Phạm nhân Nguyễn Thị Ngoan, Trại giam Ngọc Lý:

Cuộc đời hồi sinh từ những trang sách

Thứ Năm, 17/10/2013, 19:00

Những ngày này bão liên tiếp đến rồi đi, trời lúc nào cũng mây đen vần vũ, gió cuốn ù ù ngoài cửa sổ. Trời đã cuối thu, những cơn bão kéo đến mang theo hơi lạnh bủa vây khắp nơi. Vậy mà trong lớp học xóa mù trong Trại giam Ngọc Lý hôm đó, hàng chục mái đầu cả xanh, cả bạc vẫn đang cần mẫn bên trang giấy, lớp học ấm cúng và trật tự đến không ngờ…

Người đàn bà 60 tuổi mới biết mặt chữ

Lớp học đặc biệt đó có khoảng 40 phạm nhân với bộ đồng phục cũng đặc biệt, đó là kẻ sọc đen trắng. Cô giáo là một nữ quản giáo trẻ với với mái tóc đen dài và khuôn mặt rất hiền hậu. Cô nắn nót viết lên bảng dòng chữ “Tiếng Việt – Tình làng nghĩa xóm”. Ở dưới, những mái đầu nghiêng nghiêng, bàn tay hý hoáy viết vào vở, nhìn lớp học đó chẳng khác gì lớp của những đứa trẻ nhỏ. Cũng thái độ chăm chú của trò và sự ân cần của cô, khác chăng, học trò ở đây là những người đã từng gây ra tội lỗi trong quá khứ, họ là những người chưa từng được tiếp xúc với chữ nghĩa, tri thức, giờ họ đang được hồi sinh để làm lại tất cả.

Hôm đó, được sự giới thiệu của Đại úy Phan Đình Phấn, Đội trưởng Đội giáo dục, Phân trại số 1, Trại giam Ngọc Lý, tôi đã được ngồi dự ở lớp học đặc biệt trong trại giam. Ở đó, tôi đã được chứng kiến sự nỗ lực, cố gắng của những con người từng một thời lầm lỡ trong việc tiếp cận tri thức. Ngoài trời mưa vẫn giăng kín lối, gió vẫn gào thét bên cửa sổ, nhưng trong lớp học, cô giáo vẫn đang kiên nhẫn giảng giải, định nghĩa cho các học trò của mình thế nào là tình làng nghĩa xóm, là sự yêu thương, hòa thuận giữa con người với con người.

Từ lời giảng của cô, bao nhiêu cái đầu từng tối tăm, u mê, giờ mới ngộ ra những điều giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa, đó là tình yêu thương và sự sẻ chia trong cuộc sống. Người đàn bà lớn tuổi với mái tóc bạc trắng, cặp kính lão trễ ngang sống mũi đang ngồi nắn nót chép những lời cô giảng vào cuốn vở ô li học trò. Theo cô giáo của lớp, đó là học trò lớn tuổi nhất, đồng thời cũng là người biết đọc sớm nhất lớp.

Phạm nhân lớn tuổi đó tên là Nguyễn Thị Ngoan, năm nay ngoài 60 tuổi, quê ở Lộc Bình, Lạng Sơn. Trong lớp, khi cô giáo hỏi: “Ai có thể nói rõ thêm cách hiểu của mình về tình làng nghĩa xóm?”, người học trò ngoài 60 tuổi đã giơ tay và phát biểu rằng: “Tình làng nghĩa xóm là truyền thống của người Việt Nam. Giữa con người với con người là sự yêu thương, hòa thuận, chia sẻ những lúc hạnh phúc hay khốn khó với những người sống quanh mình”. Thú thực, khi nghe người học sinh “già” đó phát biểu, tôi đã rất bất ngờ. Bởi qua cách hiểu, cách nói của bà thể hiện là người rất hiểu biết, được học hành bài bản chứ chẳng phải là người giờ mới học đọc, học viết. Trong lớp hôm đó, khi đến giờ học toán, phạm nhân Nguyễn Thị Ngoan cũng xung phong lên bảng và làm các con tính với kết quả chính xác.

