Cuộc sống bất an cạnh nghĩa địa

Thứ Hai, 11/02/2013, 17:24

Ở Hà Nội, không quá khó khăn để tìm những nghĩa địa đan xen các khu dân cư. Hàng ngày người dân vẫn sinh hoạt, ăn uống cạnh những nấm mồ lạnh lẽo. Đã có biết bao câu chuyện ma quỷ, tâm linh được người ta thêu dệt, khiến tâm lý người dân hoang mang. Hơn thế nó còn là bãi đáp của dân "chích hút", "dân giang hồ", "gái làng chơi".

Nhiều năm nay người dân sống cạnh các khu nghĩa địa phải sống trong lo âu, sợ hãi, thấp thỏm. Ai cũng mang canh cánh một nỗi niềm: "Sợ cả người chết, hãi cả người sống".

Một phường có tới 3 khu nghĩa địa

Theo quy định, nghĩa trang phải xây cách khu dân cư tối thiểu 1,5km nhưng do tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến nhiều nhà cửa đua nhau mọc lên, bao vây lấn át dần. Có lẽ trên địa bàn Hà Nội không có phường nào nhiều nghĩa địa đan xen vào khu nhà dân như phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy). Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn phường có tới 3 khu nghĩa địa nằm trọn vẹn trong những khu vực người dân đang sinh sống. Hiện 1 khu thuộc tổ 35 đang được cơ quan chức năng di dời, 2 khu vẫn chưa thể vì nhiều lý do.

Ngót nghét 20 năm nay người dân tổ 46 phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã quá quen với khu nghĩa địa còn sót lại nằm ngổn ngang trước cửa nhà. Trước kia nó vốn tách biệt giữa bãi bồi, khi làng lên phố vùng đất gò bãi của làng Quan Hoa xưa trở thành khu dân cư sầm uất. Nghĩa địa của làng theo chủ trương mai táng mới nhưng ngày càng co cụm lại. Sự lộn xộn chen chúc ở đây đã thành chuyện muôn năm cũ.

Cứ 19 giờ hằng ngày mọi người đóng cửa im ỉm "nội bất xuất, ngoại bất nhập", nếu muốn đi ra ngoài, đặc biệt trẻ em và phụ nữ tối thiểu cũng phải có 1 người đi kèm. Với thái độ khá dè dặt bà Nguyễn Thị Tiệp, tổ 46 (Quan Hoa, Cầu Giấy) chia sẻ: "Ở gần nghĩa trang chúng tôi bất tiện nhiều cái. Cái thứ nhất là mả xây liền vào với nhà luôn. Cái thứ hai là các ông các bà chuyển từ chỗ tươi về chỗ khô đêm hôm là làm mất ngủ từ hôm trước đến hôm sau. Nhà tôi có trẻ nhỏ rồi đốt tiền vàng mã, rồi hương khói các thứ nó bay hết vào nhà tôi mà thường xuyên là như thế, không bất cứ là mùa thay áo. Chẳng hạn như bình thường các ông các bà ra thắp hương là nó cũng bay vào nhà tôi, không khí rất ngột ngạt".

Chúng tôi có mặt tại tổ 46, phường Quan Hoa vào đúng ngày rằm của tháng cuối năm. Khói hương, vàng mã của thân nhân người đã mất đốt khiến không khí ở đây vô cùng khó chịu. Khu nghĩa địa nằm lọt thỏm trong 1 con ngõ nhỏ chỉ vừa 1 chiếc xe máy đi qua. Đây là khu nghĩa địa tồn tại gần 20 năm rộng khoảng 300m2 với gần 200 ngôi mộ với đủ kiểu dáng khác nhau. Trước là một khu đất trống với một bên là ruộng đồng hoang vắng và nằm khá xa khu dân cư.

Tuy nhiên hơn chục năm nay do quá trình đô thị hóa đã đẩy người dân ra gần hơn nghĩa địa. Nhiều nhà mở cửa trước cũng là mộ, cửa sau cũng mộ, cửa sổ cũng mộ, khoảng cách từ nhà đến mộ chỉ vỏn vẹn 40cm. Đóng cửa im ỉm để tránh khói của nhang và vàng mã, chị Thủy nheo mắt trả lời chúng tôi: "Dẫu biết đây là việc hiếu, con cháu thắp hương cho các cụ là lẽ thường, ai cũng vậy. Thế nhưng những ngày cuối năm, người thân con cháu về tảo mộ rất nhiều. Ngoài việc khói hương nghi ngút thì rác rưởi người ta để lại thì biết đâu mà kể. Chúng tôi sống ở đây thấy thế mà chướng tai gai mắt, gần như ngày nào cũng phải dọn vệ sinh".

