Dân dùng nước bẩn vẫn phải trả tiền!?

Thứ Hai, 17/07/2017, 11:00
Nước vẩn đục như nước ruộng, rêu xanh, thậm chí có cả bọ nhưng người dân vẫn phải cắn răng trả tiền theo giá nước sạch trên 7 nghìn đồng/m3. Trước tình trạng này, người dân xã Liên Minh (Vụ Bản, Nam Định) đã nhiều lần kiến nghị lên đơn vị chủ quản và cơ quan chức năng huyện, tỉnh nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.


"Chúng tôi kiến nghị nhiều lắm rồi"

Thấy người lạ đến xã, nhiều người dân mừng ra mặt, ai nấy khấp khởi vui mừng, cho rằng cơ quan có thẩm quyền đến xử lý nguồn nước ô nhiễm. Vấn đề nước sạch sinh hoạt là nỗi ám ảnh, bức xúc nhiều năm của người dân xã Liên Minh.

Theo phản ánh của người dân, họ phải bỏ hơn 7 nghìn đồng để mua 1m3 nước không đảm bảo vệ sinh. Nước này thường xuyên có tình trạng nhiều cặn, rêu và có cả bọ. Đã có rất nhiều cuộc họp dân, nhiều đơn thư, ý kiến gửi lên cơ quan các cấp có thẩm quyền nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Ông Phạm Ngọc Dần (68 tuổi) – Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh đội 6, thôn Nhìn Giáp (xã Liên Minh) bức xúc: “Có ở đâu phải bỏ tiền ra để mua nước bẩn dùng không? Nhiều khi nước như nước ruộng, không thể dùng để sinh hoạt được, khi tắm rửa thì rất ngứa ngáy. Toàn bộ người dân ở đây vô cùng bức xúc, chúng tôi kiến nghị nhiều lắm rồi mà không được giải quyết”.

Đầu thu nước thô của Công ty Kinh doanh nước sạch Vụ Bản gần với khu vực nước bẩn.

Đưa chúng tôi ra khu vực vệ sinh của gia đình, ông Dần lấy chậu rồi xả nước để phóng viên “mục sở thị”. Quả đúng với những gì người dân bức xúc, nước ở đây đục ngầu, có cả bọ bơi trong đó.

Chúng tôi có tìm hiểu thêm một số hộ dân khác như gia đình bà Phạm Thị Hương (65 tuổi), bà Phạm Thị Hoa (79 tuổi), bà Phạm Thị Bình (62 tuổi), ông Phạm Ngọc Thanh (70 tuổi) thì nước đều trong tình trạng như vậy.

Bà Hương chỉ tay vào chậu nước nói: “Đây này, thế này thì ai mà dám dùng nữa. Đã lâu rồi gia đình tôi không dám sử dụng nước trực tiếp từ đường nước sạch cung cấp tới các hộ. Gia đình nào cũng phải xây bể, sau đó để lắng lại mới dám dùng. Nước này được chạy qua máy lọc nước rồi mới dùng để ăn uống. Máy lọc mỗi ngày cũng chỉ lọc được vài chục lít, vì thế việc tắm giặt vẫn phải dùng nước để lắng”.

Theo phản ánh của người dân, do nước quá bẩn nên rất nhiều máy lọc nước không lọc nổi, phải thường xuyên rửa và thay quả lọc mới sử dụng tiếp. Ông Thanh thêm lời: “Gia đình tôi hàng tháng cũng dùng tới cả trăm nghìn tiền nước sạch nhưng nước luôn trong tình trạng có cặn, mùi tanh, vẩn đục, có cả bọ bơi trong nước. Trước đây còn mùi clo nhưng từ lâu không thấy nữa, nghe nói giờ hoá chất clo đắt nên họ cũng không dùng để diệt khuẩn nữa. Lần nào lên nộp tiền nước sạch, chúng tôi cũng đều kiến nghị với cán bộ của xí nghiệp nhưng họ chỉ hứa rồi để đấy”.

