Tuy nhiên, người Mỹ vẫn không quên những “di chứng” mà cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 gây ra. Với họ, đó thực sự là một cuộc khủng hoảng thứ ba.
Y tế sa sút
Theo ước tính chính thức của Ủy ban Dân số, có thêm 1 triệu người Mỹ không có bảo hiểm y tế (BHYT) trong năm 2010, nâng tổng số người không có BHYT lên 49,9 triệu, tương đương 16,3%, mức cao nhất 45 năm và cao nhất kể từ khi các chương trình BHYT như Medicare và Medicaid được triển khai.
Theo Jocelyn Guyer, Phó Giám đốc điều hành của Trung tâm Trẻ em và Gia đình thuộc Đại học Georgetown, cùng với những nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách, chi phí cho BHYT của các gia đình ngày càng tăng cao. “Ngay cả các gia đình trung lưu cũng khốn đốn với chi phí BHYT theo sau các cải tổ luật kể từ năm 2014”, ông Guyer nói.
 |
Khoảng 35.000 người tham gia biểu tình chống các biện pháp khắc khổ ở Manchester, Anh ngày 2-10-2011 |
Dữ liệu công bố của Bộ Y tế và Dịch vụ con người Mỹ cho biết, năm 2010, người lao động nước này chi trả bình quân 4.940 USD cho BHYT, tăng so với chỉ 1.992 USD năm 1996. Bình quân mỗi hộ gia đình chi 13.871 USD, là một khoản không nhỏ so với thu nhập bình quân 50.000 USD/năm.
Trong khi đó, các khảo sát của Towers Watson và Mercer cho thấy gần 10% các nhà tuyển dụng lớn muốn chấm dứt bao bọc BHYT cho nhân công theo sau cải tổ luật y tế của Tổng thống Obama kể từ năm 2014.
Mất cân bằng
Dữ liệu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (NAS) năm 2011 cho biết, có hơn 56 triệu người dân nước này đang sống trong nghèo đói. Con số này tương đương 18,5% dân số, tức gần 1/5.
Theo Ủy ban Dân số, hiện có tới 9 thành phố ở Mỹ có tỷ lệ nghèo đói từ 25% trở lên, dù ước tính của Ủy ban Dân số có số người nghèo đói thấp hơn 10 triệu người so với ước tính của NAS. Theo đó, Detroit - thủ phủ xe hơi - là nơi có tỷ lệ nghèo đói cao nhất, lên đến 36,4%.
Thành phố có tỷ lệ nghèo đói cao thứ 2 là Cleveland, với 35% dân số sống trong cảnh nghèo đói. Trong khi đó, theo Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu hiện đang ở mức cao kỷ lục. Chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 8-2011 chạm 231 điểm, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2010. Chỉ số này chạm mức kỷ lục mọi thời đại 238 điểm hồi tháng 2.
Khủng hoảng kinh tế và những đối sách của chính quyền còn làm khoảng cách giàu nghèo ở Mỹ trong những năm qua tăng nhanh. Nhóm những người giàu nhất nước lại được chịu thuế nhẹ hơn so với những người thuộc giai cấp trung lưu.
Ngoài ra, theo ước tính của Project-Syndicate, trong 5 năm từ 2007-2011, ước tính có tới 5.000 tỷ USD đã đổ vào túi các nhà ngân hàng thông qua các khoản lương và thưởng cao một cách bất thường, dù ngành ngân hàng bị cho là thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Trong cuốn sách “Con đường đến năm 2012: Cách mạng hay Thế chiến III” của nhà kinh tế David DeGraw, cho rằng nhóm những người giàu nhất Mỹ, chiếm 0,1% dân số, đã mở một cuộc chiến chống lại cả nước. “Đã đến lúc chúng ta đứng lên chống lại 400 tỷ phú này và buộc họ phải có trách nhiệm hơn trước cuộc khủng hoảng kinh tế”, DeGraw kêu gọi.
Theo ước tính, nhóm 400 người giàu nhất nước Mỹ có tài sản tương đương tài sản của 154 triệu người dân Mỹ bình thường cộng lại, và chiếm tới 50% tài sản của đất nước. Rõ ràng, đó là một sự tập trung tư bản quá lớn và tạo ra một khoảng cách giai cấp khó tưởng tượng.
