Đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều Tiên: đường đến đích còn xa

Thứ Ba, 08/10/2019, 19:25
Trái với những gì dư luận thế giới kỳ vọng, cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng tổ chức ngày 5-10, tại trung tâm tổ chức hội nghị ở Lidingo, phía Đông Bắc thủ đô Stockholm của Thụy Điển, đã không đạt kết quả với những phát biểu trái ngược của hai bên.


Ngay sau cuộc gặp với đại diện đặc biệt của Mỹ Stephen Biegun, Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố, cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã đổ vỡ, đồng thời cáo buộc Washington khiến cuộc đàm phán "kết thúc trong vô nghĩa". 

Trưởng đoàn đàm phán Kim Myong-gil cho biết: "Cuộc đàm phán lần này đã không giống như chúng tôi mong đợi và đã đổ vỡ. Tôi rất không hài lòng. Nó hoàn toàn là do Mỹ không vứt bỏ quan điểm và thái độ cũ nên đàm phán lần này đã không đưa ra được kết quả gì".

Ông Donald Trump và ông Kim Jong-un gặp nhau ngày 30-6 tại khu phi quân sự liên Triều.

Ông Kim cũng nhấn mạnh đã nói với phía Mỹ rằng Triều Tiên có thể bước vào các cuộc thảo luận ở "giai đoạn tiếp theo" về các biện pháp phi hạt nhân hóa nếu Mỹ đáp lại "thành thật" các biện pháp trước đây của Bình Nhưỡng, ví dụ như về việc tự ngừng các cơ sở hạt nhân và các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.

"Trong khi chúng tôi đã gợi ý về một cách tiếp cận linh động, một phương pháp mới và giải pháp sáng tạo thì phía Mỹ lại kỳ vọng quá cao. Cuối cùng kết quả là không đạt được gì, gây thất vọng lớn cho chúng tôi và phá hủy niềm hứng thú đàm phán của chúng tôi.

Chúng tôi đã giải thích rất rõ ràng rằng cần thiết phải tính toán một phương thức và cần có đủ thời gian để làm điều đó, nhưng Mỹ đã tới buổi đàm phán với hai bàn tay trắng và sau tất cả, cho thấy rằng họ không sẵn sàng để giải quyết vấn đề", ông Kim nói.

Nhưng trái ngược với phản ứng của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tuyên bố, nước này đã có "các cuộc thảo luận tốt đẹp" với Triều Tiên tại cuộc đàm phán cấp chuyên viên ở Thụy Điển.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus cho rằng những bình luận sớm từ phái đoàn Triều Tiên không phản ánh hết nội dung hoặc tinh thần của cuộc thảo luận kéo dài 8 giờ rưỡi.

Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và có những cuộc thảo luận tốt với đối tác Triều Tiên. Ngoài ra, Mỹ đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển về việc tiếp tục đàm phán với Triều Tiên trong 2 tuần nữa. "Mỹ - Triều không thể vượt qua di sản 70 năm chiến tranh và thù địch trên bán đảo Triều Tiên chỉ trong một ngày thứ 7. Đó là những vấn đề nặng nề, đòi hỏi cam kết mạnh mẽ của cả hai nước và Mỹ có cam kết đó", bà nói thêm.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói đoàn của họ đã xem xét kỹ các đề xuất mới, không chỉ trong vấn đề phi hạt nhân, mà cả các yếu tố khác trong đàm phán, bao gồm cam kết chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết phía Triều Tiên phản ứng như thế nào.

Nhà đàm phán hạt nhân hàng đầu Triều Tiên Kim Myong-gil phát biểu với giới phóng viên bên ngoài Đại sứ quán Triều Tiên ở Stockholm tối 5-10.

Tuy nhiên, dù phía Mỹ có dùng những lời hoa mỹ thì rõ ràng là cuộc gặp lần này không đi đến đâu. Và dù các nhà đàm phán Mỹ khẳng định sẵn sàng trở lại sau 2 tuần, phía Triều Tiên không đưa ra thông báo nào tương tự. Đây là cuộc thảo luận cụ thể đầu tiên giữa Mỹ và Triều Tiên sau khi ông Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un quay lưng với nhau sau cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai tại Hà Nội vào tháng 2.

Theo các nhà nghiên cứu, việc hai bên không đạt được thỏa thuận hôm 5-10 và các tuyên bố mâu thuẫn sau đó là không quá ngạc nhiên. Cuộc đàm phán diễn ra trong một ngày khó có thể mang đến nhiều tiến triển tích cực, khi các bên đang theo đuổi những mục tiêu khác nhau.

Hiện tại, Bình Nhưỡng được cho là muốn kéo dài các cuộc đàm phán cấp chuyên viên để đưa Tổng thống Mỹ Donald Trump vào một hội nghị thượng đỉnh khác. Ở đó, Triều Tiên tin chắc cuộc đàm phán sẽ diễn ra theo cách họ muốn.

Có thể nói, thiết lập niềm tin chiến lược giữa Mỹ và Triều Tiên là điều khó khăn, bất chấp những bước đi táo bạo của lãnh đạo hai nước trong hơn một năm qua. Nối lại đàm phán là một chuyện, còn đàm phán có tiến triển và đạt được kết quả tích cực hay không lại là một chuyện khác. Nếu hai bên tiếp tục duy trì quan điểm cứng rắn và theo đuổi toan tính lợi ích riêng thì con đường dẫn đến hòa bình cho bán đảo Triều Tiên sẽ còn nhiều khó khăn.

Quý Đức
.
.
.