Theo phản ánh, trong một buổi tiếp xúc cử tri của lãnh đạo huyện tại xã Liên Minh, đồng chí Bí thư Huyện đã có ý kiến chỉ đạo Phó Chủ tịch huyện phải ngừng ngay việc cấp nước không đảm bảo cho người dân và tìm nguồn nước khác thay thế.

Tưởng chừng sau chỉ đạo đó, những bức xúc của người dân sẽ được giải quyết, tuy nhiên đến nay tình trạng vẫn không có gì thay đổi. Thậm chí nước ngày càng bị ô nhiễm nặng hơn.

Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được biết không chỉ trên địa bàn xã Liên Minh mà cả xã Vĩnh Hào, Kim Thái, Cộng Hòa, Tam Thanh và thị trấn Gôi, người dân sử dụng nước sạch từ Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản đều trong tình trạng như trên.

Để tìm hiểu về nguồn nước mà Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản đang khai thác, chúng tôi được người dân chỉ dẫn tới khu vực gần cầu Tào, nước được lấy từ khúc sông Sắt (giáp huyện Ý Yên).

Đây là khúc sông tập trung khá nhiều làng nghề truyền thống như đồ gỗ, mây tre đan xuất khẩu, đúc đồng… lâu nay được coi là “trung tâm” ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước của huyện Vụ Bản.

Theo quan sát của phóng viên, nước tại khu vực này có một màu đen kịt, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, xác động vật chết nổi không phải hiếm. Đầu thu nước thô của Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Vụ Bản chỉ cách nhánh sông ô nhiễm này chừng 50 mét  (theo quy định của Bộ Y tế trên phía thượng nguồn 200 mét và xuôi về hạ nguồn 100 mét là không có nguy cơ ô nhiễm môi trường).

Công trình sản xuất nước sạch Vụ Bản được xây dựng năm 2005, từ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Luxembourg, với số vốn đầu tư là 26 tỷ đồng và gần 3 tỷ đồng do nhân dân đóng góp để lắp đặt hệ thống đường ống dẫn nước vào các hộ.

Công trình này cung cấp nước sạch cho 5 xã là: Liên Minh, Vĩnh Hào, Kim Thái, Cộng Hoà, Tam Thanh và thị trấn Gôi. Từ năm 2013, công trình được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định quản lý và Công ty tiếp tục phân cấp quản lý cho Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản.

Hiện nay, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản đang đảm bảo công suất 3.600m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 10.030 hộ dân. Trong báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản cho rằng luôn chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nước, nhằm phục vụ khách hàng tốt nhất.

Đây là dây chuyền hiện đại nên thường xuyên có các đoàn tham quan, học tập mô hình, quy trình trước khi đầu tư xây dựng mới. Cũng theo báo cáo, để đạt chuẩn chất lượng cao nhất, Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định đã đầu tư cho Xí nghiệp một máy sản xuất javen từ muối ăn làm nguyên liệu khử trùng an toàn.

Hình ảnh nước do người dân cung cấp.

Nước cấp đến các hộ dân luôn được kiểm tra chất lượng trên hệ thống thiết bị máy móc hiện đại, đạt chuẩn. Không những vậy, hàng tháng sẽ được Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh kiểm tra và chứng nhận đạt chuẩn.

Với những báo cáo như vậy nhiều người sẽ rất yên tâm với chất lượng của nguồn nước “đạt chuẩn” đến các hộ dân. Tuy nhiên với những gì khảo sát được từ các hộ dân thì kết quả có vẻ hoàn toàn ngược lại!?

"Chúng tôi vẫn ăn nước này"

Để làm rõ những bức xúc của bà con, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Tâm – Chánh văn phòng UBND huyện Vụ Bản. Ông Tâm cho hay, việc này đã báo cáo với UBND tỉnh và đang phối hợp khảo sát nhưng không thể một sớm, một chiều.

Ông Tâm còn cho rằng, việc nước bẩn chỉ mới xuất hiện vài tháng nay chứ không phải nhiều năm nay như bà con phản ánh. Hơn nữa, chính các cán bộ huyện như ông vẫn đang sử dụng nước này.

