Đánh đổi sinh mạng bằng nghề nuôi rắn độc

Thứ Tư, 04/12/2013, 11:30
Chưa kịp mở lồng, rắn đã phun phì phì. Lúc mở ra, rắn "phi thân" vào mặt hay "đớp tạm" vào đầu ngón tay một phát cho… "đỡ đói". Nhẹ thì ngón tay biến dạng, phải tháo khớp, nặng thì tử vong. Đó là chuyện hết sức bình thường ở làng nuôi rắn độc xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.

"Ăn, ngủ" cùng rắn độc

Đi dọc thôn 3, xã Vĩnh Sơn, thoạt nhìn không ai nghĩ đây là một làng nuôi rắn độc bởi nhà cửa mọc liền nhau san sát, xen kẽ những ngôi nhà cao tầng khang trang là những ngôi nhà mái rạ, tường gạch cổ kính. Hỏi ra mới biết hầu như nhà nào cũng nuôi rắn trong chính ngôi nhà của mình. Vì điều kiện đất đai chật hẹp nên đa phần các hộ gia đình đều xây dựng những lồng rắn nhân tạo ngay trong nhà.

Trên là giường ngủ, dưới sàn nhà là những chuồng rắn chia thành những ô nhỏ, hình chữ nhật, chiều dài ước chừng 0,5m, cao 0,4m, rộng 0,3m. Nhà nào rộng hơn một chút thì có thể làm hẳn một "phòng" riêng để xây chuồng cho rắn. Nhà nào giàu có thì lập thành trang trại, chăn nuôi từ a đến z, nghĩa là vừa nuôi vừa sinh sản, vừa cho ấp trứng kèm theo là một loạt những dịch vụ nhà hàng, ăn uống chuyên món rắn đặc sản. Nhưng những hộ gia đình giàu có như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Anh Hưng, một tay nuôi rắn có hạng trong làng cho biết: "Nhiều nhà chật chội, cả bố mẹ, ông bà, con cái đều ngủ chung một phòng, dưới nền nhà là chuồng rắn. Nơi người ngủ và hang rắn ở chỉ cách nhau chưa đầy một bước chân, không khí đặc quánh một thứ mùi gây gây, khăn khẳn, đêm ngủ còn nghe tiếng rắn kêu phè phè ngay bên cạnh, nhưng quen rồi, thấy bình thường thôi".

Nghề nuôi rắn ở Vĩnh Sơn có từ bao đời nay không ai rõ, chỉ biết rằng khi sinh ra và lớn lên người dân đã được làm quen với rắn độc. Dù là loại hổ mang phì khiến nhiều người phải e dè, sợ sệt nhưng với người dân Vĩnh Sơn, chúng là một người bạn, đem lại nguồn thu nhập cao cho các gia đình. Ngay cả những đứa trẻ con trong xóm cũng đều là những "cao thủ" tay không bắt rắn. Mỗi khi rắn "sổng chuồng" chạy trốn, lũ trẻ trong làng lại nhao nhao đi bắt rắn như những thợ săn rắn đích thực.

Cả xã Vĩnh Sơn hiện có khoảng 1.300 hộ với khoảng 5.700 nhân khẩu thì có tới 850 hộ nuôi rắn, nhà ít thì nuôi 100 con, nhà nuôi nhiều lên đến 2.000 con, chủ yếu là hổ mang phì và hổ trâu. Riêng thôn 3 cũng 60-70% hộ gia đình nuôi rắn.

Nuôi rắn cũng là một nghề khá công phu và tốn nhiều thời gian. Chị Lan, một hộ nuôi rắn trong thôn cho biết: "Chỉ tính riêng thời gian ấp trứng, đến thời gian trứng nở thành rắn con, rồi nuôi trưởng thành đến lúc xuất khẩu, nhanh thì cũng phải hai năm, còn lâu cũng phải mất ba năm. Thức ăn cho rắn tuy không cầu kì, chủ yếu là loại gà, vịt thải với giá thành rẻ, nhưng mỗi khi cho rắn ăn, vẫn phải vặt sạch lông, cắt thành từng miếng nhỏ. Riêng cóc thì phải mổ bỏ sạch phân. Rắn nhỏ thì ngày nào cũng phải cho ăn, đề phòng chúng đói nuốt chửng lẫn nhau. Rắn lớn thì 3-4 ngày mới phải cho ăn một lần".

