Dân Đồng Lương lại khốn khổ vì trại gà Hòa Phát

Thứ Sáu, 01/05/2020, 15:12
Từ cuối tháng 2/2020 đến nay, hàng ngàn người dân tại các tiểu khu 14, 15, 16 xã Đồng Lương lại bức xúc phản ánh về mùi hôi thối liên tục bốc ra từ trại gà của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ đóng tại khu 16 xã Đồng Lương - Cẩm Khê - Phú Thọ. Tình trạng ô nhiễm không khí nặng nề suốt hơn 2 năm qua đã khiến người dân ở đây chưa khi nào hết lo lắng vì sức khỏe bị ảnh hưởng.


Phát bệnh vì phải ngửi mùi thối từ "núi" phân gà

Theo báo cáo chính thức từ Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ với chính quyền địa phương, nguyên nhân gây phát tán mùi là do công ty đang tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa nhà chứa phân cũng như hệ thống xử lý phân. Bên cạnh đó, "do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng phân tồn kho tại "kho thành phẩm" nhiều cũng là một nguyên nhân phát sinh mùi". Đồng thời công ty cũng "hứa hẹn" sẽ khắc phục tình trạng này trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, do công ty đã nhiều lần "hứa hẹn" với bà con nhân dân về việc sẽ giải quyết tối đa vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm không khí xảy ra suốt 2 năm qua, nên cư dân trong khu vực đã tỏ ra mất niềm tin vào những lời hứa.

Xe chở phân chưa qua xử lý của Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ chỉ được che đậy sơ sài.

Ngày 12/3, đại diện người dân trong khu vực đã yêu cầu được vào trong công ty để thực hiện việc giám sát việc thực hiện các hạng mục về bảo vệ môi trường theo cam kết đã ký trước đó với người dân. Tại buổi kiểm tra, giám sát tại thực địa hiện trường khu xử lý chất thải, đại diện cho người dân là ông Hoàng Trung Sỹ (Trưởng khu 16) cùng một số người đã bất ngờ khi chứng kiến một lượng phân gà khổng lồ chưa qua xử lý chứ không phải phân thành phẩm được tập kết trong khu nhà xưởng.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Gia cầm Hòa Phát, thừa nhận: "Thời gian vừa qua, lượng phân tồn đọng trong công ty có lúc lên tới 2.000 tấn. Nhưng chúng tôi đã cố gắng đàm phán với các khách hàng, để chuyển giao hết lượng phân này trong thời gian sớm nhất. Công ty cũng đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống nhà phân số 2, với công nghệ xử lý hiện đại của Hàn Quốc, trong đó ứng dụng công nghệ của hệ thống thu gom và xử lý khí thải trong nhà phân để hạn chế mùi hôi.

Dự kiến, đến giữa tháng 5-2020, hệ thống này sẽ đi vào hoạt động, khi đó mới có thể khắc phục những vấn đề còn tồn tại hiện nay". Còn ông Hoàng Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ, cho biết: "Trong những ngày gần đây, công ty đang đốc thúc các khách hàng khẩn trương thực hiện việc vận chuyển phân đi tiêu thụ với khối lượng khoảng 200 tấn/ ngày".

Không chỉ phải chịu mùi hôi thối bốc ra từ nhà phân, người dân trong khu vực và người dân sống dọc theo 2 bên đường vào công ty còn rất bức xúc khi hàng ngày phải chịu mùi hôi thối các xe chở phân gà đi qua. Nhiều xe tải chở phân chưa qua xử lý, chỉ được che bạt sơ sài, phân và nước phân rơi vãi ra dọc theo đường xe đi.

Theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án (đã được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt theo quyết định số 1682/QĐ-UBND ngày 17/7/2017): "Chất thải rắn phải được thu gom, lưu giữ và xử lý theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản có liên quan", đồng nghĩa với việc lượng phân gà 50-60 tấn/ ngày mà trại gà Hòa Phát Phú Thọ đang thải ra phải được xử lý thành phân hữu cơ, được đóng bao khi vận chuyển đi nơi khác tiêu thụ.