Nhiều người dân chia sẻ, những người sống xung quanh nghĩa địa chủ yếu là dân tỉnh lẻ lên Hà Nội mua đất, mua nhà. Do đất khu vực nghĩa địa bao giờ cũng rẻ hơn so với các khu khác. Tuy nhiên có những gia đình mới chỉ mua và chuyển đến ở được 2 - 3 tháng đã chuyển đi chỗ khác, thậm chí nhiều người còn bán lỗ. Anh Thắng (người dân tổ 46) chia sẻ: "Có người vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của con nhỏ nên đã đi thuê nhà nơi khác ở còn nhà mình thì xây lại cho sinh viên thuê trọ".

Tại tổ 36, phường Quan Hoa khu nghĩa địa nằm khá lộ (nhìn ra đường Nguyễn Khánh Toàn). Theo quan sát của chúng tôi xung quanh khu mộ chủ yếu là các phòng trọ của sinh viên, người lao động. Bạn Hoàng Thùy, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Trước khi em đến đây thuê trọ không biết có nghĩa địa. Hôm đó trăng sáng lắm em mở cửa ra ngắm trăng thì giật thót mình ngay cửa sổ có 1 ngôi mộ được ai đó thắp nhang. Từ đó em không mở cửa sổ 1 phút nào nữa. Em định chuyển nhà ngay sáng hôm sau nhưng vì đã trót đóng tiền 6 tháng cho chủ nhà rồi. Chẳng còn cách nào khác đành phải gọi cậu em ruột đến ở cùng cho đỡ sợ".

Với những người bản địa tại các khu vực có nghĩa địa thì việc có những ngôi mộ lại là chuyện bình thường. Tại tổ 46 (phường Quan Hoa, Cầu Giấy) với gần 200 ngôi mộ thì chủ yếu là người dân làng Quan Hoa trước đây. Các ngôi được xây dựng với nhiều kiểu dáng đẹp và kiên cố. Những ngày nắng đẹp, nhiều hộ còn mang cả chăn, chiếu phơi. Có người còn mang cả thực phẩm ra cạnh các ngôi mộ để chuẩn bị cho các bữa cơm.

Bà Nguyễn Thị M. người gốc làng Quan Hoa chia sẻ: "Khu mộ này toàn là người nhà chúng tôi, ông bà tổ tiên chúng tôi nên chẳng có gì là sợ. Ở mãi cũng quen rồi thấy bình thường lắm. Nhưng dù sao thì cũng mong chính quyền có phương cách di dời những ngôi mộ cho bà con yên tâm sinh sống. Người đã khuất cũng được yên nghỉ".

Bãi đáp cho dân giang hồ

Với những người sống quanh các khu nghĩa địa sợ chuyện "ma quỷ" 1 phần thì sợ giới giang hồ lợi dụng sự vắng vẻ làm chuyện mờ ám 10 phần. Do nghĩa địa vắng vẻ gần như đêm nào cũng có hiện tượng những con nghiện dẫn nhau vào tiêm chích.

Em Nguyễn Mạnh M. (học sinh lớp 12) nhà đối diện bãi nghĩa địa thuộc tổ 47 (phường Quan Hoa) kể lại: "Hôm đó em đi ôn thi về thấy 2 thanh niên hí húi cạnh những ngôi mộ tiêm chích. Lúc đầu em sợ lắm, cứ tưởng ma hiện lên trêu em. Khi đi gần đến thì 1 thằng chửi em mày thích nhìn à? Tao cho mày cái xi lanh bây giờ! Từ đó em sợ lắm mỗi lần đi học về muộn là phải gọi bố đi đón".

Khu mộ đang di dời dở tại phường 36 phường Quan Hoa, Hà Nội.

Cùng tâm trạng với em Mạnh H. chị Thủy chia sẻ: "Nhiều hôm chúng nó đến đây chích vứt cả đống xi lanh ở đây. Cách đây 3 tháng một nhóm thanh niên vào đây chích, bỗng thấy đì đụp đấm đá, nghe đâu 1 trong số đó bị sốc thuốc. Chúng tôi sống ở đây thấy bất an vô cùng! Chuyện ma quỷ, tâm linh đồn thổi dần dần cũng quen nhưng còn những chuyện tệ nạn thì quả là nguy hiểm tới mọi người".

Các khu nghĩa địa không chỉ là bãi đáp cho dân "đạo chích" mà còn là nơi của dân giang hồ đưa nhau vào đây thanh toán. Khủng khiếp hơn, theo chia sẻ của người dân có rất nhiều lần bắt gặp cả "gái làng chơi" đưa khách về đây để mây mưa.

