Cuộc tranh luận ồn ào về giáo dục phổ thông: Có nên bỏ lớp 12?

Thứ Tư, 10/10/2012, 10:46
Xuất phát từ ý tưởng của một số nhà khoa học là giảm thời gian giáo dục phổ thông từ 12 năm như hiện nay xuống còn 9/11 năm, cuộc tranh luận đang cực kỳ ồn ào. Điều này cũng vượt ngoài dự kiến của ngành giáo dục, bởi không có bất cứ câu từ nào trong các đề án, dự án đề cập việc rút ngắn bậc học giáo dục phổ thông, nhưng dư luận đang bị lực hút ghê gớm.

15 tuổi có bằng tú tài, 20 tuổi có bằng đại học?

Hệ thống giáo dục phổ thông áp dụng ở Việt Nam hiện là 12 năm, trong đó 5 năm tiểu học, 4 năm THCS và 3 năm THPT. Tuổi trung bình bắt đầu vào tiểu học là 6, tốt nghiệp THPT là 18. Ở bậc tiếp theo, nếu học tiếp đại học (4-5 năm), thì tuổi có bằng cử nhân là 22-23, nếu bậc cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thì ít hơn 2-3 năm.

Thời gian giáo dục nói trên được mặc định trong mấy chục năm qua, trước khi rộ lên cuộc tranh luận rút ngắn. Chủ yếu ý kiến đề xuất rút ngắn 1 năm đến 2 năm. Cá biệt, ý tưởng của Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT kiến nghị rút tới 3 năm, tức chỉ 15 tuổi là tốt nghiệp THPT.

Theo ý tưởng này, ông Tùng đề xuất kiến trúc giáo dục nên là tiểu học thời gian 5 năm, trung học (gồm cả THCS và THPT) thời gian 4 năm, cao đẳng 3 năm và đại học 3-4 năm. Với ý tưởng về cấu trúc giáo dục mới như trên, 15 tuổi, học sinh có bằng tốt nghiệp trung học (nay là 18), tuổi có bằng cao đẳng là 17 - 18 (hiện là 21), tuổi có bằng đại học 20 - 21 (hiện là 22 - 23). 

Cuộc tranh luận quá nóng và nhiều ý kiến tỏ rõ sự ủng hộ rút ngắn bậc học phổ thông, trong đó có chính kiến của những tên tuổi ngành giáo dục như GS, TS Hồ Ngọc Đại, Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào, GS, TS Nguyễn Minh Thuyết, cả nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cũng thừa nhận "12 năm là quá dài".

Những ý kiến theo quan điểm này lập luận, rút ngắn là ý tưởng hay, sẽ tạo cơ hội cho công dân được bước vào đời sớm hơn vì đối với giáo dục ở nhà trường vẫn chủ yếu là học những điều căn bản, nếu được tốt nghiệp sớm, người trẻ sẽ ít bị lãng phí thời gian. Hơn thế, nếu người trẻ được ra đời sớm, nhận thức của họ sẽ sớm trưởng thành và như vậy sẽ giúp họ nhận thức sớm hơn với trọng trách của mình với xã hội, với gia đình.

Sẽ như thế nào nếu lớp 11, 12 không còn...?

Trả lời báo chí, GS Hồ Ngọc Đại, chuyên gia giáo dục thực nghiệm cho rằng, cải cách học phổ thông xuống còn 9 năm là cách để thực hiện cách mạng giáo dục và cũng là cơ hội để vớt bớt những phần thừa của giáo dục phổ thông hiện nay. Tiến sĩ Nguyễn Kế Hào, nguyên Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT thì thẳng thừng "chương trình học phổ thông hiện tại vừa nặng vừa thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và lãng phí rất nhiều thời gian, cần phải rút ngắn"...

Tuy nhiên, luồng quan điểm phản bác cũng không ít. Những quan điểm bảo vệ việc học phổ thông giữ nguyên 12 năm như hiện hành cho rằng, kết thúc bậc học phổ thông phải đảm bảo ở độ tuổi công dân, đó là 18. Chương trình hiện đang quá tải, nếu rút ngắn thì dồn nén thế nào? Chưa kể, nếu kết thúc bậc học sớm hơn, đến mức chỉ 15 tuổi đã có bằng tú tài, thì liệu độ tuổi đó đã đủ tầm để lĩnh hội kiến thức bậc đại học? Ngược lại, nếu không học đại học, cao đẳng thì 15 tuổi đã đủ nhận thức để lập nghiệp hay không?  

