Cuộc sống cực khổ của người dân

Thứ Bảy, 04/08/2018, 17:39
Đê đắp càng cao, nước lũ càng ngập, đó là những gì mà người dân sinh sống tại các vùng thoát lũ tại huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội phải chịu đựng. Hơn 10 ngày nay kể từ khi đợt mưa đầu tiên trút xuống, tại các xã chìm trong nước như Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ, nhiều gia đình đã phải khóa cửa, bỏ nhà đi lánh nạn vì nước lũ.


Chìm trong biển nước

Để ghi nhận tình hình, mới đây, chúng tôi cũng đã có mặt tại một điểm ngập khác ít được nhắc tới hơn, đó là thôn Thuận Lương, xã Hoàng Văn Thụ, một nơi bị ảnh hưởng khá nặng bởi nằm ngay cạnh bên đê Bùi 2.

Theo người dân cho biết, trong vài ngày trở lại đây, nước đang rút dần, mực nước ngập đã giảm được 10-15cm, người dân tại một số điểm nước rút có thể vào nhà đang hồ hởi dọn dẹp sau nhiều ngày di tản.

Anh Hoàng thường phải đi thuyền thúng để vào xem nhà.

Đến hôm nay cũng đã gần chục ngày, anh Hoàng, một người dân thôn Thuận Lương phải chịu cảnh ăn nhờ, ở đậu. Anh Hoàng cho biết, sau đợt mưa kéo dài bắt đầu từ ngày 18-7, gia đình anh đã phải khóa cửa nhà, chỉ mang những đồ đạc thiết yếu lên những khu vực cao hơn để ở nhờ nhà người quen. Khu vực nhà anh Hoàng thuộc vùng trũng nên nước cao trên 3m, ngập đến tận mái nhà.

Tuy nhiên, anh Hoàng cho biết, đây không phải lần đầu tiên mà thôn Thuận Lương cũng như một số thôn khác tại xã Hoàng Văn Thụ phải gánh chịu cảnh ngập lụt như vậy.

Anh Hoàng cho biết: "Vì là vùng thoát lũ cho Hà Nội nên mỗi khi có nước lũ, chính quyền lại đắp đê Bùi 2 cao lên. Nước dâng cao sẽ thoát hết về khu vực thôn chúng tôi, nên mỗi khi lũ về là cả làng lại chìm trong biển nước. Tuy nhiên, đây là khu vực thoát lũ nên nhiều người cũng xác định trước tinh thần mỗi khi vào mùa lũ".

Được biết, không chỉ khu vực thôn Thuần Lương mà còn nhiều thôn khác thuộc hai xã Hoàng Văn Thụ và Tân Tiến, nằm sát đê sông Bùi bị ảnh hưởng khi nước lũ lên. Trong đợt mưa lũ này, một địa phương phải nói đến đó là xã Nam Phương Tiến, một xã chìm trong nước đã hơn 10 ngày với hơn 831 hộ dân bị cô lập và gần 650 hộ ngập sâu trong nước với hơn 3.000 người bị ảnh hưởng.

Trong thời điểm hiện tại, mặc dù nước lũ đã rút đi đáng kể, nhưng tại xã Nam Phương Tiến, tình hình vẫn chưa thực sự khả quan. Ngoài ra tại xóm Năng, thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến cũng đang có khoảng 40 căn nhà tại đây vẫn đang bị ngập sâu trong nước, có nơi nước ngập lên tới 4 - 5 m. Ngoài xóm Năng, 2 xóm Vạn Tiên, và xóm Cốc nhà cửa của hơn 150 hộ dân cũng đang bị ngập sâu 2 - 3m.

Vợ anh Trúc lấy nước ngập trong sân để lau nhà.