Anh Kiên tay không bắt rắn.

Cứ mỗi tuần, người nuôi rắn lại phải vệ sinh một lần. Chuồng nuôi rắn luôn phải đảm bảo đủ ánh sáng và không khí để cho rắn phát triển. Thường rắn sinh sản vào tháng 6, còn mùa đông là thời kì rắn nghỉ đông nên không phát triển, thậm chí còn hao hụt trọng lượng. Thời gian này, người nuôi phải đặc biệt chú trọng đến thời tiết, luôn phải sưởi ấm cho rắn tránh tình trạng nóng quá hoặc lạnh quá dễ làm rắn mắc bệnh khô da, hoặc viêm phổi.

Mất mạng vì "nuôi con đặc sản"

Theo chân anh Kiên, Trưởng thôn 3 vào thăm "phòng" nuôi rắn của gia đình anh, chúng tôi không khỏi rùng mình. Trong căn phòng chật chội chừng 10m2, những chuồng rắn nằm san sát ngay dưới nền nhà. Bước chân đi bên trên mà chúng tôi không khỏi giật mình ghê sợ khi nghe tiếng rắn phun phì phì bên dưới. Nhanh tay, mở chuồng rắn, anh Kiên lấy kẹp lôi dần con rắn hổ mang chừng gần 1kg ra rồi cẩn thận túm lấy cổ nó.

Dù có đôi găng tay dày làm bảo hộ lao động, nhưng hầu như những người nuôi rắn ở Vĩnh Sơn đều không sử dụng bởi theo anh Kiên: "Dùng găng tay vừa dày vừa vướng víu, cầm con rắn không thật tay, rất dễ bắt trượt rắn. Khi ấy rắn lao vào cắn vào mặt, vào người, vào vai còn nguy hiểm hơn nên chúng tôi dùng tay không bắt rắn cho dễ. Vì thế mà tai nạn xảy ra như cơm bữa. Ai nuôi rắn chẳng một lần bị rắn cắn. Chỉ cần sơ sảy để răng rắn quệt qua là cũng phải tháo khớp ngón tay rồi. Nhất là những anh chuyên đi chợ bắt rắn giúp người dân chuyển hàng đi cửa khẩu xuất sang Trung Quốc thì 10 ngón tay chỉ còn còn 7-8 ngón. Có anh còn cụt cả 10 đốt ngón tay ấy chứ. Riêng loại rắn hổ mang phì, nếu không có thuốc giải độc thì chỉ 20 phút sau đã tử vong rồi".

Những hang rắn đặc biệt.

Cách đây chưa lâu, người trong thôn 3 xót xa trước sự ra đi của anh Phùng Văn Long vì bị rắn cắn. Trong lúc cho rắn ăn, anh Long sơ sảy bị rắn cắn vào tay, vì cơ thể sẵn dị ứng với nọc rắn nên anh Long không qua khỏi, dù đã dùng thuốc kịp thời, bỏ lại ba đứa con bơ vơ và bố mẹ già yếu cho người vợ trẻ. Một mình chị Yến, vợ anh Long, vẫn không từ bỏ nghề nuôi rắn, quyết tâm theo đuổi cái nghiệp đã gắn bó với gia đình từ lâu. Năm 2006, thôn 3 cũng có 1 trường hợp bị tử vong vì rắn cắn.

