Cựu binh nhặt rác không lương

Chủ Nhật, 17/03/2019, 10:33
Mỗi sáng, người đàn ông đã ngoài 60, dáng người gầy gò cùng chiếc xe đẩy gắn những khẩu hiệu "Hãy bảo vệ môi trường, không sử dụng túi nilon, không vứt túi nilon ra nơi công cộng", "Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp", "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn"... đi khắp các tuyến đường ven biển TP Hội An nhặt từng mảnh rác nhỏ.


Công việc "bao đồng" không lương này đã được cựu binh Nguyễn Thương (61 tuổi, phường Cửa Đại, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) duy trì thầm lặng hơn 4 năm qua.

Nhặt rác - bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường

Tầm 7h sáng, bờ biển Cửa Đại nhộn nhịp, tấp nập người qua lại, người tập thể dục, nhiều du khách đến tham quan, thế nhưng, lẳng lặng trong dòng người tấp nập ấy, cựu binh Nguyễn Thương vẫn âm thầm một mình đẩy xe đi khắp con đường, bờ kè biển để nhặt rác.

Ông Thương đều đi khắp các nẻo đường để nhặt rác.

Dù không được trang bị giày dép, quần áo bảo hộ như những người công nhân vệ sinh khác, dù không khí lạnh tăng cường khiến thời tiết những ngày giữa tháng 3 chuyển lạnh, cựu binh Nguyễn Thương, dáng người gầy gò, làn da đen sạm vẫn không "bỏ việc".

Trong bộ đồ công nhân xanh cùng chiếc mũ lưỡi trai bạc màu, đôi dép tông giản dị, ông Thương rong ruổi khắp nẻo đường. Hết lòng đường lại đến lề đường, hết lề bên trái rồi lại đến bên phải, hễ ở đâu có rác ông đều nhặt không sót một cọng. Vừa đi ông Thương vừa kể cho chúng tôi về cơ duyên đến với "nghề".

Ông Thương bảo, ngày trước ông tham gia kháng chiến, khi hòa bình lặp lại, ông rời quân ngũ với nhiều thương tích trên mình. Thời gian sau đó, ông tham gia phụ bếp tại một nhà hàng trên địa bàn thành phố Hội An. Tuy nhiên, vì tuổi cao cùng những vết thương sau chiến tranh để lại, sức khỏe ông Thương cũng dần giảm sút.

Bốn năm về trước, khi đang làm việc tại nhà hàng, ông Thương bắt đầu có cảm giác mệt mỏi. Ông lên cơn sốt, chân tay bị tê liệt. Sau nhiều tháng trời điều trị tại bệnh viện nhưng không có dấu hiệu khả quan, ông được người nhà đưa về nhà chăm sóc.

Tưởng ông sẽ chỉ có thể "gắn bó với giường", quãng thời gian sau này của ông sẽ vô cùng khó khăn, nhưng ông Thương đã cố gắng, kiên trì luyện tập. Cuối cùng sức khỏe ông Thương đã dần phục hồi. Ông có thể ngồi dậy, bước đi, tay có thể cầm nắm trở lại. Sau đó, ông đi bộ tập thể dục buổi sáng để có thể tiếp tục duy trì sức khỏe.

Không chỉ đi tập thể dục để khỏi bệnh, cùng với ý nghĩ bảo vệ môi trường, trong chuỗi ngày thể dục chiến đấu với bệnh tật, hễ cứ thấy ở đâu có rác, ông Thương lại nhặt bỏ ngay vào thùng. Ngày này kéo dài qua ngày khác, sau khi sức khỏe ổn định hơn, ông Thương liền nghĩ ngay đến việc làm công nhân môi trường không lương, đi nhặt rác hằng ngày để bảo vệ môi trường, vừa duy trì sức khỏe.

"Việc nhặt rác lúc đi tập thể dục dường như đã thành thói quen. Thế là lúc đó tôi liền nghĩ tại sao mình không nhặt rác hằng ngày thay vì chỉ đi thể dục. Đi như thế vừa có nhiều sức khỏe, đồng thời lại vừa có thể bảo vệ môi trường", ông Thương nói.

Lo việc "bao đồng" nhưng vì sợ gia đình phát hiện, phản đối nên ông hay làm "cú đêm", từ lúc trời chưa sáng đã lụi cụi trốn nhà đi nhặt rác. Công việc của ông bắt đầu từ 2h cho đến lúc mọi người bắt đầu thức dậy. Không trừ ngày nắng hay ngày mưa, hễ ở đâu có rác ở đó lại có dấu chân của ông.

"Khi đó nhiều người nhắn tin, gọi điện bảo là ba tôi bị "khùng", tự nhiên lại đi nhặt rác, nhiều lời dè bỉu về ba khiến gia đình bị tổn thương tinh thần. Mẹ và chị em chúng tôi ra sức can ngăn không cho ba làm nhưng ba vẫn không chịu", chị Nguyễn Xuân Phương (23 tuổi, con gái út của ông Thương) kể lại.

Dù hằng tháng phải tốn hơn triệu đồng tiền thuốc men nhưng ông Thương từ chối hỗ trợ.

Dù cho lời ra tiếng vào, vợ cùng các con ra sức khuyên răn, ngăn cản nhưng với quyết tâm còn sức còn cống hiến, để Hội An ngày càng đẹp hơn, ông Thương đã chứng minh ông không bị khùng và làm như thế sức khỏe của ông cũng tốt hơn.

