Chuyện về một gia đình có 3 Mẹ Việt Nam anh hùng

Thứ Tư, 20/07/2016, 12:30
Nhận được tin báo tử của con trai cả chỉ sau tin chồng hy sinh đúng 3 tháng, một năm sau, bà lại nhận được giấy báo tử của bố đẻ và người em trai. Hai bên nội ngoại có tất cả 11 người nhập ngũ thì có tới 6 người hy sinh. Gia đình bà trở nên rất đặc biệt khi cùng với bà, cả mẹ chồng lẫn mẹ đẻ đều được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.


Những tháng ngày giông bão

Người phụ nữ phải chịu quá nhiều mất mát ấy là bà Lê Thị Thạo, 87 tuổi, xã Dị Chế, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên). Trong ngôi nhà nhỏ nằm trong con ngõ sâu, bà Thạo đang xách nước tưới cây.

Bà bảo: “Mấy ngày hè này nắng nóng quá, người còn khô nói gì tới cây cối. Tôi cứ phải tưới nước luôn đấy, không nó chết hết”. Nói rồi, bà mời khách vào nhà uống nước. Trên bốn bức tường đều treo những bằng khen, giấy khen, bằng Tổ quốc ghi công.

Ngày ngày, bà Thạo vẫn thường thắp nhang mong người đã mất được ấm lòng.

Trên ban thờ là ba bức di ảnh của chồng, em chồng và con trai cả của bà Thạo. Hỏi ra mới biết đã nhiều năm rồi bà Thạo sống một mình. Con trai, con gái bà người nào cũng muốn đón mẹ về ở cùng nhưng bà không đồng ý. Bà bảo, nếu bà dời ngôi nhà này mà đi thì lấy ai hương khói cho người đã khuất.

18 tuổi, bà Thạo xây dựng gia đình với ông Nguyễn Nghiệp. Đất nước chiến tranh, chồng bà tham gia bộ đội chống Pháp. Năm 1954, ông theo đơn vị vào chiến trường miền Nam. Trước khi lên đường, ông Nghiệp chỉ dặn vợ một điều duy nhất rằng: “Nếu anh có mệnh hệ gì thì em ở nhà gắng nuôi con cái thành người”.

Bà Thạo nhớ lại: “Cũng vì lời dặn đó mà tôi mới gắng sống được tới ngày hôm nay. Chứ cùng một năm nhận tới hai tin báo tử của cả chồng và con trai thì có người nào mà chịu nổi. Chồng vừa mất xong lại nghe tin con trai hy sinh, lần đó tôi đã muốn cắn lưỡi mà chết nhưng nghĩ đến một đàn con nhỏ, nếu tôi cũng mất nốt thì chúng biết sống thế nào. Nghĩ thế nên lại gắng mà sống thôi”.

Con trai cả của bà là liệt sĩ Nguyễn Văn Hưng, sinh năm 1949. “Hồi đó, thằng cu Hưng mới học lớp 8 thôi. Vậy mà nó cứ nằng nặc xin mẹ được lên đường nhập ngũ. Tôi mới bảo: “Mày bé thế này, có đi khám sức khỏe cũng không trúng đâu”.

Thế mà nó giấu tôi đi khám tuyển thật. Nhưng thấy nó tuổi còn trẻ quá, lại nhẹ cân, thấp bé nên họ không cho đi. Không được, nó viết đơn tình nguyện nhập ngũ.

Ngày được trúng tuyển nó nhảy chân sáo từ đầu ngõ, rồi chạy vào khoe với tôi là nó được đi bộ đội rồi. Nhìn con vui mà tôi thấy xót quá. Chả biết nhập ngũ rồi sống chết thế nào, nó còn nhỏ quá. Nó bảo với tôi, con vào chiến trường miền Nam sẽ tìm gặp bố trong đó”.

Vậy mà, bố con anh Hưng chưa kịp hội ngộ thì ông Nghiệp đã hy sinh. Và cũng chỉ khoảng 3 tháng sau, anh Hưng hy sinh tại mặt trận phía Nam. Đó là những tháng ngày buồn đau nhất trong đời bà Thạo.

Không dừng ở đó, khoảng hơn 1 năm sau, bà Thạo lại tiếp tục nhận được tin sét đánh, bố đẻ của bà là ông Lê Văn Thiệu hy sinh. Một thời gian không lâu sau thì tiếp tục nhận giấy báo tử em trai là Lê Văn Ganh.

Những người thương yêu nhất cứ lần lượt ra đi. Nỗi mất mát quá lớn phủ lên cuộc đời của người phụ nữ nhỏ bé khiến bà nhiều khi thấy mình sống như một cái xác không hồn.

