Thuê bao 11 số rút còn 10 số: Dân buôn được lợi, người dùng hoang mang?

Thứ Tư, 06/06/2018, 16:42
Kể từ ngày 15-9, khoảng 60 triệu thuê bao 11 số sẽ chuyển đổi thành 10 số. Không ít người hoang mang, lo lắng vì việc thay đổi đầu số sẽ ảnh hưởng đến công việc, giao dịch… của họ. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ ra vui mừng khi giá trị của sim số đẹp tăng lên gấp nhiều lần dù chưa đến giai đoạn chuyển đổi. Thị trường giao dịch sim số đẹp rộn ràng hẳn lên, đây cũng là cơ hội kiếm tiền của nhiều dân buôn trước khi giờ G điểm.


Dân buôn kiếm tiền tỷ

Trước khi có thông tin chính thức về việc chuyển đổi mã mạng, một số nguồn tin rò rỉ trên mạng đã khiến thị trường sim số trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Và rồi vào thời điểm hiện tại, khi mọi thứ đã được xác thực, thị trường này càng nóng hơn bởi các “con buôn” đi gom số càng mạnh mẽ hơn. 

Dạo qua một vòng các cửa hàng bán sim, đặc biệt là các page bán sim, các sim số đẹp 11 số được đẩy giá lên khá cao. Trước đây, các sim 11 số rất khó bán do ít người quan tâm, sim “rác” thường được mua rất dễ dàng tại các đại lý sim thẻ hay các quán nước lề đường, không phải kê khai bất kỳ thông tin gì, dùng hết tiền khuyến mại có thể vứt bỏ. Chính vì vậy, những sim “rác” thường không có độ tin cậy khi sử dụng trong công việc, làm ăn, kết bạn...

Các sim thông thường được bán với giá rất rẻ, chỉ vài chục ngàn đồng, còn các số đẹp cũng chỉ có mức giá trung bình vài triệu đồng trong khi các sim 10 số đẹp có giá bán từ vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng, thậm chí lên tới tiền tỉ.

Hàng loạt các cửa hàng bán sim ráo riết “săn” sim số đẹp 11 số.

Chủ một đại lý sim thẻ ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hiện các cửa hàng, các chủ sim chỉ bán các sim 11 số nhưng không quá đẹp như số tam hoa, tiến đơn, hoặc các số dễ nhớ... có giá dưới 10 triệu đồng. 

Còn những số lục quý, lộc phát, ngũ quý... thì giới buôn sim không bán bởi kỳ vọng sau khi chuyển đổi thành 10 số, giá bán sẽ tăng mạnh. Thậm chí các chủ đại lý sim đang tích cực gom các sim 11 số đẹp để sau này khi đổi đầu số, giá sẽ tăng lên chóng mặt. 

“Những sim 11 số đẹp vừa phải vẫn giao dịch và tăng giá nhẹ khoảng 10%. Hầu hết là những sim mà đại lý đã ôm về để bán từ lâu nên vẫn giao dịch tiếp. Còn các sim số đẹp mà dự kiến khi đổi đầu số sẽ còn đẹp hơn thì dân buôn không bán”, chủ cửa hàng này cho hay. 

Trên các website chuyên bán số đẹp, chỉ ít ngày trước, các thuê bao 11 số có đuôi 666, 888, 999… có giá vài triệu đồng thì nay đã được điều chỉnh lên vài chục triệu đồng. Các đại lí sim đang nhân cơ hội này để trục lợi.

Trên nhiều page bán sim, khá nhiều dân buôn tích cực gom sim 11 số đẹp để chuẩn bị cho giờ G sắp tới sẽ có cơ hội kiếm bộn tiền khi đầu số được thay đổi. 

Anh Minh, một tay buôn sim lâu năm cho hay: “Từ khi có thông tin chuyển đổi thuê bao di động 11 số về 10 số, giá sim "VIP" đầu 11 tăng đột biến. Có những sim đẹp tăng giá 400 lần so với thời điểm trước đó. 

