Cuộc đua taxi bay

Thứ Hai, 27/11/2017, 15:46
Không chỉ có Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Pháp cũng muốn đưa dịch vụ taxi bay vào phục vụ cuộc sống. Những lợi thế về hoạt động sạch, giảm tắc nghẽn giao thông đang khiến loại phương tiện này trở thành thứ không thể thiếu trong các thành phố tương lai.


Với kích thước khá gọn, nhẹ, sử dụng động cơ điện, có khả năng cất và hạ cánh thẳng đứng cùng ưu điểm gắn cố định với trục cánh quạt nghiêng, giúp giảm tiếng ồn, không phát ra khí thải, thích hợp hoạt động trong thành phố, nên dịch vụ taxi bay tại bang Texas (Mỹ) và Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) của hãng Uber vào năm 2020 đang được dư luận quan tâm. 

Theo giới truyền thông, 5 công ty Bell Helicopter, Aurora, Pipistrel, Mooney và Embraer đã nhận trách nhiệm chế tạo taxi bay (bộ sạc cho hệ thống được cung cấp bởi một nhà sản xuất trạm sạc xe điện Mỹ) cho Uber sau khi hãng này công bố kế hoạch triển khai vào năm 2020. 

Và theo kế hoạch, bãi đáp trực thăng và nóc nhà cao tầng sẽ là địa điểm để cất và hạ cánh và taxi bay sẽ giúp giảm thời gian di chuyển nhiều lần so với ôtô, trong khi mức giá dự kiến 1,32 USD/1,6 km/hành khách. Được biết, mỗi taxi bay ngoài phi công có thể chở nhiều hành khách.

Taxi bay không người lái chở người đầu tiên trên thế giới.

Theo giới truyền thông, Uber đã ký thỏa thuận với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để chế tạo "taxi bay lên thẳng". Trong tuyên bố mới đây, ông Jeff Holden, Giám đốc sản phẩm của Uber hy vọng, dịch vụ taxi bay sẽ giúp giảm đáng kể thời gian đi lại, giảm ô nhiễm ở các thành phố lớn, và quan trọng là sẽ rẻ hơn chi phí một người tự lái xe riêng. 

"Hợp đồng mà chúng tôi ký với NASA cơ bản là về hợp tác trong việc quản lý không lưu", ông Jeff Holden nói với Đài truyền hình NBC News. 

Dự kiến để đi từ thành phố San Francisco đến thành phố San Jose vào giờ cao điểm sẽ mất 120 phút cùng khoảng 111 USD, nhưng đi bằng taxi bay chỉ mất 15 phút và khoảng 129 USD. Nhưng số tiền này sẽ giảm xuống chỉ còn 43 USD, thậm chí 20 USD trong tương lai. Uber cho biết, muốn tham gia Dự án Quản lý giao thông không người lái (UTM) của NASA, thực hiện các chuyến bay "phương tiện bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng" tại một số thành phố của Mỹ vào năm 2020. 

Và thành phố Los Angeles thuộc bang California được chọn tham gia chương trình thử nghiệm UberAir, cùng với 2 thành phố Dallas Fort-Worth thuộc bang Texas và Dubai của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. 

Theo giới truyền thông, California và Texas là 2 bang có lượng ôtô nhiều nhất ở Mỹ, nên được chọn để tham gia dự án UTM. Theo tính toán của Uber, một chuyến UberAir từ sân bay Los Angeles tới sân vận động Staples sẽ chỉ mất 27 phút, nhanh gấp 3 lần so với đi bằng phương tiện 4 bánh.

Taxi bay của Airbus.

Giới truyền thông từng đưa tin, không chỉ có ôtô, taxi, sắp tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất còn có dịch vụ taxi bay không người lái. Và có thể Dubai sẽ trở thành nơi đầu tiên trên thế giới có dịch vụ siêu sang này. Bởi hãng Volocopter của Đức đã chế tạo taxi bay - trông không khác máy bay trực thăng nhỏ, nhưng không có người lái và để phòng ngừa sự cố, trên taxi bay luôn có pin dự phòng. 

Tuy đã thử nghiệm thành công nhưng Dubai vẫn chưa quyết định chọn sản phẩm của Volocopter cho dịch vụ taxi bay của mình. Cơ quan Vận tải Dubai từng thông báo, sẽ sử dụng taxi bay mang tên EHang 184, có thể chở được hành khách với trọng lượng tối đa 100kg, mỗi lần sạc bay được 50km, với vận tốc nhanh nhất đạt 160km/giờ. 

Giới truyền thông vừa dẫn lời đại diện hãng sản xuất máy bay Airbus cho biết, những chiếc taxi bay mang tên CityAirbus đã sẵn sàng cất cánh thử nghiệm trên bầu trời vào năm 2018. 

CityAirbus sẽ thuộc dạng trực thăng lên thẳng, có khả năng chở tối đa 4 hành khách trên các chuyến đi ngắn. CityAirbus được thiết kế để phi công vận hành, nhưng sẽ chuyển sang hệ thống tự động lái khi nâng cấp công nghệ trong tương lai.

Không chỉ có Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Pháp cũng muốn đưa dịch vụ taxi bay vào phục vụ cuộc sống. Theo đó, taxi bay do 2 nhà thiết kế tài năng Alain Thebault và Anders Bringdal đưa ra (thử nghiệm trên sông Seine) nhằm giảm thiểu tình trạng tắc đường ở Paris. 

Những du khách muốn ngắm cảnh sông Seine và đường phố Paris sẽ có cơ hội được ngồi trên những chuyến taxi bay đầu tiên (được biết tới với tên gọi SeaBubbles). SeaBubbles có thể chứa được 5 người ngồi, hoạt động dựa trên nguyên tắc tương tự như tàu cánh ngầm và thân thiện với môi trường, góp phần giảm ô nhiễm trong thành phố. 

Bởi taxi bay vận hành với động cơ điện từ năng lượng mặt trời, có tốc độ tối đa 30 km/h. Thị trưởng thành phố Paris Anne Hidalgo hy vọng, sau khi được thử nghiệm, SeaBubbles có thể được vận hành chính thức, nhằm phát triển giao thông đường thủy ngay trong thành phố. 

Thiện Lân
.
.
.