Nhưng với những gì đang diễn ra trên thực tế, Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ vẫn tiếp tục thực hiện không đúng các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt cũng như các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trong mấy tháng qua, mùi hôi thối đã khiến người dân không chỉ mất ăn, mất ngủ mà nhiều người còn sinh bệnh, trong đó chủ  yếu các bệnh ngoài da (dị ứng, mẩn ngứa), tiêu hóa, hô hấp (viêm mũi, viêm xoang, ho). Số người bị hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn... ngày một tăng.

"Thảm họa" cũ có lặp lại?

Ông Hà Xuân Sinh, người dân xóm chăn nuôi thuộc khu 16 có mặt trong buổi kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ ngày 12/3, vẫn chưa hết bức xúc: "Không biết hệ thống xử lý chất thải mới mà công ty đang xây dựng có đảm bảo xử lý được hết các vấn đề tồn đọng, đặc biệt là mùi thối hay không. Hiện nay, với 600.000 gà đẻ, có 50-60 tấn phân mỗi ngày, mà tôi chứng kiến lượng phân tồn đọng đã lên tận nóc của nhà xưởng, không biết là bao nhiêu nghìn tấn, thì sau này tăng quy mô nuôi là 1,2 triệu con, tương ứng với 120 tấn/ ngày, thì họ xử lý thế nào?

Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ dự kiến tăng công suất nuôi gà đẻ trứng lên 1,2 triệu con vào quý II-2020.

Đấy là chưa kể, việc quy hoạch khu trang trại và khu xử lý phân quá gần nhà dân, theo tôi là không đúng quy định của pháp luật. Nhưng bây giờ trang trại xây xong hết rồi, chúng tôi chẳng biết kêu ai về trách nhiệm cấp phép này của tỉnh, huyện nữa. Không biết cuộc sống của chúng tôi còn khốn khổ đến bao giờ".

Ông Sinh cũng nhấn mạnh: "Theo cam kết của công ty với người dân ký ngày 2/11/2019, trong vòng 40 ngày công ty xử lý hết lượng phân tồn đọng trong 40 ngày, 90 ngày xử lý xong vấn đề mùi. Nhưng bây giờ thối vẫn hoàn thối, thì dân chúng tôi nhất quyết không đồng thuận cho công ty đưa gà vào các chuồng mới để tăng quy mô lên 1,2 triệu con như kế hoạch của công ty".

Còn ông Lê Văn Điều cay đắng: "Tôi sống hơn 60 năm qua cả thời chiến tranh mà chưa bao giờ thấy khổ như bây giờ. Người dân chúng tôi không chịu được nữa. Vì quá ô nhiễm, thiệt hại về kinh tế đã đành, sức khỏe thì ai đền được cho chúng tôi đây? Chúng tôi yêu cầu công ty phải đúng cam kết trước đây, trả lại môi trường sống cho nhân dân".

Theo kỹ sư hóa học Ngô Mạnh Đạt, người có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn, xây dựng hệ thống chất thải trang trại gà tại Mỹ, thì khí H2S từ phân gà ở nồng độ/cường độ thấp làm xót tuyến nước mắt và đường hô hấp; mức trung bình gây choáng váng, ói mửa, nhức đầu; ở mức cao trong bồn kín gây tử vong. H2S nặng hơn không khí nên không dễ dàng thoát lên không trung. Nguy hiểm hơn, H2S là độc tố thần kinh, ngửi lâu sẽ không thấy mùi thối nữa, mũi sẽ bị hủy mất chức năng ngửi mùi.

Thực tế, công ty đã 2 lần bị các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ xử phạt với tổng số tiền là hơn 510 triệu đồng. Trước đó, trả lời phóng vấn phóng viên Báo Công an nhân dân, ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch tỉnh Phú Thọ, đã khẳng định: "Nếu Công ty Gia cầm Hòa Phát Phú Thọ tái phạm, sẽ cho dừng dự án".

Ông Tấn cũng khẳng định: "Để xảy ra tình trạng nêu trên có trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Cẩm Khê và chính quyền xã Đồng Lương trong quá trình phối hợp thanh kiểm tra, giám sát quá trình vận hành việc chăn nuôi của Công ty Gia cầm Hòa Phát theo báo cáo đánh giá tác động môi trường".

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có một đơn vị hay cá nhân nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những vi phạm kéo dài và có thể sẽ còn tiếp diễn này.

N.Hà - M.Lan
.
.
.