Đất công - "Miếng bánh" béo bở

Thứ Ba, 21/11/2017, 13:59
Việc sử dụng đất công sai mục đích, lấn chiếm, bỏ hoang trên địa bàn nhiều tỉnh, thành đang khiến ngân sách Nhà nước bị thất thoát lớn. Thực trạng quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý Nhà nước đã gây lãng phí nguồn lực đất đai mà không thể thu hồi được. Bên cạnh đó là hàng loạt hậu quả khác kéo theo đằng sau đó…


Đất công bị "biến hóa"

Hiện nay ở nhiều tỉnh, thành đang tồn tại một thực trạng: nhiều đơn vị công lập, doanh nghiệp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất với giá ưu đãi để hoạt động, sản xuất kinh doanh phục vụ cộng đồng, xã hội, nhưng lại cắt xén đất đem cho thuê lại với giá cao để thu lợi bất chính; thậm chí một số trường hợp xảy ra tranh chấp dẫn đến nguy cơ mất đất công.

Theo một báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) TP. Hồ Chí Minh, rất nhiều quỹ đất công trên địa bàn thành phố cho các doanh nghiệp thuê bị sử dụng lãng phí hoặc được các đơn vị này cho thuê lại để kiếm lời. Nhiều khu đất khác bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích...

Một vụ việc nổi cộm xảy ra ở khu đất có diện tích 1.728m² tọa lạc tại phường An Lạc, quận Bình Tân. Khu đất này trước đây được Nhà nước giao cho một doanh nghiệp tư nhân để xây dựng trường mẫu giáo theo chính sách xã hội hóa giáo dục. Nhưng cuối cùng nó đã bị một số người "làm xiếc" trên khu đất để thu lợi riêng hàng chục tỷ đồng.

Khu đất ở số 83 Thùy Vân, TP. Vũng Tàu bị tranh chấp trong nhiều năm.

Đây là một trong những vụ sai phạm nghiêm trọng mà theo kết luận thanh tra, thực chất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất bất hợp pháp với diện tích 1.639m², có dấu hiệu lợi dụng Nhà nước giao đất để trục lợi. Từ đó, Thanh tra thành phố chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh để xem xét xử lý hình sự các cá nhân liên quan trong năm 2017 (tính đến tháng 9-2017).

Theo kết luận thanh tra, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ giao 13ha đất thuộc khu An Lạc - Bình Trị Đông (thuộc huyện Bình Chánh cũ) cho Công ty cổ phần Xây dựng Bình Chánh làm chủ xây dựng dự án khu nhà ở.

Cũng trong năm này, UBND huyện Bình Chánh có thông báo đồng ý cho bà Nguyễn Thị Thu xây dựng nhà trẻ dân lập với diện tích 1.728m² nằm trong khu đất 13ha nói trên. Đổi lại, bà Thu trả lại cho Công ty cổ phần Xây dựng Bình Chánh 691 triệu đồng gọi là tiền đền bù giải tỏa và xây dựng hạ tầng.

Nhưng mãi 9 năm sau (lúc này khu đất thuộc quận Bình Tân mới), bà Thu mới thành lập DNTN giáo dục Khôi Nguyên. Tháng 4-2008, UBND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định thu hồi và giao theo thực địa là 1.639m² (giảm 89m² so với ban đầu) cho DNTN Khôi Nguyên xây dựng trường mẫu giáo.

Tháng 5-2009, Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho DNTN Khôi Nguyên với diện tích trên, ghi mục đích sử dụng là "đất cơ sở giáo dục - đào tạo" và nguồn gốc sử dụng đất là "Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất và được miễn tiền sử dụng đất".

Và từ đây từ bà Thu cho đến các cá nhân, tổ chức sau đó đã tìm mọi cách lần lượt bán sang nhượng khu đất này cho nhau với giá hàng chục tỷ đồng. Thậm chí, có cá nhân đã làm hợp đồng công chứng khu đất để bảo lãnh cho một công ty vay ngân hàng số tiền 44,7 tỷ đồng để sản xuất, kinh doanh thiết bị điện gia dụng…

Sau đó, Thanh tra TP. Hồ Chí Minh phải kiến nghị Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở TN-MT làm thủ tục thu hồi đất và thu hồi, hủy bỏ GCNQSDĐ cấp cho DNTN Khôi Nguyên. Đồng thời, giao cho các sở, ngành liên quan kiểm tra làm rõ trách nhiệm và xử lý những cá nhân gây ra vi phạm.

