Cuốn nhật kí của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng tìm về với thân nhân:

Đất không nhốt nổi linh hồn đòi yêu

Thứ Tư, 31/07/2013, 15:04

Liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng đã viết: "Một quyền lợi thiêng liêng nhất mà không ai có thể ngăn cấm được dù ở dưới trần gian hay khắp gầm trời trái đất này là quyền lợi yêu đương. Nhưng phải yêu chân chính. Nếu toàn bộ mục đích cuộc sống chỉ có hạnh phúc cá nhân mà hạnh phúc cá nhân chỉ vẻn vẹn ở tình yêu thì cuộc sống đó chỉ là bãi sa mạc bùn lầy và những trái tim tan nát!".

Bố anh nói, những kỉ vật cuối cùng của anh đã mất sau một trận bom đạn càn quét miền Bắc. Thế mà đùng một cái linh hồn anh lại trở về, hiện thân trong cuốn nhật ký nhỏ, chi tiết kì lạ mà bố anh không tin suốt những năm tháng đi tìm mộ con trai.

Bây giờ bố đã già, con trai lại tìm về với bố bằng những dòng nhật kí rút từ ruột gan, từ tâm hồn và tình yêu lớn. Mùa hoa phượng đã qua, Hải phòng vẫn đỏ rực màu tình yêu, màu lý tưởng của người chiến sĩ đã hy sinh từ hơn nửa thế kỉ trước.

Hồi âm kì diệu

Tôi gặp chị Ngô Thúy Hằng, Giám đốc Trung tâm Marin - một địa chỉ tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ, khi người phụ nữ bé nhỏ này đang gấp rút chuẩn bị cho Chương trình trao trả kỉ vật chiến tranh của các cựu binh người Úc tham gia dự án "Những linh hồn phiêu bạt".

Trước Lễ kỉ niệm ngày Thương binh liệt sĩ năm nay, Trung tâm Marin nhiều niềm vui lớn. Điều kì diệu đến vào buổi sáng hôm đó còn hiện rõ trên gương mặt của người phụ nữ được mệnh danh là "Người kết nối những linh hồn". Trung tâm Marin vừa nhận được thư từ thầy giáo Lý Quang Nhân ở Quảng Bình kể câu chuyện về cuốn nhật ký của một liệt sĩ mà ông lưu giữ và mong muốn trao trả kỉ vật này về đúng gia đình của người đã khuất. 

Nhanh chóng lục tìm trong kho dữ liệu về liệt sĩ quý giá của Marin, khớp với những thông tin ít ỏi từ thầy giáo Nhân, không ai khác người liệt sĩ chủ nhân của cuốn sổ là Hạ sỹ quan Lưu Mạnh Hùng, có em trai là ông Lưu Mạnh Dũng thường trú tại phường Cát Bi, Hải Phòng.

Kì diệu hơn, người cha của liệt sĩ, ông Lưu Văn Sắc còn đang sống cùng con cháu ở tuổi 86. Lá thư ngày hôm đó gửi cho thầy giáo Lý Quang Nhân do chính tay chị Hằng viết, thông báo về gia đình của người liệt sĩ là hồi âm kì diệu và bất ngờ nhất mà chú Nhân nhận được.

Quãng thời gian dài mò mẫm, trong khi lặn lội gửi thư khắp các Sở Lao động TB&XH, các cơ quan báo chí lại không hề có một dòng phúc đáp, lá thư của Trung tâm Marin như dòng nước mát trút bỏ những trăn trở của thầy giáo Nhân suốt hơn 20 năm đau đáu vì giữ một vật linh thiêng không phải của mình, mặc dù kỉ vật ấy cũng là cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn ông. Ngô Thúy Hằng hạnh phúc khi câu chuyện của chị, chú Nhân và linh hồn liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng tình cờ như nhân duyên sắp sẵn.

Vỏn vẹn 5 ngày, cuốn nhật ký đã trở về với gia đình Hạ sỹ quan Lưu Mạnh Hùng như mong muốn cháy bỏng của những chiến sĩ giải phóng phải trở lại quê hương sau những năm tháng chiến tranh ác liệt.

Cuốn nhật ký thần kỳ.

Hành trình của tình yêu

Cuối năm 1968 khi thầy giáo Lý Quang Nhân mới chỉ là một cậu bé 10 tuổi, một anh bộ đội tên Nhì quê Quảng Nam đã nhờ chú Nhân giữ hộ một cuốn sổ nhỏ là kỉ vật của đồng đội anh, vì sợ sẽ đánh mất sau đợt hành quân chiến đấu nhiều phần chết .

