"Nóng" tại xã Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội:

Dân đua nhau "biến" ruộng thành nhà

Thứ Bảy, 08/03/2014, 11:33

Dọc hai bên đường vào các thôn Lai Cách, Đại Tảo, Xuân Tảo, Yên Sào… của xã Xuân Giang, Sóc Sơn, Hà Nội, đã sừng sững những ngôi nhà xây cao tầng bề thế và kiểu cách, tạo cho miền quê thuần nông một bộ mặt mới mang dáng dấp của một đô thị hiện đại. Có điều ít ai ngờ rằng, chúng đều tọa lạc trên những thửa đất từng là "bờ xôi ruộng mật". Thực trạng xây nhà trái phép trên đất ruộng tại địa phương này đã diễn ra từ lâu và bùng phát mạnh vào những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014.

Theo thống kê của xã, hiện có 30 trường hợp vi phạm cần xử lý. Nhưng theo nhiều người dân thì đây chưa phải con số thực. Vậy đâu là "nguồn cơn" của thực trạng hỗn loạn trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại xã Xuân Giang? Chuyên đề CSTC xin chuyển đến bạn đọc những thông tin xung quanh sự việc trên.

Ruộng "lên" phố

Chiều ngày 25/2/2014, chúng tôi tìm về xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn, Hà Nội để tìm hiểu về thực trạng "biến" đất ruộng thành nhà ở đang diễn ra công khai, nhộn nhịp tại địa phương này. Khoảng 3km dọc hai bên những con đường dẫn tới trung tâm xã Xuân Giang, trên cánh đồng đã san sát mọc lên những công trình xây dựng nhà ở kiên cố nhiều tầng hoặc nhà cấp 4 có tường bao quanh. Nhiều nhà đã hoàn thiện có người ở, một số khác chưa xây xong, hoặc mới xong phần nền móng. Phía trước cửa công trình ngổn ngang từng đống gạch cát, cốt pha. Cánh thợ nề lấm lem vôi vữa vẫn mải mê công việc dù trời đã về chiều. Cả xã Xuân Giang như một công trường nhộn nhịp.

Hỏi thăm đường vào ngôi nhà mới xây của ông L… (lãnh đạo Đảng ủy xã), một bà cụ đã dẫn chúng tôi đi ngang qua Nghĩa trang liệt sỹ xã Xuân Giang, đến một ngôi nhà xây kiên cố hai tầng, diện tích sử dụng hơn 100m2, sừng sững tọa lạc trên thửa ruộng thuộc thôn Đại Tảo. Được biết ông L… xây ngôi nhà này từ cuối năm 2013 cho anh con trai. Công trình nằm cách trụ sở UBND xã Xuân Giang chỉ vài trăm mét.

Nhà ông L. Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang xây trên ruộng.

Đi tiếp đến thửa ruộng cạnh trường Mầm non thôn Lai Cách, trên đó xuất hiện một khu nền đã đổ đất rộng khoảng 500m2, móng gạch xây cao từ mặt ruộng lên hơn 2m. Người dân trong thôn cho biết đó là công trình nhà ở của bà Vương Thị H.., em gái một vị lãnh đạo huyện Sóc Sơn.   

Trong vai người đi tìm mua đất, chúng tôi được bà H... dân "cò" đất cho biết: "Dân các nơi đổ vào xã này mua ruộng xây nhà, đẩy giá đất ruộng ở đây tăng chóng mặt. Bình quân khoảng 4 triệu đến 4,5 triệu đồng/m2, nếu có lô hướng Nam giáp mặt đường, chiều rộng 5m, sâu 30m, thì giá cỡ từ 5 đến 6 triệu đồng/m2. Tranh thủ lúc này xây đang "dễ", nên có người đã đi vay lãi ngày để lấy tiền xây nhà. Nhà nào nghèo mà có ruộng ven đường thì bây giờ kiếm to".

Vì sao dân ngang nhiên "xé rào"?