Ông Tâm nhấn mạnh, việc chuyển đổi nguồn nước đầu vào là không hề đơn giản. Vì từ nhà máy nước sạch lên đến sông Đào còn 4 – 5 km, còn phải giải phóng mặt bằng, kinh phí và báo cáo UBND tỉnh phê duyệt.

Trong buổi trao đổi, ông Tâm khẳng định nguồn nước đầu vào bị ô nhiễm là có thật. Chính vì thế từ đầu năm 2017, huyện Vụ Bản đã báo cáo với UBND tỉnh, đồng thời làm việc với Công ty nước sạch để chuyển đổi nguồn nước thô.

UBND tỉnh Nam Định cũng đang chỉ đạo kiểm tra tất cả các nhà máy nước trên địa bàn để xem xét nếu nơi nào đủ điều kiện thì cho tiếp tục, nếu không thì chuyển đổi.

Đề cập vấn đề này với ông Trần Ngọc Hiểu – Giám đốc Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Nam Định, ông Hiểu cho hay, đã nhận được ý kiến của cử tri trong mỗi lần họp HĐND tỉnh. Trước đây Trung tâm đã đề xuất những phương án như lực lắng Javen, sử dụng hóa chất để xử lý, thế nhưng các phương án đều không khả thi.

Còn ông Đỗ Minh Hữu – Trưởng phòng Tổ chức hành chính  Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định cho biết: “Việc này phải báo cáo lãnh đạo để đi thực tế, xem hiện tượng nước bẩn này là thường xuyên hay chỉ mang tính chất tức thời. Để xảy ra việc này, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương. Xảy ra sự cố là vấn đề bình thường có thể do nguyên nhân khách quan, chủ quan và nhiều lý do. Nguồn nước đầu vào thuộc về trách nhiệm của người dân, như: nước thải sinh hoạt, vệ sinh chăn nuôi, vấn đề thuốc bảo vệ thực vật, rồi ngâm tre, ngâm nứa…”.

Ông Đỗ Đức Lưu – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định thừa nhận việc giám sát, kiểm tra đối với Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản là chưa thực hiện lần nào: “Trung tâm Y tế dự phòng mới kiểm tra được 23/58 đơn vị (40%). Vụ Bản kiểm tra được 2 điểm Tân Khánh, Trung Thành đánh giá dựa theo Thông tư 50. Đoàn kiểm tra gồm Y tế dự phòng, Phòng nghiệp vụ y Sở Y tế và thanh tra của sở y tế phối hợp cùng Trung tâm y tế của các huyện…Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh không thể đến 100%, nên có văn bản giao cho Trung tâm y tế dự phòng huyện. Chúng tôi phải nắm được thông tin, diễn biến như thế nào, nếu như có vấn đề gì không bình thường thì huyện có nhiệm vụ báo cáo lên tỉnh. Bây giờ mới nhìn thấy tờ đơn này nhưng tiếp nhận thông tin lại từ cơ quan báo chí”.

Mặc dù lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định thừa nhận chưa thực hiện công tác giám sát, kiểm tra đối với Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Vụ Bản, đơn vị này thuộc sự quản lý, điều hành và tổ chức sản xuất trực tiếp của Công ty TNHH MTV Kinh doanh nước sạch Nam Định tại số 55 đường Cù Chính Lan, thành phố Nam Định, nhưng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn đưa ra đầy đủ các phiếu kết quả thử nghiệm 15 chỉ số A hàng tháng từ năm 2016 đến nay.

Điều này được ông Phạm Hồ Dũng, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và Sức khỏe trường học giải thích: “Có cơ sở họ không đạt năng lực, họ nhờ mình xuống kiểm tra, lấy mẫu nước, xét nghiệm đánh giá về vấn đề vi sinh, các vấn đề gây bệnh có không, các yếu tố lý hoá có đạt chỉ số an toàn hay không. Hiện nay có 25/58 cơ sở. Họ có trách nhiệm có kết quả. Còn họ không hợp tác với mình thì mình cũng chịu….”.

Phong Anh
.
.
.