Sau giờ học, tôi nán lại để gặp người học trò lớn tuổi mà học giỏi này. Thấy tôi chủ động bắt chuyện, người phạm nhân lớn tuổi có vẻ hơi ngại ngần, e dè. Bà bảo rằng, bà rất khổ sở khi nghĩ đến tội lỗi cùng những gánh nặng khốn khó ở ngoài đời mà những người thân của bà đang gánh chịu. Thế nên bà Ngoan muốn giấu nỗi đau đó vào nơi sâu thẳm trong tâm hồn, không muốn khuấy động quá khứ đau buồn lên để lòng dạ thêm rối bời. Giờ bà muốn tạm quên đi nỗi buồn đó để lao động, cải tạo tốt. Nhưng khi tôi nói, cần phải coi quá khứ như một phần của cuộc sống, bởi có quá khứ mới có hiện tại, không thể chối bỏ quá khứ và tránh xa nó, như thế sẽ khiến cuộc sống hiện tại của mình khó khăn và nặng nề hơn, người đàn bà đó nhận ra sự chân thành và đã chia sẻ cuộc đời mình.

Ảnh minh họa.

“Tôi phải học để thay đổi số phận, dù muộn”

Người phạm nhân lớn tuổi tên Ngoan đã kể rằng, bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở huyện Lộc Bình, Lạng Sơn – mảnh đất nghèo ở vùng biên giới Tổ quốc. Bà Ngoan lấy chồng sớm, bởi bà rất đẹp nên nhiều người đàn ông đã theo đuổi. Nhưng mỗi con người đều có số phận, cô thiếu nữ tên Ngoan xinh đẹp, làm ăn chăm chỉ, dù có bao người tử tế mang lòng yêu thương, nhưng cô lại lấy phải một người chồng hèn kém, bạc nhược. Anh ta lười nhác, mọi công to việc lớn trong gia đình đều trông cả vào vợ. Không chỉ vậy, càng ngày người chồng này càng đổ đốn khi nghiện rượu, suốt ngày say xỉn, về đến nhà lại đập phá đồ đạc, chửi bới vợ con. Ba đứa con của hai vợ chồng lần lượt ra đời, cuộc sống của người đàn bà xinh đẹp chẳng phải nói cũng đủ biết nó khó khăn, bí bách và chán chường thế nào.

Đến khi đứa con thứ ba được 2 tuổi thì bà Ngoan quyết định ly dị chồng. Đối với bà, việc giải thoát khỏi người chồng bạc nhược chính là cách để cứu lấy mấy mẹ con khỏi cuộc sống địa ngục. Bốn mẹ con kéo nhau lên gần biên giới thuê nhà, bà Ngoan làm cửu vạn khuân vác hàng thuê để có tiền nuôi đàn con. Cuộc sống vất vả, khó nhọc trôi qua, có những lúc bà tưởng không thể vượt qua nổi vì đàn con đang tuổi ăn, tuổi học, mình bà gánh vác quá vất vả, khó khăn. Nhưng rồi lần hồi cũng qua, tuy có vất vả nhưng mấy mẹ con luôn cảm thấy bình yên và vui vẻ. Con đường mà mẹ con bà đi tưởng sẽ êm đềm cho đến tận cuối, thế nhưng chính bà lại đâm quàng vào bụi rậm, để rồi sau đó phải tiếc nuối và tự trách mình.

Cho đến khi nhận lời vận chuyển trái phép chất ma túy, bà Ngoan bao biện rằng, vì bà đã kiệt sức trong việc kiếm tiền mà cuộc sống của mấy mẹ con vẫn thiếu thốn, nên bà đã nhắm mắt làm liều. Bà nghĩ rằng chỉ làm một lần rồi thôi, sau đó chẳng ai biết đấy là đâu. Nhưng rồi bà đã bị sự hấp dẫn của đồng tiền làm cho lóa mắt.

Sau khi “đi hàng” lần một kiếm được khoản tiền kha khá, bà Ngoan lại chuẩn bị cho chuyến đi lần sau. Nhưng chưa kịp phạm tội lần nữa thì bà Ngoan đã bị bắt. Khi ấy, cô con gái lớn của bà đang chuẩn bị cưới chồng, còn hai đứa con sau đều đang đi tìm việc để làm, giúp đỡ mẹ trang trải cuộc sống. Bà Ngoan chia sẻ rằng, đến khi vào trại bà mới ngẫm ra rằng, nguyên nhân sâu xa là do bà thất học, vì chẳng học hành, chữ nghĩa nên mọi chuyện bà đều giải quyết nông cạn, thiếu hiểu biết, do vậy mới dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Hồi mới vào trại, bà Ngoan luôn trong trạng thái buồn tủi, ân hận và khổ tâm. Bà thương đứa con gái lớn, vì chuyện tù tội của mẹ mà đám cưới bị hoãn, bà thấy giận chính bản thân mình, già rồi mà còn u mê tăm tối. Bà cứ ôm mãi những nỗi buồn ấy trong lòng, cho tới khi bà nhận ra được cội rễ những sai lầm của mình chính là sự thất học, thế nên bà đã quyết tâm phải học để thay đổi cách nhìn, thay đổi cuộc đời, dù muộn. Bà đăng ký ghi tên vào lớp học xóa mù của Trại với thái độ háo hức, hân hoan như đứa trẻ lần đầu tiên được tới trường.

