Cuộc trở về của người phụ nữ bị bán làm nô lệ xứ người

Thứ Hai, 19/03/2018, 08:00
Nghe theo lời dỗ ngon ngọt của người làng, chị Nguyễn Thị Ngoan (44 tuổi, xã Hoàn Sơn, Tiên Du, Bắc Ninh) đã bị lừa bán sang Trung Quốc để làm “nô lệ”. Để chuẩn bị cho cuộc “trở về”, chị Ngoan đã tiết kiệm tiền từ khoản chủ nhà cho để mua băng vệ sinh hằng tháng rồi gom lại làm lộ phí đi đường. Cuối cùng người phụ nữ mưu trí ấy cũng đã tự cứu được mình sau đúng một năm trải qua cuộc sống “nô lệ” nơi xứ người.


Dù trở về nước một thời gian khá dài nhưng chị Ngoan vẫn còn rất ám ảnh bởi những trận đòn roi nơi xứ người. Cuộc đời chị vốn khốn khó, cơ cực từ khi còn nhỏ, nhưng một năm làm nô lệ khi bị bán sang Trung Quốc là quãng thời gian kinh hoàng nhất, ám ảnh nhất. Chị bảo, hiện đã về quê có công ăn việc làm nhưng mỗi lần nghĩ lại vẫn còn thấy lạnh cả sống lưng. Thậm chí, trong mơ nhiều lần chị bất giác tỉnh dậy kêu cứu, người đầm đìa mồ hôi.

Ước mơ lớn nhất của chị Ngoan giờ đây là có một đứa con để nương tựa khi về già.

Kể về cuộc đời mình, chị Ngoan không giấu được những giọt nước mắt tủi hờn. Mẹ mất khi chị mới lên 4 tuổi, bố lấy vợ hai, cả tuổi thơ của cô bé Ngoan chẳng có lấy được một ngày sống trong yên ả. Khi mới lớn chị nhanh chóng được cha mình gả chồng để sớm yên bề gia thất. Những tưởng có gia đình riêng, được người chồng che chở thì cuộc đời chị sẽ sang trang.

Nhưng ở với nhau chưa được bao lâu, vợ chồng chị thường xuyên xảy ra cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” nên cuối cùng họ đã quyết định ly hôn.

“Có lẽ vì lấy nhau vội quá, không chịu tìm hiểu nên ở với nhau không được hạnh phúc. Khi quá nhiều mâu thuẫn xảy ra, chúng tôi xác định không ở được với nhau nữa thì chia tay thôi. Lúc đó, tôi thấy cuộc sống quá ngột ngạt, lại nhiều áp lực nên đã bỏ vào Đồng Nai làm công nhân cho một nhà máy chế biến thủy sản. Phận đàn bà nghĩ cũng thiệt thòi, vất vả trăm bề nhưng cuộc sống cũng chẳng khấm khá hơn là bao” – chị Ngoan giãi bày.

Như con chim bay mãi cũng mỏi nên sau đó chị Ngoan lại trở về quê hương sinh sống. Thấy hoàn cảnh chị khó khăn, thôn tạo điều kiện cấp đất dựng tạm mái nhà nhỏ lấy chỗ chui ra chui vào. Chị Ngoan nhớ lại: “Gọi là nhà chứ thực có gì đâu, tiền mua cánh cửa để lắp vào cũng chẳng có. Nằm trong nhà mà cứ thông thống như ngoài sân vậy”.

Khi ấy ở làng có người tên Thơm, lấy chồng bên Trung Quốc, đã mấy lần dẫn chồng về làng chơi. Không như nhiều người nghĩ, Thơm tỏ ra là người khá giàu sang khiến nhiều chị em trong làng phải ngưỡng mộ.

Thấy chị Ngoan ở một mình, lại khỏe mạnh, Thơm liền sang nhà ngỏ ý: “Sang Trung Quốc chặt mía thuê cho nhà em, năm nào em cũng phải thuê mấy người bên Lạng Sơn sang làm. Chị sang đó làm mà kiếm tiền mua bộ cánh cửa. Rồi kiếm chút vốn liếng về quê mà làm ăn sinh sống. Chứ quanh quẩn ở làng thì làm sao mà phát triển được, cả đời chân lấm tay bùn mà vẫn nghèo”.

