Cựu tù Côn Đảo xây đài tưởng niệm đồng đội

Thứ Tư, 04/10/2017, 16:42
Từng trải qua những trận đòn tra tấn “thập tử nhất sinh” ở nhà tù Côn Đảo, nơi được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, ông lại là người chỉ huy hơn 100 đồng đội thực hiện cuộc vượt ngục “dậy sóng biển Đông” lúc bấy giờ.

Để đến khi nghỉ ngơi, người đảng viên từng ba lần kết nạp này đã tự mình xây dựng đài tưởng niệm các đồng đội. Câu chuyện của ông Hoàng Văn Tiễn, xã Bình Kiều, (Khoái Châu - Hưng Yên) khiến không ít người nể phục.

Cuộc vượt ngục "dậy sóng biển Đông"

Nhìn cái cách ông sinh hoạt hàng ngày chẳng ai nghĩ người cựu chiến sĩ tù Côn Đảo ấy đã bước sang tuổi 90. Hàng ngày ông vẫn đi bộ quanh làng rồi trở về nhà đọc sách báo. Ông bảo: “Sức khỏe là do chính mình tạo nên, cứ phải sinh hoạt điều độ, đầu óc thanh thản mới được”. Nhắc đến quãng thời gian kinh hoàng nhất cuộc đời của mình, ông Tiễn không kìm được nước mắt. Ông bảo, những nỗi đau thể xác do địch tra tấn không ám ảnh bằng nỗi nhớ đồng đội, nhớ những người đã quên mình hy sinh. 

Ông còn nhớ như in cuộc vượt ngục “chấn động” cách đây hơn 60 năm. Khi ấy ông là một thành viên trong hơn 100 chiến sĩ đã bàn bạc, lên kế hoạch cuộc vượt ngục táo bạo, bất ngờ. 

Ông Tiễn nhớ lại cuộc vượt ngục “dậy sóng biển Đông” với đôi mắt ngấn lệ: “Kế hoạch để vượt ngục chúng tôi đã phải bàn bạc cả tháng trời. Để tạo sự thống nhất, duy trì được sự lãnh đạo mọi lúc mọi nơi của Đảng, thực hiện phương châm, người chiến sĩ cách mạng chiến đấu trong mọi hoàn cảnh, Đảng ủy đã quyết định thành lập chi bộ Bến Đầm do ông Phan Du, đảng ủy viên nhà tù làm bí thư, còn tôi được cử làm phó bí thư”. 

Còn về mặt quân sự, chi bộ Bến Đầm đã quyết định thành lập một đại đội mang tên “Quyết thắng” do chính ông Tiễn làm chỉ huy trưởng. Chi bộ liên tục tổ chức những cuộc họp kín, chỉ đạo và lên kế hoạch: Tuyến đường do 100 tù nhân Cộng sản làm sẽ xong trong vòng 3 tháng. Lính canh gác gồm có 50 tên rất hung hãn, được trang bị súng và dùi cui. Tổ chức phân công, cứ 2 tù nhân có nhiệm vụ khống chế một tên lính Tây. Nhóm khác đi lấy gỗ, bí mật đưa các tấm gỗ giấu vào vị trí gần khu vực bờ biển, chờ ngày vượt ngục.

Đài tưởng niệm là địa chỉ quen thuộc của những cựu tù Côn Đảo.

Kế hoạch đã lên, chỉ chờ cơ hội tới là thực hiện, đúng 11h ngày 12- 12 -1952 thời khắc để thực hiện cuộc vượt ngục đã đến. 50 tên lính Tây nhanh chóng bị các chiến sĩ của Đại đội “Quyết Thắng” tấn công và khống chế. Chi bộ chỉ đạo Đại đội “Quyết Thắng”, chỉ được khống chế những tên lính Tây, tuyệt đối không được xuống tay giết. Ngay trong ngày hôm đó, 50 tên lính Tây bị trói và đưa vào khu rừng phía sát bờ biển. Trong số đó có tên chỉ huy Bóc – Đờ - Sun khét tiếng tàn bạo. 

