Chuyện về một làng chài đặc biệt

Cuộc sống "bán mặt cho nước, bán lưng cho trời"

Thứ Tư, 17/05/2017, 15:12
Không chỉ phải chịu nhiều thiệt thòi mà nhiều người dân Nguyệt Đức còn có cảm giác mặc cảm với xã hội hoàn trên bờ toàn khác vì nơi ấy con người được tiếp xúc với tất cả những thứ văn minh và hiện đại.


Làng Nguyệt Đức giáp ranh giữa hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, ngăn cách bởi con sông Cầu. Về địa chính thì Nguyệt Đức là ba phần đất ven sông thuộc các thôn Vạn Phúc, phường Vạn An (Yên Phong, Bắc Ninh) và thôn Yên Viên (xã Vân Hà, Bắc Giang).

Hiện nay, ở Nguyệt Đức có khoảng 700 nhân khẩu với trên 170 nóc thuyền. Nghề chính của người dân nơi đây là vận tải đường sông và đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên thời gian gần đây nước sông Cầu ô nhiễm khiến cá chết nhiều, muốn đánh bắt người dân thường phải đưa thuyền đi rất xa.

Riêng đối với nghề vận tải đường sông thì chỉ những hộ gia đình có điều kiện kinh tế mới có thể làm được. Bởi lẽ để có thể vận tải thì thuyền phải to và chắc chắn.

Trước người dân Nguyệt Đức thường chở hàng thuê cho làng gốm Thổ Hà và rượu làng Vân. Tuy nhiên tính tới thời điểm hiện tại, việc vận tải đường sông không còn được thuận tiện như trước, bởi sự cạnh tranh ngày một gắt gao và không còn thế độc quyền. Nhiều gia đình thậm chí còn phải bỏ nghề vận tải để quay về với nghề đánh bắt cá truyền thống.

Bao thế hệ sinh ra ở làng chài Nguyệt Đức gắn liền với sông nước.

Vì giao thông chủ yếu diễn ra trên sông nước nên ở Nguyệt Đức, gia đình nào sắm xe máy sẽ được xem là "của hiếm".

"Kể cả nhà nào có điều kiện, đủ sức mua một cái xe máy người ta cũng chưa chắc mua. Vì mua rồi thì biết để xe ở đâu, chẳng lẽ cứ gửi nhờ suốt cũng ngại. Với lại, hoạt động chủ yếu diễn ra trên sông. Mưu sinh cũng trên sông, bà con hàng xóm thì cũng đều là người trên thuyền cả, có mấy khi cần đi đâu đâu. Cùng lắm là đưa con đi học hoặc thi thoảng mới có chuyện gì đó cần lên bờ" - bà Nguyệt chia sẻ.

Những năm trước người dân làng chài Nguyệt Đức phải chịu cảnh thiếu thốn tứ bề như: không điện, không nước, không có đất an táng…

Ông Nguyễn Văn Hải - trưởng thôn Nguyệt Đức tâm sự: "Thời kỳ chưa có điện, vào mùa đông thì chỉ quá chiều là làng tôi lại chìm trong bóng tối. Không có điện cũng đồng nghĩa với việc không được tiếp xúc với những phương tiện của thế giới hiện đại như tivi, quạt điện…".

Nhiều người ở đây vẫn thường tếu táo với nhau rằng, không có điện, tối đến thì phải đi ngủ sớm, mà ngủ sớm thì đương nhiên là sẽ đẻ nhiều thôi. Vì đẻ nhiều khiến cuộc sống của người dân nơi đây đã khó khăn lại chồng chất khó khăn.

Cũng vì đẻ nhiều nên chất lượng sống của Nguyệt Đức thuộc hàng thấp nhất xã. Có những người mới chỉ ngoài 60 tuổi thôi cũng đã có tới vài chục cháu cả nội lẫn ngoại.

Những con thuyền cũ kỹ ngày một xuống cấp của bà con làng chài.

Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm chiếc thuyền của bà Nguyễn Thị Đều (70 tuổi). Khi ấy, bà Đều đang lúi húi trong thuyền nấu cám cho lợn ăn. Bà khoe: "Thời gian vừa rồi lợn xuống giá quá, người ta chán không muốn nuôi nên cho tôi mấy con lợn giống này đây. Không mất tiền mua nên tôi cứ mang về thả vào góc này rồi đi xin cơm thừa canh cặn cho nó ăn. Cứ túc tắc thôi có thế nào ăn thế, kiểu gì rồi nó chả lớn".

Vợ chồng bà sinh được 4 người con, 3 trai, 1 gái. 3 người con trai của ông bà đều nối tiếp nghề của bố mẹ nên cuộc sống lại lênh đênh sông nước, chỉ duy nhất có cô con gái lấy chồng nơi khác nên được "thoát ly" lên bờ.