Bà Diên, một người có thâm niên nuôi rắn mấy chục năm nay cho biết: "Trước đây khi chưa có thuốc giải nọc độc rắn thì có nhiều trường hợp tử vong hơn. Bây giờ trong thôn đã có thuốc nên hầu như chỉ bị thương tật ở tay. Tuy nhiên thuốc chỉ có thể ngăn nọc độc chạy vào cơ thể, còn khi đã bị rối loạn đường hô hấp do rắn cắn thì bắt buộc phải có dụng cụ hô hấp và phương tiện cấp cứu. Nhưng ở trong thôn chúng tôi lại không hề có, nên đôi khi cũng rất nguy hiểm. Mới đây có trường hợp ông kế toán trên xã bị rắn cắn, may nhà có ôtô đưa đi cấp cứu kịp thời nên thoát khỏi án tử". Khi tôi hỏi: Có cách nào để phòng tránh rắn cắn không thì bà chỉ cười: "Khó lắm, vì nghề này tiếp xúc với rắn thường xuyên, không cắn mới là chuyện lạ". Nói rồi bà xòe bàn tay ngón cụt, ngón biến dạng với chi chít những vết rắn cắn ra cho chúng tôi xem.

Nghề nuôi rắn mang lại lợi nhuận khá cao cho người dân ở Vĩnh Sơn. Những năm "được mùa", rắn bán được tới 1.2 triệu/kg, rẻ cũng phải 450.000 đồng/kg. Dù biết là nghề nguy hiểm nhưng người dân đã chấp nhận cái nghề này thì cũng đành mang lấy cái nghiệp. Làm riết, sống riết cùng rắn thành quen, giờ bảo bỏ nghề là điều cực khó với họ dù biết tính mạng luôn bị đe dọa.

Anh Nguyễn Văn Kiên, Trưởng thôn 3 cho biết: Khoảng 60-70% hộ gia đình trong thôn nuôi rắn. Trung bình một năm có 12-14 người bị rắn cắn. Nhẹ thì ngón tay biến dạng hoặc phải tháo khớp ngón tay. Nặng thì tử vong. Trong vòng 6 năm trở lại đây đã có hai trường hợp tử vong vì rắn cắn. Biết là nguy hiểm nhưng người dân vẫn nuôi vì đó là nghề truyền thống không chỉ của thôn mà của cả xã Vĩnh Sơn hiện nay.

Nói đến những làng nghề nuôi rắn truyền thống nổi tiếng nhất Việt Nam đó là làng Lệ Mật, Long Biên, Hà Nội; làng Phụng Thượng, Phúc Thọ, Hà Nội và làng Vĩnh Sơn, Vĩnh Phúc. Mỗi làng nghề đều có những đặc trưng riêng về việc nuôi rắn. Nghề nuôi rắn tại Vĩnh Sơn được truyền từ đời này sang đời khác và đã trở nên "nức tiếng gần xa" với. Hiện trung bình rắn thịt có giá bán từ 700.000 - 800.000 đồng/kg loại dưới 1,5kg, từ 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg loại từ 1,5 - 2kg. Theo tính toán sơ bộ, gia đình nuôi 1.000 hang rắn, sau khi trừ chi phí thức ăn và công chăm sóc (chiếm khoảng 60%), mỗi năm thu lãi khoảng trên 500 triệu đồng - số tiền cả một đời làm nông nghiệp thuần túy cũng chưa ai dám nghĩ đến…

Hiện nay việc nuôi rắn của người dân Vĩnh Sơn cũng gặp nhiều khó khăn. Hơn 1 năm trước các thương lái Trung Quốc đã đến Vĩnh Sơn để thu mua gom rất nhiều trứng rắn và những con rắn nhỏ mới sinh ra để mang về Trung Quốc nuôi theo mô hình công nghiệp. Vì vậy đến nay họ quay trở lại ép giá các hộ nuôi rắn trong xã, có lúc giá bán chỉ hơn 300.000 đồng/kg, ảnh hưởng nhiều đến  thu nhập của người dân. Dù nghề nuôi rắn nguy hiểm đến tính mạng và giá cả luôn bấp bênh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, nhưng người dân Vĩnh Sơn vẫn không hề có ý định bỏ nghề bởi đó vừa là nghề truyền thống của cha ông để lại, vừa đem lại nguồn thu nhập lớn cho mỗi gia đình.

Ngọc Trâm
.
.
.