Trên đỉnh núi cao 2.592m này, cũng không ít bài viết, các phương tiện truyền thông đã "tiết lộ" chân dung nhiều đại gia chân đất, với khối tài sản hàng chục, hàng trăm tỉ đồng…
Nhưng ít ai biết, để có được những giá trị và tiếng tăm đó, các "đại gia Ngọc Linh" đâu chỉ mỗi tâm huyết với loài sâm quý và kinh tế rừng là đủ. Mà hàng ngày, họ còn phải não lòng đối mặt cuộc chiến với nhiều loại "sâm tặc"!...
.jpg) |
“Chuột sâm” và những cách bảo vệ sâm khỏi chuột cắn phá thường sử dụng. |
Từ cuộc chiến với nạn "chuột sâm"
Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật, đoàn chúng tôi cũng vai khoác ba lô vượt núi dốc cao cùng bà con dân tộc Xê Đăng lên "thủ phủ sâm" trên đỉnh Ngọc Linh (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).
Dọc đường, câu chuyện vơi bớt chặng đường xa, gạt cái nắng gắt vùng cao mà người bản xứ tiết lộ cho cả đoàn chúng tôi lại là chuyện "sâm tặc" cùng món ẩm thực độc, lạ và rất quý tộc: "chuột sâm"…
Cụ cao niên Hồ Văn Lôi có thâm niên trồng sâm Ngọc Linh hơn 30 năm người Xê Đăng kể: "Món chuột sâm ni được bà con ở đây liệt vào hàng "đặc sản dân dã", món ăn quen thuộc mỗi ngày. Nhưng nói thật, ở dưới xuôi, các đại gia muốn đổi tiền tỉ mà thèm cũng chẳng bao giờ có ăn được mô.
Thậm chí, tui còn nghe tích kể rằng, thời xưa chỉ duy nhất bà Từ Hy Thái Hậu bên Trung Hoa mới có thể đủ "tiềm lực" tổ chức tiệc "sâm thử" (sâm thử là chuột nuôi bằng sâm - PV) để khoản đãi phái đoàn Sứ Thần, tướng lãnh các quốc gia Tây phương thôi nhà báo à!"...
Nhưng tiếp sau câu chuyện kể vui, cụ già Xê Đăng lại thở dài đánh thượt: "Nói là nói vậy, nhưng "chuột sâm" cũng chính là một trong những "sâm tặc" mà người trồng sâm bấy lâu phải đau đầu đối phó". Cuộc chiến với loài ''sâm tặc'' này còn liên quan đến những bí mật của rừng sâm, cùng những trở ngại và hiểm nguy mà chúng tôi sắp được mục sở thị…
Quả thật, để vào được vùng sâm trồng bí mật trong rừng không phải ai muốn vào cũng được. Không chỉ giao thông cách trở, mà còn muôn vàn hiểm nguy rập rình từ các loại chông thò, giăng mắc khắp nơi của bà con để đề phòng kẻ gian trộm sâm, mà chỉ cần sơ sẩy là tính mạng khó bảo toàn nếu không có người bản địa dẫn đường.
Đón đoàn chúng tôi ở ngay đầu con dốc dựng đứng dẫn vào làng trồng sâm tại nóc Tắc Ngo, xã Trà Linh, anh Hồ Văn Toán, nhân viên trại sâm giống Tắc Ngo, mắt thâm quầng sau một đêm thức trắng để săn đuổi chuột phá hoại vườn sâm giống ngao ngán: "Mùa ni hết mưa rừng, nắng ấm nên bọn chuột sinh sôi nảy nở càng nhiều. Việc bảo vệ vườn sâm vô cùng khó khăn, ngoài việc đề phòng kẻ gian vào nhổ trộm đã đành, công nhân chúng tôi còn phải canh chừng lũ chuột rừng ăn sâm, phá gốc… Cái lũ chuột rừng ni rất lạ, không giống lũ chuột ở đồng bằng ăn lúa, sắn bắp đậu. Lũ chuột núi ni chỉ ăn một loại duy nhất là sâm Ngọc Linh. Mà phá hoại không từ cái gì của cây sâm, hạt, thân đến cả củ, hoa… Vì vậy, việc bảo vệ vườn sâm khỏi chuột rừng là vô cùng khó khăn", anh Toán kể.
