Đảm bảo tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án phạt tù

Thứ Sáu, 27/09/2019, 10:51
Luật Thi hành án hình sự số 41/2019/QH14 được Quốc hội ban hành vào ngày 14-6-2019 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020. Những nội dung của Luật khắc phục bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác thi hành án phạt tù. Phóng viên Chuyên đề CSTC có cuộc trò chuyện với Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an xung quanh những nội dung này.


Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng, so với Luật Thi hành án hình sự 2010, Luật Thi hành án hình sự 2019 có những điểm mới nào?

Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh: Luật Thi hành án hình sự năm 2019 gồm 207 điều, 16 chương. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2020.

Cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Luật đã bổ sung điều luật quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân; xuất phát từ nhận thức, phạm nhân là người bị kết án phạt tù, bị cách ly khỏi xã hội trong một thời gian nhất định theo bản án. Họ có nghĩa vụ lao động, học tập, cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội.

Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh.

Vì vậy, họ không thể được hưởng tất cả các quyền con người, quyền công dân giống như những công dân khác đang ở ngoài xã hội. Việc xác định các quyền cụ thể của phạm nhân vừa phải bảo đảm tính nhân đạo nhưng cũng vừa phải bảo đảm tính nghiêm khắc của hình phạt tù; đồng thời khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng đáp ứng của Nhà nước.

Theo đó, tại Điều 27 Luật quy định 10 nhóm quyền cơ bản của họ như: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, bảo đảm chế độ ăn, mặc, ở, gặp, quyền lao động, học tập, học nghề, quyền được thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện theo quy định của pháp luật, quyền được bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật...

Đồng thời, khoản 2 Điều 27 cũng quy định 5 nhóm nghĩa vụ mà phạm nhân phải thực hiện trong quá trình chấp hành án phạt tù, đây là những nghĩa vụ cơ bản xuất phát từ quan hệ hành chính-tư pháp mà người chấp hành án phải thực hiện như: Chấp hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, quyết định của cơ quan quản lý thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án hình sự trong quá trình thi hành án hình sự và các quyết định khác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chấp hành nội quy của cơ sở giam giữ phạm nhân, các tiêu chuẩn thi đua chấp hành án; chấp hành yêu cầu, mệnh lệnh, hướng dẫn của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân; cao động, học tập, học nghề theo quy định…

Khoản 3 Điều 27 quy định: “Phạm nhân có quyền và nghĩa vụ khác theo quy định tại Luật này”, việc quy định khái quát này để phù hợp với khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật, bảo đảm minh bạch và thuận lợi trong thực tiễn thi hành các quy định liên quan đến quyền của phạm nhân, trên cơ sở rà soát về quyền của phạm nhân được quy định trong Luật.

PV: Luật đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện các chế độ của phạm nhân theo hướng nhân đạo, bảo đảm tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án như thế nào, thưa Trung tướng?

Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh: Để bảo đảm tốt nhất quyền con người, quyền của phạm nhân, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện các chế độ của phạm nhân trong quá trình chấp hành án phạt tù theo hướng cụ thể, nhân đạo, bảo đảm tốt nhất quyền con người trong quá trình chấp hành án phạt tù như: Về tổ chức quản lý, giam giữ phạm nhân: Hồ sơ phạm nhân là tài liệu quan trọng trong công tác quản lý phạm nhân, để bảo đảm tính minh bạch trong công tác quản lý phạm nhân cũng như bảo đảm việc theo dõi và thực hiện các chế độ đối với phạm nhân, Luật đã bổ sung Điều 29 quy định về hồ sơ phạm nhân.

Điều 30 Luật quy định cụ thể, rõ ràng hơn so với Luật Thi hành án hình sự năm 2010 về giam giữ phạm nhân theo hướng kết hợp giữa việc phân loại giam giữ theo tính chất, mức độ tội phạm; đặc điểm của các đối tượng giam giữ với việc đánh giá kết quả chấp hành án phạt tù nhằm nâng cao hiệu quả quản lý giam giữ, giáo dục cải tạo phạm nhân và phạm nhân bị kỷ luật, cụ thể như sau: Trại giam tổ chức giam giữ phạm nhân. Chế độ học tập, học nghề (Điều 31).

Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh tại lễ công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Chế độ lao động của phạm nhân (Điều 32) quy định theo hướng bảo đảm phù hợp với tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người; đặc biệt để phù hợp với quy định về pháp luật về lao động và tính tương thích của Công ước số 29 về lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc. Chế độ ăn, ở đối với phạm nhân (Điều 48). Chế độ mặc và tư trang của phạm nhân (Điều 49).

Chế độ hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của phạm nhân và sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân (Điều 50). Chế độ đối với phạm nhân nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi (Điều 51). Chế độ gặp thân nhân, nhận quà của phạm nhân (Điều 52). Chế độ liên lạc của phạm nhân (Điều 54). Chế độ chăm sóc y tế đối với phạm nhân (Điều 55). Các chế độ đối với phạm nhân là người dưới 18 tuổi; bổ sung Điều 35 quy định về xếp loại chấp hành án phạt tù của phạm nhân, Điều 45 quy định về tái hòa nhập cộng đồng.

PV: Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định về hoãn chấp hành án phạt tù; giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; trích xuất phạm nhân; quản lý, giam giữ phạm nhân như thế nào, thưa Trung tướng?

Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh: Để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành án phạt tù liên quan đến các quy định về hoãn chấp hành án phạt tù; giảm thời hạn chấp hành án phạt tù; tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; xử lý đồ vật cấm đưa vào trại giam; trích xuất phạm nhân; quản lý, giam giữ phạm nhân Luật đã sửa đổi, bổ sung các nội dung có liên quan theo hướng cụ thể hơn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc từ việc thực hiện các quy định trên, cụ thể:

Giải quyết trường hợp bàn giao người tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù bị bệnh nặng đang điều trị tại bệnh viện cho thân nhân (khoản 3 Điều 37);

Luật Thi hành án hình sự năm 2019 đã bổ sung các quy định về chế độ của phạm nhân theo hướng nhân đạo, bảo đảm tốt nhất quyền con người

Về bổ sung quy định giám định sức khỏe đối với người được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để tiếp tục thi hành án (khoản 7 Điều 25 và điểm b khoản 5 Điều 37);

Sửa đổi, bổ sung các quy định về trích xuất phạm nhân theo hướng phạm nhân được trích xuất cùng với hồ sơ và tài sản, tiền (nếu có); về tiếp nhận phạm nhân khi hết thời hạn trích xuất; về giải quyết phạm nhân trích xuất khi hết thời hạn chấp hành án phạt tù (khoản 5 Điều 40); bổ sung trường hợp trích xuất để chăm sóc trẻ em là con của phạm nhân đang ở cùng bố, mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ bị ốm phải đưa đi khám và điều trị tại bệnh viện (khoản 3 Điều 40);

Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tiếp nhận, quản lý, giam giữ phạm nhân; bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ, thông tin khi tiếp nhận phạm nhân; quy định về các trường hợp giam giữ riêng phạm nhân cho phù hợp với điều kiện thực tế và phát sinh từ thực tiễn công tác thi hành án phạt tù (Điều 28 và bổ sung Điều 29);

 Quy định cụ thể về việc xử lý phạm nhân vi phạm (Điều 43);

Bổ sung quy định về thời hạn thông báo về phạm nhân chết, nếu hết thời hạn mà thân nhân phạm nhân không có đơn xin nhận tử thi thì tổ chức an táng (khoản 2 Điều 55);

PV: Ngày 1-1-2020, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành. Trung tướng có thể cho biết công tác triển khai thi hành Luật của Bộ Công an hiện được thực hiện như thế nào?

Trung tướng, GS Nguyễn Ngọc Anh: Ngay sau được khi Quốc hội thông qua, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 21-8- 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2019.

Để triển khai thi hành Luật trong CAND, Bộ trưởng Bộ Công an cũng ban hành Quyết định 6613/QĐ-BCA ngày 30-8-2019 ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật. Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng, hoàn thiện trình các cơ quan có thẩm quyền ký, ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bao gồm 7 Nghị định, 4 Thông tư liên tịch và 21 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an; khẩn trương biên soạn tài liệu bình luận, giới thiệu những nội dung cơ bản, nội dung mới của Luật; tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu những nội dung cơ bản của Luật cho cán bộ cốt cán ở Công an các đơn vị, địa phương và cán bộ làm công tác thi hành án hình sự.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Trung tướng!

Nguyễn Hương (Thực hiện)
.
.
.