Cuộc sống mới của phu trầm ở xứ Huế

Thứ Sáu, 06/06/2014, 13:00

Thời trai trẻ, người đàn ông ấy đã chọn cho mình con đường làm giàu không chính đáng bằng cách vào chốn non thiêng ngậm ngải tìm trầm, phó mặc số phận cho bao nguy hiểm rập rình. Trước khi may mắn được sống sót trở về, anh đã bị giam giữ qua nhiều nơi khác nhau trên đất nước Lào và các địa phương trong cả nước. Quyết tâm làm lại, trả nghĩa cuộc đời, phu trầm năm xưa nay đã trở thành người chèo đò trên dòng sông Tả Trạch, ngày ngày tình nguyện đưa đón học sinh và bà con sang sông trên chiếc đò ngang cuộc đời.

Anh là Võ Đức Hải (45 tuổi), trú thôn La Khê Trẹm, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên Huế). Nhìn anh Hải hôm nay, trong căn nhà khang trang được xây dựng lên bởi sức lao động của chính bản thân, ít ai biết rằng trước đây, thời trai trẻ anh đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng trên con đường lập nghiệp. Sau biến cố cuộc đời, anh Hải đã từ giã quá khứ để sống cuộc sống mới, có ích hơn cho cộng đồng và xã hội.

Kí ức hãi hùng của một “cựu” phu trầm

Chúng tôi tìm gặp anh Võ Đức Hải đúng vào thời điểm dư luận đang rất quan tâm về vụ án 5 phu trầm bị sát hại chuẩn bị được đưa ra xét xử tại Quảng Bình. Là một phu trầm, đã từng bị cướp bóc, bị bắt rồi bị tra tấn dã man, hơn ai hết, anh Hải cũng rất quan tâm đến sự kiện đau lòng này. Chia sẻ với phóng viên, anh Võ Đức Hải cho biết, ngày ấy bản thân anh không phải bỏ mạng lại giữa chốn non thiêng nước độc là một sự may mắn thần kỳ, bởi phu trầm rất ít người đi mà trở về, hoặc có về cũng không còn lành lặn, cường tráng như xưa nữa. Cái giá phải trả là quá đắt cho một đời người, song vì lợi nhuận quá lớn nên nhiều người vẫn đánh đổi cả mạng sống chỉ để mong có được cuộc sống đủ đầy hơn.

Anh Võ Đức Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình rất nghèo, lại đông con nên anh chị em trong nhà phần lớn đều không được học hành đến nơi đến chốn mà phải sớm bươn chải để kiếm sống. Để phụ giúp ba mẹ kiếm tiền, anh Hải đã làm đủ nghề, quần quật tối ngày nhưng khó khăn vẫn bủa vây. Trong hoàn cảnh đó, lúc bấy giờ, nhiều vùng ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đang dấy lên phong trào "đi trầm", đặc biệt là nhiều thôn, làng nằm ở thượng nguồn sông Hương, phong trào này trở nên rầm rộ hơn khi thi thoảng có người lại trúng trầm, cuộc sống giàu sang phất lên trông thấy. Nghe nhiều người ở thôn La Khê Trẹm rỉ tai chuyện đi “trầm” rất nhiều tiền, có thể đổi đời và sống sung túc, anh Võ Đức Hải đã quyết định bỏ nhà “đi trầm” với hy vọng kiếm được nhiều tiền để thay đổi cuộc sống hiện tại.

Anh Hải ngậm ngùi chia sẻ: “Chuyện xảy ra cũng đã hơn 30 năm về trước. Ngày ấy tuổi trẻ bồng bột, dễ bị rủ rê, lôi kéo, chưa nhận thức được làm như vậy là phi pháp. Cứ nghĩ trầm là một cây gì đó làm thuốc quý hiếm nhưng ở rừng ít người đi lấy nên đi theo mấy anh em. Khi nhận thức được việc đi ngậm ngải tìm trầm là việc làm sai trái, phải sống chui lủi, trốn tránh các cơ quan làm nhiệm vụ bảo vệ rừng và cả bọn cướp bóc trên đường. Song, khi đã sa chân vào thì khó dứt lắm”. Đó là một ngày giữa năm 1985, theo chân ông Mai Đình Giản, một người trong thôn, anh Hải cùng 15 phu trầm khác đã lên đường ra Quảng Bình, sau đó ngược qua Lào để tiếp cận cánh rừng gần khu vực hạ lưu sông Nam Kheun, thuộc tỉnh Khăm Muộn – nơi được đồn thổi là có nhiều trầm quý để tìm kiếm. Sau khi vượt biên thành công, cả đoàn chia làm 4 nhóm lập lán trại ở khu vực này, ngày chia nhau tỏa ra đi tìm cây gió, tối về canh cho nhau ngủ để tránh thú dữ.

Anh Võ Đức Hải trên chiếc đò ngang cuộc đời.

Sau cả tháng trời xới tung cánh rừng, nhóm của anh Hải cũng đã gom được khoảng 30kg trầm thì xảy ra sự cố. Bốn thành viên trong đoàn bị phỉ phục kích và bắn chết, những người còn lại nhanh chân chạy thoát rồi quyết định rời núi. Thế nhưng, trên đường về cũng gặp muôn vàn trắc trở, thử thách khi liên tục gặp những tên cướp đòi ăn chia chiến lợi phẩm. Rất may, cả nhóm hơn 10 người đi sát cánh bên nhau nên không băng nhóm nào dám manh động. Nhưng vừa gùi trầm trở ra khỏi rừng thì cả nhóm đã bị lực lượng Quân sự tỉnh Khăm Muộn bắt giữ vì tội xâm nhập trái phép và bị tịch thu hết số trầm.

