Đã giàu đâu mà chơi sang?

Thứ Bảy, 05/09/2020, 07:30
Đã có nhiều người hoan nghênh việc Tỉnh ủy Quảng Bình sẽ hủy chuyện chi hơn 2,2 tỉ đồng mua cặp đựng tài liệu tặng đại biểu, khách mời trong Đại hội Đảng bộ tỉnh dự kiến được tổ chức vào tháng 10 tới đây.


Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình cũng cho biết sẽ “tiết giảm tối đa các nội dung mang tính hình thức, không phô trương, hào nhoáng mà thực hiện tinh thần tiết kiệm, phù hợp tình hình của địa phương”.

Chưa rõ các nội dung sẽ tiết giảm để thực hiện tinh thần tiết kiệm, phù hợp với tình hình của địa phương ấy cụ thể là những gì, nhưng riêng việc hủy bỏ gói thầu mua cặp đựng tài liệu cũng đã cho thấy Tỉnh ủy Quảng Bình tiếp thu những ý kiến đóng góp chí lý của dư luận xã hội đối với sự lãng phí này.

Thực ra, dư luận không phải đã quá khắt khe với chuyện biếu một chiếc cặp đựng tài liệu cho đại biểu dự một đại hội cỡ như đại hội đảng bộ của tỉnh Quảng Bình. Vì xét cho cùng thì tài liệu của đại hội nào cũng cần có chiếc cặp đựng cho lịch sự, trang trọng. Đại biểu cầm một chiếc cặp tài liệu thì cũng sẽ ý thức giữ gìn các văn bản được nhận hơn so với việc cầm một tập giấy có những tờ rời dễ bay, dễ quên...

Nhưng cặp ấy là cặp gì? Đơn thuần đựng tài liệu và để đủ lịch sự và trang trọng thì không cần loại hàng triệu đồng, nhất là khoản chi ấy là từ ngân sách, lại là ngân sách của tỉnh nghèo.

Đấy là chưa nói đến việc ngoài 400 đại biểu của đại hội này thì còn có đến 200 khách mời. Nhìn số lượng người phải tặng thì thấy ngay tiền tỉ. Không xót mới lạ. Quảng Bình thì vẫn nằm trong top tỉnh nghèo, triền miên thiên tai.

Dĩ nhiên là cũng sẽ có người nói: Quà cho, tặng hợp pháp, công khai thì nhận, việc gì phải băn khoăn?

Nhưng chuyện quà cáp nói riêng hay "các nội dung mang tính hình thức, phô trương, hào nhoáng" thì cũng không chỉ xảy ra với riêng tỉnh Quảng Bình mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố và bộ, ngành khác nữa; lại cũng không chỉ xảy ra với đại hội đảng mà còn ti tỉ hoạt động khác nữa, gây ra sự lãng phí vô cùng và không thiếu ví dụ để chứng minh.

Phải nói thẳng ra là ý thức tiết kiệm cũng như tinh thần đấu tranh chống sự xa hoa lãng phí của nhiều cán bộ ta hiện nay rất kém. Điều này không chỉ làm tổn hao nguồn lực mà còn làm giảm niềm tin của quần chúng. Cho nên, chỉ mỗi Quảng Bình nói không với "phô trương, hào nhoáng" thì chưa đủ, mà phải thành phong trào lan rộng ra nhiều địa phương khác nữa. Nhưng xét cho cùng thì không gì bằng là phải có thêm những quy định chặt chẽ hơn của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức các đại hội, hội nghị, lễ lạt... Cũng cần phải ngăn chặn được những biến tướng, kiểu như né chi từ ngân sách nhưng lại vòi vĩnh đóng góp từ doanh nghiệp hay cơ sở, dưới danh nghĩa mĩ miều là "xã hội hóa".

Đã quên rồi chăng cái thời mà nhà thơ Tố Hữu viết trong “Bài ca mùa xuân 1961”: "...Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá/ Mỗi hòn than, mẩu sắn, cân ngô/ Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!". Nay thì cuộc sống không đến nỗi nhưng đã giàu đâu mà chơi sang?

Minh Khôi
.
.
.