Cuộc đời đẫm nước mắt của cô đào chuyển giới

Thứ Tư, 27/12/2017, 16:10
Đêm Giáng sinh, đường phố lộng lẫy ánh đèn, ông già Noel trong bộ cánh đỏ rực càng khiến lòng Trang Kim Sa nao nức, não nề. Ông nhớ đến thời hoàng kim trên sân khấu, được “lột xác” thành ả đào, cháy hết trái tim cho tình yêu ca hát...

Một thời gian khó

Trước khi gặp cô đào Trang Kim Sa, chúng tôi gặp bà Ngân để “tham vấn” về danh xưng cho phải phép. Bà Ngân cười xòa: “Tôi thì vẫn gọi bằng ông Sang, còn các cô gọi bằng gì cũng được. Bây giờ đâu quan trọng nữa”.

Bà Ngân nói vậy thôi nhưng ai cũng hiểu, trong tâm hồn của người chuyển giới lớn tuổi nhất Việt Nam Trang Kim Sa vẫn luôn khát khao được người khác xem là phận nữ.

Chúng tôi ngồi với bà Ngân một hồi thì thấy ông Sang lê đôi dép trở về phòng trọ. Đầu ông nghiêng sang một bên, chiếc mũ lưỡi trai tun hủn trên mỏm tóc loe hoe.

Ông Sang tỏ rõ sự mệt mỏi sau một buổi đi bán vé số. Tay ông cầm bột bông hoa tuyết, có lẽ nhặt được ngoài đường mang về cắm trên vách tường. Chợt đôi mắt ông long lanh khi nhớ về những đêm Giáng sinh của một thưở...

Ông sống trong cảnh nghèo khó, phải đi bán vé số kiếm sống.

Ông nhớ ánh đèn sân khấu, nhớ đêm rét mướt ở trời miền Trung phục vụ khán giả thôn quê. Ông bảo rằng, người quê nhìn pê đê chỉ thấy lạ mắt thích thú thôi chứ họ không hề mang định kiến hà khắc. Họ sẵn lòng cho mớ rau, con cá để đoàn nấu ăn. Cái nhìn của họ về giới “bóng gió” cũng nhẹ nhàng, đáng yêu.

Trang Kim Sa tên thật là Ngô Văn Sang (73 tuổi, tại TP. Hồ Chí Minh). Sang mê ca hát từ ngày còn là cậu bé tóc để chỏm, cùng với khiếu diễn xuất trời phú, Sang nhanh chóng trở thành diễn viên nhí của xóm.

Năm 14 tuổi, cha mẹ đột ngột qua đời khiến Sang chơi vơi. Sang lang thang tìm những gánh lô tô dạo xin hát kiếm cơm. Giọng ca của cậu nhanh chóng thu phục được các đoàn trưởng của gánh hát lớn như Mây Trắng, Hải Đăng. Có nơi để được đi hát, được thỏa sức vẫy vùng, Ngô Văn Sang nổi lên như một thần tượng. Từ đó, ông đổi nghệ danh của mình thành Trang Kim Sa.

Ông Sang luôn hoài niệm về quá khứ là cô đào lô tô.

Kiếp cầm ca

Trang Kim Sa đi không biết mệt mỏi khắp các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống miền biển. Ở đâu có Kim Sa là ở đó cuốn hút sự chú ý của khán giả.

Không biết từ khi nào, Kim Sa rất muốn được làm một cô gái má phấn môi son, uốn éo trên sân khấu biểu diễn, nhưng các đoàn hát lớn không cho ca sĩ “hóa thân, thoát xác” khiến Kim Sa rất buồn.

Rồi một ngày, Kim Sa nhận ra, trong thân xác đàn ông của mình là một tâm hồn nữ yếu đuối, bi lụy, cần được chở che. Kim Sa âm thầm “điều chỉnh” cơ thể, để được trở về với hình hài trong dòng máu của mình. Kiếm được bao nhiêu tiền, Sa mua sắm nữ trang, kem phấn để tô vẽ thân phận rồi mua thuốc về tự tiêm cho cơ bắp teo lại, cho rụng hết lông...