Những tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 là thời điểm "nóng" nhất của nạn xây nhà trên ruộng ở xã Xuân Giang. Theo bản thống kê các vụ vi phạm đất đai và trật tự xây dựng (tính đến ngày 13/1/2014) do ông Nguyễn Minh Phúc - Chủ tịch UBND xã Xuân Giang ký, thì hiện tại toàn xã đã xảy ra 30 vụ. Gồm 8 vụ xây nhà trên đất do xã cấp (đây lại là một sai phạm khác, vì xã không có thẩm quyền cấp đất); 2 vụ xây nhà trên đất công; 19 vụ xây nhà trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của CSTC cho biết, thì danh sách này không đầy đủ, vì đã "né" các nhân vật "nhạy cảm". Chẳng hạn như không có tên ông cựu chủ tịch xã, ông lãnh đạo Đảng ủy hiện nay, bà người nhà "sếp" huyện. Nguồn tin còn cho biết con số thực của các vụ vi phạm quy định về xây dựng và quản lý đất đai ở xã Xuân Giang phải là hàng trăm vụ, vì nó đã diễn ra từ năm 2011, kéo dài qua nhiều năm và bùng phát như hiện nay.

Văn bản chỉ đạo cưỡng chế của UBND huyện Sóc Sơn.

Thực trạng ruộng "biến" thành nhà là có lý do của nó. Một phần là do nhu cầu về chỗ ở của người dân, nhưng cái chính là những mảnh ruộng mầu mỡ toàn nằm ngay bên đường liên thôn, liên xã. Có một cơ ngơi ở đó, chỉ mở quầy tạp hóa buôn bán lặt vặt cũng đủ sống. Rồi tính "thanh khoản" của những ngôi nhà ven đường khá cao, khi mà mới đặt móng xây đã có người về hỏi mua lại. Cả đống tiền có ngay tức khắc, làm ruộng đến bao giờ cho lại.

Cái lợi thì ai cũng nhìn thấy, nhưng người dân quê dù nhận thức hạn chế đến mấy cũng đều biết đất ruộng lúa không được làm nhà ở. Hơn nữa, khi bỏ ra vài trăm triệu để xây lên một ngôi nhà, họ cũng phải đắn đo suy nghĩ, phải vay giật nhiều nơi mới có, nên không thể nhẹ tay bỏ những đồng tiền "mồ hôi nước mắt" mà không biết sẽ đi về đâu.

Ông H... một người dân thôn Lai Cách cho biết: "Các sếp trong xã xây được thì dân chúng tôi xây thôi. Nếu có phá dỡ, phá nhà các sếp trước!". Té ra, mấu chốt của vấn đề ở chỗ, dân nhìn vào lãnh đạo địa phương với suy nghĩ: "sếp" là người "có tóc" mà còn dám liều, thì "dân đen" chúng em còn gì phải sợ. Trên có muốn "xử" cũng khó, vì lại động chạm. Chính vì một số lãnh đạo địa phương và người nhà của họ đã đi đầu trong việc "biến" ruộng lúa thành nhà ở, nên dân được đà làm theo, dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát như hiện nay.

Vậy là, ở một xã ven đô từ cán bộ đến dân thường, đã ngang nhiên biến những "bờ xôi, ruộng mật" mầu mỡ thành nhà ở cho mình, cho thân nhân gia đình mình, bất chấp mọi quy định của pháp luật về đất đai và trật tự xây dựng.

Danh sách các hộ vi phạm về đất đai và xây dựng tại xã Xuân Giang.

Chính quyền xã nói gì?

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Trọng Đạt - Phó chánh Văn phòng UBND xã Xuân Giang thừa nhận tình trạng vi phạm quy định về quản lý đất đai và trật tự xây dựng tại địa phương. Sự việc đã diễn ra từ nhiều năm trước và rộ lên trong thời gian gần đây. Nhận thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề, xã đã xác định cần phải tập trung xử lý. Trước hết là ngăn chặn không để phát sinh các vụ vi phạm mới, từng bước tính toán xử lý các vụ việc còn tồn đọng chưa giải quyết. Với phương châm tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt việc xây dựng trái phép nhà ở trên đất ruộng, kết hợp với cưỡng chế, phá dỡ, giải tỏa.