Bởi bao năm qua, chữ nghĩa với bà thực sự là xa xỉ, bao điều bà muốn biết, muốn khám phá thì đều phụ thuộc vào cách hiểu, cách nghĩ của người khác, nên bà tự cảm thấy mình thiển cận và suy nghĩ nông cạn. Chính bởi vậy, ngay lần đầu tiên khi vào lớp học, bà Ngoan đã đặt ra mục tiêu rằng, phải học chăm chỉ, sớm biết chữ để viết thư về cho con. Sau đó bà có thể tự đọc, tự khám phá những điều mình quan tâm về thế giới xung quanh, mọi thứ sẽ mở mang đối với bà. Với mục tiêu đó, bà Ngoan đã học và tiếp thu rất nhanh, bà trở thành một trong số những học sinh học khá nhất lớp. Bà nói rằng, học cũng là một cách để bà giải tỏa muộn phiền, và vì đã lớn tuổi, bà không muốn mọi người nhận xét rằng “lớn đầu mà dại”.

Khoảng một tháng sau bà đã có thể viết cho các con một bức thư dài, tự đọc được những dòng chữ trên bảng nội quy và ở những tờ báo cũ trong Trại. Một chân trời mới mở ra, bà Ngoan được thỏa thuê với những thông tin xung quanh mình, được biết đến những sự kiện, con người và thế giới xung quanh qua cách đọc, cách hiểu của chính mình. Bà thấy sao thật kỳ diệu. Tuy vậy, trong sâu thẳm tâm hồn bà vẫn thấy buồn và chạnh lòng, bởi suốt từ khi vào trại tới nay (gần 2 năm), các con của bà chưa một lần tới thăm bà, và bà hoàn toàn mất liên lạc với chúng.

Bà Ngoan sụt sùi: “Ngay khi có thể viết thư, tôi đã gửi lá thư gần 2 trang giấy về cho các con. Trong đó tôi đã xin lỗi đứa con gái lớn rất nhiều, vì tôi mà nó bị hoãn cưới, mà có cưới thì gia đình chồng nó có coi thường con gái tôi không. Rồi tôi viết thăm hỏi hai đứa con bé, xem chúng dạo này thế nào, đã tìm được công việc gì ổn định chưa. Vậy mà đến giờ chẳng thấy đứa nào hồi âm, và cũng chẳng thấy chúng lên thăm tôi. Hay ở nhà chúng đã có chuyện gì?”.

Giữa lúc trời mưa bão bên ngoài, thêm những giọt nước mắt tủi thân của người đàn bà lớn tuổi dưới mái nhà bình yên, bỗng thấy quanh quẩn đâu cũng là bão giông. Nhưng rồi bà Ngoan bảo: “Cũng may mắn cho tôi và bao phạm nhân khác ở đây, chúng tôi đã được gặp những cán bộ quản giáo thật tốt bụng, “các thầy, cô” luôn quan tâm và giáo dục chúng tôi, định hướng cho chúng tôi có suy nghĩ tích cực, tư tưởng thoải mái để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Với những phạm nhân như tôi, mặc dù không có người nhà đến thăm nom, nhưng các quản giáo cũng thường xuyên đến động viên, chuyện trò, giúp chúng tôi bớt mặc cảm và buồn phiền. Chính bởi vậy, tôi luôn tự nhủ, phải học thật tốt, lao động thật chăm chỉ để trả ơn các thầy, cô, và được sớm trở về với các con”. Có lẽ, tình người ở đất trại và những kiến thức từ trang sách đã hồi sinh người đàn bà đã một thời lầm lỡ

H.Giang
.
.
.