Tuy nhiên, theo anh Hoàng cho biết, khu vực xã Nam Phương Tiến là vùng trũng nhưng mỗi khi nước sông dâng cao kỉ lục như thời điểm vừa qua thì mới ngập trong biển nước. Còn tại khu vực thôn Thuận Lương và một số thôn khác của xã Hoàng Văn Thụ thì ngập lụt quanh năm, nhất là vào mùa mưa bão.

"Tôi nghe nói, chính quyền đắp đê Bùi cao thêm 50cm nữa để tránh các sự cố tràn đê, vỡ đê. Đó cũng là giải pháp tốt nhất để nước lũ không tràn về Hà Nội và tránh vỡ đê. Nhưng đó cũng là điều mà người dân nơi đây e ngại bởi đê càng cao thì mực nước ngập tại thôn của chúng tôi cũng sẽ cao theo", anh Hoàng ái ngại nói.

Chở chúng tôi đi quanh thôn Thuận Lương bằng thuyền thúng, chỉ vào mái một ngôi nhà đang nhấp nhô trên mặt nước, anh Hoàng cho biết đó là ngôi nhà của mình và khu vực này ngập khá sâu, có chỗ là ao mực nước lên tới 5m rất nguy hiểm.

Cũng vì thế, họa hoằn lắm anh Hoàng mới chèo thuyền về nhà để xem xét tình hình mực nước. Ngoài nhà anh Hoàng, còn nhiều hộ dân cũng rơi vào tình trạng tương tự, nhà nào ở vùng đất cao ngập nhẹ thì nước đến đầu gối, nhà ngập nặng thì nước đến ngang ngực.

Thiếu nước sạch và ô nhiễm

Theo người dân Thuận Lương, việc họ lo lắng nhất hiện tại không phải là nước ngập mà chính là các nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt như chỗ ngủ, nước sạch, vệ sinh dịch tễ. Anh Hoàng cho biết, từ khi mưa lớn gây ngập lụt, rác thải ở ngoài làng bị sóng đánh dạt vào trong, kết hợp với xác của động vật chết gây mùi hôi thối vô cùng.

"Nhiều nhà đã phải dựng các thanh tre ở ngoài đường vào để ngăn rác, bèo trôi vào trong làng, song do lượng nước thất thường nên một số chỗ vẫn ngập trong rác. Tôi rất lo tình trạng này tiếp diễn sẽ gây ra dịch bệnh, nhất là cho trẻ con", anh Hoàng lo lắng nói.

Một ngôi nhà bị ngập ngang cửa.

Còn theo anh Nguyễn Đình Trúc, một hộ gia đình bị ngập nhẹ cho biết, gần chục ngày nay, gia đình anh không có nước sinh hoạt do giếng đã bị ngập nước. Để có nước sạch, anh Trúc và vợ phải mang can nhựa đi lên các nhà không bị ngập để xin, số nước đó cũng chỉ đủ chu cấp cho các nhu cầu thiết yếu. Gia đình anh Trúc có nhiều trẻ nhỏ nên nước sạch chủ yếu ưu tiên cho các cháu.

Nói về những khó khăn qua những ngày này, anh Trúc cho biết: "Do thiếu nước sạch, vợ chồng tôi phải múc luôn cả nước đang ngập lênh láng ở sân để tắm. Tắm xong nước đó, người ngứa ngáy khó chịu nhưng biết làm cách nào. Cố gắng chịu đựng cho đến khi nước rút".

Cũng giống như bao hộ dân ở thôn Thuận Lương, khi nước bắt đầu lên, anh Trúc cùng vợ đưa hết gia súc gia cầm lên chỗ cao. Đồ đạc trong nhà có đồ điện tử gì quý giá cũng phải tìm cách kê lên cao, tránh hỏng hóc, tránh thiệt hại về kinh tế. Tuy nhiên, cũng như anh Hoàng nhận định ở trên, việc gia đình anh Trúc lo ngại cũng là sự mất vệ sinh do rác thải tràn vào trong làng.

