Dân dựng lều phản đối xây dựng nhà máy xử lý rác thải

Thứ Tư, 17/08/2016, 09:47
Sau 10 năm, chân núi Thoong lại nóng như chảo lửa. Sáng ngày 3/8, hàng trăm người dân xã Tân Tiến gác bỏ toàn bộ công việc đồng áng, gia đình… để cùng nhau kéo ra chân núi Thoong dựng bạt, ăn nằm phản đối nhân viên Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đến đóng cọc, căng dây thép khoanh mốc khu đất 10ha chuẩn bị cho dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải.


Theo người dân, sự phản đối quyết liệt này là do họ ám ảnh và sợ hãi tình trạng đổ rác năm 2007. Khi ấy trong khi chôn lấp hàng nghìn tấn rác xuống chân núi Thoong, Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã để xảy ra sự cố bục bạt lót dưới đáy dẫn đến rò rỉ nước thải ở ô chôn lấp số 2. Hậu quả là khắp trong thôn ngoài xóm đâu đâu cũng bốc mùi hôi thối khó chịu, nước đen sì rò rỉ chảy ra mương máng tưới tiêu của người dân.

"Ngày đó chúng tôi đã thấm thía đủ nỗi khổ của bãi rác gần nhà rồi. Đây là đầu nguồn nước, nước thải từ bãi rác chảy xuống ảnh hưởng đến cả 3 xã. Cây cối hoa màu chết hết, chẳng nuôi được con gì nữa. Bệnh tật gia tăng chóng mặt, ghẻ lở, đặc biệt là những người chết vì ung thư cũng tăng cao" - Bà Nguyễn Thị Dinh kể lại.

Người dân cho rằng công ty đã đóng cọc, rào lưới lấn cả phần đường đi.

Ngày đó người dân thường xuyên phải chứng kiến những đám tang của người nhiễm ung thư. Và khi sức chịu đựng quá giới hạn, người dân Tân Tiến đã từng ăn dầm nằm dề ngăn cản các xe rác chở về địa phương.

Bà Nguyễn Thị Vẻ (84 tuổi) có 4 người con thì đã có 2 người chết vì ung thư, 2 người đang chờ chết cũng vì căn bệnh quái ác này đau đớn nhớ lại: "Trước đây, năm 2007, họ (Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai ) chôn hàng nghìn tấn rác thải bị bục, thủng ngầm rò rỉ ra ngoài từng gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến hoa màu, sức khỏe của người dân chúng tôi. Hai đứa con của tôi bị bệnh ung thư chết cả rồi, hai thằng đang sống hàng ngày cũng phải chống cự với ung thư, cũng chỉ vì rác thải ô nhiễm. Chúng tôi già rồi, sống được bao nhiêu nữa đâu mà chết. Lo là lo cho thế hệ con, cháu sau này, chúng nó phải được sống trong một môi trường trong lành".

Khi mà nỗi ám ảnh mang tên "rác thải" chưa dứt thì công ty này bất ngờ cho người quay trở lại đóng cọc căng dây thép, tự ý treo biển cấm để chuẩn bị cho dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại đây. Bà Nguyễn Thị Năm (82 tuổi) người sống ngay đầu nguồn nước không giữ được bình tĩnh nói: "Tôi chết cũng phải bảo vệ cuộc sống cho con cháu. Các người trước khi muốn giết con cháu tôi thì đâm xe cho tôi chết trước đi để không phải nhìn cảnh con cháu bệnh tật. 4 đứa con thì hai đứa đã chết vì ung thư rồi, họ còn muốn gì nữa. Có nằm ở đây đến chết để phản đối nhà máy xử lý rác thải tôi cũng nằm".

Khi thấy nhân viên của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai cho nhân viên đóng cọc quây lưới, nhân dân xã Tân Tiến hô hào nhau cùng ra chân núi để ngăn cản. Theo người dân phản ánh, phía công ty này đã cho khoảng 70 người xăm trổ, bặm trợn ngồi trên 2 chiếc xe 45 chỗ cùng nhiều taxi vào tận chân núi chửi thề, đuổi mọi người. Dù không xảy ra đánh đập nhưng rất nhiều người già bị xua đuổi, ngã xuống mương nước khiến một người bị ngất.

Bà Nguyễn Thị Thanh kể lại: "Tôi nghe tin báo cùng một số người ra ngăn cản. Chính tôi đã bị 1 thanh niên bặm trợn bóp mạnh vào tay, tay vẫn còn tím đây. Tôi sợ nó đánh liền kêu lên, lúc đó mới chịu bỏ ra và chạy về phía chị Dinh, dọa nạt chửi bới chị ấy".

Nhiều người già ăn nằm ở chân núi Thoong để phản đối việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải.

Để thể hiện sự quyết tâm phản đối dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, hơn 1 tuần nay người dân xã Tân Tiến dựng lều bạt, thay nhau ăn nằm tại chân núi Thoong. Điều đáng nói những người ăn nằm tại đây chủ yếu là những người già, phụ nữ.

