Đàm phán Liên Triều hy vọng vượt qua vết xe đổ

Thứ Tư, 24/01/2018, 10:27
Thứ Hai ngày 15-1, các quan chức cao cấp của CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc tiếp tục có những cuộc họp, nối tiếp cuộc đột phá ngoại giao vào tuần trước đó.


Họ ngồi lại với nhau sau một năm đe doạ, thử thách vũ trang và thử nghiệm vũ khí của Triều Tiên, nhưng các cuộc đàm phán này khác với những gì đã xảy ra trước đây như thế nào?

Đã có nhiều nỗ lực tìm ra một giải pháp ngoại giao để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng như Hiệp ước Khung của những năm 90 thế kỷ trước và các cuộc đàm phán 6 bên vào những năm 2000. Tuy nhiên, tất cả đều kết thúc bằng thất bại, tạo ra bầu không khí thiếu tin tưởng khi đàm phán.

Các nhà phân tích nói rằng các cuộc thảo luận hiện nay và tiếp theo chỉ là những bước đi chập chững của em bé tập đi trong bức tranh toàn cảnh, và không rõ liệu chúng sẽ giúp cả hai bên hướng tới một giải pháp nào hay không.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc - ông Cho Myoung Gyyon (phải) bắt tay với ông Ri Son Gwon - người đứng đầu phái đoàn CHDCND Triều Tiên trước cuộc họp của họ tại Panmunjom thuộc vùng phi quân sự ở Paju, Hàn Quốc vào 9/1/ 2018. (Ảnh AP).

"Những tháng tiếp theo sẽ rất quan trọng và liệu chúng ta có đi theo con đường đàm phán hoặc đi xuống dưới con đường mạo hiểm hơn nữa tùy thuộc vào một vài yếu tố khác nhau, nhưng nó sẽ phụ thuộc vào cách mà các cuộc đàm phán liên Triều này tiến hành trước", theo ông Jean Lee, cựu Trưởng văn phòng Báo chí AP, hiện là thành viên toàn cầu của Trung tâm Nghiên cứu Học giả Quốc tế Woodrow Wilson. "Nếu ai đó tin rằng điều này là đơn giản, họ nên nghĩ lại", bà nói.

Trở lại quỹ đạo?

Các cuộc thảo luận trước đã đưa ra một số kết quả hữu hình, bao gồm việc Triều Tiên đồng ý tham dự Thế vận hội mùa Đông ở Pyeongchang, Hàn Quốc và nối lại đường dây nóng quân sự.

Những lợi ích đó đáng chú ý, mặc dù từ đây đến Thế vận hội vẫn còn thời gian để có thể Bình Nhưỡng rút lại những lời hứa của họ. Tuy nhiên, mọi quốc gia liên quan đến đàm phán hoặc có lợi ích liên quan đều rõ ràng rằng mục tiêu cuối cùng của bất kỳ nỗ lực ngoại giao nào của đàm phán liên Triều đều là phi hạt nhân hóa CHDCND Triều Tiên. Nhưng ngay cả việc đề cập đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng thôi cũng làm phật lòng nhà đàm phán hàng đầu của Triều Tiên, theo một báo cáo sau cuộc họp.

"Không ai đến với các cuộc đàm phán mới này một cách mù mờ cả. Bạn phải học từ những sai lầm đã mắc phải trong quá khứ. Điều cực kỳ quan trọng đối với các nhà thương thuyết là phải nghiên cứu những gì đã xảy ra sau năm 1994 và với các cuộc đàm phán 6 bên, để đảm bảo rằng họ không vấp phải những vết xe đổ đó”, bà Lee nói.

Thỏa thuận Khung năm 1994 là nỗ lực đầu tiên để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên bằng con đường ngoại giao. Thỏa thuận này được đưa ra sau khi Triều Tiên loan báo kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng muốn phát triển vũ khí hạt nhân. Tình hình căng thẳng đến nỗi chính quyền của Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nghiêm túc xem xét việc tấn công một số cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Sau căng thẳng, một thỏa thuận đã đạt được, trong đó Mỹ sẽ cung cấp cho Bình Nhưỡng các lò phản ứng hạt nhân và nhiên liệu nếu Triều Tiên ngừng phát triển vũ khí.

Khung thỏa thuận sụp đổ sau khi tình báo Mỹ phát hiện ra những nỗ lực của Triều Tiên để làm giàu uranium - một con đường tiềm năng cho một vũ khí hạt nhân. Các nhà phê bình của chính quyền Tổng thống George W. Bush cho rằng những người theo phái diều hâu xung quanh Tổng thống đang tìm kiếm một cái cớ để không tham gia thỏa thuận này. Bình Nhưỡng cũng buộc tội Washington không bảo đảm thỏa thuận do trì hoãn việc cung cấp cho Triều Tiên lò phản ứng và nhiên liệu.

