Cuộc hội ngộ đầy nước mắt sau gần 40 năm

Thứ Tư, 17/06/2015, 12:30
Trở lại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình vào những ngày cuối tháng 5, chúng tôi được nghe câu chuyện về cuộc hội ngộ đầy nước mắt sau gần 40 năm xa cách. Cuộc gặp đặc biệt ấy xảy đến vào thời điểm phạm nhân Đỗ Xuân Rộng, SN 1948, ở xã Thái Thịnh, TP Hòa Bình (bị bệnh tâm thần) lên cơn đau quặn thận, phải đi cấp cứu tại Bệnh viên đa khoa tỉnh Hòa Bình. Trước ngày lên bàn mổ, Rộng bỗng dưng nhớ lại những gì xảy ra trước kia một cách tường tận. Cán bộ quản giáo cẩn thận ghi chép lại thông tin về gia đình Rộng. Đó chính là khởi đầu cho cuộc gặp mặt đầy xúc động.

Đỗ Xuân Rộng vốn là lính đặc công tại Tiểu đoàn đặc công Bộ Tư lệnh Quân khu Thủ đô. Mặc dù công tác tại môi trường đầy khó khăn, gian khổ, song với ý chí, quyết tâm cao, Rộng đáp ứng mọi yêu cầu, nhiệm vụ mà cấp trên giao phó. Qua mỗi trận đánh, Rộng trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn. Anh đau đớn khi nước nhà bị kẻ thù xâm lược, người dân phải sống trong cảnh lầm than,  khổ cực. 

Năm 1966, nghe theo tiếng gọi của miền Nam, Đỗ Xuân Rộng tình nguyện tăng cường cho chiến trường Tây Nguyên, đóng quân tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm này, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra vô cùng ác liệt. Mỹ mở rộng phạm vi đóng chiếm ra các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Chúng tạo thế gọng kìm nhằm phong tỏa toàn bộ khu vực miền Trung, dồn toàn bộ vũ khí, khí tài hiện đại và hàng ngàn quân chính quy đánh chiếm Tây Nguyên. Chúng nhận định, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, tiếp giáp với biên giới các nước trong khu vực, khi đã chiếm được vùng đất này thì việc mở rộng đánh chiếm các nước lân cận như: Lào, Campuchia... sẽ rất thuận lợi.

Theo chỉ thị của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, phải tập trung toàn lực để giữ địa bàn Tây Nguyên, quyết không để kẻ địch chiếm đóng. Đỗ Xuân Rộng tiếp tục là lính đặc công tại mặt trận Tây Nguyên. Vốn là thanh niên gan dạ, mưu trí, dũng cảm, Đỗ Xuân Rộng cùng đồng đội lập nên biết bao chiến công xuất sắc, tiêu diệt hàng trăm sinh lực địch và nhiều khí tài hiện đại của kẻ thù. Ông trực tiếp cùng đồng đội phá hủy một xe tăng địch. Với chiến công đặc biệt xuất sắc đó, ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công, danh hiệu Dũng sỹ diệt Mỹ, Huy chương Chiến sỹ vẻ vang và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Đỗ Xuân Rộng nhớ lại: Đơn vị khi đó có 29 đồng chí, mọi người luôn coi nhau như anh em ruột thịt, thề sống chết cùng nhau. Với tính chất công việc là lính đặc công, thường xuyên phải ở tuyến đầu, làm nhiệm vụ do thám, nắm tình hình, đột nhập sâu vào căn cứ địch... Nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, nguy hiểm, ranh giới giữa sự sống và cái chết như ngọn đèn trước gió, song các anh không hề nao núng. Thấm nhuần lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” đã thôi thúc ông và đồng đội tiến lên. 

Với uy tín, trách nhiệm với cấp trên và đồng đội, ông được phân công làm Tiểu đội trưởng, rồi Trung đội trưởng với cấp hàm Trung úy, trực tiếp chỉ huy hàng chục lính đặc công tinh nhuệ. Trong cuộc chiến ác liệt ấy, đơn vị ông hy sinh phân nửa, chỉ còn lại hơn chục anh em. Mỗi khi đồng đội ngã xuống, nuốt nước mắt vào lòng, vì nhiệm vụ cấp bách, các anh chỉ chôn cất vội vàng, sau đó tiếp tục lao lên phía trước. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đỗ Xuân Rộng tiếp tục tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào, Campuchia đến khi thắng lợi hoàn toàn.