Sim 11 số đẹp, như ngũ quý, lục quý, số lặp, số tiến… giá tăng đột biến so với thời điểm chưa có thông tin chuyển đổi về đầu 10 số nhưng dân buôn giao dịch cầm chừng để om hàng chờ thời cơ bùng nổ. 

Thế nhưng ngược lại cũng khá nhiều sim 11 số đang rất đẹp thì bỗng rớt giá thảm hại bởi sau khi đổi đầu số thành số 03, hay 07 thì nhìn chẳng khác gì số điện thoại bàn. Cả 1 một dãy số đẹp lộc phát tự nhiên lại thêm 1 số lạ lạc dòng vào khiến sim đẹp mất hẳn đi giá trị. Ví dụ như số 01668.68.68.68 thành 0368.68.68.68 nhìn xấu hẳn luôn”.

Không chỉ là cơ hội làm ăn, "thổi giá" sim của tiểu thương, thông tin chuyển đổi sim 11 số về 10 số cũng khiến nhiều chủ thuê bao không giấu được thích thú bởi từ lâu thuê bao 11 số vốn bị gán cho mác sim rác, sim xấu, bán giá rẻ, bất kể sim có đuôi số đẹp đến mức nào. 

Trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, nhiều người khoe sim điện thoại đầu 0123, 0124, 0163… của mình thoát "kiếp" sim rác, đổi thành sim 10 số với đầu số đẹp như 080 hay 084, 033. Thậm chí, các chủ thuê bao đổ xô bán sim điện thoại 11 số vì được dân buôn sim đẹp trả giá cao gấp 10-20 lần giá trị mua trước đó.

Theo kế hoạch chuyển đổi mã mạng, các thuê bao 11 số của mạng Viettel gồm các đầu số 0162, 0163, 0164, 0165, 0166, 0167, 0168, 0169 sẽ chuyển thành 032, 033, 034, 035, 036, 037, 038, 039.

Thuê bao 11 số của mạng MobiFone gồm các đầu số 0120, 0121, 0122, 0126, 0128 sẽ chuyển thành 070, 079, 077, 076, 078. Đối với nhà mạng VinaPhone, các đầu số 0123, 0124, 0125, 0127, 0129 sẽ chuyển thành 083, 084, 085, 081, 082. 

Mạng Vietnamobile và Gtel sẽ chuyển sang đầu số 05x. Cụ thể, thuê bao 11 số 0188, 0186 của Vietnamobile được đổi sang đầu số 056, 058. Thuê bao 11 số 0199 của Gtel sẽ đổi sang đầu số 059. Việc chuyển đổi bắt đầu từ ngày 15-9-2018 và kết thúc vào ngày 30-6-2019.

Trong đó dân buôn sim đánh giá, sự xuất hiện của đầu số 08X mới của Vinaphone được dự đoán có thể đắt ngang ngửa dòng sim 098 vốn được rao bán với mức giá thuộc hàng cao nhất trên các chợ sim.

Các tiểu thương đánh tiếng trong các mã đầu số mới của ba nhà mạng, 08X là đầu số đẹp nhất, có nhiều ý nghĩa về phong thủy. Vì thế, sau khi chuyển đổi, sim 11 số về 10 sẽ không ở mức cũ, thậm chí có thể đắt lên tới chục lần.

Sim 11 số bị đẩy giá gấp nhiều lần.

Người tiêu dùng dở khóc dở cười

Trong khi nhiều người hồ hởi vì sự lên giá của sim số đẹp thì cũng không ít người dở khóc dở cười bởi sự bất cập khi phải đổi đầu số thuê bao. 

Với những ai đang sử dụng số điện thoại để đăng ký tài khoản trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber và kích hoạt bảo mật hai lớp có thể gặp rất nhiều rủi ro phát sinh do số di động đã không còn trùng khớp với con số đã sử dụng để đăng ký trước đó.

Các dịch vụ phổ biến hiện nay như Facebook, Instagram, Google (Gmail, Driver, YouTube...) hay Apple ID (App Store, iCloud...) thường được kích hoạt thêm lớp bảo mật OTP. Như vậy, khi việc chuyển đổi đầu số diễn ra, người dùng có thể không nhận được mã xác thực vì OTP được gửi đến số điện thoại cũ, dẫn đến việc không đăng nhập được tài khoản.

