Xung quanh vụ việc sữa dê Danlait:

Đã hết thời "người tiêu dùng chịu thiệt"?!

Thứ Ba, 23/04/2013, 15:14

Chưa bao giờ có tiền lệ trong lịch sử non trẻ của thị trường Việt Nam, một vụ việc được khơi ra từ người tiêu dùng lại có dư luận đa chiều đến thế. Và cũng chưa bao giờ người tiêu dùng "chiến đấu" bền bỉ đến thế, bằng lý lẽ khoa học và bằng pháp luật. Có lẽ từ đây, cụm từ "người tiêu dùng chịu thiệt" sẽ dần lùi vào quá khứ chăng?

Gần 2 tháng kể từ khi nổ ra, dư luận xung quanh vụ việc sữa dê Danlait vẫn chưa có dấu hiệu chìm xuống, ngược lại còn trở nên đa chiều hơn. Không chỉ dừng lại ở người tiêu dùng - doanh nghiệp - cơ quan chức năng - cơ quan khoa học, thậm chí, những người làm nghề PR cũng đã lao vào cất tiếng về vụ việc, với nhìn nhận đây như một tai nạn truyền thông của Công ty Mạnh Cầm.

Chưa bao giờ có tiền lệ trong lịch sử non trẻ của thị trường Việt Nam, một vụ việc được khơi ra từ người tiêu dùng lại có dư luận đa chiều đến thế. Và cũng chưa bao giờ người tiêu dùng "chiến đấu" bền bỉ đến thế, bằng lý lẽ khoa học và bằng pháp luật. Có lẽ từ đây, cụm từ "người tiêu dùng chịu thiệt" sẽ dần lùi vào quá khứ chăng?

Thông điệp: Nói đi, đừng sợ! sẽ truyền được đến với nhiều người đã và đang chịu thiệt thòi hơn chăng? Bởi cộng đồng không luôn là một đám đông ô hợp, mà là con sư tử đang say ngủ. Và bởi công lý sẽ luôn tìm được đường đến với người dám chiến đấu vì nó.

Bắt đầu chỉ từ khiếu nại của một bà mẹ trên diễn đàn, đến nay nhóm "Chung tay chia sẻ thông tin về sự dối trá của sữa dê Danlait" có hơn 3.800 thành viên, và vẫn tăng lên. Ban đầu đến với nhau chỉ vì sự đồng cảm của những ông bố bà mẹ, xót xa cho những sinh linh chưa biết tự bảo vệ mình; nhưng để có thể tiếp tục trên con đường tìm công lý, họ đã phải tự mình trở thành những chuyên gia, những "chiến binh" bất đắc dĩ.

Người biết công nghệ thông tin tìm hiểu vấn đề công nghệ thông tin, biết tiếng Anh dịch tài liệu tiếng Anh, biết tiếng Pháp dịch tài liệu tiếng Pháp.... tự mày mò, từ tìm chuẩn Codex áp dụng với sữa nhập khẩu vào Việt Nam, từ mã nguồn của website tiếng Pháp của "sữa dê Pháp Danlait" để tìm ra chủ nhân của nó là người Việt, từ tiêu chuẩn Viêt Nam cho đến luật và các nghiên cứu khoa học của châu Âu, cho đến cả Nghị định năm 2008 của Pháp... Cứ mỗi một bước đi, họ lại tìm thấy một sự thật trần trụi hơn, và nung nấu quyết tâm phải tìm ra công lý hơn.

Sự việc đã không còn dừng lại ở câu chuyện một phụ huynh Cao Ngân Hà với Công ty Mạnh Cầm nữa, mà trở thành người tiêu dùng đòi quyền được tôn trọng. Giờ đây họ chiến đấu không vì một lợi ích của riêng một người nào, (bởi rất nhiều trong số họ đang sống ở nước ngoài, rất nhiều không hề cho con dùng Danlait và rất nhiều thậm chí chưa có con) mà vì lợi ích cộng đồng - một thứ giá trị bấy lâu nay vẫn bị lối sống thờ ơ cho là đã chết.

Không thể phủ nhận một sự thật là từ những ông bố, bà mẹ bất đắc dĩ phải biến thành chuyên gia về dinh dưỡng, thương mại, chính sách... này, nhiều dấu hiệu bất thường được chỉ ra, trong đó quan trọng nhất là việc từ năm 2006, pháp luật của Liên minh châu Âu không cho phép sản xuất sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi từ sữa dê; trong khi đó ở trong nước vẫn tràn lan các mặt hàng này, với quảng cáo xuất xứ từ châu Âu. Việc chỉ ra sự thật này là một thay đổi lớn về nhận thức đối với rất nhiều phụ huynh vẫn cắn răng bỏ tiền ra mua sữa dê với giá cao gấp đôi, gấp ba sữa bò, vì tưởng là đem lại những thứ tốt nhất cho con mình.