Cuốn nhật ký của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng sống bên cạnh chú Nhân suốt 10 năm tuổi nhỏ. Khi được giao lại cuốn nhật kí, niềm vui của những đứa trẻ thời ấy đơn giản là được tiếp xúc với tri thức, với những điều mà ở những làng quê nghèo quanh năm bom đạn không bao giờ được biết đến.

Lý tưởng của thanh niên thời đó, những câu danh ngôn hay, tư tưởng Mác-Ăng ghen, tư tưởng Hồ Chí Minh, và hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ đến với cậu bé Lý Quang Nhân như ánh sáng. Vừa là những kiến thức, vừa là lời thơ ý văn về tình yêu lớn (yêu quê hương, đất nước, lý tưởng cách mạng) và những tình yêu nhỏ (yêu gia đình, tình yêu đôi lứa). Tất cả những điều đẹp đẽ đó vui đắp cho tâm hồn cậu bé Nhân năm nào nuôi mộng trở thành thầy giáo dạy văn, và đến năm 1977 chú quyết định học mỹ thuật ở Huế cũng bắt nguồn từ cuốn nhật kí thần kì ấy.

Cuốn sổ mang những thông điệp quý giá được thầy giáo Nhân và bạn bè chuyền tay nhau đọc, chép, lưu giữ. Bẵng đi một thời gian ,đến năm 1978 thì bị thất lạc. Lớn lên với tâm hồn đẹp của người chiến sĩ qua cuốn nhật kí, khi bắt đầu trở thành một thầy giáo, chú Nhân nuôi ý nguyện trao trả lại kỉ vật này đúng nơi thuộc về nó.

Mất ba mươi năm để tìm lại cuốn sổ lưu lạc, lục lại những trí nhớ mờ nhạt về người bạn đầu tiên mượn sổ. Đi khắp nơi, lặng lẽ mò kim đáy bể với quyết tâm bằng mọi giá, cuối cùng chú Nhân cũng tìm ra được trong đống sách vở cũ của một người đã tạ thế, trong khi những người con không hề hay biết cha mình đang lưu giữ một kỉ vật.

Chị Lưu Thị Dương cháu gái liệt sĩ Hùng.

Nhiều lúc thầy giáo Lý Quang Nhân tự hỏi, nếu không phải là linh hồn anh Mạnh Hùng khát khao về quê, dẫn đường chỉ lỗi cho chú tìm kiếm, thì làm sao có thể tìm ra một cuốn sổ rách nát giấu trong chiếc hộp đạn cũ của người bạn đã mất.

Trong cuộc tìm kiếm này, có lẽ tồn tại khao khát yêu thương của linh hồn liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng mà chú Nhân thần giao cách cảm được, có sự kết nối giữa những linh hồn, giữa người sống và người chết. Mỗi người đã từng giữ cuốn nhật kí đích thị là "người gìn giữ tình yêu" và tôi tin chắc rằng họ đều dành được cho mình một kỉ niệm đẹp gắn liền.

Ba mươi năm "chu du", cuốn nhật ký đã thực hiện một hành trình mà Ngô Thúy Hằng gọi là "Hành trình của tình yêu". Để khi cuối sứ mệnh của mình, cuốn nhật kí của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng tìm về trong tay của người cha đã già, tình yêu cũng phải cất lên thành tiếng "con ơi".

Linh hồn đòi yêu

Ngô Thúy Hằng tự hào rằng chị là người trẻ may mắn được đọc cuốn nhật ký này rõ nhất. Cuốn nhật kí không ghi ngày tháng, cũng không ghi quê quán hay bất cứ một thông tin nào để biết được địa chỉ của Liệt sĩ Mạnh Hùng, nhưng những lời thơ đã ẩn chứa thông tin cần thiết.

Trong bài thơ "Nhớ quê" của người liệt sĩ, anh viết phụ đề: Nhân đi chặt gỗ ngoài bãi biển Quảng Bình: "Bãi biển Đồ Sơn phải không anh/Hay cửa Nam Triệu nước biếc xanh/Gió thổi sóng cồn phi lao lượn/Ngắm biển nơi đây tưởng quê mình". Thuộc lòng bài thơ này, thầy giáo Lý Quang Nhân còn làm một bài thơ viết thêm bên cạnh có câu rằng: "Đây biển Lệ Thủy quê em/Anh chiến đấu trên quê hương em đó".

