Hàng chục lao động Việt Nam ở Nga bị đòi tiền chuộc:

Đẫm nước mắt gom tiền chuộc người thân

Thứ Sáu, 23/08/2013, 14:49

Mấy ngày qua, dư luận tại tỉnh Thừa Thiên - Huế hết sức bàng hoàng trước sự việc hàng chục thanh niên quê tại thị xã Hương Thủy và huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa thoát khỏi "địa ngục trần gian" xứ người trở về. Sự thật về những giấc mộng đổi đời, làm giàu của nhiều công nhân Việt Nam sang Nga lao động chui, đã phải đổi lấy đắng cay, bị chủ chèn ép, đánh đập, bóc lột sức lao động trắng trợn đã bị vạch trần. Trước thảm cảnh "tiến thoái lưỡng nan", gia đình của những công nhân phải đành vay nóng tiền để đưa con em mình về nước...

Cả tin, tiền mất tật mang, sức lực bị vắt kiệt

Tại nhà bà Phan Thị Tịnh (54 tuổi, trú thôn Lê Bình, xã Phú Xuân) rất đông người đến hỏi thăm sức khỏe của hai cô con gái bà Tịnh là Trần Thị Mới (26 tuổi) và Trần Thị Xuyên (23 tuổi). Hai chị em Xuyên và Mới bàng hoàng kể lại: "Tháng 6-2012, hai em được ông Võ Văn Tuyên (trú xã Phú Xuân) liên hệ và giới thiệu sang Nga làm nghề may. Ông Tuyên còn vẽ ra một viễn cảnh rất hấp dẫn, lao động nhàn (chỉ làm ngày 8 tiếng, nếu tăng ca là 12 tiếng) nhưng có mức lương bình quân khoảng 400 - 500 USD mỗi tháng. Đã vậy, mọi thủ tục làm xuất cảnh, vé máy bay đều có người quen của ông lo chu đáo, gia đình chỉ phải nộp khoảng 2 - 3 triệu đồng chi phí ở Việt Nam...

Tin lời, hai chị em Mới và Xuyên vội đi làm hộ chiếu rồi được một phụ nữ tên Lê Thị Thu Dung (trú thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên  - Huế) dẫn ra Hà Nội để chuẩn bị sang Nga. Đi cùng đợt sang Nga lao động với Mới, Xuyên còn có các công nhân Đặng Rốt (25 tuổi), Trần Thị Loan (21 tuổi), Hồ Thị Lành (23 tuổi) cùng gần 20 lao động khác quê ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, mà đông nhất là người của xã Phú Xuân, huyện Phú Vang. Tuy nhiên, nhóm công nhân này sau khi được dẫn ra Hà Nội, lên máy bay sang Nga rồi bị đưa về một xưởng may tại thành phố Kalugar (Nga) thì mới biết mình lại trở thành "con nợ". Cụ thể mỗi người sẽ bị "trừ nợ" 2.000 USD chi phí xuất cảnh bằng tiền công, do chủ xưởng may ứng trước để đưa qua Nga lao động...

Anh Đặng Hảo, một công nhân từng bị đánh gãy sống mũi cho biết: Xưởng may mặc có tên T&G do một người Việt Nam tên G làm chủ là một khu ổ chuột gồm tổ hợp quán ăn, giải trí, quầy bar ở tầng một. Chủ xưởng thuê tầng 3 để nhồi công nhân vào ở và làm việc. Tại đây, 40 thanh niên nam nữ phải sinh hoạt chung trong một căn hộ chật chội. Tốp nam, tốp nữ khi ngủ chỉ ngăn cách nhau bằng 1 tấm màn bằng vải và dùng chung 2 toilet, 2 phòng tắm...

2 nạn nhân Lành (áo trắng) và Xuyên vừa trở về từ Nga.