Lại chuyện "đẽo cày"?

Theo nhìn nhận của CSTC, xem ra mỗi luồng quan điểm (giữ nguyên hay rút ngắn) đều có cơ sở lý luận và thực tiễn để bảo vệ và họ cũng không dễ chấp nhận ý kiến phản bác. Hơn nữa, lĩnh vực giáo dục vốn nóng xưa nay, ai cũng có thể lập luận, phản bác, chỉ trích dựa trên góc tiếp cận của mình, nếu cứ  bàn luận tùm hum, chẳng khác gì đẽo cày giữa đường.

Việc rút ngắn bậc học phổ thông 12 năm không phải bây giờ mới đặt ra, mà trước đây chúng ta đã từng có hệ 9 năm, 10 năm và 11 năm. Thực tế, sau năm 1954, bậc học phổ thông, học sinh chỉ học 9 năm và cũng chỉ cần học bạ lớp 9 là có thể được thu nhận vào đại học. Sau đó, bậc trung học nâng từ 4 lớp lên 5 lớp (lớp 10) và sau lớp 10 phải thi kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học. Hệ 10 năm cũng đeo đẳng khá dài trong chương trình giáo dục của nhiều thế hệ.

Đến trước năm 1989, bậc học phổ thông chỉ có 11 năm, không có lớp 9. Khi đó, học sinh hết lớp 8 được thi lên cấp 3 là lớp 10. Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII, ngày 20/6/1989, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã giải trình trước Quốc hội về việc mở lớp 9 cải cách cho biết, nhiều ý kiến đồng ý nhưng ý kiến quan ngại cũng không ít.

Về ý kiến quan ngại, Ủy ban cho hay: "Có thể nói một cách đơn giản là những ý kiến phản ứng đã chứng minh rằng, bốn lý lẽ mà Bộ Giáo dục nêu là chưa đủ sức thuyết phục, là sự cố tình biện minh, bảo vệ cho sự lỡ trớn, những bất hợp lý của cải cách giáo dục cũng như việc mở lớp 9, và ngành Giáo dục đặt một "việc đã rồi" buộc xã hội phải chấp nhận… Nếu không thận trọng và có những biện pháp giải quyết kịp thời, thỏa đáng thì sẽ càng thêm lúng túng, bế tắc cho những năm sau".

Ý kiến ủng hộ thì "Mặc dù ý kiến khác nhau về hệ thống giáo dục đã hình thành và được trao đổi ở các cơ quan có thẩm quyền từ mấy năm trước, nhưng vẫn không có kết luận và quyết định nào khác với Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị. Vì vậy, việc mở lớp 9 là đương nhiên phải làm". 

Trước tình hình đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tỏ quan điểm: "chúng tôi không thể không đồng tình với quyết định của Hội đồng Bộ trưởng trong việc mở lớp 9, vì đó là một quyết định cần thiết và có lý lẽ. Song, Ủy ban chúng tôi cũng có một số ý kiến cho rõ thêm: Chúng tôi tán thành quan niệm của Bộ Giáo dục, coi việc mở lớp 9 là "giải pháp tình thế", bởi nó giải quyết được một số mặt cơ bản nhưng cũng làm nảy sinh những khó khăn mới cần được quan tâm giải quyết, như: bồi dưỡng, đào tạo số học sinh lớp 8 được đưa thẳng lên lớp 10 (30%) như thế nào?... Liệu số học sinh học xong lớp 8, không được vào lớp 10, có sẵn sàng vào học lớp 9 hay sẽ có hàng loạt em bỏ về lao động, sản xuất...". 

Lớp 9 cải cách được lập ra trong tình cảnh đó. Nay đã 23 năm, việc công nhận lớp 9 như một sự mặc định, dù nhiều người băn khoăn: Thực chất, nội dung chương trình lớp 9 có sự tương đồng với lớp 10, thế nên giả sử nhiều em không học lớp 9 mà học lớp 10 một cách kỹ hơn, thì cũng nắm vững được kiến thức.

Như vậy, 9, 10  hay 11 năm là đã có tiến trình lịch sử. Nếu không còn lớp 12, chúng ta lại trở về mô hình cũ. Cũng như trước đây, bậc tiểu học, THCS không có thi tốt nghiệp. Giữa những năm 1980, Bộ Giáo dục áp dụng thi tốt nghiệp cho tất cả các cấp học. Nay lại rút bỏ, chỉ thi tốt nghiệp THPT. Như vậy là cải cách giáo dục mấy thập niên, rốt cuộc cũng chỉ là sự thay đổi số hạng và "mèo lại hoàn mèo".

