Cuộc đua tốn kém của các ứng viên

Thứ Tư, 27/11/2019, 11:27
Tranh cử Tổng thống năm 2020 với mục tiêu trở thành đối thủ nặng ký trước đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump, cựu Thị trưởng New York, tỷ phú Michael R.Bloomberg đã quyết định chi 100 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo, truyền thông và đang trở thành người chi tiêu lớn nhất trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng.


Hạ bệ đối thủ bằng… truyền thông

Theo tin từ hãng AP, hồi đầu tháng 11, tỷ phú Michael Bloomberg đã công bố kế hoạch đầu tư 100 triệu USD cho chiến dịch truyền thông nhằm hạ mức độ ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống Donald Trump. 

Phát ngôn viên của ông Bloomberg, Jason Schechter cho biết, chiến dịch quảng cáo này sẽ nhắm vào cử tri ở các bang mà kết quả bầu cử có ảnh hưởng quan trọng tới kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, bao gồm Arizona, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. 

Đặc biệt, ông Bloomberg đã đánh mạnh vào việc ông Donald Trump hay sử dụng tài khoản xã hội Twitter để bày tỏ ý kiến của mình. Cựu Thị trưởng New York nói: "Một dòng tweet không nên đe doạ tới an ninh của đất nước chúng ta" và đang kêu gọi cả Google, Facebook không cho phép quảng cáo chính trị trong thời kỳ tranh cử Tổng thống Mỹ.

Chưa hết, đến ngày 23-11, tỷ phú này lại tiếp tục ký một hợp đồng quảng cáo mới trị giá 31,5 triệu USD nhằm quảng bá hình ảnh cá nhân tại một số tiểu bang để chuẩn bị cho cuộc đua vào Nhà Trắng của đảng Dân chủ. Công ty Advertising Analytics xác nhận rằng, ê kíp tranh cử của cựu Thị trưởng New York đã ký hợp đồng quảng cáo trên truyền hình trong vòng 1 tuần tại 98 địa phương cũng như một số kênh truyền hình cáp quốc gia. 

Các quảng cáo tiểu sử dài 60 giây bắt đầu từ ngày 25-11 tại hơn 20 tiểu bang và khoảng 100 thị trường truyền thông tin tức từ California đến Maine. New York (1,6 triệu USD) và Los Angeles (1,5 triệu USD) là hai thành phố mục tiêu trong chiến dịch quảng cáo tranh cử lần này của ông Bloomberg. 

Ngoài ra, chính khách-doanh nhân kỳ cựu 77 tuổi này cũng hướng tới các bang khác như Florida, Texas, Massachusetts, Pennsylvania và Michigan. Ông Bloomberg đã chi 1,2 triệu USD ở Houston, 1,1 triệu USD ở Miami và 794.000 USD ở Boston trong thời gian tám ngày và đặt thêm 52.000 USD quảng cáo ở Fargo, N.D; 59.000 USD ở Biloxi...

Hãng CNN đánh giá, phạm vi mua quảng cáo của ông Bloomberg đáng kinh ngạc vì nó nhiều hơn tất cả các đối thủ tiềm năng, ngoại trừ Tom Steyer - người đã dành tiền cho quảng cáo trên truyền hình cả năm. Số tiền 31,5 triệu USD thậm chí còn gấp đôi số tiền mà Thượng nghị sĩ Cory Booker đã quyên góp từ tháng 2 đến cuối tháng 9. 

Ứng viên Howard Mike cũng  sẵn sàng chi tiêu những gì cần thiết để đánh bại Donald Trump nhưng sự "chịu chơi" của cựu Thị trưởng New York khiến các ứng viên khác phải e ngại. Nhiều người trong số họ đã nhanh chóng lên án ông Bloomberg là đang tận dụng tài sản cá nhân để gây ảnh hưởng đến cuộc đua. 

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders ở Vermont còn trả lời trước báo chí rằng: "Tôi chán ghét ý tưởng rằng Michael Bloomberg hoặc bất kỳ tỷ phú nào khác nghĩ rằng họ có thể phá vỡ tiến trình chính trị và chi hàng chục triệu USD để mua các cuộc bầu cử của chúng tôi".