Sau khi bị bắt giữ, anh Hải và nhóm bạn bị di lý về giam giữ 25 ngày tại một nhà tù ở thị trấn Lạc Xao, thuộc tỉnh Khăm Muộn (Lào). Sau đó, nhóm 12 người của anh Hải tiếp tục được bàn giao và bị di lý về "nằm" tại cửa khẩu Nậm Cắn, thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trong thời gian 7 ngày chờ giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Từ đây, nhóm phu trầm tiếp tục được đưa về Nhà lao Thừa Phủ (Thừa Thiên - Huế) giam giữ trong thời gian 1 tháng, rồi đưa về nhà lao TP Huế, trước khi làm thủ tục trao trả về địa phương quản lý. Trải qua 4 lần chuyển dịch 4 nhà lao từ nước bạn Lào về Việt Nam, anh Võ Đức Hải mới thấm thía được việc làm sai trái của mình, ân hận “mộng” làm giàu không đúng với luật pháp.

Cuộc sống mới ở thôn La Khê Trẹm

Trở về sau những ngày tháng lặn lội giữa chốn rừng núi nước độc để tìm vận may, Võ Đức Hải mới nhận ra rằng, chỉ có con đường làm giàu chính đáng mới mang lại hạnh phúc bền vững. Bởi vậy, anh đã quyết tâm phục thiện, làm lại cuộc đời trên chính quê hương mình. Thấy mảnh đồi sau lưng nhà vẫn chưa khai phá, năm 1990, anh đã dốc sức bắt tay vào việc phát quang và tiến hành trồng rừng. Đất không phụ lòng người, 5 năm sau, anh đã có trong tay một cánh rừng cao su hơn 2ha. Thấy chàng thanh niên vốn một thời "lệch hướng" nay tu chí làm ăn, cô gái Võ Thị Thu Hồng (40 tuổi), ở làng bên đã đem lòng thương mến và năm 1994, hai người đã nên duyên vợ chồng. Sau khi gây dựng được một số vốn kha khá, cuối năm 1995, anh Hải tình nguyện viết đơn gửi UBND xã Hương Thọ để xin chèo đò phục vụ người dân địa phương trên đoạn sông Tả Trạch trước mặt nhà.

Vừa cải tạo đất trồng vườn cao su, vừa kết hợp chăn nuôi trồng trọt, anh không ngại gian khó, không quản nắng mưa chèo đò phục vụ dân thôn xóm. Chính sự quyết tâm ấy giờ đây gia đình anh kinh tế rất khá giả, ngôi nhà mới của đại gia đình anh vừa mới được xây dựng trên khu đất hơn 2.000m2, với đầy đủ tiện nghi phục vụ sinh hoạt gia đình.

Anh Võ Đức Hải chia sẻ: “Xây được căn nhà khang trang rộng rãi như thế này là nhờ vào sự chịu thương chịu khó của vợ chồng. Hơn 10 năm tích cóp, mỗi năm gia đình bán trâu cũng xấp xỉ được khoảng 100 triệu đồng. Sau 5 năm, vườn cao su đã đến mùa thu hoạch, 3 mùa đầu tiên, trừ chi phí còn được trên 600 triệu đồng. Hiện, hai vợ chồng chỉ tập trung chăm lo cho ba đứa con ăn học. Đứa đầu đang học năm cuối của Trường Đại học Nông Lâm Huế, sau này ra trường trở về sẽ thay bố mẹ tiếp quản cơ ngơi này”.

Chúng tôi không khỏi thắc mắc khi bản thân đã là ông chủ rừng, thu nhập hằng năm cũng có hàng trăm triệu đồng, nhưng vợ chồng anh vẫn gắn bó với công việc chèo đò qua sông mỗi ngày, vừa vất vả lại thu nhập chẳng đáng là bao. Anh Võ Đức Hải cho biết, anh yêu nghề này và coi đó như là việc làm để trả nghĩa với quê hương, sau những sai lầm quá khứ của bản thân. Theo anh Hải, xã Hương Thọ là nơi hai con sông Tả Trạch và Hữu Trạch nhập với nhau làm một phía thượng nguồn sông Hương nên nơi đây gần như bị cô lập, trông xa như bán đảo, việc đi lại của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Để giao thương, người dân Hương Thọ phải vòng qua xã Bình Thành của huyện Hương Trà, vừa xa vừa khó đi nên phần lớn đều chọn cách đi đò ngang để qua xã Thủy Bằng (Hương Thủy). Thương bà con, đặc biệt là các em học sinh phải vượt lũ qua sông mùa nước lớn, anh Hải đã dựng túp lều tạm sát bến để túc trực ngày đêm đưa đò qua bến sông. Trước đây, chưa có thuyền máy, anh chở bằng ghe nhỏ, một người anh cũng gò lưng chèo, nửa đêm có ai gọi đò, anh cũng bật dậy để giúp người khác sang sông. Tiền công chẳng đáng là bao, chỉ đủ tiền dầu máy và nộp thuế cho xã, song đã hơn 20 năm gắn bó với nghề, nay anh không nỡ bỏ bê, chỉ sợ bà con khổ sở trong việc đi lại. Ước mơ của cựu phu trầm này là mong sao các cấp chính quyền tạo điều kiện để xây dựng cho bà con Hương Thọ một cây cầu vắt qua sông, để người dân không còn cảnh qua sông thì phải lụy đò, như chuyện đã xảy ra mấy chục năm trở lại nay, vất vả và cơ cực vô cùng

Trà My
.
.
.