Dân Đồng Lương vẫn thấp thỏm sống cạnh trại gà

Thứ Bảy, 09/11/2019, 09:58
Ngày 5-11, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty TNHH MTV Gia cầm Hoà Phát (Công ty Gia cầm Hoà Phát) số tiền 442,5 triệu đồng. Đây là thành quả sau rất nhiều nỗ lực kêu cứu của bà con xã Đồng Lương (Cẩm Khê, Phú Thọ) sống quanh khu vực trại gà.


Tuy nhiên, điều bà con xã Đồng Lương vẫn còn lo lắng, đó là liệu việc xử phạt có trả lại môi trường trong sạch hay không? Họ vẫn tha thiết các cấp chính quyền có biện pháp xử lý triệt để, xử lý tận gốc nguyên nhân gây ra ô nhiễm lâu nay.

Kết quả của những tháng ngày kêu cứu

Sau nhiều nỗ lực kêu cứu, sự vào cuộc của cơ quan báo chí, ngày 5 -10 -2019, UBND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 2856/QĐ - XPHC về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với Công ty Gia cầm Hoà Phát với số tiền lên tới 442,5 triệu đồng.

Gần đây rất nhiều hộ dân phản ánh cá nuôi trong ao thường xuyên chết nổi.

Theo đó, Công ty Hoà Phát đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính như: Thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu trong quyết định phê duyệt trong báo cáo; thải chất thải rắn công nghiệp thông thường (phân gà) trái quy định về bảo vệ môi trường từ 60.000kg đến dưới 80.000kg.

Ngoài việc phạt tiền, Công ty Hoà Phát còn bị áp dụng biện pháp khắc phục như đình chỉ ngay hành vi vi phạm, tăng cường gia cố bờ bao đảm bảo không để nước, phân từ các hố và hồ sinh học chảy tràn ra ngoài, gây ảnh hưởng đến môi trường khu vực và hồ Ngả 2; Khẩn trương thực hiện các biện pháp cải tạo, phục hồi môi trường bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, Công ty Gia cầm Hoà Phát buộc phải thực hiện đúng các nội dung trong báo cáo đã được phê duyệt (có phương án xử lý toàn bộ lượng phân lưu chứa trong khuôn viên đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường); phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường cho Trung tâm quan trắc và bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ.

Sau khi có quyết định xử phạt, dư luận tại xã Đồng Lương tỏ ra rất vui mừng, bởi họ đã có những thành quả ban đầu sau nhiều nỗ lực kêu cứu. Tuy nhiên, không ít người vẫn tỏ ra lo lắng. Bởi, Công ty Gia cầm Hoà Phát đã từng bị Công an tỉnh Phú Thọ xử phạt 70 triệu đồng vì để chất thải ảnh hưởng đến môi trường vào năm 2018.

Nói về vấn đề này, ông Hà Minh Dụ cho hay: "Hôm nay chúng tôi nghe tin Công ty Gia cầm Hoà Phát bị xử phạt lên đến hơn 400 triệu đồng tất cả đều rất vui mừng. Tuy nhiên đây vẫn chỉ là xử phạt thôi, còn phải có biện pháp xử lý tận gốc, triệt để thì người dân mới thấy an tâm.

Trước đây công ty cũng đã từng bị xử phạt nhưng rồi lại đâu vào đấy. Lần này cũng vậy, nếu xử phạt xong họ lại tiếp tục làm ảnh hưởng đến môi trường thì sao? Lúc đó dân chúng tôi lại đi kêu, cơ quan chức năng lại phải lập đoàn kiểm tra, rồi lại ra quyết định xử phạt? Đó là vấn đề mà người dân ở đây thấy lo lắng".

Người dân xã Đồng Lương chịu cảnh ô nhiễm không khí và nguồn nước nhiều năm nay.

Vẫn không có biện pháp triệt để

Trước khi UBND tỉnh Phú Thọ ra Quyết định xử phạt hành chính lên đến hơn 400 triệu, đã có nhiều người dân đại diện cho bà con xã Đồng Lương đến Ban tiếp công dân của Bộ Tài nguyên và Môi trường để phản ánh thực trạng tồn tại nhiều năm nay.

Ông Hà Minh Dụ bức xúc: "Chúng tôi buộc lòng phải lên tận cơ quan cao hơn, phải tự cứu mình thôi. Thực lòng đã có quá nhiều đơn thư gửi đi khắp nơi mà vẫn chưa được giải quyết, tình trạng ô nhiễm còn ngày nào thì chúng tôi khổ ngày đó".

Theo như người dân phản ánh, tại xã Đồng Lương không chỉ không khí bị ô nhiễm nặng nề mà nguồn nước cũng đã bắt đầu ảnh hưởng rất lớn. Bà Nguyễn Thị Khang cho biết, nhà bà cách trại gà của Công ty Gia cầm Hoà Phát khoảng 500m. Đến nay, nước giếng sinh hoạt của gia đình cũng đã có mùi hôi thối, đen ngòm không thể sử dụng được.