Một nỗ lực khác trong những năm 2000 là các cuộc đàm phán 6 bên, nhưng cũng đã tan rã sau một loạt các cuộc đàm phán qua lại. Những cuộc đàm phán này lớn hơn nhiều, bao gồm cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc. Các bên đã gần đạt được một bước đột phá vào năm 2005, tập trung vào một thỏa thuận bao gồm các điểm sau: 

(1) Triều Tiên cam kết từ bỏ vũ khí hạt nhân và chương trình hiện tại, quay lại NPT và chấp nhận kiểm tra quốc tế. (2) Đổi lại, các thành viên khác trong các cuộc đàm phán 6 bên sẽ công nhận quyền của Triều Tiên trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hoà bình và sẽ thảo luận về việc cung cấp cho chính phủ Kim Jong-il một lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ vào thời điểm thích hợp.

Nhưng mọi thứ nhanh chóng tan rã. Sự phân chia về "thời điểm thích hợp", cùng với các lệnh trừng phạt của Mỹ đã đóng băng khoảng tiền 25 triệu USD của Triều Tiên ở Macau đã thổi phồng cơn tức giận của Bình Nhưỡng, đánh dấu chấm hết cho các cuộc đàm phán. Triều Tiên phản ứng bằng cách bắn thử một số tên lửa và Bình Nhưỡng đã cho nổ vũ khí hạt nhân đầu tiên của mình vào tháng 10-2006.

Khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, Triều Tiên nhanh chóng tăng tốc các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong khi sự giao tiếp giữa hai miền Triều Tiên bị chậm lại.

Đóng băng để đóng băng

Để hiểu những gì sẽ diễn ra tiếp theo, điều quan trọng là phải xem xét các điều kiện giúp cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán. Trong bài diễn văn Năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như chìa một nhành ô liu cho người đồng nhiệm ở miền Nam, Moon Jae-in: Tập trung vào Thế vận hội.

Đó là một khởi đầu tự nhiên cho các cuộc đàm phán - một bước đi đầu tiên tốt đẹp và khá dễ dàng. "Cả hai bên đều có cùng mối quan tâm về vấn đề này, Triều Tiên chắc chắn muốn tham gia Thế vận hội, và người Hàn Quốc muốn họ tham gia Thế vận hội", bà Lee nói.

Một điểm gút mắc chính là các cuộc tập trận quân sự hàng năm của Mỹ và Hàn Quốc vào mùa xuân. Căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ thường bùng phát do các cuộc tập trận này. Bình Nhưỡng tin rằng đây là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng cuối cùng của Triều Tiên, một cáo buộc mà Mỹ luôn phủ nhận. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đồng ý trì hoãn các cuộc tập trận theo yêu cầu của Hàn Quốc, điều mà các nhà quan sát suy đoán đã được thực hiện để đảm bảo Thế vận hội mùa Đông diễn ra suôn sẻ.

Các cuộc tập trận đã bị hủy bỏ trong những năm trước đây, nhưng nếu chúng tiếp tục sau khi Thế vận hội chấm dứt, tình hình có thể trở lại căng thẳng. "Nếu các cuộc đàm phán không được mở rộng để bao gồm việc đóng băng các cuộc thử tên lửa hoặc các cuộc tập trận, thì đến tháng 4 chúng ta sẽ trở lại một tình huống rất nguy hiểm", Adam Mount, một thành viên cao cấp của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ (FAS), nhận định.

Trung Quốc và Nga đã ủng hộ cái gọi là đề xuất "Đóng băng để đóng băng", trong đó Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự và Triều Tiên dừng thử nghiệm tên lửa. Nhưng cả Triều Tiên và Mỹ cho đến nay đã từ chối ý tưởng này. Washington cho rằng nó không phải là một kiểu so sánh “táo với táo”, vì các cuộc tập trận quân sự là hợp pháp, trong khi các cuộc thử tên lửa của Triều Tiên thì bị cấm theo luật quốc tế. Vào tháng 10-2017, Bình Nhưỡng nói rằng họ sẽ không đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump cho đến khi họ gửi "một thông điệp rõ ràng rằng Triều Tiên có khả năng tự vệ và tấn công đáng tin cậy để chống lại bất kỳ sự xâm lược nào từ Mỹ".

Cục sắt trao đi, cục chì trao lại

Thế vận hội có thể là sự kiện lớn nhất của Hàn Quốc trong năm 2018, và Triều Tiên cũng có một dịp quan trọng riêng trong năm nay: Kỷ niệm 70 năm thành lập nước CHDCND Triều Tiên vào tháng 9. Các nhà phân tích nói rằng các cuộc đàm phán hiện nay với Hàn Quốc có thể là cơ sở của một kiểu “miếng trả miếng”: Nếu Bình Nhưỡng có thể để cho Thế vận hội diễn ra êm ả, thì Seoul cũng sẽ không làm gián đoạn lễ kỷ niệm lớn của Triều Tiên.

Bàng Cương
.
.
.