Kế hoạch bước đầu đã thành công ngoài sức tưởng tượng, không có tiếng súng, không ai thương vong, tất cả kẻ địch bị bắt. Ngay sau đó, cứ 20 người được lập thành một nhóm gấp rút đóng bè. Nhóm khỏe mạnh được giao kết bè, nhóm khác thì khâu áo kết thành buồm, còn lại gọt mái chèo phòng khi gió đổi hướng. 

Hơn 1 tiếng đồng hồ, 5 chiếc bè lớn đã hoàn thành, cuộc vượt ngục trên biển Đông bắt đầu được tiến hành. Thật không may mắn, đúng giờ phút quyết định thì gió biển bỗng đổi hướng. Tất cả đội lo lắng nhưng không có cách nào để xoay chuyển được tình thế. Ba chiếc bè đã bị vỡ, một số đồng chí tự nguyện bơi lại vào đảo cho bè bớt nặng. 

“Bè của tôi không bị vỡ, nhưng cũng bị kẻ địch đuổi kịp. Trong lúc hiểm nghèo, một số đồng chí quyết định dùng 7 khẩu súng lục đã lấy được từ lính canh hòng quyết chiến một phen. Thế nhưng lực lượng chúng ta quá mỏng, không thể cầm cự được. Toàn bộ anh em vẫn bị địch bắt lại nhà tù”- Ông Tiễn nhớ lại. Mặc dù cuộc vượt ngục đã thất bại nhưng đó là lần vượt ngục mà báo giới trong nước và quốc tế thời điểm đó vẫn gọi “Cuộc vượt ngục dậy sóng biển Đông”.

Bên cạnh ý tưởng nhớ đồng đội, đài tưởng niệm còn để giáo dục thế hệ con cháu.

Người lính 3 lần được kết nạp Đảng

Cuộc vượt ngục “dậy sóng biển Đông” tuy thất bại nhưng tên tuổi của ông và các chiến sĩ đã được nhiều người biết đến, khiến kẻ địch phải dè chừng, kính nể trước ý chí của họ. Sau này, ông Tiễn và đồng đội được trả tự do theo hiệp định Geneve. 

Khi được tự do, không ít những lời gièm pha của những kẻ xấu bụng cho rằng ông Tiễn và đồng đội đã không chiến đấu tới cùng để bảo toàn khí tiết. Đau đớn hơn, trong cuộc “cải cách ruộng đất”, ông Tiễn và gia đình bị quy kết là địa chủ. Ông Tiễn chính thức bị Khu ủy khu 10 khai trừ ra khỏi Đảng trong sự bàng hoàng của bạn bè, đồng đội. 

Khi ấy ai cũng nghĩ ông Tiễn sẽ gục ngã, sẽ rơi vào tình cảnh chán nản, bất mãn. Thế nhưng chính trong lúc nặng nề nhất, ông vẫn không ngừng vươn lên bằng ý chí, khát vọng của những người cộng sản kiên trung. Gạt bỏ đi tất cả, ông Tiễn tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương. Với vai trò là thành viên trong hợp tác xã, ông được giới thiệu và kết nạp Đảng. Đó là lần thứ ba ông vào Đảng. Sau quãng thời gian dài phấn đấu, ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy Trạm máy kéo Mỹ Văn (tỉnh Hải Hưng cũ). 

“Thế là đời tôi đã ba lần được kết nạp Đảng đấy. Lần đầu là vào năm 1946, khoảng năm 1951 bị địch bắt và đày ra đảo, ở đó lại tiếp tục kết nạp Đảng và được bầu là Phó Bí thư chi bộ. Sau này về địa phương, bị khai trừ vì cho là gia đình địa chủ, thời gian phấn đấu tôi lại được kết nạp tại chính nơi bị khai trừ. Đúng là cuộc đời tôi đã trải qua quá nhiều cảm xúc” – Ông Tiễn trầm ngâm.

