Cuộc đời nhiều thăng trầm của giang hồ Xóm Gà

Thứ Hai, 29/07/2019, 10:41
Ba Sáng (Nguyễn Văn Sáng, 70 tuổi), sinh ra ở Hóc Môn trong một gia đình có tới 7 người con. Cha ông làm nài ngựa cho một điền chủ cao su đất Bình Dương, mẹ là chủ sòng gà nổi tiếng tại Hóc Môn. Ba vắng nhà thường xuyên rồi có vợ bé, có thêm em nên cuộc sống gia đình Ba Sáng sớm cảnh chia lìa.


Mấy anh em của ông lớn lên cùng với những trận đá gà gay cấn, những cuộc cãi vã, chửi thề ngày qua ngày của mẹ và đám đàn em. Tuổi thơ của Ba Sáng in đậm hình ảnh những "chiến binh gà" kiêu căng và háu đá trong các trận "huyết chiến".

Ám ảnh với gà rồi mê gà lúc nào không hay, 8 tuổi, Ba Sáng đã là một huấn luyện viên gà. Chỉ cần nhìn vào đôi chân, chiếc mào ông có thể nhận định được chú gà nào thiện chiến có thể trở thành "đế vương" trong một trận đấu. 10 tuổi, Ba Sáng theo chân đệ tử của mẹ đi săn tìm gà đá khắp nơi.

Một thời, Xóm Gà nổi danh với các trận đá gà kinh điển.

Trong thế giới của gà đá, là những mặt người đầy rẫy mưu mô hiểm ác. Họ không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích lớn nhất là thắng cuộc, giật giải, thu tiền. Chính vì thế, những huấn luyện viên như Ba Sáng phải là người sẵn sàng "đổ máu" để có được chiến binh gà.

Ở Hóc Môn thời ấy, hễ nhắc tới Ba Sáng, con trai của Đào "gà" thì ai cũng phải xanh mặt. Những năm 1965 - 1968, chiến tranh nổ ra ác liệt, Hóc Môn, Củ Chi trở thành vùng đất "thép" mịt mù bom đạn. Sòng gà của bà Đào tan tác, những đứa con của bà chạy loạn khắp nơi, một nửa về Bình Dương cùng cha, Ba Sáng và hai đứa em theo mẹ lên Xóm Gà (Q. Gò Vấp giáp với Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh ngày nay).

Tên Xóm Gà là do người dân tự đặt theo đặc điểm ngành nghề, văn hóa sinh sống bởi hồi đó ở đây chuyên gà thịt, gà đá. Có thời, Xóm Gà trở thành một trong những trường gà đá lớn nhất Sài Gòn - Gia Định.

Sẵn có vốn kinh nghiệm dày dạn về gá đá, mẹ con Ba Sáng sớm tung hoành ngang dọc. Bà Đào tiếp tục mở sòng gà, thu nhận đệ tử bảo vệ. Ba Sáng lúc này là thanh niên 18 tuổi nhưng có thừa mưu mô dối trá lọc lừa, được mẹ cho chỉ huy 10 tên đàn em, phụ trách khâu xử lý những vấn đề xã hội, chẳng hạn như dàn xếp tỷ số, dằn mặt đối thủ và đối ngoại với đám cảnh sát Ngụy.

Ở Xóm Gà một thời bà Đào "gà" hô mưa gọi gió, tiền kiếm được từ sòng gà, bà Đào đốt vào những cuộc ăn chơi vô tội vạ. Bà bắt đầu đi bar, học nhảy đầm rồi cặp kè với mấy ông Tây, bà giao hẳn việc quản lý sòng gà cho con trai Ba Sáng.

20 tuổi, Ba Sáng đã là "môn chủ" ở Xóm Gà. Tiền tài cùng những hào nhoáng của địa vị nhanh chóng biến một thanh niên mặt búng ra sữa trở thành gã đàn ông lắm mưu nhiều kế. Để tồn tại trong thế giới này, phải "xù lông, bạnh cổ", sẵn sàng giao tranh với bất kỳ đối thủ nào. "Mạnh được, yếu thua" là chân lý sống còn của Ba Sáng.

Cuối tuần, Ba Sáng lại ôm tiền dắt theo vài đàn em về Bình Dương ăn chơi với giang hồ Tâm Chánh ở Bến Cát. Nói là ăn chơi nhưng thực chất là bàn kế hoạch làm ăn và thâu tóm các sòng gà nhỏ ven ngoại ô Sài Gòn và Bình Dương. Ba Sáng sẽ đứng ra tổ chức những trận đá gà quy mô lớn, treo giải thật cao để dân chơi cá cược thật lớn.