Kim Sa bỏ đoàn, kết thân với một vài người bạn có cùng “thân phận” gia nhập vào các gánh hát lô tô, phiêu lưu bạt xứ. Họ trở thành những cô đào “chuyển giới” mang sự mới lạ và tiếng cười đến cho thiên hạ.

Nhớ lại thời điểm đó, Trang Kim Sa rớt nước mắt: “Ngày đó cứ nghĩ được là chính mình thì hạnh phúc nhất rồi, đâu quan tâm đến con mắt người đời. Có hôm đang đứng hát trên sân khấu, vài người đàn ông hiếu kỳ nhảy lên vén váy xem “hàng hóa” thế nào. Lúc ấy chỉ biết mỉm cười miễn cưỡng chứ đâu thể làm gì, đêm về mới dám khóc”.

Cứ tiêm, bơm, uống thuốc hoài, dần dần Trang Kim Sa cũng đẩy được thân xác đàn ông ra khỏi cơ thể.

Hình ảnh Trang Kim Sa xuất hiện trên các áp phích, băng rôn, biểu ngữ quảng cáo với mái tóc chấm gót, bờ môi đỏ mọng, vòng eo thon thả đẹp mĩ miều, kiêu sa lộng lẫy. Hôm nào đoàn lô tô cũng bán “cháy” vé. Nghiệp diễn của Kim Sa thăng hoa, quên hết bệnh tật và vết thương vẫn đang âm ỉ rỉ máu trong những lần “cắt, gọt, bơm, hút...”.

Thế rồi cái gì cũng có giá của nó, vì chuyển giới theo phương pháp “thợ hàn xì” nên một vài người bạn của Kim Sa đã chết. Người còn lại sống trong cảnh lay lắt, bệnh tật bủa vây, không còn sức khỏe đứng trên sân khấu.

Trang Kim Sa cho biết, có đêm ông “máu me” hát liên tục hai tiếng đồng hồ không biết mệt, chỉ đến khi người bạn ra hiệu xuống nghỉ mới chịu lui xuống. Vừa trở ra, ông giật mình khi nhìn thấy máu chảy xuống chân và cảm giác đau bụng. Đêm ấy ông phải vào viện cấp cứu, nếu không nhanh có lẽ đã chết rồi.

Việc Trang Kim Sa chuyển giới chỉ những người trong gánh hát biết, còn người thân tuyệt nhiên không hay. Kim Sa vẫn giấu nhẹm chuyện này, bởi ngày đó định kiến ghê gớm lắm, không ai chấp nhận cả. Cho nên, nỗi đau đớn về thể xác cũng phải cắn răng chịu đựng, không dám kêu ca.

Mỗi chuyến đi lưu diễn, Kim Sa luôn “gặt hái” được vài mối tình. Có người vì mê giọng hát của ông mà yêu, có người vì ham nhan sắc nuột nà, trắng nõn... Nhưng tất cả khi biết rõ ngọn ngành thân phận đều lặng lẽ rời xa Trang Kim Sa.

Trong nhiều mối tình như thế, Trang Kim Sa nhớ nhất người đàn ông tên Thanh Tú. Đó là mối tình chân thật, da diết và sâu lắng dành cho Kim Sa, dù biết người ấy vẫn mang thân xác đàn ông.

Trớ trêu thay khi dẫn về nhà thì cô em gái lại đem lòng yêu Kim Sa. Không đành lòng trước chuyện tình trái ngang này, Kim Sa dứt áo ra đi.

Cả cuộc đời bà Ngân dành tình yêu cho ông Sang.

Vẫn còn một bờ vai

Tình yêu của khán giả đã đốt cháy niềm đam mê ca hát của Trang Kim Sa, ông khẳng định, nếu sau này được chết trên sân khấu là điều hạnh phúc nhất. Tuy nhiên, ông trời đã không cho Trang Kim Sa thực hiện được ước mong ấy.