Tuy nhiên, để đi được đến chặng đường này cũng có cái giá của nó. Chuyện người tiêu dùng đòi hỏi quyền tối thiểu của mình bị một số luồng dư luận xem là một âm mưu hạ bệ nhằm vào doanh nghiệp. Chị Cao Ngân Hà và hơn 3.800 thành viên khác bỗng dưng bị truất quyền làm người tiêu dùng, trở thành những người "nhái" người tiêu dùng để cạnh tranh bẩn. Bản thân chị Hà cũng đang là mục tiêu của những cuộc tấn công vào tư cách và nhân thân đầy mệt mỏi. Có những lời thóa mạ, có những dè bỉu và có cả những buộc tội chị "ăn tiền"…

"Làm gì có ai ngu dại đến mức "ném đá, chơi bẩn" mà công khai danh tính, một mình đương đầu với dư luận trong suốt thời gian vừa qua? Nói thật, không giá nào xứng với những khó khăn khổ sở của mình hơn 1 tháng qua. Đến mẹ mình cũng nói, sao phải khổ thế con? Không dùng nữa thì thôi. Nhưng mình làm điều này không chỉ vì con mình, còn vì những đứa trẻ khác nữa. Thâm tâm mình muốn sự việc kết thúc, muốn các bên ngồi lại với nhau để giải quyết vấn đề, nhưng mình sẽ không bỏ cuộc. Hi vọng sau này, mọi người nhìn lại sẽ thấy không chỉ có một bà Hà Galaxie này dở hơi đứng lên đòi quyền lợi tới cùng, mà mọi người đều có quyền đó".

Về động cơ của người tiêu dùng, dư luận 5 người 10 ý. Tuy nhiên, chừng nào doanh nghiệp chưa trả lời được những câu hỏi xác đáng của họ, chừng đó lý vẫn nằm trong tay họ. 

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ trong vụ Danlait

Theo Luật của Liên minh châu Âu (Directive 2006/141/EC), protein từ sữa dê chưa được cho phép sử dụng để sản xuất sữa công thức cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. Pháp - một thành viên của EU cũng đã chuyển hóa quy định này thành nội luật bằng Nghị định ban hành ngày 11/4/2008, trong đó phụ lục nghị định ghi rõ chỉ có nguồn protein từ sữa bò, sữa đậu nành và protein thủy phân khác là được cho phép. Do vậy, sản phẩm Danlait 1 (dành cho trẻ từ 0 - 12 tháng tuổi) và Danlait 2 (dành cho trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi) sẽ không thể có "giấy chứng nhận được buôn bán rộng rãi tại nước bản địa" - một giấy tờ buộc phải có để được cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo hồ sơ xin cấp phép của Danlait tại Cục An toàn thực phẩm, "giấy chứng nhận buôn bán rộng rãi" được cấp cho sản phẩm "goat milk baby food" chứ không phải sản phẩm Danlait. Như vậy, hồ sơ này là "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Về điều này, Cục An toàn thực phẩm cũng chưa đưa ra lời lý giải nào hợp lý.

Anh Mai Chí Trung - Giám đốc Công ty Công nghệ thông tin

PV: Vì sao anh tham gia vào nhóm?

Anh Mai Chí Trung (MCT): Bắt đầu từ việc vợ tôi đọc lamchame.com và than phiền là mod bắt đầu khóa topic người tiêu dùng chỉ ra những bất thường về một loại sữa - chính là Danlait. Sẵn có nghề là làm công nghệ thông tin, lập trình nhiều năm nên tôi đã thử tìm mã nguồn của website Danlait và tìm ra các  hình ảnh tiếng Việt trong website. Sau đó Hà Galaxie tạo facebook để chia sẻ và vợ tôi đã mời tôi vào để giúp tìm thêm thông tin. Ban đầu, tôi chỉ xác định tham gia tối đa là 3 ngày. Tuy nhiên, sau đó vì những diễn biến mới mà tôi tham gia tới 1 tuần, rồi 2 tuần và đến tận bây giờ.

PV: Tham gia vụ việc này có ảnh hưởng tiêu cực gì tới cuộc sống của anh không?