Cương quyết thu hồi đất công sử dụng sai mục đích

Địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR - VT) lâu nay được coi là khá phức tạp về tình trạng đất công bị sử dụng sai mục đích, không hiệu quả... Gần đây, Thanh tra tỉnh đã có kết luận chỉ ra hàng loạt sai phạm trong việc thuê đất, sử dụng, nghĩa vụ tài chính… đối với nhiều công ty tại TP. Vũng Tàu. Trong đó, có nhiều công ty nhà nước được thuê đất đã mang cho thuê lại không đúng.

Cụ thể, Công ty Đầu tư Xây lắp tỉnh BR-VT thuê hơn 28 ha đất nhưng đã cho 7 công ty khác thuê lại, sử dụng nhiều mục đích khác nhau. Còn Công ty Cổ phần Du lịch tỉnh BR-VT (Vũng Tàu Tourist) quản lý, sử dụng 22 lô đất với tổng diện tích hơn 8,5 ha nhưng có 8 lô chưa được UBND tỉnh cho thuê; 9 lô được tỉnh cho thuê để kinh doanh du lịch nhưng lại cho các tổ chức, cá nhân thuê lại để kiếm lợi nhuận.

Thanh tra tỉnh BR-VT chỉ rõ trong 22 lô đất mà Vũng Tàu Tourist đang quản lý có tới 14 lô (hơn 1,6 ha) sử dụng sai mục đích… Ngoài ra, cũng theo kết luận thanh tra thì tình trạng đem đất công cho thuê lại xảy ra ở nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Phát triển Văn hóa Du lịch Vũng Tàu; Công ty Cổ phần Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo…

Đặc biệt, có vụ tranh chấp "Hợp đồng thuê mặt bằng, kết quả đấu giá cạnh tranh và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất" liên quan tới khu đất ở số 83 Thùy Vân, TP. Vũng Tàu (tổng số diện tích 2.829,3m2) diễn ra dai dẳng nhiều năm nay.

Trong đó, nguyên đơn là Công ty TNHH một thành viên Trần Phú (nay là Công ty cổ phần in Trần Phú - Công ty Trần Phú; địa chỉ quận 1, TP. Hồ Chí Minh) và bị đơn là Công ty TNHH Chế bản - In - Thiết kế dịch vụ Đức Thịnh (Công ty Đức Thịnh; địa chỉ quận 3, TP. Hồ Chí Minh).

Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 25-11-2016, TAND TP. Vũng Tàu, tỉnh BR-VT nhận định về nguồn gốc quyền sử dụng đất diện tích đất trên là của Nhà nước giao cho Công ty Trần Phú quản lý và cho phép xây dựng làm nhà nghỉ cho công nhân, nhưng Công ty Trần Phú không sử dụng đúng mục đích, không làm thủ tục đất đai trong nhiều năm, không thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... mà lại cho các thành phần khác thuê, chiếm dụng và tự ý chuyển nhượng trái pháp luật.

Trên cơ sở đó, HĐXX đã tuyên hợp đồng cho thuê mặt bằng và kết quả đấu giá cạnh tranh giữa hai công ty Đức Thịnh và Trần Phú vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự… Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh BR-VT tiến hành các thủ tục thu hồi đối với diện tích đất nói trên theo quy định tại Điều 64 Luật Đất đai năm 2013… 

Không chấp nhận kết quả xét xử, Công ty Trần Phú đã kháng cáo. Điều đáng nói ở phiên tòa phúc thẩm ngày 20-4-2017, TAND tỉnh BR-VT lại quyết định công nhận toàn bộ tài sản cố định gắn liền trên diện tích đất 2.829,3m2 tại số 83 Thùy Vân lại thuộc quyền sở hữu của Công ty Trần Phú…(?).