Ông Hồ Văn Du, một đại gia sâm ở xã Trà Linh, người có hàng chục nghìn gốc sâm nhiều năm tuổi bảo việc bảo vệ sâm trồng trong núi cũng ngao ngán: "Chỉ cần sơ sểnh, không giám sát việc bảo vệ là chỉ sau một mùa sâm chuột phá nát, tiền tỷ mất trắng vì chuột như chơi. Trồng sâm khổ nhất là lo lũ chuột phá củ, hoa gây thiệt hại lớn.
Có những vườn sâm chuột "xơi" gần hết. Một cây sâm trồng nhiều năm mới thu hoạch, vậy mà lũ chuột đào gốc, củ cắn phá gây thiệt hại cả chục triệu đồng/một củ. Đặc biệt, hoa và hạt sâm dùng để nhân giống đều bị chuột ăn thì không còn hạt để ươm cây giống".
Hiện giờ, để ngăn chặn, bắt loài chuột núi tinh khôn này, bà con Xê Đăng ở xã Trà Linh chỉ có bằng những biện pháp thủ công là bẫy rất đơn giản. Quanh vườn sâm ở những hốc đá, gốc cây chuột hay lưu trú, người dân gài bẫy.
Chuột đi qua vướng vào bẫy hòn đá rơi xuống đè lên con chuột. Ban đầu đặt bẫy con chuột dính nhưng dần dần chuột biết né tránh. Hiện phương pháp đặt bẫy đem lại hiệu quả không cao, cần phải có những loại thuốc vi sinh để diệt chuột bảo vệ sâm…
Đáng ngại là từ lâu nay chuột sâm là thức ăn duy nhất và ưa thích của bà con dân tộc Xê Đăng. Nên nếu sử dụng diệt chuột bằng hóa chất, thuốc, bã thì sẽ nguy hại đến việc biến làm thức ăn của bà con.
Do vậy, khi nhiều chủ vườn sâm hàng trăm tỷ đồng tại Ngọc Linh đang đề xuất phương pháp tiêu diệt chuột bằng các loại thuốc sinh học để bảo vệ vườn sâm quí hiếm thì lại gặp sự phản ứng, không đồng tình của bà con Xê Đăng nơi miền sâm này…
Đến điêu đứng vì nạn trộm sâm
"Nếu chăm chỉ thì việc đầu tư trồng sâm Ngọc Linh không khó. Cái khó nhất là công tác bảo vệ. Ngoài chuột và thú rừng cắn phá, nạn trộm sâm đang là nỗi lo của người trồng sâm hiện nay. Bởi một kilôgam sâm trồng từ 6 năm tuổi trở lên có giá từ 2 đến 4 cây vàng.
Do giá trị lớn đã khiến nhiều kẻ bất chấp hiểm nguy tính mạng đột nhập vào những khu vườn sâm được bố phòng chông thò, bẫy để nhổ trộm"… Không ít đại gia trồng sâm Ngọc Linh đã chia sẻ nỗi niềm với PV như vậy.
Theo các đại gia chân đất này thì: Để bảo vệ vườn sâm hàng trăm tỷ của mình, họ đã phải cho công nhân đặt camera giám sát 24/24h; cắt cử người canh trực, thậm chí cắm các loại bẫy chông, bẫy thò như thời chiến tranh bố phòng quanh khu vườn sâm của mình để chống kẻ trộm đột nhập và ngăn chặn thú rừng vào vườn sâm phá hoại… Vậy nhưng, dù được canh phòng cẩn mật, vườn sâm trăm tỷ vẫn không ngăn chặn được những kẻ "sâm tặc" táo tợn đột nhập.
Trung tá Nguyễn Xuân Thìn - Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My cung cấp: Chỉ tính riêng xã Trà Linh (nơi tập trung các hộ trồng sâm Ngọc Linh nhiều nhất của huyện Nam Giang - PV), từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 8 vụ trộm sâm Ngọc Linh gây thiệt hại lớn cho bà con Xê Đăng.
Trong các vụ trộm sâm ở Trà Linh, kể từ ngày sâm Ngọc Linh sốt giá mỗi kilôg am sâm trồng 6 năm tuổi lên đến 50-60 triệu đồng, nhiều kẻ trộm đã bất chấp hiểm nguy, thậm chí cả tính mạng để đột nhập vườn sâm nhổ trộm. Vụ trộm sâm số lượng khủng, kẻ trộm lấy cắp đến 500kg sâm Ngọc Linh vào mới đây nhất là ngày 1-3-2017.