Anh MCT: Cực kỳ tiêu cực vì tốn rất nhiều thời gian và đau đầu. Tôi đã định thôi từ lâu. Thậm chí vợ tôi cũng phản đối việc tôi dành nhiều thời gian quá.

PV: Vậy nguyên nhân gì khiến anh vẫn đầu tư rất nhiều thời gian và công sức vào vụ việc này?

Anh MCT: Vì tôi bức xúc trước sự mập mờ và lo lắng về thực phẩm của con mình. Tôi mới có con được 3 tháng.

PV: Hiện có rất nhiều luồng thông tin khác nhau về động cơ của nhóm? Anh nghĩ sao về điều này?

Anh MCT: Chúng tôi đã nỗ lực tìm kiếm sự thật, kể cả phải tìm hiểu nhiều lĩnh vực xa lạ như chuẩn Codex, luật châu Âu về sữa, quy định Việt Nam về sữa, mã HS... Chúng tôi chỉ làm theo lương tâm và mong có một thị trường sữa minh bạch về giá cả và chất lượng.

Vợ chồng chị Cao Ngân Hà và con trai Antony.

"Chúng tôi mong có được một cái nhìn công bằng, việc mình lao tâm khổ tứ đến bây giờ là vì điều gì. Chúng tôi chỉ mong cơ quan chức năng thấy rằng, người tiêu dùng đã nỗ lực đến như vậy, thì cũng nên đứng bên họ. Đừng cho đây là cuộc chiến, đừng đẩy người tiêu dùng sang bên kia chiến tuyến. Chúng tôi không cần chiến thắng, chỉ cần sự thật!" - chị Cao Ngân Hà.

Vợ chồng Thomas Nguyễn - Little Katy (Norwich, Anh)

PV: Anh chị biết thông tin về vụ việc như thế nào?

- Tôi đang sống ở Anh và vợ chồng tôi cũng không quen Hà. Một người bạn thường đổi sữa cho con hỏi tôi thông tin về sữa này, tôi đã tìm thông tin trên mạng và tham gia nhóm.

PV: Chị là người đầu tiên post những thông tin liên quan đến việc pháp luật châu Âu không cho phép sản xuất sữa công thức cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi từ sữa dê? Đây là một yếu tố quan trọng trong vụ việc. Chị biết đến các thông tin đó như thế nào?

- Ban đầu, tôi cũng ngờ ngợ, tại sao ở Anh và các nước EU không bán infant formula, follow on formula từ sữa dê, do đó đã tìm hiểu kỹ hơn và thấy nhiều văn bản nói rằng luật của EU hiện không cho phép như chỉ thị của Ủy ban châu Âu (Directive 2006/141/EC) . Tôi tìm hiểu thêm trên website của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu EFSA (http://www.efsa.europa.eu/) và được biết đến tháng 3-2012 EFSA mới có báo cáo khoa học  công nhận cho sữa dê và mới đang có dự thảo sửa Directive 2006/141/EC, dự kiến đến tháng 8/2013 mới ban hành.

Chồng tôi sau đó cũng đã chat với Nghị viện châu Âu (European Parliament), gửi thư cho Tổng vụ sức khỏe và bảo vệ người tiêu dùng Châu Âu (DG SANCO), gửi thư cho Bộ Nông nghiệp Pháp và 1 tổ chức chuyên về cạnh tranh thuộc Bộ Kinh tế Pháp. Các thư gửi phía Pháp không nhận được hồi âm, nhưng tất cả các nguồn thông tin khác đều khẳng định hiện EU chưa cho phép sản xuất và buôn bán sữa công thức có nguồn gốc từ sữa dê cho trẻ dưới 12 tháng tuổi. 

PV: Vì sao chị tham gia nhóm một cách nhiệt tình, dù con chị không sử dụng sản phẩm?

Tôi chỉ là cảm động với sự dũng cảm, dám đứng lên của Hà nên mới tham gia. Dù chỉ tham gia giúp đỡ chứ không phải là thành viên chính như Hà mà tôi đã thấy mất quá nhiều thời gian. Tôi khâm phục Hà, nhỏ tuổi hơn mình mà quá đáng nể. Trông vụ việc thì có vẻ nhỏ, kiểu đóng cửa bảo nhau được, nhưng nó là vụ đầu tiên và điển hình, phải được làm dứt khoát, nếu không sẽ tạo thành tiền lệ. Tôi không biết mọi chuyện sẽ đi đến đâu, nhưng làm được cho mọi người cảnh giác cũng là điều tốt.

Vũ Hân
.
.
.