này xâm nhập vào cơ thể. Hoàng bồi hồi: "Âu cũng là số phận vì mấy đời nay cả gia đình đều làm nghề mò phế liệu dưới kênh. Lúc còn nhỏ ông bà già còn sức thì làm bốc vác ở khu chợ cá, mẹ đi gánh nước thuê, hết sức cả hai người đều mò mẫm dưới các dòng kênh để kiếm phế liệu! Nhặt trên bờ thì sạch sẽ đó nhưng nhiều người nhặt quá thu nhập không bao nhiêu. Nước dưới kênh có đen, có bẩn nhưng nhiều lúc cũng "vô mánh" lắm nha chú!".

2. Chúng tôi tò mò vì chuyện "vô mánh" của Hoàng “ve chai”, Hoàng thật lòng: Trước đây nhà mọc san sát trên mặt kênh nhiều khi mò mẫm dưới nước vớ được vài ba phân vàng mà tụi con nít bơi dưới kênh vô tình rơi. Những con kênh đen thường là chỗ của các đối tượng trộm cắp phi tang tang vật cho nên nhiều lúc vớ bẫm. Có một lần đang mò mẫm ở dưới kênh Hoàng đụng một  khối sắt lớn nặng hơn chục ký. Lôi được ra khỏi đám sình Hoàng rửa sạch khối sắt này thì mới biết đó là sườn xe gắn máy. "Mấy thằng ăn trộm luộc hết phụ tùng xong, quăng sườn xe xuống kênh phi tang, ngày hôm đó tôi mò được cả chục cái sườn xe như vậy chở không nổi phải thuê xe ba gác chở đi bán!".

Rồi có lần mò mẫm dưới kênh ông phát hiện một khối sắt lớn nửa lập lờ trên mặt nước nửa bị chôn dưới sình. Trầy trật lắm ông Hoàng mới lôi lên khỏi mặt nước, hóa ra khối sắt này là một két sắt đã bị phá bung cửa nhưng bên trong một số giấy tờ chưa bị nát. Phải nhờ 5-6 người đến phụ ông mới đưa két sắt lên bờ. Cái két thì được bán cho vựa ve chai còn giấy tờ bên trong ông đem giao nộp cho Công an phường. Công an phường thông báo giấy tờ tìm được nhiều người nhận lại đến tận nhà hậu tạ ông vài trăm làm quà. Nghĩ đến việc làm nhỏ của mình lại đem lại cho người khác hạnh phúc ông cũng thấy vui lây.

Ông nhớ lại kỷ niệm có lẽ là đáng quên nhất của quãng thời gian ông mò phế liệu dưới kênh khi dính vào vòng lao lý mà không hiểu lý do gì mình phải ngồi tù. Qua câu chuyện của ông, nhìn vào những dấu điểm chỉ trên giấy tờ, chúng tôi cũng hiểu ra phần nào. Suy nghĩ của một người luôn phải vất vả để kiếm sống, không học hành thì chuyện tự dưng có một vài chục triệu trong tay thì hỏi làm sao mà không "sướng" cho được.

Đó là vào khoảng năm 1997, ông Hoàng mò mẫm dưới đoạn kênh gần cầu Phú Lâm thì phát hiện chiếc giỏ cói bên trong có 18 triệu đồng tiền mặt (loại mệnh giá 10 ngàn). Đôi tay chai sần run rẩy khi lần đầu tiên cầm một số tiền lớn, ông Hoàng đâm lo lắng. Ngó lên trên đường nắng chói chang, người qua lại thưa vắng ông Hoàng trút bộ đồ ướt đẫm nước sình thay bộ đồ mới và bọc gói tiền cẩn thận lấp dưới đống ve chai chạy về nhà. Nhìn thấy số tiền lớn cả nhà mừng rơn vì tưởng tượng ra bữa cơm ăm ắp thịt cá.

Ông Hoàng giao nộp vũ khí mò được cho cơ quan Công an.

"Trước giờ có bao giờ cầm tiền nhiều đến như vậy nên tôi đâu có biết đó là tiền giả. Có tiền chia cho mỗi người vài trăm rồi đi mua sắm đồ trong nhà còn lại tôi đem giấu kín để tiêu xài. Xài được vài bận thì người ta nói đó là tiền giả rồi tố cáo tôi với Công an. Nghe nói tiền giả tôi vừa không tin, vừa sợ nên về nhà lấy số tiền hơn 10 triệu còn lại đem ra đốt hết. Hôm Công an đến bắt, số tiền còn lại chỉ hơn 100 ngàn trong túi áo"- ông Hoàng cười buồn!

Rồi ông Hoàng bị kêu án 6 năm, cải tạo dưới Đồng Tháp. Trong thời gian ngồi tù mẹ chết, vợ chết nhưng ông không được gặp mặt. Ra tù được chính quyền hỗ trợ chiếc xe ba gác ông lại tiếp tục công việc lượm ve chai bị ngắt quãng.