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: Chỉ nên 11 năm

Chương trình giáo dục phổ thông nên theo cơ cấu "9+2" thay vì 12 năm - quá lãng phí. Hệ thống giáo dục bắt buộc là 9 năm, là chương trình phổ cập, ai cũng phải học và dần dần nhà nước phải miễn học phí. Sau 9 năm, thay vì học 3 năm THPT như hiện nay với đầy đủ các môn, thì bậc học này chỉ 2 năm để cho học sinh tự chọn học các môn phù hợp với tương lai.

Đây là 2 năm để định hướng, trên thế giới, nhiều nước cũng đã đi theo hướng này. Thêm nữa, thanh niên Việt Nam hiện trưởng thành sớm hơn thế hệ trước, học hết 11 năm tức là đã 17 tuổi. Ở tuổi này, thanh niên đã có nhận thức xã hội tốt và làm việc được. Trên thực tế các trường trung học hiện cũng chỉ dạy đến 11 năm, vì sau lớp 11, học sinh chỉ học các môn thi đại học. Chúng ta cũng cần nhìn nhận lại việc các thế hệ trước đây học 11 năm, thậm chí thế hệ kháng chiến chỉ học có 10 năm nhưng vẫn sản sinh ra rất nhiều giáo sư, tiến sĩ giỏi...

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ: Phải rút gọn, 12 năm quá dài

Ngày trước, chương trình phổ thông tăng từ 9 năm, đến 10 năm, rồi 12 năm. Quan điểm của tôi điều này không đúng. Giáo dục phải rút ngắn thời gian đào tạo để người ta nhanh chóng ra đời phục vụ. Khi cấp 3 rút một năm, một triệu học sinh bớt được một năm học là đã tiết kiệm cho xã hội 1 triệu năm. Hơn nữa, khi giáo dục phổ thông còn 11 năm sẽ giải quyết được một số vấn đề như quá tải, tạo điều kiện cho học sinh học 2 buổi một ngày...

Có nhiều người cho rằng hiện nay giáo dục đang quá tải và học 12 năm mới đủ. Tôi không đồng tình với ý kiến này, vì nếu nói như vậy thì 20 năm cũng không đủ. Từ đổi mới hệ thống giáo dục, nội dung các môn học cũng phải thay đổi, cái gì cần thì dạy, không thì bỏ, thế nên sách giáo khoa cũng cần viết lại cho phù hợp hơn.

Giáo sư Nguyễn Lộc: Đang ổn định 12 năm, sao lại bỏ?

GS Nguyễn Lộc, Viện phó Viện Khoa học Giáo dục lập luận, muốn gọt chương trình còn 10 hay 12 năm cần có những cơ sở thuyết phục, không nên thấy một số nước nào đó làm thì làm theo. Việt Nam từng có các giai đoạn áp dụng 9, 10, 11 năm phổ thông và hiện tại đang thực hiện 12 năm. Giáo dục chúng ta đang quá tải, 12 năm còn quá tải thì 10 năm sẽ quá tải thế nào?

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ, Giáo sư Nguyễn Lộc.

Ông dẫn ra số liệu của hơn 200 nước trên thế giới, chỉ có 6 nước chọn hệ thống giáo dục phổ thông 10 năm, trong khi gần 120 nước dùng hệ 12 năm, một số nước 11, 13, 14 năm. Ở các nước trong khu vực, cũng chỉ có Singapore, Philippine áp dụng hệ 10 năm. Tuy nhiên, Singapore lại có hai năm dự bị theo kiểu Anh.

"Ngày xưa, trong chuyện Romeo và Juliet, mẹ của Juliet lúc đó chưa đầy 30 tuổi đã được gọi là "bà già", thì học đến tận năm 18 tuổi quả là xa xỉ. Nhưng trong thế giới hiện đại giàu có hơn, tuổi thọ đã tăng lên nhiều, thì học đến 18 tuổi không còn là xa xỉ. Câu trả lời "chương trình phổ thông đến năm bao nhiêu tuổi là hợp lý nhất" có lời giải không phải là một hằng số, mà thay đổi theo thời gian, phụ thuộc điều kiện ở các nơi trên thế giới" - một bloger nêu chính kiến.

Đặng Minh
.
.
.