Theo quan sát của phóng viên, tại chân núi Thoong người dân đã dựng 2 chiếc lều bạt (1 bên nam, 1 bên nữ). Những đồ dùng thiết yếu như chăn màn, bếp ga, máy phát điện, gạo nước, nhu yếu phẩm đều được bà con chuẩn bị khá đầy đủ. Bà Nguyễn Thị Năm, gạt những giọt mồ hôi dưới cái nắng cháy da thịt nói: "Có nằm ở đây 1 năm, 2 năm thậm chí nằm cho đến chết tôi cũng nằm. Nắng thế này chứ nắng nữa tôi cũng chịu được. Đêm hôm qua mưa lớn lắm, gió giật đùng đùng, mỗi người chúng tôi giữ một góc bạt cho khỏi bay. Như thế có đáng kể gì, miễn là họ không về đây xây dựng nhà máy, con cháu tôi không phải khổ là được".

Một điều nữa khiến bà con bức xúc đó là doanh nghiệp cho đóng cọc, rào ngay mép ruộng, lấn cả phần đường đi lại. Anh M. bức xúc: "Họ cắm như vậy thì đến mùa gặt lúa, cấy hái chúng tôi đi vào đâu? Những nhà đang chăn nuôi ở quanh đây còn phải xé rào để đi ra, họ bị cô lập. Làm gì thì làm nhưng đừng quá đáng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân".

Trung tá Trần Trí Dũng, Trưởng Công an huyện Chương Mỹ cho biết: Thực ra dự án này là UBND huyện chương Mỹ đã bàn giao mặt bằng cho công ty Môi trường đô thị Xuân Mai rồi. Bây giờ người ta đến để thiết lập hàng rào bảo vệ khu đất của người ta. Việc xây dựng nhà máy thì chưa tiến hành vì đang đề nghị nâng cấp nhà máy lên để xử lý lưu lượng rác được lớn hơn. Chúng tôi cũng đã vận động, giải thích cho bà con là doanh nghiệp mới chỉ xây dựng hàng rào bảo vệ chứ chưa xây dựng nhà máy.

Một khi mà xây dựng nhà máy thì sẽ phải thông báo đến bà con nhân dân. Việc bà con phản ứng mạnh, dựng lều lán là do công ty này khoảng 10 năm trước đã gây mất niềm tin với dân vì xử lý rác thải bị ngấm. Nhưng theo tôi, dự án phê duyệt chôn lấp rác thải của tỉnh Hà Tây cũ là cũng không đúng. Vì việc chôn lấp thường phải trên diện tích mặt bằng đất thịt, đây là đất đá ong nên không thể tránh khỏi được sự cố.

Hố chứa rác thải trước đây bị bục bạt khiến nước đen rò rỉ chảy ra mương máng của người dân.

Đáng khi xảy ra sự cố thì phải tổ chức khắc phục triệt để nhưng công ty lại không khắc phục tới nơi tới chốn nên bà con không tin tưởng nữa. Thực sự dự án này thì được thành phố phê duyệt rồi. Nhân dân thì lại muốn huyện phải đứng ra làm chủ đầu tư hoặc là một đơn vị nào khác chứ không phải công ty cũ. Việc bà con nói có xã hội đen đến là không chính xác. Đó chỉ là những công nhân của công ty đến dựng hàng rào và tính tới thời điểm này cũng chưa từng xảy ra xô xát nào. 

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Chủ tịch UBND xã Tân Tiến chia sẻ: Việc người dân dựng lán dưới chân núi là có thật. Sự việc bắt đầu từ ngày 3/8 cho đến nay vẫn diễn ra. Năm 2006, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã có quyết định phê duyệt đặt vị trí bãi xử lý chôn lấp rác tại xã Tân Tiến. Đến thời điểm này, khu đất là 10ha nằm trong dự án xây dựng nhà máy xử lý rác, được Hà Nội đầu tư kinh phí. Sở TN&MT đã tiến hành bàn giao đất cho đơn vị thi công là Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai. Đến ngày 3/8, đơn vị cho người xuống đóng cọc mốc giới khoanh diện tích đất thì nhân dân không đồng thuận nên kéo nhau đến.

Năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã bàn giao cho công ty Môi trường đô thị Xuân Mai 10ha đất tại khu vực dưới chân núi Thoong để thực hiện việc chôn lấp, xử lý rác thải của huyện Chương Mỹ và các vùng lân cận. Giai đoạn 1, tổng diện tích đất là 2ha, Công ty môi trường đô thị Xuân Mai tiến hành đào hố chôn rác với công suất 20 nghìn tấn. Tuy nhiên, đến khi đào hố thứ 2, vừa chứa khoảng 300 tấn rác thì xảy ra sự cố bục đáy, rò rỉ nước thải. Trước tình hình đó UBND TP Hà Nội đã đầu tư hơn 6,5 tỷ đồng để khắc phục và hoàn thiện các hạng mục. Đến ngày 23/6/2009, được sự ủy quyền của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Chương Mỹ cho phép khu xử lý rác núi Thoong hoạt động trở lại nhưng bị người dân ra ngăn cản không cho vào.

Theo Chủ tịch UBND xã Tân Tiến, sau khi được phê duyệt tại khu đất dưới chân núi Thoong sẽ được tiến hành xây dựng dự án nhà máy xử lý rác thải công nghiệp. Tuy nhiên ngày 3/8/2016, khi thấy nhân viên của Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai bất ngờ đến đóng cọc, căng dây thép người dân tiếp tục ra căng bạt dựng 2 lán, góp nhau gạo, mắm, muối… mang máy phát điện, quạt ra tận nơi để sinh hoạt, ngăn cản. Phía Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai đã tạm thời không cho công nhân viên làm việc nhưng vẫn cho người túc trực, theo dõi sát sao động tĩnh của người dân.

Phong Anh
.
.
.