Dành cả đời lưu giữ văn hóa Bahnar Kriêm

Thứ Năm, 29/11/2018, 14:51
Nghệ nhân Ưu tú Yang Danh (tên thật là Yang Đêu, 72 tuổi, dân tộc Bahnar Kriêm, ở thôn Định An, thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) đã dành cả cuộc đời miệt mài đi tìm những giá trị văn hóa dân gian của dân tộc mình.


1. Nhà nghiên cứu Yang Danh là một cái tên quen thuộc, niềm tự hào của người dân Vĩnh Thạnh. Gặp ông, người dân gọi với cái tên trìu mến "Danh Bahnar". Đơn giản, bởi ông là một người Bahnar đầy tâm huyết với công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian của người Bahnar Kriêm Bình Định. 

Nói về điều này, ông bảo: "Người Bahnar ở Vĩnh Thạnh thuộc 1 trong 7 dòng Bahnar, gọi là Bahnar Kriêm. Tôi may mắn được học hành, có hiểu biết. Tôi nhớ lời Bác Hồ dặn khi còn đi học: "Các cháu là những "hạt giống đỏ" của miền Nam" nên thấy mình phải có trách nhiệm với dân tộc mình.

Hành trình của nhà nghiên cứu Yang Danh từ nơi chôn nhau cắt rốn Vĩnh Thạnh đến những phương trời khác là những chuyến rong ruổi triền miên. 13 tuổi, Yang Danh là 1 trong số 10 người Vĩnh Thạnh được tuyển chọn ra miền Bắc đi học ở Trường Dân tộc Trung ương. Đợt ấy, Bình Định có hơn 30 người được đưa đi học tập, họ được xem là những "hạt giống đỏ" của đất nước như lời Bác Hồ.

Trong "Bảy tháng đi lấy chữ Bác Hồ", Yang Danh đã viết lại một chặng đường đi bộ băng rừng lội suối vượt Trường Sơn của các học viên miền Nam trong chuyến ra miền Bắc này. Các lớp học di trú liên tục để tránh sự oanh tạc của không quân Mỹ, từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến Lai Châu, Sơn La, có khi phải sang tận Trung Quốc. Hành trình ấy cũng là dịp để ông tiếp xúc với nhiều bản làng người Tày, Nùng… bồi đắp thêm nhiều thứ tiếng của người thiểu số.

NNƯT Yang Danh miệt mài nghiên cứu, sưu tầm văn hóa của dân tộc mình.

Năm 1969, Yang Danh nhận được hai giấy báo, một là đi học Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc ở Thái Nguyên, hai là làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam ở Hà Nội. Ông chọn làm việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam vì muốn nhanh chóng trở lại quê hương. Thế nhưng sau năm 1975, ông phải tiếp tục với 4 năm học Đại học báo chí tại Trường Tuyên huấn Trung ương.

Năm 1978, ông cưới vợ. Vợ ông cũng là người Bahnar trong Đoàn Văn công giải phóng. Lễ cưới tổ chức ngay tại trụ sở Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 1979, sau khi tốt nghiệp Khoa Báo chí của Trường Tuyên huấn Trung ương, ông được điều động về công tác tại Báo Gia Lai - Kon Tum rồi được bầu làm Tổ trưởng Tổ Văn - Xã.

 Ông tiếp tục những chuyến đi triền miên nhưng lần này là về với các bản làng Tây Nguyên. Mỗi khi về với đồng bào Hrê, Mnông, Cơtu, Bahnar, Jarai… ngoài lấy tin tức tình hình, phong trào xây dựng kinh tế của họ, ông tham gia văn nghệ, đánh cồng chiêng cùng đồng bào các bản làng.

Nhờ vậy, Yang Danh biết được nhiều nét văn hóa cùng tiếng nói trong các cộng đồng người dân tộc. Thế nhưng, khi nhiều người khen hiểu biết, thông thạo tiếng nói của nhiều dân tộc, ông chỉ nói: "Thật ra tôi chỉ thạo tiếng Tày, Hrê, Jarai, còn tiếng các dân tộc anh em khác, tôi chỉ biết năm câu ba sợi. Biết nhiều thì càng hay nhưng biết bao nhiêu thì nói bấy nhiêu thôi".