Ở địa phương, ông Tiễn được mọi người ngưỡng mộ.

Tự làm đài tưởng niệm đồng đội tại nhà

Ông Tiễn luôn tâm niệm, có được ngày hôm nay mình là người may mắn, bởi trong lần vượt ngục ấy, 81 anh em đã mãi mãi nằm lại giữa biển khơi. Hình ảnh trận chiến trên biển, từng gương mặt của đồng đội cứ ám ảnh ông, chẳng đêm nào ông không nghĩ tới. Vậy là ông quyết định làm điều gì đó để lòng mình thanh thản. 

“Khi ấy ông già rồi, sức khỏe cũng yếu dần đi. Nhưng gia đình luôn ủng hộ hết mình để ông hoàn thành tâm nguyện mà suốt đời ông đau đáu. Hơn nữa ông đã quyết làm gì thì không ai có thể ngăn cản nổi” – Cô Nguyễn Thị Mẹo (con dâu ông Tiễn) chia sẻ.

Ông lấy số tiền dành dụm được trong mấy chục năm, thậm chí vay mượn thêm để lên đường tìm lại những người đồng đội cũ. Ông Tiễn đi khắp nơi, cứ có manh mối là đến. Ông như vỡ òa khi gặp lại các đồng đội đã từng vào sinh ra tử với mình. Để anh em chiến hữu có cơ hội hàn huyên, ông đã tổ chức được rất nhiều buổi hội ngộ đầy ý nghĩa. 

Đặc biệt hơn, trong một lần đi họp gặp mặt các cựu tù Côn Đảo do tỉnh tổ chức, ông nghe nói họ sẽ xây dựng đài tưởng niệm để tưởng nhớ những người đã hy sinh, cống hiến cho đất nước. Ông đã nảy ra ý, tự xây dựng một đài tưởng niệm trong khuôn viên nhà mình. 

“Tôi nghĩ mình phải xây dựng một đài tưởng niệm cho ra trò tại nhà. Tôi nhẩm tính mình phải làm đài tưởng niệm to gấp 10 lần cái đợt đi nghe họ báo cáo” – Ông Tiễn cười, nói. 

Vào năm 1979, ngay tại khu đất nhà mình, ông đã xây dựng đài tưởng niệm với diện tích 72 m2 mang tên “Nhớ mãi chiến sĩ Côn Đảo”. Chi phí cho tượng đài lên tới 10 cây vàng, khi ấy sự kiện ông Tiễn xây đài tưởng niệm khiến không ít người dân ngỡ ngàng. Đài tưởng niệm gồm 3 tầng, trong đó có một tầng hầm. 

Với quy mô khá hoành tráng, ông Tiễn không tránh khỏi những lời dị nghị của những người không ưa. Họ cho rằng, ông thừa tiền vẽ vời lăng nhăng, người thì nói ông muốn chơi ngông. Nhưng ít ai biết, 10 cây vàng để xây dựng là toàn bộ những gì ông dành dụm mấy chục năm, là mồ hôi, nước mắt của ông. 

Đứng ngắm tượng đài do chính mình xây dựng như thể một báu vật, ông Tiễn tâm sự: “Tôi suy nghĩ rất lâu mới thực hiện kế hoạch này. Tôi làm với mục đích tri ân những người đồng đội đã ngã xuống vì mạng sống của anh em, vì khát vọng cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Có thế con cháu, các thế hệ sau nữa nhìn vào sẽ thấy được sự hy sinh của cha ông”. 

Ông Nguyễn Hữu Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Kiều chia sẻ:

Ông Tiễn là người hiền lành, đôn hậu, tích cực tham gia vào các hoạt động của địa phương. Việc xây dựng đài tưởng niệm của gia đình ông xuất phát từ tấm lòng tưởng nhớ đến đồng đội đã hy sinh ở Côn Đảo. Tấm lòng của ông Tiễn được mọi người ghi nhận, ngưỡng mộ và lấy đó để noi theo.

Anh Phong
.
.
.