Trong cuốn nhật ký ngoài chữ viết của liệt sĩ Mạnh Hùng, còn có chữ viết của một người bạn nữa. Bề ngoài đã rách, bên trong đã mục, nhưng sợi dây tình cảm trải qua nửa thế kỉ vẫn chưa hề lung lay. Dưới hình hài nát của cuốn sổ, những linh hồn chiến sĩ vẫn khao khát yêu thương. Thầy giáo Lý Quang Nhân đã sẻ chia tình yêu đó bằng cách viết thêm cảm xúc vào như thế.

Giữa muôn trùng khó khăn bom đạn, người chiến sĩ vẫn có những cái nhìn đúng đắn văn minh về cuộc sống, được liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng viết nên bằng những dòng cảm nghĩ. Mỗi sự việc đi qua trong đời, những mối quan hệ trong cuộc sống đều để lại trong lòng người chiến sĩ những suy tư: tình bạn là gì?, tình yêu là gì?, hạnh phúc nằm ở đâu?...

Ông Lý Quang Nhân tại trung tâm Marin.

Người thanh niên trẻ với khát khao cuộc sống tươi đẹp luôn tự nhủ với bản thân, tự răn đe mình bằng cách trò chuyện với người bạn tên là Lương Tâm. Ban đầu khi tiếp nhận cuốn nhật ký này từ tay chú Lý Quang Nhân, chị Ngô Thúy Hằng đã tưởng rằng LƯƠNG TÂM là một người, một người bạn thật của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng. Hóa ra những dòng liệt sĩ Mạnh Hùng tự bạch là trò chuyện với bản thân, là đối diện với chính mình trong mọi việc: "Hùng ơi hãy nhớ…", " Hạ sĩ quan Mạnh Hùng ạ…".

Khi viết nên những câu danh ngôn về tình yêu, hình như Hạ sĩ quan Mạnh Hùng đang yêu một cô gái. Tình yêu nhỏ bên cạnh tình yêu lớn luôn là nỗi trăn trở của liệt sĩ Mạnh Hùng trong toàn bộ cuốn nhật ký. Có lẽ không có tình yêu thì cuốn nhật ký đã không thể hoàn thành sứ mệnh tuyệt vời của nó suốt nửa thể kỉ. Kể cả đến bây giờ, khi trở lại với gia đình rồi tình yêu ấy lại càng được khẳng định thêm.

Liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng đã viết: "Một quyền lợi thiêng liêng nhất mà không ai có thể ngăn cấm được dù ở dưới trần gian hay khắp gầm trời trái đất này là quyền lợi yêu đương. Nhưng phải yêu chân chính. Nếu toàn bộ mục đích cuộc sống chỉ có hạnh phúc cá nhân mà hạnh phúc cá nhân chỉ vẻn vẹn ở tình yêu thì cuộc sống đó chỉ là bãi sa mạc bùn lầy và những trái tim tan nát!".

12h ngày 22/7/2013, Trung tâm Marin đã cùng ông Lý Quang Nhân tới nhà gia đình Liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng để trao lại cuốn nhật ký của liệt sĩ cho gia đình.

Chị Lưu Thị Dương, cháu gái của liệt sĩ cùng mọi người trong gia đình chuẩn bị tâm lý cho ông Lưu Văn Sắc cha của liệt sĩ năm nay đã 86 tuổi trước sự bất ngờ xúc động này. Ông ôm chặt cuốn nhật ký của con trai vào lòng thốt lên những lời lâu nay chôn kín: " Con ơi, bố nhớ con lắm".

Các con của ông Sắc gửi lời cảm ơn thầy giáo Nhân đã trao trả lại cuốn nhật ký, một báu vật của gia đình. Không chỉ dừng lại ở việc trao nhật ký của liệt sĩ Mạnh Hùng, Marin sẽ tiếp tục tìm kiếm người đã chuyển cuốn nhật ký này tới tay ông Lý Quang Nhân và đó cũng có thể là người đã ghi lại trong cuốn nhật ký rất nhiều dòng chữ, câu thơ nối tiếp cảm xúc của liệt sĩ Lưu Mạnh Hùng.

Cẩm Huyền
.
.
.