"Con cái lớn lên chúng nó lấy vợ sinh con nên phải sắm thuyền riêng, mỗi đứa một cái. Hai đứa lớn thì ở cách đây một đoạn, còn thằng út thì ở sát đây với tôi, nhưng mà hoàn cảnh của nó tội lắm. Hai vợ chồng lấy nhau được mấy năm chẳng biết có phải vì vợ nó chán cảnh phải sống bấp bênh trên thuyền không nên bỏ đi rồi. Nó cũng chán chường nên bỏ lên bờ đi làm thuê, thỉnh thoảng mới về đây thăm tôi. Bây giờ tôi sống một mình ở cái thuyền này, ông ấy thì mất cách đây 6, 7 năm rồi" - bà Đều chia sẻ.

Thân già ở một mình trên thuyền, lại là chiếc thuyền nhỏ nên bà Đều sợ nhất mỗi khi mùa mưa bão tới. Bà bảo, đợt nào gió to quá có khi bay cả nóc thuyền, thậm chí là lật thuyền nhưng may chưa ai bị làm sao. Chuyện nửa đêm mưa táp vào thuyền phải dậy tát nước là chuyện xảy ra thường xuyên với bà và nhiều người dân nơi đây.

Để đối phó với những cơn bão lớn và nước lũ dâng lên cao, bà con đã phải buộc các thuyền lại với nhau bằng sợi dây chão.

Mỗi năm người dân chỉ có thể kiếm cá trên sông được 6 tháng mùa mưa, còn lại họ phải nuôi thêm lợn gà để tăng thu nhập.

Khát vọng lên bờ

Cuộc sống lênh đênh trên mặt nước, phải đối mặt với bao khó khăn và hiểm họa khiến tất cả những người dân Nguyệt Đức đều có chung một khát khao là được lên bờ. Tuy nhiên, để thực hiện ước mơ ấy là điều không hề đơn giản.

Như đã nói, người dân chủ yếu chỉ dựa vào vận tải đường sông và nghề đánh bắt cá nên thu nhập không cao. Để có được số tiền vài trăm triệu đồng mua một mảnh đất trên bờ rồi sau đó dựng nhà với họ là điều không tưởng.

Ở Nguyệt Đức hiện có gần 30 hộ gia đình đang phải sống trong những chiếc thuyền cũ nát mà không có vốn sửa chữa. Lãnh đạo thôn cũng đã làm đơn đề nghị với chính quyền xã, huyện cho vay vốn 25 triệu đồng theo quy định của Nhà nước để hỗ trợ cải tạo thuyền ở cho một số bà con.

Vì không có một tấc đất cắm dùi nên những người dân làng chài Nguyệt Đức đã phải mua một mảnh đất ở núi Quả Cảm để lo chuyện an táng. Song, cùng với thời gian phần đất trống còn lại không nhiều. Theo ước tính của người dân nơi đây thì chỗ đất an táng ấy chỉ còn đáp ứng đủ trong thời gian vài năm nữa.

"Khi tiếp xúc cử tri, tôi đại diện cho người dân Nguyệt Đức cũng đã đề nghị với UBND xã Vân Hà cho thôn chúng tôi "xin" khoảng 5 sào đất để lấy nơi chôn cất người quá cố. Nếu xã đồng ý bán theo giá đất của nhà nước thì tôi cũng động viên bà con cố gắng góp tiền để mua. Sống đã khổ rồi, chẳng lẽ đến lúc chết cũng không có nơi chôn thì tội quá" - ông Hải chia sẻ.

Sau nhiều thế hệ sống lênh đênh sông nước, bà Đều và các con cháu có ước mơ cháy bỏng được lên bờ.

Dù bây giờ cuộc sống đã phát triển hơn nhiều so với trước kia nhưng bà con Nguyệt Đức vẫn thiếu thốn đủ bề. Chuyện học hành của con cái cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Việc đi lại của các cháu phải di chuyển từ thuyền này qua thuyền khác mới có thể lên bờ. Nhiều khi thuyền chòng chành không giữ được thăng bằng khiến các cháu xảy chân ngã xuống sông rất nguy hiểm.

Không chỉ việc học mà ngay cả chuyện chăm sóc sức khỏe cũng là nỗi lo của người dân Nguyệt Đức. Gia đình nào chẳng may có người bị ốm cần phải đi bệnh viện là lại được một phen "cà cuống".

Với những gia đình thuyền đậu sát bờ thì chẳng nói làm gì nhưng với những thuyền đậu ở giữa sông thì chuyện di chuyển người ốm, nhất là ốm nặng đúng như một cực hình. Họ sẽ phải bế người ốm đi nhờ qua rất nhiều thuyền khác mới có thể lên bờ. Thậm chí, nhiều phụ nữ ở Nguyệt Đức khi đi đẻ, chưa đến trạm xá hay bệnh viện thì con đã "rơi" giữa đường vì quá trình di chuyển mất rất nhiều thời gian.

Không chỉ phải chịu nhiều thiệt thòi mà nhiều người dân Nguyệt Đức còn có cảm giác mặc cảm với những người trên bờ. Họ luôn cho rằng đó là một xã hội hoàn toàn khác vì nơi ấy con người được tiếp xúc với tất cả những thứ văn minh và hiện đại.

Bà Đều ngậm ngùi nói: "Trước tất cả đều khổ thì mình thấy chuyện mình khổ cũng là bình thường thôi. Nhưng bây giờ chứng kiến người ta sung sướng quá thì lại thấy chạnh lòng lắm".

Song Anh
.
.
.