Di dân ngược
Khi những cuộc xuống đường và những hành vi phản kháng khác tỏ ra vô dụng, người dân sẽ chọn một con đường tiêu cực hơn: bỏ của chạy lấy người. Tại Hy Lạp, những chính sách khắc khổ của chính quyền đang làm gia tăng làn sóng di cư ngược. Hàng nghìn người dân thành thị quyết định bỏ lại phố xá để tìm về các vùng quê, nơi ít chịu tác động của các chính sách khắc khổ hơn. Yiannis Dikiakos, một doanh nhân trẻ người Athens, đã cùng một nhóm bạn 10 người thu gom đồ đạc vượt 273km về vùng quê Andritsaina để xây dựng lại cuộc sống mới.
 |
Cuộc biểu tình “Chiếm lấy Trung tâm” tại thành phố New York vào ngày 17-9-2011 |
Họ là một phần của cuộc di cư ngược tại Hy Lạp hiện nay. Giorgos Galos, giáo viên ở Proti Serron thuộc đồng bằng Macedonia, miền Bắc Hy Lạp, cho biết: “Đó là quyết định lớn nhưng nhiều người đã thực hiện. Tôi biết nhiều người ở Thessaloniki (thành phố lớn thứ 2 Hy Lạp) muốn quay lại với cuộc sống thôn dã. Cuộc khủng hoảng đã ăn mòn các giá trị sống của người dân thành thị và họ không chịu đựng nổi. Số người về quê sẽ ngày càng nhiều hơn vì mọi thứ đều rẻ hơn nhiều so với ở Thessaloniki”.
Xuống phố
Năm 2011 đã bùng nổ một phong trào toàn cầu có tên “Chiếm lấy Trung tâm” (Occupy). Ngày 1-10 năm đó, hàng trăm nhà hoạt động, các thành viên nghiệp đoàn thương mại và chính trị gia cấp tiến trên khắp châu Âu đã tập trung lại ở London để tham gia một cuộc hội nghị chống các chính sách khắc khổ đang triển khai trên khắp lục địa già. Hội nghị Chống khắc khổ châu Âu (EAAC) được chủ trì bởi Liên minh Chống cắt giảm và tư hữu hóa (CRACP) và được hỗ trợ bởi nhiều tổ chức phi chính phủ và các liên minh chống cắt giảm khác.
Theo sau hội nghị này, các nhà hoạt động ở Anh đã kêu gọi một cuộc biểu tình quy mô lớn để phản đối các chính sách khắc khổ của chính phủ. Cuộc biểu tình quy tụ khoảng 35.000 người tham gia ở Manchester, nơi chính phủ của Thủ tướng David Cameron đang có một cuộc họp thường niên.
Nhà tổ chức Trade Union Congress (TUC) cho biết cuộc biểu tình nhằm kêu gọi chính phủ chọn “việc làm, tăng trưởng và công lý”.
TUC cho biết thêm, họ tổ chức cuộc biểu tình để phản đối những chính sách khắc khổ của chính phủ liên minh như đóng băng tiền lương, cắt giảm các dịch vụ công và phúc lợi xã hội. “Những biện pháp đó sẽ làm gia tăng thất nghiệp, hạ mức sống và khiến kinh tế đình trệ”, đại diện của TUC nói.
Không chỉ ở Anh, mà hầu hết các nước đang nặng nợ khác đều phải đối mặt với sự giận dữ của người đóng thuế.
Tại Bồ Đào Nha, ngày 1-10-2011, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đã diễn ra ở thủ đô Lisbon và Porto. Có tới 130.000 người tham gia biểu tình ở Lisbon và 50.000 người ở Porto. Để đổi lấy gói ứng cứu 78 tỷ EUR, Chính phủ Bồ Đào Nha đã triển khai nhiều chính sách khắc khổ, mới nhất là quyết định sa thải 1.700 vị trí quản lý ở 137 công ty công. Các cuộc biểu tình cũng nổ ra ở Tây Ban Nha, Hungary, Italia và đặc biệt là Hy Lạp - “con nợ” đang trong tình trạng nguy kịch.
Đến nay, các nền kinh tế lớn trên thế giới từ Mỹ đến châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc dường như đều đã phục hồi, nhưng dư âm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 vẫn còn. Một điều đáng lo ngại, một số nhà kinh tế tin rằng cứ khoảng 10 năm vòng xoáy khủng hoảng kinh tế - tài chính có thể lặp lại một lần, và vòng xoáy đó đang đến gần.
Vĩnh Cẩm