Chị Ngoan ngượng ngùng kể lại cách mình tiết kiệm tiền để trở về Việt Nam.

Thấy Thơm thành đạt, lại luôn tỏ ra mình là người lắm tiền nhiều của nên chị Ngoan đã chấp nhận lời đề nghị và theo Thơm sang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Đó là một vùng miền núi, khó khăn nhất của tỉnh. Thơm có đưa chị Ngoan đến một gia đình có 7 người, ngủ ở đó một đêm thì Thơm trở về. Lúc này chị Ngoan vẫn nghĩ mình rất may mắn vì mọi việc đúng như những gì Thơm nói.

Công việc của chị Ngoan thời gian đầu là quẩy cháo ra đồng, làm việc cùng chủ nhà. Tối về nhà giặt giũ quần áo cho cả nhà xong rồi đi nghỉ. Nhưng khối lượng công việc cứ ngày một nhiều và nặng nhọc hơn.

Sáng ra chị Ngoan phải dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, ăn uống nhếnh nhoáng rồi ra vườn mía trước. Đến chiều, khi mọi người ra về thì chị Ngoan vẫn phải cặm cụi làm nốt sau đó dọn dẹp mới được trở về nhà. Tưởng về nhà được nghỉ ngơi thì một núi công việc đang chờ sẵn chị. Với chị, giấc ngủ không bao giờ trước 12 giờ đêm.

Dù khổ sở, vất vả nhưng chị Ngoan vẫn cắn răng chịu đựng, thầm nghĩ cố gắng làm một thời gian lấy lương xong sẽ trở về Việt Nam. Thế nhưng, làm được hơn 2 tháng mà không thấy chủ nhà đả động tiền lương. Biết một chút tiếng, chị Ngoan trình bày nguyện vọng của mình về tiền công thì bị nhà chủ xúm vào đánh tơi bời.

Lúc này chị mới biết mình đã bị bán với giá 30.000 nhân dân tệ, giờ chị phải làm người ở cho nhà họ suốt đời. “Khi bị họ đánh và nói là mình bị bán, tôi mới ngã ngửa người ra. Lúc đó tôi mới biết là Thơm nó lừa tôi sang đó để bán. Một thân một mình tôi còn biết làm gì, chỉ biết căn răng mà làm việc” – chị Ngoan nhớ lại.

Từ hôm đó, đêm nào chị Ngoan cũng khóc vì nhớ nhà, vì thương cho thân phận bọt bèo của mình. Nhưng rồi, người phụ nữ nghị lực ấy không chấp nhận cuộc sống “địa ngục”, chị bắt đầu nung nấu ý định tìm cách trốn thoát. Tiền không có một hào, tiếng cũng không biết nhiều, đường sá thì càng mù tịt, chị Ngoan gần như rơi vào tuyệt vọng.

Chị kể: “Tôi thực sự tuyệt vọng vô cùng, vì muốn về thì phải có tiền nhưng một xu không có. Thế là tôi nghĩ ra cách gian lận trong việc mua băng vệ sinh. Mỗi tháng chủ nhà cho tiền mua 4 gói băng vệ sinh nhưng tôi chỉ dùng 1 gói, cất đi 3 gói sau đó mang bán. Cứ như vậy tôi tích cóp đúng trong một năm để lấy tiền bắt xe trốn về Việt Nam”.

Khi mà số tiền đã hòm hòm đủ cho cuộc đào tẩu, chị Ngoan đã quyết định bỏ trốn ngay trong đêm vắng. Đợi hôm chủ nhà đi làm về mệt, tất cả đã chìm vào giấc ngủ, chị Ngoan lặng lẽ lẻn qua cửa chạy trốn lên đồi mà không mang theo bất cứ thứ gì.

Như chim sổ lồng, chị Ngoan chạy thục mạng suốt 4 tiếng đồng hồ mà không cảm thấy mệt mỏi. Cứ nghĩ cuộc chạy trốn đã an toàn, chị Ngoan lững thững đi bộ để nghỉ ngơi thì bất ngờ phát hiện có 5 chiếc xe máy đang đuổi theo mình. Lúc đó trời vẫn chưa sáng hẳn, chị Ngoan nhanh trí nhảy luôn vào bụi rậm ven đường.