Không những thế, chủ xưởng còn hạn chế, không cho mọi người tiếp xúc bên ngoài nhiều. Mỗi ngày các công nhân phải làm việc hơn 20 tiếng, có ngày làm luôn 24 tiếng đồng hồ không ngủ, nghỉ. Bắt đầu từ 7h sáng đến 10h trưa họ mới cho ăn sáng, cũng chỉ được nghỉ 30 phút vào giờ ăn trưa và ăn tối. Mỗi bữa cơm, bàn ăn 6 người chỉ có đĩa thịt nhỏ thái mỏng, tô canh, bánh mì và không có chế độ gì thêm. Ngược lại các công nhân bị trừ tiền ăn, tiền ở với giá "cắt cổ", ai làm sai sót còn bị trừ tiền rất nhiều. Vậy nhưng khi biết anh Hảo và một số nam công nhân tìm cách trốn, người của chủ xưởng may đã chặn bắt và hành hung.

Chị Phan Thị Bòn (38 tuổi), quê ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy sau nhiều lần có ý định trốn về nước nhưng bất thành, cũng đã phải tuyệt thực gần nửa tháng để đấu tranh bất chấp nhiều lời đe dọa đánh đập của chủ xưởng. Lúc chị Bòn được chủ xưởng trả về Việt Nam, chị còn nắm rõ hiện còn khoảng 30-40 lao động vẫn còn phải làm việc đến sức cùng lực kiệt ở xưởng may tại công ty T&G. Họ đang lay lắt từng ngày mong được thoát khỏi cái địa ngục này... Chủ xưởng ra điều kiện, nếu những công nhân này muốn trở về Việt Nam thì phải có tiền "chuộc thân" từ 30 - 60 triệu đồng…

Một số lao động khẳng định dù họ làm việc hơn 1 năm nhưng chủ xưởng không hề trả một đồng lương nào. Theo tính toán của các lao động, với công suất làm việc của họ thì chỉ khoảng trong 4 tháng, thu nhập của họ sẽ hơn 2.000 USD và đủ để chi trả tiền làm thủ tục, tiền ăn ở trong 4 tháng. Chị Nguyễn Thị Hương nói: "Em sang Nga đã hơn 1 năm, nhưng chưa hề biết đồng lương là gì, cứ 3 tháng họ cho ứng khoảng 350 ngàn Việt Nam''. Bà Trần Thị Dâu (45 tuổi, trú thôn Lê Bình, xã Phú Xuân), có con gái là Hồ Thị Lành (23 tuổi) - một trong số lao động làm việc tại xưởng may T&G nghẹn ngào: Nhà không có tiền nhưng vì thương con ở xứ người bị hành hạ, đánh đập, bóc lột sức lao động tui phải chạy vạy vay mượn nộp đủ 30 triệu đồng để chuộc con về.

Cũng tương tự như vậy, người nhà của Trần Thị Mới, Trần Thị Xuyến, Trần Thị Loan và Đặng Rốt cũng phải nộp tiền vào tài khoản có tên Nguyễn Quang Minh hoặc Dung theo yêu cầu của chủ xưởng mới được trở về quê. Trong đó, trường hợp đóng ít nhất là 30 triệu đồng, trường hợp đóng cao nhất là 60 triệu đồng thì con em mới được về.

Đó là trường hợp những công nhân may mắn, còn được gia đình gom tiền chuộc về. Riêng những gia đình quá khó khăn không thể kiếm đủ tiền chuộc, hiện vẫn phải cắn răng xót lòng, ngóng tin con em họ vẫn còn ở xứ người, chịu kiếp sống như ở địa ngục trần gian. Như trường hợp bà Trần Thị Ngãi (thôn Ba Lăng) mấy hôm nay bồn chồn ruột gan khi nhiều người đã về nhà, nhưng người con trai Phan Ngân (19 tuổi) vẫn bặt vô âm tín.

Đường dây đưa người đi lao động trái phép ở Nga

Ông Đặng Ngọc Phê, P. Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: "Toàn xã có 13 người đi XKLĐ, nhưng vừa qua đã 11 người nộp tiền chuộc trở về nhà. Vẫn còn 2 trường hợp chưa được về nhà. Theo ông Phê, Phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Vang cũng đã thống kê cho biết, trên địa bàn huyện có khoảng 22 trường hợp đi XKLĐ chui tại Nga và nhiều trường hợp khác ở huyện Quảng Điền, huyện Phong Điền, thị xã Hương Thủy, huyện Phong Điền, TP Huế... Hiện ở xã Phú Xuân vẫn còn một số lao động đang làm việc tại xưởng may mặc T&G chưa về quê được vì gia đình không có tiền nộp vào tài khoản theo yêu cầu của chủ xưởng.