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại dùng thế mạnh tiền của mình để "ép" ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ là cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo CBS, trong quý 3 chiến dịch tranh cử, ông Biden chỉ thu hút 15,2 triệu USD tiền quyên góp chính trị, thấp hơn 7 triệu USD so với quý 2. 

Khả năng huy động tiền quyên góp yếu kém sẽ đẩy chiến dịch tranh cử của ông Biden vào thế khó khi mà ông Donald Trump và một số chính trị gia đảng Cộng hòa chi 10 triệu USD cho chiến dịch quảng cáo qua tivi chống lại cựu Phó Tổng thống Mỹ. 

Chiến dịch này nhấn mạnh vào nghi vấn mà ông Donald Trump từng đưa ra là ông Biden và con trai kinh doanh mờ ám tại Ukraine. Nhưng cũng chính vì kế hoạch truyền thông này mà hiện đương kim Tổng thống Mỹ đang đối mặt với cuộc luận tội và cáo buộc can thiệp vào điều tra, ép buộc Tổng thống Ukraine gây khó dễ cho gia đình ông Joe Biden…

Cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg vừa chi 31,5 triệu USD để đánh bóng hình ảnh.

Những mánh khoé tranh cử

Thống kê từ các cơ quan quảng cáo, truyền thông của Mỹ ho hay, chi tiêu cho quảng cáo truyền hình tập trung vào khả năng Tổng thống Donald Trump bị luận tội đã tăng gần gấp 3 lần trong 2 tháng qua. Đây là dấu hiệu cho thấy, cuộc điều tra luận tội ở đồi Capital đã nhanh chóng ngấm vào các cuộc tranh luận chính trị trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. 

Với những người chi tiêu lớn nhất, những con số là một dấu hiệu sớm cho thấy cuộc chiến luận tội có thể gây tiếng vang như thế nào ở ngoài Washington. Khoảng 20% tổng số tiền chi cho quảng cáo chính trị trong các cuộc đua liên bang kể từ ngày 19-9 đến nay có liên quan đến cuộc điều tra luận tội, theo một thống kê quảng cáo của CNN được theo dõi bởi Nhóm phân tích chiến dịch truyền thông của Kantar cho biết. 

Con số này tăng gầp hơn 3 lần so với 6% số tiền quảng cáo được chi để phát sóng từ ngày 1-1 đến 18-9, khi tin tức đầu tiên xuất hiện trong một khiếu nại tố cáo Tổng thống Donald Trump.

Quảng cáo trên Facebook về chủ đề này cũng tăng vọt, với hơn 5,6 triệu USD chi cho các quảng cáo liên quan đến luận tội từ giữa tháng 9 đến tuần thứ 3 của tháng 11. 

Dữ liệu của CNN do Bully Pulpit Interactive thống kê cho thấy, hai nhà quảng cáo lớn nhất là ông Donald Trump với mục tiêu hạ bệ cuộc điều tra luận tội và Tom Steyer, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, người đã đưa việc luận tội Tổng thống là trọng tâm của hoạt động chính trị của mình. 

Ông Tom Steyer đã chi khoảng 4,7 triệu USD cho các quảng cáo truyền hình đề cập đến luận tội kể từ ngày 19-9 còn ông Donald Trump là 4,4 triệu USD. Các quảng cáo đều chạy trên truyền hình cáp quốc gia, truyền hình mạng quốc gia cũng như truyền hình địa phương.

Đáng chú ý là song song với chiến dịch "tấn công" đương kim Tổng thống bằng cuộc điều trần ở Quốc hội, các ứng cử viên cũng rất thức thời khi chi hàng triệu USD để đánh bóng hình ảnh của mình. Đứng đầu chiến dịch này là cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg với 31,5 triệu USD quảng cáo cùng lời hứa không nhận lương nếu trúng cử Tổng thống. 

Ứng viên Tom Steyer ở vị trí thứ nhì với 1,2 triệu USD. Trong một lần trả lời phỏng vấn báo giới, ông Tom Steyer khẳng định sẽ chi tổng cộng khoảng 100 triệu USD cho cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders thì lại khá dè dặt với số tiền 0,5 triệu USD cho quảng cáo mặc dù đến giờ ông đã quyên góp được số tiền là 61,5 triệu USD cho quỹ vận động tranh cử của cá nhân. Riêng trong quý 3, Thượng nghị sĩ này đã nhận được 25,3 triệu USD tiền ủng hộ của các cá nhân.