"Sau lần thứ 2, Công ty Gia cầm Hoà Phát gây ô nhiễm, chúng tôi không thể sử dụng được nguồn nước. Tôi phải bỏ vôi bột xuống giếng nhưng nước cũng chỉ trong hơn chút còn lại vẫn có mùi hôi thối" - Bà Khang nói.

Trước tình trạng nguồn nước không sử dụng được, Công ty Gia cầm Hoà Phát đã chở cho mỗi hộ dân 2 bình nước sạch 20 lít. Hai ngày sau đó, công ty này tiếp tục phát cho 1 bình và sau đó không cấp nữa, họ đặt ở mỗi xóm 1 bình nước 1.000 lít  ngoài đường để bà con tự xách về sử dụng.

Quyệt định xử phạt hơn 400 triệu đồng của UBND tỉnh Phú Thọ ngày 5 -10.

"Toàn bộ nước bơm vào các bình inox đó đều được lấy từ trong Công ty Gia cầm Hoà Phát. Người dân không có nước thì phải dùng chứ không biết nước đó có sạch hay không, đảm bảo hay không. Chẳng có lẽ cả đời chúng tôi cứ phải dùng nước trong bình inox thế này sao? Trước không thở được, nay lại cộng thêm không có nước để dùng? Thử hỏi chúng tôi phải sống thế nào đây?" - Ông Dụ chia sẻ với giọng buồn chán.

Thực tế, mặc dù đã được các cấp chính quyền vào cuộc xác minh, lập biên bản xử lý đối với Công ty Hoà Phát vì để gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thậm chí nhiều cơ quan báo chí phản ánh về hiện tượng này. Tuy nhiên, ngay sau đó, Công ty Gia cầm Hoà Phát chỉ xử lý trước mắt là cho phun thuốc diệt ruồi và khử mùi. Theo người dân, cách làm này lại dẫn đến tình trạng tằm nuôi chết theo hàng loạt.

Bởi con tằm là loài không xương sống, cực kỳ nhạy cảm với những hoá chất độc hại và không khí ô nhiễm. Người dân đã khốn đốn vì môi trường, nay lại lao đao vì nguồn sinh kế bị huỷ hoại.

Ông Vi Tiến Cường, Chủ tịch UBND xã Đồng Lương cho biết, nguyên nhân ô nhiễm khiến cá chết tại hồ Ngả 2 là do vỡ hồ sinh học của Gia cầm Công ty Hòa Phát, dẫn đến chất thải (phân gà) chảy xuống hồ Ngả 2 gây chết cá.

Ngay sau đó, UBND xã đã lập biên bản về việc xử lý ảnh hưởng do ô nhiễm môi trường nguồn nước tại khu vực chung quanh và phía dưới hồ Ngả 2 thuộc khu 14 và khu 15 (gồm khu Đồn Điền và khu Đá Hoa) thuộc địa bàn xã Đồng Lương. Biên bản này có nhắc đến thực tế ô nhiễm nguồn nước và có cam kết của đại diện công ty về việc hỗ trợ tạm thời nước sinh hoạt cho người dân với mỗi hộ hai bình nước sạch loại 20 lít.

Khi "làn sóng" phản đối của người dân ngày càng dữ dội, Công ty Gia cầm Hoà Phát đã cử đại diện phối hợp với chính quyền địa phương thống kê thiệt hại của người dân. Cụ thể, công ty đã hỗ trợ cho 27 hộ dân với số tiền 900 triệu đồng.

Do bức xúc, người dân đã chặn xe cám gà để phản đối việc ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty Gia cầm Hoà Phát cho hay: "Trong thời gian tới, công ty sẽ tiến hành xây thêm hồ sinh học và hố biogas để tăng thể tích chứa, xử lý nước thải; áp dụng dây chuyền xử lý mùi của Hàn Quốc kết hợp rắc vôi và men vi sinh tại các ao, hồ, đồng thời mời các đơn vị xử lý nước thải tham mưu giúp các giải pháp để giải quyết triệt để vấn đề này. Ngoài ra, công ty sẽ tiến hành làm đường ống cấp nước sinh hoạt cho 20 hộ dân trong bán kính 500m quanh trại gà để người dân có nguồn nước sạch sử dụng".

Đây không phải là lần đầu tiên Công ty Gia cầm Hoà Phát bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, theo đánh giá về mức độ ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra, việc giải pháp mà Công ty Gia cầm Hoà Phát đưa ra chỉ là biện pháp xử lý tình thế.

Về lâu dài, rất khó xử lý triệt để từ chất thải chăn nuôi này, trừ khi đảm bảo được khoảng cách từ trại gà đến khu dân cư. Phía chính quyền cần giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất, xử lý chất thải của Công ty Gia cầm Hòa Phát, yêu cầu công ty này thực hiện đúng theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp phép…

Phong Anh
.
.
.