Anh Đặng Hảo và chị Nguyễn Thị Hương phản ánh với PV.

Các lao động trở về đều cho biết đã tố cáo ông Võ Văn T. (trú xã Phú Xuân) về việc ông đã môi giới, giới thiệu công nhân sang Nga làm việc. Riêng ông Tuyên, khi người dân kéo đến nhà yêu cầu giải thích về sự việc, ông ta đều chối bỏ trách nhiệm… Theo tìm hiểu, ông T. là người trung gian trong đường dây đưa người đi lao động  ở nước ngoài. "Cấp trên" của ông T. là bà Lê Thị Thu Dung (trú 87 đường Trưng Nữ Vương, phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Số ĐT: 0914.975.526). Bà Dung là người đã hướng dẫn ông T. tuyển người và trực tiếp đưa lao động từ Huế ra Hà Nội để đưa đến sân bay. Bà Dung khẳng định: "Những lao động nói trên đi làm ở xưởng may của em trai bà ta là Lê Gia G. Xưởng may được Chính phủ Nga cho phép hoạt động và trước đây làm ăn có hiệu quả nhưng dạo này kinh tế khủng hoảng nên cũng ảnh hưởng rất nhiều"…

Tuy nhiên, chiều 8/8, làm việc với phóng viên, ông Hoàng Văn Phước, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, 5 năm trở lại đây, sở không có chương trình hợp tác XKLĐ đối với các doanh nghiệp ở Nga. Có thể họ được làm thủ tục đi theo diện nào đó ngắn hạn rồi ở lại làm việc. Nếu chưa được sự cho phép của Bộ LĐ-TB-XH là sai quy định. Vì thế Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị phía công ty phải trả lại tiền và bồi thường cho những lao động này.

Ông Nguyễn Thanh Kiếm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết sẽ kết hợp với Công an thị xã Hương Thủy, Công an huyện Phú Vang tiến hành kiểm tra, xử lý nhằm tránh trường hợp người dân bị lừa. Những năm qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo XKLĐ khiến nhiều dân nghèo lao đao. Người dân nên cảnh giác với những kiểu tuyển dụng việc làm chui, không thông qua chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Trong thời gian qua, đã có nhiều phản ánh về việc hàng chục lao động ở vùng quê nghèo xã Phú Xuân, huyện Phú Vang bị các đối tượng làm công cho ông Lê Gia G., GĐ Công ty T&G, người cùng địa phương,  sang Nga làm việc. Và hậu quả là nhiều người bị tiền mất tật mang, nợ nần chồng chất cũng chỉ vì không hề có bất kỳ kiến thức gì về XKLĐ. Tuy nhiên, ông Phước cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, một phần cũng do công tác tuyên truyền về XKLĐ còn hạn chế nên dẫn đến tình trạng này.

Quay lại vụ việc lừa hàng chục lao động sang Nga làm việc, hiện hàng chục lao động bị sập bẫy, để lại khoản nợ khổng lồ trong mỗi gia đình. Mới đây, hơn 11 lao động xã Phú Xuân đã trở về địa phương và bắt đầu tố cáo hành vi lừa đảo của ông T. và bà Dung thì sự việc được nhiều người biết đến. Số lao động còn lại, hiện vẫn chưa biết tung tích ra sao. Những gia đình có con em đang lao động đó vô cùng hoang mang, lo lắng.

Cơ quan điều tra vào cuộc. Ông Đặng Ngọc Phê, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Xuân cho biết: "Ngày 8/8, ông  Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang đã chỉ đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện UBND xã Phú Xuân báo cáo nhanh tình hình lao động sang Nga tại địa phương, đồng thời phối hợp với cơ quan CSĐT công an huyện Phú Vang điều tra làm rõ việc các lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động, bị hành hạ, tại Công ty T&G.  Đồng thời, trước sự việc này, Sở LĐ - TB&XH tỉnh Thừa Thiên- Huế đã cùng với cơ quan điều tra công an tỉnh vào cuộc để điều tra đường dây đưa người lao động sang Nga làm việc rồi bỏ mặc người lao động.

Hoài Thiên
.
.
.