Sống để “nâng niu” người đã khuất

Ngồi lật giở cho chúng tôi xem lại từng kỷ vật của chồng, con, 2 em trai, gái của chồng, bà Thạo nước mắt rưng rưng: “Thằng cu Hưng là đứa vất vả nhất nhà, nhập ngũ từ lúc còn trẻ quá, lúc lên đường tòng quân cũng chẳng có ai tiễn chân, đến khi hy hinh thì mất xác, đến giờ cũng đã đón được hài cốt của nó về đâu. Còn đây là cô Nguyễn Thị Phấn, em chồng tôi đấy.

Nhìn cô ấy có đẹp không. Cô ấy tham gia đội du kích Hoàng Ngân, hy sinh khi đứa con còn rất nhỏ. Đây là ông Nghiệp chồng tôi. Ông ấy tham gia kháng chiến cả hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, mà thời kỳ nào tôi cũng nhận được tin báo tử của ông ấy”… Nói rồi bà Thạo kể lại cho chúng tôi nghe cái lần ông Nghiệp “chết hụt”.

Bà Thạo nâng niu di ảnh của cô em chồng.

Lần đó ông Nghiệp tham gia đội công binh, đi phá mìn ở khu vực sông Luộc và chợ Đầu thuộc địa bàn xã Tiên Lữ. Hôm đó, trong lúc đang phá mìn thì mìn nổ. Sức ép của mìn khiến ông Nghiệp văng ra xa, tim ngừng đập. Đồng đội nghĩ rằng ông đã hy sinh nên cho người về gọi bà ra để nhìn chồng lần cuối.

“Lúc tôi chạy được đến nơi ông ấy nằm thì đã thấy đồng đội của ông ấy chuẩn bị làm lễ khâm liệm, người ông ấy được quấn bằng lá cờ đỏ sao vàng. Ấy thế mà khi chuẩn bị mang đi chôn thì ông ấy bất thình lình tỉnh lại. Mọi người lúc đó ai cũng trêu ông ấy, bảo thế này thì sống dai phải biết”.

Thế nhưng cái lần thứ 2 khi chính thức cầm giấy báo tử của chồng trên tay thì bà Thạo biết, điều kỳ diệu sẽ không bao giờ xảy ra thêm một lần nữa.

Giờ đây, mặc dù đã bước sang tuổi 87 nhưng bà Thạo vẫn minh mẫn, tinh tường. Chồng hy sinh lúc bà còn trẻ nhưng bà đã ở vậy nuôi các con khôn lớn trưởng thành. Khi các con yên bề gia thất bà lại tự nguyện ở lại ngôi nhà cũ để có điều kiện chăm chút hương khói cho chồng, con trai và hai em của chồng.

Bà hài hước kể: “Cũng có lần chúng nó “lừa” tôi bảo lên Hà Nội chơi xong rồi giữ rịt ở đó luôn, cũng dễ mất đến hơn một năm chứ chẳng ít. Tôi nằng nặc đòi về nhưng chúng nó nhất định không chịu, bảo mẹ về một thân một mình chúng con không yên tâm. Tôi phải đợi tới hôm cưới đứa cháu ngoại ở quê mới về được đấy”.

Các con bà Thạo chủ yếu công tác ở Thủ đô, chỉ có cô con gái út là lấy chồng xã bên nên thường xuyên qua lại thăm nom mẹ. “Con gái út nó cứ mua sẵn thức ăn rồi để vào tủ lạnh, ngày ngày tôi lấy ra chế biến thôi.

Tuổi già rồi, ăn uống có đáng là bao đâu” – bà Thạo chia sẻ. Ngồi cạnh mẹ, con gái út của bà Thạo tâm sự: “Ai nhìn vào cũng tưởng mẹ tôi mạnh mẽ lắm nhưng thực ra bà rất yếu đuối, chỉ có điều bà cố giấu không để mọi người biết mà thôi.

Nhiều lúc chạy sang với mẹ, thấy mẹ ngồi ở bậu cửa mắt đỏ hoe. Thế mà khi tôi hỏi mẹ bị làm sao thế, bà lại bảo vừa bị con gì bay vào mắt. Mẹ lúc nào cũng chỉ biết hy sinh cho người khác, bản thân mình thì khổ mấy cũng gắng chịu”.

Gia đình bà Thạo, tính cả nội lẫn ngoại có tới 11 người đi bộ đội, trong đó 6 người là liệt sĩ: 2 liệt sĩ chống Pháp, 4 liệt sĩ chống Mỹ. Trước những đóng góp và hy sinh lớn lao ấy, bà Thạo cùng mẹ chồng và mẹ đẻ đều được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng.

Phong Anh
.
.
.