Trong khi đó, cùng chi 0,5 triệu USD cho quảng cáo để nâng cao hình ảnh cá nhân nhưng ứng viên Tổng thống Andrew Yang còn thực hiện một ý tưởng khác là phát tiền cho dân. 

Ông Andrew Yang (44 tuổi) ứng viên Tổng thống gốc Á đầu tiên của đảng Dân chủ nói sẽ tặng 1.000 USD/tháng cho 10 gia đình với lập luận rằng đề xuất này sẽ thúc đẩy nền kinh tế và giúp các gia đình thanh toán hoá đơn dễ dàng hơn. Hiện ông này đã gây được gần 10 triệu USD cho quỹ vận động tranh cử… 

Còn Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar của bang Minnesota thì chỉ khiêm tốn chi 200.000 USD cho chiến dịch quảng cáo tại New Hampshire nhưng lại lập luận rằng, sự giàu có của ông Bloomberg có thể dập tắt các cuộc cạnh tranh công bằng giữa các ứng viên đảng Dân chủ.

Ứng viên đảng Dân chủ Tom Steyer đã chi khoảng 4,7 triệu USD cho các quảng cáo truyền hình đề cập đến luận tội kể từ ngày 19-9.

Cuộc tranh cử “đắt đỏ”

Giới quan sát nhận định, việc mua quảng cáo là bước mới nhất trong một loạt các bước mà cựu Thị trưởng New York Michael Bloomber đang thực hiện nhằm mua chuộc cử tri trong bối cảnh số người ủng hộ ông còn thấp. Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đã tuyên bố ông phản đối việc ông Bloomberg hoặc bất kỳ tỷ phú nào khác cho rằng họ có thể phá vỡ tiến trình chính trị và chi hàng tiền để "mua" các cuộc bầu cử. 

Hãng tin The New York Times cho hay, tỷ phú Michael Bloomberg được coi là một trong những người giàu nhất nước Mỹ. Theo ước tính mới nhất của tạp chí Forbes, tài sản của ông đã vượt quá 52 tỷ USD, xếp thứ 9 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Trong khi đó, tổng tài sản hiện tại của ông Donald Trump chỉ khoảng 3,1 tỷ USD. 

Ông Michael Bloomberg vốn là người có quan điểm chỉ trích mạnh Tổng thống Donald Trump và có đóng góp tài chính lớn để giúp đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm ngoái. Bất chấp nguồn sức mạnh tài chính của mình, ông Bloomberg vẫn sẽ phải đối mặt với một trận chiến khó khăn để giành được đề cử của Đảng Dân chủ bởi có quá nhiều ứng viên. 

Theo kế hoạch, vào ngày 28-11, 10 ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ sẽ có một cuộc tranh luận tại Atlanta. Sau đó, 6 ứng viên xuất sắc sẽ tiếp tục vào vòng tranh luận thứ 2 diễn ra tại Los Angeles ngày 19-12…

Do đó, việc vận động tranh cử bằng các hình thức quảng cáo cũng khá quan trọng đối với nhóm ứng viên đảng Dân chủ. Tuy nhiên, không phải người nào chi nhiều tiền hơn sẽ giành chiến thắng. 

Chẳng hạn như cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 vốn "đắt đỏ nhất trong lịch sử" với chi phí ước tính lên tới 6,6 tỉ USD, mặc dù bà Hilarry Clinton luôn đang dẫn trước ông Donald Trump trong việc gây quỹ và chi quảng cáo nhưng cuối cùng, vị doanh nhân tỷ phú lại trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. 

Khi đó, chi phí tranh cử của ông Donald Trump vào khoảng gần 70 triệu USD nhưng vẫn thua xa mức hơn 80 triệu USD của bà Hillary Clinton. Và thực tế bầu cử Tổng thống ở Mỹ cho thấy, tiền bạc chỉ là công cụ quan trọng chứ không phải là yếu tố mang tính quyết định bởi có đến 40% số cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ người chi phí nhiều tiền hơn để tranh cử vẫn thua.

Khánh Chi (tổng hợp)
.
.
.