Nếu muốn quá trình sử dụng không bị gián đoạn, người dùng cần phải chủ động thay đổi số điện thoại đã đăng ký trong tất cả các ứng dụng, dịch vụ của mình trong giai đoạn chuyển giao mà nhà mạng giữ nguyên kết nối đến cả đầu số cũ.

Anh Đức Anh (Thái Thịnh, Hà Nội) bày tỏ sự bức xúc: “Tôi sử dụng thuê bao 11 số của Viettel như số chính đã mấy năm nay. Tôi dùng số điện thoại này để đăng kí Facebook, Zalo cũng như số điện thoại để bảo mật tài khoản ngân hàng. Giờ đổi số phải mất công ra ngân hàng thông báo lại, phải mất thời gian cài đặt lại tài khoản Facebook, Zalo”.

Còn chị Ngân Thương (Cầu Giấy, Hà Nội) thì sử dụng sim 11 số 5-6 năm nay. Vốn là dân buôn bán nên số điện thoại chị đang sử dụng là số chính để chị giao dịch làm ăn. Sắp tới đổi đầu số, chị sợ lượng khách giao dịch sẽ giảm xuống, dù có mất công thông báo thay đổi số điện thoại trên trang cá nhân, hay zalo nhưng chắc chắn chị sẽ gặp nhiều phiền toái.

Các đầu số bị thay đổi.

Các nhà mạng cũng thừa nhận bất cập trên và khẳng định chủ thuê bao phải tự đăng kí lại số điện thoại với bên thứ 3 vì nhà mạng vẫn chưa có phương án để can thiệp. Đối với các dịch vụ trong nước như ngân hàng, thanh toán điện, nước... việc đăng kí khá dễ dàng. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ nước ngoài như Facebook, Google, Instagram… điều này sẽ phức tạp hơn. 

Các nhà mạng khuyến cáo người dùng nên thay đổi số điện thoại theo số mới đối với các dịch vụ đã đăng kí. Việc cập nhật nên được tiến hành trong thời gian diễn ra việc chuyển đổi. Đối với các dịch vụ cho phép đăng kí bằng email, người dùng nên sử dụng email, đề phòng trường hợp số điện thoại cũ không liên lạc được.

Hiện tại, các nhà mạng đều cam kết sẽ triển khai mọi phương án nhằm hỗ trợ tối đa khách hàng trong quá trình chuyển đổi mã mạng. Là nhà mạng sở hữu đầu số đẹp nhất (08x), VinaPhone khẳng định, đầu số 08x đã quen thuộc với người dùng di động trong 2 năm qua. Do đó, việc chuyển đổi từ đầu số 012x sang 08x được nhiều người dùng hào hứng đón nhận.

Quá trình chuyển đổi sẽ được thực hiện trên hệ thống kĩ thuật của nhà mạng nhằm hạn chế tối đa phiền toái cho khách hàng. Có số lượng thuê bao 11 số lớn nhất, Tập đoàn Viettel cũng khẳng định sẽ xây dựng phần mềm có tính năng đồng bộ danh bạ theo mã mạng mới để khách hàng có thể chuyển đổi danh bạ một cách thuận tiện, nhanh chóng. MobiFone cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất nhằm giữ chân khách hàng.

Tuy nhiên người tiêu dùng vẫn không tránh khỏi hoang mang lo lắng, họ sợ rằng, khi kho số điện thoại 10 số đã đầy, sẽ lại có cuộc thay đổi nữa. 
Trước đây việc thay đổi mã vùng đã khiến người dùng gặp nhiều rắc rối, phức tạp, rồi việc gia tăng số thuê bao di động khiến các nhà mạng phải phát hành thêm sim 11 số thì nay lại quay trở về 10 đầu số. 

Liệu trong tương lai sẽ còn những thay đổi nào nữa không khi mà sự thay đổi chỉ mang lại lợi ích cho nhà mạng, dân buôn kiếm bộn tiền còn người tiêu dùng vẫn luôn chịu thiệt thòi nhất.

Ngọc Trâm
.
.
.