10 năm trước, trong đêm diễn tại một sân khấu ngoài trời vùng ven thành phố, Trang Kim Sa đang say sưa “phiêu” với những bài “tủ” theo năm tháng của mình thì tự nhiên mắt mờ, tai ù, đầu quay cuồng.

Trong tích tắc, cô đào ngã khụy xuống sàn diễn bất tỉnh. Ông bị chẩn đoán tai biến mạch máu não, liệt nửa người. Nằm viện điều trị nhiều tháng, Trang Kim Sa phải giã từ sân khấu. Vậy là sau hơn ba mươi năm sống phận cô đào, tung hoành ngang dọc khắp nơi, chỉ có tiền là không ở lại với Trang Kim Sa.  

Bi kịch tưởng như không thể cứu vãn nổi những ngày cuối đời thì Trang Kim Sa gặp được bà Lê Thị Kim Ngân (66 tuổi), người bạn ngày xưa chung xóm. Biết Kim Sa lâm nạn, bà Ngân đã đứng ra cưu mang, đùm bọc, chở che và trở thành cặp đôi không thể tách rời.

Bà Ngân trở thành người bạn tri kỷ cuối đời của ông Sang.

Ngày ra đi, ông Sang trai tráng vạm vỡ, tràn đầy hoài bão. Ông được sống với lý tưởng của chính mình, được làm tất cả những gì mình thích, còn bà Ngân vẫn lặng lẽ một đời, không mưu cầu hạnh phúc với ai. Bởi trong trái tim của bà, từ ngày mới biết run rẩy đã dành cho ông Sang.

Bà mải miết chờ đợi ông, cho đến ngày gặp lại thì vỡ òa bằng nhiều cảm xúc. Người ta ái ngại, thương cảm cho bà, nhưng bà thì xua tay, nói rằng mình hạnh phúc vì cuối đời vẫn gặp được “chàng trai năm xưa”. Bà không cần biết ông Sang có mang hình hài gì đi nữa vẫn là người đem lòng yêu thương.

Bà tranh thủ đi phụ bán quán ăn, kiếm tiền lo cho ông Sang. Khi sức khỏe tốt hơn một chút, ông Sang ngỏ ý đi bán vé số phụ bà Ngân chi trả tiền phòng trọ và sinh hoạt hàng ngày. Bà Ngân không chịu vì ông Sang còn yếu, bà muốn dành phần khó nhọc về mình. Nhưng lòng tự trọng của một người làm nghệ thuật không cho phép ông Sang “ăn bám” vào ai. Thế là, ông quyết tâm thực hiện theo ý mình.

Sau những biến cố, Trang Kim Sa ngày xưa giờ gò má cao vút, hốc mắt sâu hoắm, mái tóc bạc gần hết, đôi chân lều khều, tập tễnh. Lâu ngày không được chăm sóc nhan sắc nên thần thái cũng chuyển dần về diện mạo đàn ông và cái tên Trang Kim Sa cũng lùi về dĩ vãng.

Riêng nước da trắng mướt và bờ môi đỏ mọng của cô đào ngày xưa là còn nguyên vẹn. Trong xóm nhà trọ tại phường Trường Thọ (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) người dân đã quen với tên gọi “ông Sang vé số” một cách đầy thương cảm.

Những khi nhớ nghề, nhớ những tháng năm lăn lộn theo gánh lô tô, chà xát tuổi thanh xuân và khát vọng cống kiến nghệ thuật, thi thoảng ông Sang lại khe khẽ cất giọng hát. Chất giọng dù được tôi luyện để ra âm sắc con gái nhưng vẫn lẩn khuất chất trầm khàn, ù ụ của một ông lão “gần đất xa trời”. Tuy nhiên, từng lời của ông vẫn da diết đến cháy lòng, chứa cả một ước mơ vụn vỡ.

Ngọc Hoa
.
.
.