Chỉ cho chúng tôi những đám rác đang trôi trước cửa nhà, vợ anh Trúc cho biết: "Thôn này bị bao vây bởi hai bãi rác, một bãi ở khu đầu nguồn, bãi thứ hai ở khu Gò Chai, cách đây không xa. Mỗi khi mưa lũ, rác từ các khu này lại bị trôi vào làng, kết hợp với xác gia xúc, gia cầm chết tạo nên mùi hôi thối, mất vệ sinh và rất dễ gây bệnh. Mỗi ngày, vợ chồng tôi lại phải lấy thuyền thúng chèo ra để gạt rác ra ngoài, không cho trôi vào nhà".

Được biết, nhiều hộ gia đình trong thôn Thuận Lương có chăn nuôi vịt, đàn lớn có thể lên tới cả vạn con. Trong những ngày lụt, họ chèo thuyền đưa vịt ra ngoài vùng ngập để kiếm ăn.

Nhưng trong những ngày này, thức ăn không có nhiều, một số ít vịt tản mát không kiểm soát ăn phải rác thải hoặc bị đói lăn ra chết. Xác của chúng bị thả trôi trên dòng nước lụt, gây ô nhiễm môi trường rất nặng.

Ngoài thiệt hại về tài sản trong nhà, gia súc gia cầm thì trong đợt lũ vừa qua, hầu hết những thửa ruộng mới cấy của người dân Thuận Lương đều bị ngập nước, không cứu vãn được gì.

Do đã quá quen với những đợt lũ nên gần về cuối năm, người dân đi cấy không nhiều nên thiệt hại cũng không quá lớn. Tuy nhiên, nó cũng ảnh hưởng phần nào đến cuộc sống người dân nơi đây.

Người dân phải dùng thuyền thúng để vận chuyển đồ đạc.

Qua tìm hiểu từ một số hộ dân, mưa lũ gây ngập lụt cũng tác động về giá cả lương thực, thực phẩm. Cụ thể nhất đó chính là các loại rau xanh bắt đầu tăng giá. Theo một người dân cho biết, trước ngày lu, một mớ rau muống được bán ở chợ có giá 2 ngàn đồng, thịt lợn có giá 70 ngàn đồng/kg.

Nhưng hiện tại, giá của một mớ rau muống là 4-5 ngàn đồng, thịt lợn cũng tăng nhẹ lên 85 ngàn đồng/kg... Đó cũng là điều dễ hiểu khi hoa màu, vật nuôi bị ảnh hưởng nặng nề, thực phẩm phải được chuyên chở từ nơi khác đến để phục vụ người dân.

Tại đầu thôn Thuận Lương, cũng xuất hiện một số dịch vụ như sửa chữa xe lưu động hay vận chuyển xe máy, đồ đạc đi qua vùng nước ngập với giá 20 ngàn/chuyến.

Đến thời điểm hiện tại, người dân sống trong vùng ngập lụt cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính quyền. Trước đó, mỗi hộ dân đã được nhận nước sạch, 5kg gạo, 2 thùng mỳ tôm để tạm thời chống chọi qua những ngày mưa lũ này.

Nói về tình hình mưa lũ, Chủ tịch huyện Chương Mỹ, ông Đinh Mạnh Hùng cho biết, vào ngày 30-7, mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt đã lên tới 7,5m, trên báo động 3 là 0,5m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m.

Hàng trăm người đã được huy động để tiến hành đắp đê chống lũ. Huyện Chương Mỹ cũng đã nhận chỉ đạo của Chủ tịch TP và phối hợp trực 24/24h trên các tuyến đê bằng bộ đàm.

Bộ Tư lệnh Thủ đô và Công an TP cung cấp xuồng cứu hộ, đèn pin và công tác hậu cần cho lực lượng túc trực. TP Hà Nội cũng đã liên hệ một số đơn vị để hỗ trợ người dân nước sạch, giao cho công ty nước sạch Hà Đông đặt thùng nước để cấp nước cho người dân.

Phong Trâm
.
.
.