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1977, Đỗ Xuân Rộng trở về địa phương với nhiều vết thương trong người. Ông không còn lành lặn như xưa, đặc biệt là thần kinh bị ảnh hưởng nặng nề, luôn sống trong ảo giác. Các trận chiến đấu năm xưa ám ảnh tâm trí ông. Đêm đêm, ông giật mình thon thót, gào thét khi mơ thấy hình ảnh bom Mỹ, những đồng đội hy sinh, hình ảnh người nông dân lương thiện bị sát hại dã man... 

Ông thường nói lảm nhảm, hành động kỳ quặc, gây nhiều phiền toái cho gia đình và mọi người xung quanh. Vừa vui mừng đón ông trở về chưa lâu, người thân lại đau đớn, thất vọng khi ông có triệu chứng bệnh tâm thần. Song gia đình luôn tự hào vì ông đã chiến đấu hết mình để bảo vệ Tổ quốc, minh chứng là rất nhiều huân, huy chương của Đảng, Nhà nước, quân đội ghi nhận về thành tích chống Mỹ cứu nước. 

Thương cha phải sống trong bệnh tật, vợ và các con ông luôn ở bên động viên, giúp ông vui vẻ, thoải mái. Gia đình nhiều lần đưa ông đi các cơ sở y tế điều trị bệnh tâm thần, mất trí nhớ song bệnh tình không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Ông luôn có cảm giác đau đầu dồn dập. Đầu năm 1979, ông bỏ nhà ra đi. 

Những năm sau đó, gia đình đã đi tìm và đăng tin tìm người nhà trên các phương tiện thông tin song không có kết quả. Từ đó đến nay, gia đình đinh ninh ông chết ở nơi nào đó nên không tiếp tục tìm kiếm. Mỗi dịp lễ Tết, gia đình đều chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn, gọi vía ông về ăn cơm với gia đình.

Lại nói về Đỗ Xuân Rộng. Vì mắc bệnh tâm thần, mất trí nhớ nên ông không biết mình đi đâu, làm những gì. Ông thường lang thang trên các con đường, nhặt nhạnh những đồ thừa ngoài xã hội để sống. Tối đến thì gặp đâu, ngủ đấy. Vào những ngày mưa gió, lạnh lẽo, ông co người trong chiếc áo mỏng tang. Nếu may mắn gặp được người tốt bụng thì được ăn ngon, mặc ấm. 

Cuộc sống cứ thế trôi đi, cho đến một ngày, ông phiêu bạt tới bến xe trung tâm thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình). Ông được một người dân tốt bụng cho ăn, mặc rồi đưa lên khu vực xã Thái Thịnh, thị xã Hòa Bình để sinh sống. Tại đây, ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Cơ. Hai vợ chồng ông hiếm muộn nên đến nay vẫn chưa có người con nối dõi. Cuộc sống cứ thế trôi đi, ông dần ổn định tư tưởng. Song tuyệt nhiên, ông không nhớ gì về quá khứ, về quê hương, về những người thân vẫn hàng ngày, hàng giờ dõi theo ông, mong ông trở về.

Đến cuối năm 2014, ông có mâu thuẫn với một người dân địa phương. Do bị kích động, ông trở nên điên loạn đã tấn công khiến người đó bị thương khá nặng. Sau khi giám định tâm thần cho kết quả 50/50, ông bị tuyên phạt 15 tháng tù giam về tội cố ý gây thương tích.

Trong thời gian thụ lý án tại trại tạm giam Công an tỉnh, ông như người vô hồn. Thỉnh thoảng nói cười vu vơ. Những lúc bình thường, ông khá tỉnh táo, minh mẫn, kể chuyện rõ ràng, hoạt bát. 