Trong số các chiến binh gà về dự, Tâm Chánh cho đàn em "tầm soát" thật kỹ để chọn lựa chiến binh thắng giải. Riêng huấn luyện viên sẽ được "chăm sóc" cả phần "cứng" lẫn phần "mềm". Nói chung là nhà cái chọn chú gà nào thắng thì chú đó sẽ thắng, bí mật này chỉ có chủ sòng và chủ gà biết.

Theo tiết lộ của ông Ba Sáng, thì sau mỗi giải đấu, ông thu về cả bao tiền cá cược. Tất nhiên, không phải giải đấu nào cũng diễn ra êm ấm. Vào khoảng tháng 10-1974, cũng giống như các giải đấu khác, khi đã khống chế được "quán quân", thỏa thuận lợi nhuận cá cược ổn thỏa thì coi như phần thắng nằm trong tay.

Nhưng quán quân lần đó đã âm thầm câu kết với một số chủ gà khác, cũng có máu mặt đến từ Hóc Môn, Bình Chánh phản lại Ba Sáng. Chú gà được chỉ định sẽ "lên ngôi" bất ngờ lăn ra chết, nhà cái ôm giải thua "sặc máu".

Ba Sáng điên tiết gọi chủ gà tới nói chuyện. Trong lúc to tiếng mạt sát qua lại, Ba Sáng bị nhóm chủ gà tấn công, hai đàn em ở bên không chống lại được đều bị thương nặng. Ba Sáng đi cấp cứu với vết rạch dài ở cánh tay, vệt chém sâu phía sau lưng, may là không trúng phổi.

Ba Sáng day dứt chuyện cũ

Vết thương tạm ổn, Ba Sáng liền tính kế phục thù. Bảo kê cho sòng gà Ba Sáng bấy lâu nay là Tâm Chánh, nhưng không ngờ Tâm Chánh đã phản lại. Ba Sáng rất bối rối, hoang mang không biết phải làm sao. Ở cái thế đang có, thằng giang hồ nào cũng đề cao lòng tự tôn, nếu không trả được món nợ này có lẽ Ba Sáng không dám ngẩng mặt nhìn ai. Ngó đi ngó lại quanh vùng không có đàn anh nào hiên ngang bằng Hai Phát, đệ tử chân truyền của Ba Giáp.

2.Thời thực dân Pháp chiếm đóng Sài Gòn, ở Xóm Gà, trong số các đại ca nổi bật nhất chỉ có Ba Giáp. Những tay du côn có tiếng ở vùng Chợ Lớn khi xưa như Tư Mắt, Năm Liễu hay Sáu Thắm, Tư Sơn ở vùng An Nhơn (Gò Vấp) đều bái phục và gọi là Lý Ngươn Bá, tức ví ông như một vị tướng có sức mạnh quyền uy trong tiểu thuyết thời Đường của Trung Quốc.

Sau khi xưng hùng xưng bá, cứu rỗi dân lành, Ba Giáp đi vào cửa chùa tu tịnh. Hai Phát giỏi võ, oai hùng nhưng lại nhân từ, hiền hòa, không bao giờ ức hiếp người yếu thế. Noi gương sư phụ, ông sống ẩn mình trong căn nhà nhỏ cạnh ngôi chùa ông Ba Giáp đã viên tịch, làm nghề dạy võ và bốc thuốc.

Vào một ngày đẹp trời, Ba Sáng mũ mão chỉnh tề đến gặp ông Hai Phát xin được cứu giúp. Sau khi nghe trình bày, ông Hai nghiêm giọng nói: "Ta chỉ cứu giúp những người yếu thế, anh gặp nhầm người rồi".

Ba Sáng cố gắng nỉ non, nói rằng hoàn cảnh bây giờ vô cùng bi đát, nếu không lấy lại được danh dự thì không thể sống nổi ở cái đất này. Ba Sáng cầu xin ông Hai vào ngày cuối tuần đến nhà mình một chuyến, vì có nhóm giang hồ hẹn gặp. Ông Hai không trả lời, Ba Sáng ra về lòng buồn thăm thẳm.