Chị Ngoan kể lại hành trình về lại cố hương đầy căng thẳng của mình.

Những người đi xe máy dừng khựng xe đúng nơi chị ẩn nấp. Tim đập chân run nhưng chị Ngoan vẫn giữ bình tĩnh để nằm im. Toán người dừng lại khoảng 5 phút, xuống xe đi khắp nơi tìm kiếm nhưng không thấy rồi lặng lẽ bỏ đi.

“May mắn là họ không tìm thấy tôi, nếu tìm thấy chắc tôi bị họ đánh chết mất. Vì chạy bộ suốt cả đêm, người tôi đau ê ẩm, các đầu ngón chân rớm máu. Bữa tối hôm đó cũng chẳng được ăn gì nên người đói lả như muốn ngất. Tôi đành đi sâu vào bãi, bẻ mía để ăn chống đói” – chị Ngoan run run nhớ lại.

Khoảng 6 giờ sáng hôm đó, chị Ngoan đã đi bộ được đến điểm đón xe. Thế nhưng ở bến có hàng chục chiếc xe khách đậu, chị không biết mình sẽ phải bắt xe nào để trở về. Sau một hồi tư duy, chị Ngoan nhớ mang máng được màu, biển số của chiếc xe hồi Thơm đưa chị tới đây.

Chị Ngoan nhanh chóng lên xe và đi cả ngày thì hết bến. Xuống xe, vừa đói vừa mệt, người lại không còn đồng nào, chị vào ngồi ở góc chợ thì được 1 phụ nữ cho ăn 2 cái bánh nướng và 1 cốc nước. Ngồi một mình, không người thân thích, tiền cũng chẳng có, chị Ngoan ôm mặt khóc vì tủi thân.

Thấy vậy, một người phụ nữ người Việt Nam tên là Luyến, quê Nam Định đến hỏi han. Như chết đuối vớ được cọc, chị Ngoan đã theo Luyến về nhà và ở lại đó 13 ngày. Trong 13 ngày, Luyến liên tục đưa người Trung Quốc đến xem mặt chị, định bán tiếp.

Biết tình hình căng thẳng, chị Ngoan thẳng thừng từ chối và nói với Luyến: “Chị bán tôi được bao nhiêu, chị đưa tôi về Việt Nam, tôi sẽ trả chị từng đó, vì hiện nay tôi đã có hơn 100 triệu tiền đền bù ruộng ở nhà”. Thấy chị Ngoan cương quyết, vợ chồng Luyến đã đưa chị về tận nhà. Giữ đúng lời hứa, khi về tới nhà, chị Ngoan đưa cho Luyến 10 triệu đồng.

Sau hơn 1 năm lưu lạc trên đất Trung Quốc, cuối năm 2010, chị Ngoan đã tìm về được đến nhà. Để tạo điều kiện cho chị, chính quyền địa phương đã tìm cho chị Ngoan công việc tại nhà máy giấy ở khu công nghiệp gần nhà, mức lương 3 triệu đồng/tháng. Chị Ngoan cười với chúng tôi: “Đến bây giờ tôi cũng mong có một người đàn ông có thể chia sẻ và thông cảm ở bên mình mỗi ngày. Nếu không có ai chấp nhận thì tôi sẽ tìm một đứa trẻ để nuôi cho đỡ cô đơn. Sau này về già còn có nơi mà nương tựa”.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Trưởng ban Gia đình thuộc Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Vấn nạn buôn người sang Trung Quốc diễn biến hết sức phức tạp. Những năm gần đây riêng địa bàn huyện Tiên Du có tới 254 phụ nữ bị buôn bán hay mất tích khỏi địa phương.

Hiện nay số người trốn được về mới biết họ bị mua bán. Tất cả các trường hợp trở về địa phương đều được bố trí cán bộ giúp đỡ động viên cả tinh thần và vật chất để tái hòa nhập cộng đồng. Không những vậy, chính quyền địa phương sẽ cố gắng tạo điều kiện, tìm công việc phù hợp để ổn định cuộc sống cho họ”.

Phong Anh
.
.
.