Tạm giao cho Công ty Trần Phú quản lý khu đất trên cho đến khi có quyết định chính thức từ UBND tỉnh BR-VT ban hành giải quyết các vấn đề liên quan đến tính pháp lý đối với khu đất trên.

Hiện vụ việc này vẫn có dấu hiệu cho thấy việc kiện cáo chưa dừng lại giữa đôi bên.

Cuối tháng 6 vừa qua, câu chuyện về vi phạm sử dụng đất ở Công ty Cổ phần (CTCP) Giày Sài Gòn cũng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Theo đó, Thanh tra Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với CTCP Giày Sài Gòn về hành vi "tự ý cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuế đất hàng năm" tại địa chỉ 419 Lê Hồng Phong, quận 10. Theo đó, CTCP Giày Sài Gòn bị xử phạt tổng số tiền là hơn 720 triệu đồng.

Theo cơ quan Thanh tra, CTCP Giày Sài Gòn được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm với mục đích sử dụng đất để sản xuất kinh doanh, theo quy định không được cho thuê lại. Tuy nhiên, công ty này đã tự ý cho thuê một phần diện tích đất làm kho, văn phòng và bãi xe trái phép…

Câu chuyện về vi phạm sử dụng đất ở Công ty Cổ phần Giày Sài Gòn được dư luận đặc biệt quan tâm.

Có thể nói, thực trạng trụ sở, đất công bị cho thuê hoặc sử dụng không đúng mục đích, lãng phí đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các thành phố lớn có nguồn đất công lớn, nhiều trụ sở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác.

Theo báo cáo của Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh, hiện thành phố có 746 khu đất chưa có pháp lý để sử dụng đất và được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý. Ngoài ra, thành phố còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng cũng chưa có pháp lý sử dụng đất, trong đó nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí, nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép.

Cũng theo Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh, về nguyên tắc mang tính bắt buộc, trong các quyết định giao đất, hợp đồng cho thuê đất đều yêu cầu đối tượng được giao, thuê phải sử dụng đúng mục đích, yêu cầu. Thế nhưng, các đơn vị, doanh nghiệp đã tự ý cắt đất đem cho thuê trái phép với giá cao là trái với quy định.

Thủ tướng Chính phủ cũng như UBND TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản nghiêm cấm và chỉ đạo xử lý, thu hồi đất công bị cho thuê trái phép. Riêng với Sở TN-MT TP. Hồ Chí Minh, quan điểm của cơ quan này là phải cương quyết thu hồi đất công đã cho thuê trái phép, không để tình trạng đất công bị sử dụng sai mục đích, nhằm thu lợi riêng.

Dư luận và người dân vô cùng quan tâm trước thực trạng này. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có một cuộc tổng rà soát toàn bộ tài sản công trên cả nước, đặc biệt là đất đai và trụ sở cơ quan. Đất công nào chưa được sử dụng, hoặc sử dụng không đúng mục đích phải kiên quyết thu hồi ngay.

Trong trường hợp đất công, trụ sở cơ quan được tạm thời khai thác cho mục đích thương mại thì phải theo đúng quy định của pháp luật, có đấu thầu công khai, chặt chẽ... để đem lại nguồn thu cho ngân sách. Bên cạnh đó, cần sớm cụ thể hóa Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để có cơ sở quản lý tốt quỹ đất công.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho biết, để quản lý, sử dụng hiệu quả đất công cần phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp. Trong đó, ngoài việc Luật Quản lý, sử dụng tài sản công cần phải sớm được Quốc hội thông qua thì cần thống nhất quản lý công sản về một đầu mối.

Đất đai thuộc quản lý của ngành TN-MT, nhưng thực tế ở địa phương có nhiều đơn vị được giao các khu đất công để quản lý. Đồng thời, cần có cơ chế đấu thầu để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công, chủ yếu là quỹ đất mặt bằng. Khi tính toán giá trị tài sản để giao cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp Nhà nước phải tính toán đúng giá trị đất công được giao.

Ánh Xuân
.
.
.