Ngày hẹn đến, Ba Sáng chỉ còn gần chục đàn em bên cạnh trong khi nhóm giang hồ kéo đến khoảng 30 tên. Sáng hôm ấy, ông Hai xuất hiện khiến Ba Sáng thở phào nhẹ nhõm. Nhóm giang hồ muốn Ba Sáng giao lại toàn bộ quyền quản lý sòng gà ở Xóm Gà thì được sống, nếu không sẽ chết.

Nhìn cảnh đao kiếm, mã tấu lăm lăm nhuẩn bị ăn tươi nuốt sống mình, Ba Sáng phần nào hiểu được đại cục. Lúc này, ông Hai Phát từ tốn nói: "Hãy ngồi lại với nhau bàn bạc, không thể cướp giữa ban ngày thế này được". Nhóm giang hồ trợn trừng mắt, lao vào bổ ông Hai.

Nhanh như chớp, ông Hai né tránh rồi đưa ra những cú đá trời giáng. Khoảng 15 phút, gần chục tên nằm la liệt, rên xiết, số còn lại vứt dép bỏ chạy. Ông Ba Sáng thất thần đứng như trời trồng, không thể tin nổi các thế võ xuất thần của ông Hai. Ông hiểu rằng, xưa nay mình "nanh vuốt" với thiên hạ chỉ là to mồm của một giang hồ vặt vãnh, có vài thế "võ gà" chẳng đánh đấm được ai.

Từ ngày được ông Hai ra tay cứu giúp, Ba Sáng tỉnh ngộ, nhận ra chân lý của cuộc đời. Ông từ bỏ sòng gà, lui về phía sau sống bình dị quanh những người lao động ở Xóm Gà.

Lặng mình bên ly cà phê đen đặc, Ba Sáng kể: "Hồi đó, tôi nhiều tiền, gái xếp hàng theo nên chơi bời cũng phóng thoáng. Một lúc tôi có 6 cô nhân tình, cô nào cũng hài lòng, vui vẻ với cách đối đãi của tôi nhưng đâu biết phía sau lưng mình thì hằn thù nhau ghê gớm. Họ biết một cô đang có thai với tôi nên tìm mọi cách triệt hạ. Lợi dụng lúc cô ra đường, họ dàn xếp một vụ đụng xe.

Một góc Xóm Gà ngày nay.

Không ngờ cú tông trực diện quá mạnh khiến cô này văng một đoạn thật xa, đầu đập xuống đất. Tới bệnh viện thì đã không kịp, cả mẹ lẫn con đều chết. Tôi đau đớn mà không thể khóc nổi. Mãi sau này khi đời tôi mạt họ mới nói sự thật cho tôi biết".

Nhiều người tình nhưng cuối cùng, ông Ba Sáng chọn kết tóc se tơ với một người đàn bà làm thợ may ở Hóc Môn. Ông đến với bà vì sự dịu dàng, đôn hậu, khác hoàn toàn với hàng tá bồ bịch "sư tử Hà Đông" của mình.

Dù chẳng thể có với nhau một mụn con, nhưng cả đời này ông luôn trân trọng, đối đãi với vợ đàng hoàng, tử tế. Vậy những cuộc tình ngày xưa không để lại cho ông đứa con nào? Ông cúi gằm xuống, hai tay vân vê vạt áo, nói mà nghẹn lại: "Có một đứa chết cùng mẹ trong vụ tai nạn, một đứa khác thì lên 5 tuổi bị bệnh rồi cũng "đi". Đời tôi chỉ có 2 đứa con, nhưng cuối cùng lại chẳng có đứa nào ở bên mình. Có lẽ đó là cái giá tôi phải trả cho những lỗi lầm đã gây ra trong quá khứ".

Một đời ngang dọc, chân đi không mỏi, cuối đời ông Ba Sáng vẫn chọn Xóm Gà để nương thân. Với ông, nơi này ăm ắp những ký ức, oanh liệt có, bi thương ai oán có nhưng nó giúp ông tỉnh ngộ và thấy cuộc sống ý nghĩa hơn. Trong tâm niệm của ông thì thầy Hai Phát mãi mãi là một tấm gương về tính trượng nghĩa, hào hiệp.

Đời ông từ ngày gặp được thầy đã thay tâm đổi tính, máu du côn, liều lĩnh trước kia tự nhiên dịu đi rồi dần biến mất. Nhiều năm nay, ông thường xuyên lui tới chùa làm công quả. Mỗi tháng, ông dành một phần tiền tiết kiệm nấu cơm từ thiện cho những người bán vé số, lượm ve chai khu vực Xóm Gà.

Ngọc Hoa
.
.
.