Cuối năm 1983, ông cùng vợ xin về công tác tại quê nhà Vĩnh Thạnh. Ông dành nhiều thời gian gặp gỡ các nghệ nhân sưu tầm tư liệu cổ để biên soạn, ghi chép lại. Nhiều áng thơ ca, phong tục của đồng bào Bahnar Kriêm đã được ông biên soạn, đóng quyển cẩn thận để làm tài liệu truyền dạy cho dân tộc mình. 

Ai muốn học tiếng, chữ Bahnar Kriêm đến ông, ông dạy. Ai muốn tìm hiểu về phong tục, văn hoá dân tộc Bahnar Kriêm đến ông, ông sẵn sàng dành thời gian để trao đổi. Với vốn kiến thức về văn hóa Bahnar Kriêm vô cùng phong phú, ông mở được nhiều khóa đào tạo tiếng Bahnar Kriêm, tham gia nhiều lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy chữ, tiếng Bahnar Kriêm.

Múa cồng chiêng trong lễ hội đâm trâu ở Vĩnh Thạnh.

2. Nhiều năm gắn bó với các buôn làng, Yang Danh đã nung nấu mong muốn sưu tầm, nghiên cứu, hệ thống lại những nét văn hóa người Bahnar Kriêm, nhưng mãi đến năm 1989 ông mới chính thức tập trung chuyên sâu vào mảng này. Tác phẩm đầu tiên ông viết là "Nhận diện văn hóa làng của người Bahnar Kriêm". 

Một năm sau, tác phẩm được trao giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Giải thưởng này đánh dấu quá trình hàng chục năm ông lăn lộn ở cơ sở, nhiệt tình tìm tòi các lĩnh vực, chi tiết cụ thể của văn hóa Bahnar Kriêm nói riêng và văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung. Nó cũng động viên ông tiếp tục công việc để có những tác phẩm hay hơn.

Và liên tục từ đó đến nay, Yang Danh đã có hơn 10 tác phẩm nghiên cứu, sưu tầm, dịch về văn hóa Bahnar Kriêm đạt nhiều giải thưởng do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng như: "Văn hóa rượu cần của người Bahnar Kriêm", "Tìm hiểu sinh hoạt văn hóa rẫy của người Bahnar Kriêm", "Lễ hội đâm trâu mừng chiến thắng", "Sử thi Hơmon Dăm Joong", "Lễ hội Xa măk của người Bahnar Kriêm", "Cồng chiêng trong văn hóa người Bahnar Kriêm", "Công cụ săn bắt chim thú, tôm cá của người Bahnar Kriêm"… Năm 2015, nhà nghiên cứu Yang Danh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.

Trong số các công trình của mình, ông rất tâm đắc với "Nhận diện văn hóa làng của người Bahnar Kriêm". Ông cho rằng, nhà rông là 1 trong 5 cái chung cơ bản của các bản làng Bahnar Kriêm Bình Định. Mọi người trong làng khi làm nhà mình xong thì phải đóng góp nhiều công sức tham gia làm nhà rông cho người khác bằng những vật liệu trong rừng; vật liệu tìm kiếm tại địa phương như gỗ, tre, nứa, song mây, tranh lá… Vậy nên mỗi một nhà rông được dựng thành công là trí tuệ, công sức tập thể dân làng đóng góp nên, là nét đặc trưng tiêu biểu của nền văn hóa làng.

NNƯT Yang Danh (hàng ngồi, thứ 2 từ phải qua) trong chuyến đi sáng tác văn học nghệ thuật Bình Định 2017 tại Vũng Tàu.