Cơ quan CSĐT Công an huyện hiện đã khởi tố vụ án, bắt giam các đối tượng liên quan trong vụ án. Đáng nói, Công an huyện đã điều tra làm rõ, đối tượng tiếp tay cho trộm sâm lại là một cán bộ của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh tên Phan Quốc Duân (28 tuổi, trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam).
Dân là cán bộ thuộc Ban quản lý rừng, được phân công nhiệm vụ bấm tọa độ, vẽ sơ đồ, cắm mốc khu vực rừng phòng hộ ở hai xã Trà Linh và Trà Nam (huyện Nam Trà My) nên biết rõ đường đi, địa hình các khu trồng sâm của các hộ dân ở Trà Linh… do vậy anh ta đã lên kế hoạch cùng đồng phạm trộm sâm bán kiếm tiền tiêu xài.
Cụ thể, vào ngày 1-3, tại vườn sâm của ông Hồ Văn Dương (nóc Takngo, thôn 2, xã Trà Linh) xảy ra vụ mất trộm khoảng 500 gốc sâm Ngọc Linh, ước tính hơn 300 triệu đồng.
Bi hài thay, mặc dù chủ vườn Hồ Văn Dương đã rào chắn bảo vệ rất kỹ, nhưng khi lên thăm vườn mới phát hiện trên 500 gốc sâm trồng từ 2 đến 10 năm tuổi bị kẻ gian nhổ sạch.
 |
Đối tượng trộm sâm bị bắt giữ và muôn kiểu rào lưới, camera chống trộm.
|
Sau hơn 6 ngày tích cực điều tra, lần theo dấu vết các đối tượng tình nghi, Công an huyện Nam Trà My đã bắt được 4 đối tượng trộm sâm, gồm: Nguyễn Bá Nguyệt (30 tuổi), Phan Quốc Duân (28 tuổi), Lê Đỉnh Ý Đạt (25 tuổi), Phan Quốc Duyên (20 tuổi), tất cả đều trú xã Trà Dương, huyện Bắc Trà My. Trong 4 đối tượng bị bắt, Phan Quốc Duân là nhân viên hợp đồng của Trạm Bảo vệ rừng Sông Tranh. Đây cũng là vụ trộm sâm thứ 8 tại vùng trồng sâm của bà con Xê Đăng ở xã Trà Linh được Công an bắt giữ và xử lý.
Trước vụ trộm sâm ''khủng'' này, Công an huyện Nam Trà My cũng cung cấp một vụ trộm sâm lớn khác đã xảy ra vào ngày 8-8-2016. Đối tượng trộm sâm táo tợn này là Lê Văn Tạo, quê tại Cắm Muộn, Nghệ An.
Nhiều năm trước Tạo lên xã Trà Linh sinh sống như vợ chồng với một cô gái Xê Đăng tại Nóc Tắk Long, xã Trà Linh. Sau một thời gian Tạo bỏ về Trà Dương sinh sống với người vợ cũ. Về lại Trà Dương, Tạo luôn "nổ" mình là tỷ phú sau nhiều năm trồng sâm tại Trà Linh.
Để có tiền xây nhà, Tạo nghĩ cách trộm sâm để bán mới có tiền. Bởi 1kg sâm có giá 2 đến 3 cây vàng. Do thông thuộc địa bàn, lại sống nhiều năm ở Trà Linh nên Tạo dễ dàng vào vùng trồng sâm giữa núi để trộm.
Để thực hiện những vụ trộm sâm, Tạo sai vợ chuẩn bị lương khô mang theo lên núi Trà Linh ẩn mình trong rừng sâu cả tuần để canh những hộ trồng sâm không lên thăm vườn là Tạo ra tay nhổ trộm. Tổng cộng Tạo đã thực hiện hàng loạt vụ nhổ trộm sâm trót lọt mang về bán lấy tiền xây nhà.
Đến vụ nhổ trộm lần thứ 9 vào ngày 8-8-2016 thì bị người dân phát hiện, bắt giao nộp Công an. Theo khai nhận của Tạo thì tổng lượng sâm mà Tạo nhổ trộm hơn 20kg có giá trị hơn 700 triệu đồng…
Hiện các vụ trộm sâm ở Ngọc Linh, theo nhiều người trồng sâm tại đây cho biết, thiệt hại bọn trộm gây ra rất lớn, lên đến nhiều tỷ đồng. Đây là vấn đề không chỉ gây lo lắng cho các đại gia trồng sâm ở Ngọc Linh, mà gây mất an ninh trật tự tại khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn và triển khai dự án sâm Quốc gia tại Nam Trà My.
Hoài Thu – Trí Công