Đắt như… giường bệnh viện

Thứ Ba, 06/08/2019, 14:32
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới dự thảo thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp đang được Bộ Y tế rà soát lần cuối.


Theo dự thảo Thông tư, từ ngày 1-10 tới, giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ có mức giá giường từ 900.000 đồng - 3 triệu đồng/ngày.

Giá dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) tại các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng, thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ, do đơn vị quyết định. Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết hoạt động dịch vụ, bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000 đồng/lần khám; các cơ sở y tế khác trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1, giá không quá 400.000 đồng/lần khám.

Riêng trường hợp mời các chuyên gia trong nước (ngoài cán bộ cơ hữu tại đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu), ngoài nước đến khám tư vấn sức khoẻ, đơn vị được thu theo giá thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.

Giá giường tại các phòng điều trị theo yêu cầu nói trên (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế). Các đơn vị, bộ phận hoạt động dịch vụ theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập đầu tư xây dựng, thành lập hoặc thuê cơ sở để thực hiện dịch vụ, do đơn vị quyết định.

Trường hợp sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu hoặc sử dụng tài sản công để liên doanh, liên kết hoạt động dịch vụ: Giá tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt, 1 giường/phòng). Ngoài ra, có các mức từ 1,3 - 1,5 - 2,5 triệu đồng/ngày, tương ứng với các loại 4 giường - 3 giường - 2 giường/phòng. Các cơ sở y tế khác (trừ bệnh viện hạng đặc biệt, hạng 1), các tỉnh còn lại giá giường điều trị nội trú dao động từ 600.000- 2 triệu đồng/ngày. Về giá giường điều trị ban ngày do đơn vị quyết định, nhưng tối đa không quá 50% giá giường điều trị nội trú.

Thông tư nêu rõ, sau khi có quy định về giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện phải rà soát lại và điều chỉnh đảm bảo đúng quy định. Nếu chưa đáp ứng yêu cầu sẽ phải hoàn thành trước 30-12-2020.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, nhiều người cho rằng giá giường bệnh tối đa 2 triệu đồng/ ngày đã là cao, nay dự kiến tăng lên tới 4 triệu đồng (tương đương gần 200USD/ngày) là quá cao so với mặt bằng chung thu nhập của người dân. Nếu mức thu này được áp dụng thì câu nói "chiếc giường đắt nhất là giường bệnh" không chỉ đúng theo nghĩa bóng mà chính xác cả theo nghĩa đen.

Một bất hợp lý khác khiến nhiều người không đồng tình với dự thảo này đó là không thể so sánh với giá dịch vụ của các cơ sở y tế tư nhân. Trong khi bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế do các doanh nghiệp đầu tư phải trực tiếp bỏ tiền từ thuê nhà hoặc đầu tư xây dựng hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tiền lương cho y bác sĩ và hàng loạt chi phí khác thì các tại bệnh viện công được nhà nước cấp đất đai, được cấp kinh phí đầu tư trang thiết bị…

Theo thống kê của Bộ Tài chính, từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng chi từ ngân sách nhà nước cho y tế đã cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách nhà nước và đạt khoảng 7-8% tổng chi ngân sách.

Từ năm 2011 đến nay, Chính phủ đã đầu tư hơn 56.000 tỷ đồng từ trái phiếu Chính phủ và gần 400 triệu USD từ nguồn ODA để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp 766 bệnh viện, từ tuyến huyện đến tuyến trung ương, 114 phòng khám đa khoa khu vực, hơn 2.000 trạm y tế.  Đồng thời, Chính phủ dành 20.000 tỷ đồng từ nguồn thu sắp xếp doanh nghiệp nhà nước để đầu tư 5 bệnh viện Trung ương, tuyến cuối tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhờ nguồn đầu tư này các bệnh viện có đủ trang thiết bị nên đã phát triển được chuyên môn, thực hiện được nhiều kỹ thuật mới, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Do đó không thể căn cứ vào giá dịch vụ ở bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế để áp vào bệnh viện công, dù đó là dịch vụ

Vì thế, nhiều người cho rằng trong khi bệnh nhân khám theo bảo hiểm y tế còn phải nằm ghép vì thiếu giường thì lại có những phòng dịch vụ chỉ có 1 người là không công bằng. Nếu bệnh viện muốn làm dịch vụ hoàn toàn thì hãy đầu tư riêng bằng vốn xã hội hóa và phải tách bạch các khoản đầu tư, chứ không thể lấy hạ tầng từ vốn đầu tư của nhà nước để làm dịch vụ.

Tân Lương
.
.
.