Cuối cùng công việc của ông Thương cũng được gia đình đồng ý nhưng thay vào đó, ông phải chấp nhận yêu cầu thay đổi giờ "làm việc" sang 7h đến 10h mỗi ngày. "Ai nói gì mặc kệ, miễn tôi làm việc có ích, miễn tôi còn được cống hiến cho cộng đồng, giúp thành phố sạch đẹp hơn là tôi làm", ông Thương nói.

Đưa thông điệp đến với mọi người          

Từ khi được gia đình đồng ý, khác với việc nhặt rác thời còn làm "cú đêm", ông Thương đã có thể bình tâm trên con đường đã chọn. Từ đó, ông đến với những tuyến đường xa hơn trong thành phố, đi đến nhiều nơi và làm nhiều việc có ích hơn nữa.

Ngoài những ngày rong ruổi dọc đường nhặt rác, nhiều khi ông Thương còn vào tận những ngôi nhà vắng chủ, hoặc những nhà của các cụ già neo đơn, mất sức thay họ dọn dẹp.

Đôi lúc, người này thấy thương cho dăm ba chục, người kia thương gửi vài đồng uống nước. Không tiêu xài, ông Thương cứ để dành những đồng tiền có được đầu tư một chiếc xe đẩy, một chiếc xe đạp để đồng hành cùng ông trên những chặng đường.

Không chỉ riêng bản thân ông ra sức cống hiến, góp một phần nhỏ cùng xã hội bảo vệ môi trường, ông Thương còn nhiều lo âu, trăn trở về một môi trường xanh - sạch - đẹp. Ông còn muốn tìm cách giúp nhiều người thay đổi ý thức, hòa mình vào công cuộc chung.

Với những số tiền dành dụm được, ông chi phí làm băng rôn ghi những câu thông điệp "Vì tương lai con em chúng ta, hãy chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường xanh - sạch - đẹp", "Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn", "Hãy bảo vệ môi trường, không sử dụng túi nilon, không vứt túi nilon ra nơi công cộng" gắn lên xung quanh chiếc xe đẩy để tuyên truyền đến với mọi người.

"Một mình mình thì chỉ có thể nhặt rác thôi, nhưng mà nhiều người cùng làm, cùng thay đổi ý thức, không xả rác bừa bãi nữa thì thành phố sẽ sạch đẹp hơn nhiều", ông Thương nói.

Với hành động nhỏ của ông Thương, những câu thông điệp tuyên truyền đã dần có được kết quả. Hình ảnh của ông Thương đối với những du khách đã trở thành một điều thú vị. Trong bốn năm qua, thông qua những bạn thông dịch viên, nhiều du khách đã biết đến việc làm của ông.

"Hiếm lắm mới có một người tự nguyện đi nhặt rác không lương như ông Thương. Hình ảnh của ông đã làm chúng tôi cảm động rất nhiều, chúng tôi sẽ ý thức hơn nữa và truyền những thông điệp này đến với mọi người xung quanh", bà Seo - yun (du khách Hàn Quốc) bày tỏ.

Không chỉ nhìn thấy hành động, nhiều du khách cũng đã cùng ông Thương chụp ảnh lưu niệm, trong đó có hình ảnh những câu tuyên truyền đưa lên các trang mạng xã hội, giúp thông điệp của ông bay xa hơn nữa.

"Trước đây, nhiều người chưa biết đến ý nghĩa việc làm của chú Thương nên nghĩ chú khùng, nhưng khi biết được việc làm của chú mọi người ai cũng thay đổi suy nghĩ, ai cũng thương, nể và quý trọng chú.

Chiếc xe mang thông điệp ông Thương muốn truyền tải đến mọi người.

Từ khi chú Thương làm công việc này, đường phố sạch đẹp hơn hẳn so với mọi năm trước. Nhiều người cũng ý thức được việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, bỏ rác đúng nơi quy định", anh Nguyễn Văn Thanh (39 tuổi, khối phố Phước Trạch, phường Cửa Đại) chia sẻ.

Tuy gia cảnh khó khăn, sức khỏe giảm sút, hằng ngày phải mang máy trợ thính, hằng tháng phải tốn hơn một triệu đồng tiền thuốc men nhưng ông Thương lại thẳng thắn từ chối đề nghị hỗ trợ từ UBND phường.

Ông nói: "Đây là việc nghĩa, bản thân tôi hứa sẽ cố gắng làm nên tôi sẽ không nhận hỗ trợ của bất cứ ai. Hôm nào khỏe thì đi xe đẩy, hôm nào mệt thì đi xe đạp. Chỉ có ngày nào trở trời, nhức đầu, tôi mới ở nhà. Một ngày không đi nhặt rác chán lắm. Cảm giác thiếu thiếu, vô vị".

Ông Lê Công Sỹ, Chủ tịch UBND phường Cửa Đại cho biết, mặc dù bị bệnh nhưng ông Thương luôn nhiệt tình trong công tác bảo vệ môi trường.

"Việc làm của ông Thương đã phần nào tác động được đến ý thức của nhân dân và du khách rất nhiều, góp phần vào việc bảo vệ môi trường ở trên địa bàn phường Cửa Đại. Xét hoàn cảnh gia đình, địa phương đã đề nghị hỗ trợ kinh phí nhưng ông đã từ chối. Ông Thương xứng đáng là tấm gương để mọi người ý thức về bảo vệ môi trường", ông Sỹ nói.

Hà Vy
.
.
.