Cũng trong công trình này, Yang Danh đã phân loại các nhạc cụ của người Bahnar Kriêm: nhóm thổi có các nhạc cụ tiêu biểu như sáo tơ lía, dơ díp, kêu; nhóm gảy và kéo có đàn prẽng, đàn prõ, đàn hơ dõng; nhóm gõ và vỗ có cồng chiêng, đàn tơ rưng, đàn pơ lơng khơng, trống sơ gỡ, trống pơ rũng, he hô. Đặc biệt, cây đàn pơ lơng khơng của đồng bào Bahnar Kriêm được nhiều người ưa thích. 

Ông miêu tả đây là loại nhạc cụ gồm những cây gỗ trông thô mộc ghép lại, phía sau mỗi thân cây có đục rỗng một phần hình chữ nhật để khi gõ vào mỗi cây tạo ra những âm thanh trầm bổng rất lôi cuốn. Cây đàn pơ lơng khơng trước đây để trên những chòi cao hoặc một bên dốc cao nào đó. Bà con đi làm ai cũng phải leo dốc, người nào đến sớm hơn thì tấu đàn pơ lơng khơng lên, gọi mọi người mau vượt dốc cao.

"Nhạc cụ của người Bahnar Kriêm có loại chỉ chuyên dùng để sinh hoạt trong nhà, nhà rông; cũng có một số đàn thường xuyên để trên chòi rẫy có âm thanh nhẹ nhàng nhưng có tác dụng xua đuổi chim thú. Hầu hết các loại nhạc cụ đều làm từ các loại cây gỗ, tre nứa có sẵn ở trong rừng. Bao thế hệ người Bahnar Kriêm chúng tôi nghe tiếng nhạc là nhớ quê hương, núi rừng, nhớ đến con suối, cái rẫy nơi mình lớn lên từng ngày", ông tâm sự.

Nói về cồng chiêng trong văn hóa người Bana Kriêm, nhà nghiên cứu Yang Danh cho biết, các hoạt động lễ hội của người Bahnar Kriêm có được sự rộn ràng và có "linh hồn" là nhờ yếu tố quan trọng từ những âm thanh cồng chiêng vang vọng núi rừng. Với người Bahnar Kriêm, trình diễn cồng chiêng không đơn thuần là âm nhạc, là sinh hoạt cộng đồng mà còn là phương thức kết nối với trời đất, thần linh.

Mỗi tập sách nói trên đều là những công trình sưu tầm, nghiên cứu thể hiện tâm huyết của nhà nghiên cứu Yang Danh với những vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, văn hóa, nghệ thuật dân gian của người Bahnar Kriêm… gắn với những sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang nét đặc trưng riêng.                                                    

Yang Danh bảo rằng, mỗi dân tộc có những đặc điểm riêng. Người Bahnar Kriêm sống ở nương rẫy nên mọi hoạt động đều gắn với núi rừng. Họ rất nhiệt tình, cởi mở, thân thiện. Tuy nhiên, mọi cái đều phải trong khuôn khổ. Dù vậy, bây giờ theo nhịp sống kinh tế hiện đại, nhiều giá trị đã mai một đi nhiều. Việc lưu giữ lại văn hóa khi những già làng cuối cùng đang trong tuổi "gần đất xa trời" là điều vô cùng cần thiết.

Với ông, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người Bahnar Kriêm, mỗi người phải có ý thức giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, cụ thể qua y phục, nhà cửa, vật dụng… 

Ngoài ra, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, có sự góp sức của các nghệ nhân giỏi, có nhân lực để làm công tác tổng hợp, lưu giữ. "Tôi mong ước mọi người Bahnar Kriêm đều có ý thức giữ gìn văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Người già hãy truyền lại cho con cháu, mẹ truyền cho con, ai biết truyền cho người chưa biết các bài hơamon (trường ca), roi (kể chuyện)…", ông bộc bạch.

Đến nay, đã hơn 70 tuổi nhưng ngày ngày, Yang Danh vẫn miệt mài với công việc ông tâm huyết cả đời của mình. Ông bảo, mình còn sống thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những gì còn thiếu như văn hoa thêu diệt, đám cưới, đám tang… để làm phong phú hơn tư liệu văn hóa của dân tộc mình. 
Phan Nhuận Phin
.
.
.