Có thể nói phải sống ở những khu nghĩa địa là một điều cực chẳng đã của người nơi đây. Chị Nguyễn Thị T. (xin được giấu tên) chia sẻ: "Nói thật với cô chú, nếu nhiều tiền tôi đã chả mua nhà ở cái nơi nhiều âm khí này. Có đời thuở nhà ai, mỗi sáng thức dậy, mở cửa ra cái đầu tiên nhìn thấy là lổn nhổn những mồ mả. Ban đầu tôi cũng hãi lắm nhưng dần thành quen. Chỉ buồn là bạn bè, người thân của gia đình tôi chẳng ai dám đến. Muốn tổ chức một bữa tiệc vào buổi tối cũng không được vì có khi sắp cỗ ra lại ế vì ai cũng cáo có lý do. Chả nói đâu xa, bà chị dâu tôi đến thăm nhà, bà ấy suýt ngất vì nhìn thấy cái bát hương to lù lù đặt ở ngay cái mộ trước cổng nhà. Tất cả cũng quen hết, điều tôi lo ngại là cuộc sống của con cái, chúng nó có thể bị đe dọa của tệ nạn bất cứ lúc nào".

Những câu chuyện chúng tôi thu nhặt được tại phường Quan Hoa cũng chỉ là một phần rất nhỏ trên địa bàn Hà Nội.

Như địa bàn thôn Quảng An (xã Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) vẫn tồn tại 1 nghĩa địa Ngọc Xuyên. Tại đây mồ mả "bao vây" bốn phương, thậm chí có ngôi mộ còn nằm trọn trong nhà của người dân. Hay tại thôn Yên Xá, xã Tân Triều (Thanh Trì Hà Nội) cũng là một "điểm nóng" của quá trình đô thị hóa. Người dân tại địa bàn thôn cũng vô cùng bức xúc, cảm thấy bất tiện khi phải sống chung với những ngôi mộ. Tại khu vực phường Láng (phố Hoàng Ngọc Phách) cũng đang tồn tại một nghĩa địa đang làm người dân hoang mang.  

Trao đổi với bà Nguyễn Thị Chỉ (tổ phó tổ 46, phường Quan Hoa) cho biết: Đây là khu nghĩa địa đã tồn tại gần 20 năm. Khi có chủ trương của thành phố di dời dân cư, chúng tôi chuyển sang đây vì thế di chuyển cả nhà cả mộ để tránh mất mộ. Tại các buổi họp khu dân cư chúng tôi không thấy cấp trên có ý kiến gì về chuyện di dời mồ mả. Tuy nhiên, càng ngày càng nhiều nhà cửa mọc lên, người dân cũng mong mỏi chính quyền địa phương có biện pháp di dời để người dân ổn định cuộc sống.

Bác sĩ Trần Việt Tuấn (trung tâm Phát triển Y tế cộng đồng) chia sẻ với báo chí: Việc nghĩa trang nằm trong khu dân cư sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh, có thể gây bệnh, nhất là bệnh hô hấp với người già và trẻ nhỏ. Ở những khu đô thị cần phải có những quy hoạch phù hợp cách xa nơi dân ở để đảm bảo sức khỏe y tế công cộng. Dù dân cư đó có dùng nước máy thì đất vẫn bị ô nhiễm. Hơn nữa tất cả nhà hướng ra mặt nghĩa trang sẽ làm cho tâm lý "sống cạnh người chết" cũng làm nhiều người lo sợ, không an tâm. Đây cũng là một nguyên nhân gây bệnh.

Ông Đinh Trọng (Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa) chia sẻ: Khoảng 10 năm nay, dân cư phường đông lên, nhiều người từ nơi khác đến định cư nên xảy ra hiện tượng nghĩa địa bị nhà dân bao quanh. Trên địa bàn phường còn tồn tại 3 nghĩa địa thuộc tổ 36 và 46. Những khu nghĩa địa chỉ cách nhà ở khoảng vài ba bước chân, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sống và tâm lý của người dân. Hiện thành phố chưa có dự án nào liên quan đến việc di chuyển các nghĩa trang này. Mặc dù biết là ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đời sống nhân dân. Do chưa có kế hoạch từ cấp trên, quỹ đất không còn, kinh phí hạn hẹp nên lãnh đạo phường không thể giải quyết được. Chúng tôi cũng mong muốn các cấp trên như UBND TP Hà Nội hay UBND quận Cầu Giấy sớm có quy hoạch để di dời.

Phong Anh
.
.
.