Thượng úy, điều dưỡng viên Kiều Văn Hưng – cán bộ bệnh xá trại tạm Công an tỉnh kể lại: Những lúc vào thăm bệnh, nhìn ông lớn tuổi, không có người thân bên cạnh, anh lại chạnh lòng. Đáng ra, ông phải được an nhàn, thụ hưởng cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, con cháu. Vì lẽ đó mà Thượng úy Hưng luôn dành cho ông sự thương cảm, kính trọng. Thỉnh thoảng, ông lại nhớ chuyện ngày xưa, chuyện đánh giặc Mỹ, chuyện về chiến trường. Thế nhưng, khi nhắc về gia đình, ông tuyệt nhiên không nhớ gì hết.

Từ ngày ông thụ lý án thấm thoát đã gần 6 tháng trôi qua. Đến đầu tháng 4/2015, ông đột nhiên bị cơn đau quặn ruột, nét mặt tím tái. Ngay trong đêm, Thượng úy, điều dưỡng viên Kiều Văn Hưng và đồng đội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau khi làm các thủ tục xét nghiệm, tham vấn ý kiến từ phía đại diện gia đình là chị Nguyễn Thị Thơ ở phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình (là cháu bên vợ của ông Rộng), các bác sỹ quyết định mổ. 

Đúng thời điểm này, một sự việc bất ngờ xảy đến làm thay đổi cuộc đời ông. Tối 23/4/2015, khi biết tin sẽ phải mổ, ông Rộng đột nhiên nhớ lại những gì xảy ra trước kia. Quê ông ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, gia đình ông có 7 anh chị em. Ông chỉ nhớ có người em trai tên là Đỗ Ngọc Tơ và một người chị gái tên Tằm. Những thông tin trên được chị Nguyễn Thị Thơ ghi lại tỉ mỉ. Đây có thể là thông tin hé lộ về thân phận của phạm nhân Đỗ Xuân Rộng.

Sáng hôm sau (ngày 24/4), chị Thơ ra bưu điện Tân Thịnh đánh điện khẩn về địa chỉ người tên là Đỗ Ngọc Tơ ở thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh (Hà Nội). Thật bất ngờ, ngay ngày hôm sau, có một người đàn ông, trạc 60 tuổi tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tìm gặp ông Đỗ Xuân Rộng. Người đàn ông đó chính là ông Đỗ Ngọc Tơ. 

Ông Tơ cho biết: Ngay sau khi nhận được điện, ông và gia đình bàng hoàng, không tin vào những gì xảy ra. Vừa vui mừng, vưa lo lắng bởi thông tin kia liệu có chính xác? Gia đình đã đi tìm khắp nơi, thậm chí đưa tin trên chương trình truyền hình thực tế “Như chưa hề có cuộc chia ly” nhờ tìm giúp. Cho đến nay vẫn bặt vô âm tín. 

Gặp lại người anh trai sau gần 40 năm xa cách, ông Tơ không giấu nổi xúc động, nghẹn ngào. Ông không ngờ rằng, cuộc hội ngộ lại diễn ra theo một kịch bản như vậy. Ông Rộng hiện giờ là phạm nhân, đang chấp hành án. Hiện sức khỏe ông khá yếu vì vừa trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài. Ông Tơ ra về trong niềm vui tột cùng.

Đúng sáng 29/4, một đoàn xe gồm khoảng 30 người là gia đình, bạn bè từ quê nhà đến gặp lại người đàn ông bị thất lạc sau gần 40 năm xa cách. Gặp lại ông, mọi người ôm chầm lấy nhau, nước mắt giàn giụa, thương ông phải chịu cảnh khổ cực. 

Trong con mắt gia đình, ông Rộng vẫn là anh hùng, là dũng sỹ diệt Mỹ quả cảm, kiên cường. Tất cả kỷ vật thời chiến vẫn còn được lưu giữ cẩn thận. Gia đình bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Ban giám thị và các y, bác sỹ trại tạm giam Công an tỉnh đã tận tình cứu chữa, quan tâm, động viên và giúp có được ngày vui hôm nay. 

Chứng kiến hình ảnh đó, mọi người xung quanh đều xúc động, chia sẻ niềm vui với gia đình ông. “Đó có lẽ là kỷ niệm không thể nào quên trong quãng đời làm cán bộ Công an của tôi” – Thượng úy, điều dưỡng viên Kiều Văn Hưng chia sẻ.

Hùng Như
.
.
.