"Vì sao chính quyền xã không kịp thời ngăn chặn việc dân xây dựng nhà trái phép trên đất ruộng ngay khi họ mới khởi công? Để người ta xây thành nhà 2-3 tầng rồi thì phục hồi nguyên trạng cho đất bằng cách nào?" - chúng tôi đặt câu hỏi sau khi cho ông Đạt xem những bức ảnh chụp nhiều công trình đã xây trái phép trên đất ruộng. Ông Đạt cho rằng vì dân thường xây vào ban đêm nên khó phát hiện, ngăn chặn. Lý giải này không thể thuyết phục, bởi một công trình phải xây trong vài tháng mới xong nên không thể nói là xây trộm mà được. Như nhận thấy sự phi lý trong giải thích của mình, ông Đạt đã thừa nhận bộ phận thanh tra xây dựng của xã thiếu trách nhiệm, không sâu sát địa bàn nên không nắm được tình hình người dân vi phạm về đất đai và trật tự xây dựng.

Những ngôi nhà xây trái phép mọc san sát trên mặt ruộng cách trụ sở UBND xã không xa, nằm dọc bên các con đường liên thôn, liên xã… thì không thể nói là chính quyền không biết. Chỉ có thể lý giải rằng vì sự thờ ơ bỏ mặc, buông lỏng quản lý, thậm chí là "bật đèn xanh" của những người có trách nhiệm tại địa phương, nên mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn, nhức nhối trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng như hiện nay. Hàng trăm ha đất nông nghiệp, những "bờ xôi ruộng mật" làm ra hạt lúa đã vĩnh viễn biến mất, sản lượng lương thực sụt giảm là điều nhìn thấy. Nếu thực trạng này diễn ra ở mọi địa phương, sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực và chính sách đất đai của nhà nước.

Nhà xây trái phép trên đất ruộng tại xã Xuân Giang.

"Về việc ông Bí thư Đảng ủy xã Xuân Giang xây nhà trên đất ruộng, hiện đã có hình thức xử lý như thế nào?" - chúng tôi hỏi. Ông Đạt cho biết sự việc đang được Ủy ban kiểm tra huyện ủy Sóc Sơn tiến hành kiểm tra, xác minh. Đối với việc xử lý các sai phạm về đất đai, xây dựng những năm trước đây, ông Đạt chia sẻ bản thân vừa mới nhậm chức nên chưa nắm được.

Được biết, UBND xã Xuân Giang đã có kế hoạch số 18/KH-UBND ngày 10/2/2014 về cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn xã. Đợt 1 dự kiến phá dỡ 06 công trình. Ngày 12/2/2014, UBND huyện Sóc Sơn đã có công văn số 139 chuẩn y kế hoạch, giao UBND xã Xuân Giang chủ trì việc cưỡng chế dứt điểm các công trình vi phạm, buộc khôi phục tình trạng ban đầu của thửa đất. Ngày 21/2/2014, xã đã triển khai phá dỡ mái, đập tường bao của 6 công trình.

Vấn đề nan giải đặt ra lúc này là phải làm thế nào với những công trình trái phép đã xây kiên cố? nếu phạt cho tồn tại thì "phép nước" liệu có còn nghiêm, mà đập bỏ thì ảnh hưởng đến cuộc sống của bao người. Hệ lụy từ việc buông lỏng quản lý đã đẩy cơ quan chức năng vào tình thế khó giải quyết. Trách nhiệm này sẽ thuộc về ai? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc những diễn biến mới nhất của sự việc.

Pháp luật hiện hành nghiêm cấm hành vi vi phạm đất đai và trật tự xây dựng. Tại Điều 8 - Nghị định số 105/2009/NĐ-CP quy định việc chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (như làm nhà ở...), thì bị xử phạt VPHC từ 2 triệu đồng đến 500 triệu đồng, tùy theo mức độ hậu quả. Ngoài ra, người vi phạm còn buộc phải khôi phục lại tình trạng của đất như trước khi vi phạm. Điều 4 - Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định phải ngừng thi công xây dựng công trình; hoặc đình chỉ thi công; cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm; buộc bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.

Nhóm PVĐT
.
.
.