3. Căn nhà nhỏ dưới cái nóng hơn 37 độ C nơi chúng tôi ngồi nói chuyện với ông phải khép chân lại mới đủ chỗ nhưng cái nóng của thời tiết không làm đứt quãng mạch truyện về những vụ ông mò được súng. Những khẩu súng hay hung khí ông nhặt được đều nằm trong những chuyên án mà vật chứng đã bị các đối tượng phi tang dưới dòng kênh đen ngòm khó tìm thấy. Từ những hung khí như mã tấu, khẩu Rulo, K54 mà ông Hoàng mò được đã góp phần nào làm cho các chuyên án cướp của, giết người được sáng tỏ.

Ông Hoàng nhớ lại. Buổi trưa một ngày năm 2004, ông Hoàng kéo hai chiếc chậu nhôm trên kênh nhưng bên trong hai chiếc chậu chưa có mảnh phế liệu nào đáng kể. lúc này bàn tay ông mò phải vật gì như một chiếc khăn lông quấn tròn, ông đưa lên khỏi mặt nước. Giở từng lớp vải ra ông phát hiện bên trong là khẩu Rulo và 6 viên đạn còn mới. Ông Hoàng giật mình và chưa biết xử lý như thế nào nên lên bờ châm  thuốc. Với cách nghĩ thật đơn giản của một con người lao động chân tay dùng, đổi mồ hôi công sức để có cái ăn, ông nghĩ nếu đem bán khẩu súng này với người cần nó mình cũng có vài ba triệu nhưng nếu khẩu súng này lọt vào tay tội phạm thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. 

Sau vài hơi thuốc, ông Hoàng đem nộp khẩu súng cho Công an với ý nghĩ "đã ngồi tù vì không biết tiền thật tiền giả nay lại đem bán khẩu súng chẳng khác nào vô tình tiếp tay cho tội phạm". Năm đó nhờ giao nộp khẩu rulo lần đầu tiên trong nhà ông có tấm giấy khen mới tinh mà UBND quận trao tặng.

Cơ duyên mò được hung khí liên tục đến với ông Hoàng.  Một năm sau khi mò được khẩu Rulo ông mò tiếp được khẩu K54 và cũng đem lên phường giao nộp cho công an. Ghi nhận việc làm của ông Hoàng, xét thấy gia cảnh khó khăn UBND quận Bình Tân đã tặng ông chiếc xe gắn máy để dêz dàng mưu sinh. Ngồi bên cạnh, vợ ông Hoàng nói vào: "Khổ quá có chiếc xe của UBND tặng nhưng vì con đau bệnh, nhà khó khăn nên chỉ một thời gian ngắn sử dụng để chạy Honda ôm anh Hoàng phải bán đi chiếc xe kỷ niệm rồi tiếp tục với công việc mò phế liệu của mình".

"Nói mấy chú không tin chứ ngoài súng ra tôi còn nhặt được nhiều hung khí như mã tấu, dao nhưng tôi không bán phế liệu mà đem giao hết cho Công an. Mấy đợt nhà dột quá sửa lại mấy tờ giấy khen của phường cũng bị hư hết, tiếc đứt ruột. Nghe tôi hay mò được hung khí, súng nhiều đối tượng lân la "đặt hàng" mua lại nhưng tôi từ chối thẳng. Khẩu súng với 6 viên đạn mà tôi mò hôm 20-3 này nhiều đứa hỏi mua nhưng tôi không bán mà giao nộp. Nghèo thì nghèo, không biết chữ  chứ tôi biết làm vậy là trái pháp luật phải không chú".

Ông Hoàng và cháu ngoại.

Để những đối tượng choai choai không đi theo gạ gẫm mua lại hung khí mà ông nhặt được, ông Hoàng thường găm hung khí mò được dưới sình rồi đánh dấu lại. Khi kết thúc ngày mò phế liệu ông đến lấy hung khí giấu dưới đáy xe tắm rửa sạch sẽ và tìm đến công an phường. Từ việc làm của ông Hoàng, nhiều lần công an quận Bình Tân coi ông như một nhân tố tích cực trong phong trào toàn dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và lấy ông làm điển hình trong các cuộc họp dân.

Những con kênh thối, ngập ngụa rác trong thành phố đang trong quá trình thi công để thay vào đó một diện mạo mới trong xanh và sạch đẹp hơn đó cũng là nỗi lo của người đàn ông hơn 30 năm ngâm mình kiếm cơm trong dòng kênh rác. Có lúc ông Hoàng suy tư mông lung lắm khi nghĩ đến tương lai phía trước, bởi những dòng kênh thối, ngập ngụa rác này là nơi ông mò mẫm lượm phế liệu đổi hai bữa cơm cho cả gia đình.

Đăm chiêu một hồi và sau tiếng thở dài não ruột, ông nói sang sảng: "Ai mà không muốn thành phố ngày càng sạch đẹp hơn, không có những dòng kênh này thì tôi cũng phải đổi nghề thôi chứ biết làm sao bây giờ mấy chú. Cả mấy đời một chữ cắn đôi cũng không biết nên giờ có đứa cháu ngoại tôi mong nó được học hành như những đứa trẻ khác, để nó đỡ khổ hơn ông, hơn mẹ nó. Bởi vậy giờ còn làm được ngày nào hay ngày đó, chỉ mong phía chính quyền xem xét cho đổi cái KT3 (hộ khẩu tạm) để nhà cửa ổn định có cái mà chui rúc qua ngày"

M.Đức
.
.
.