Đau đầu xử lý rác thải môi trường nông thôn

Thứ Năm, 03/11/2016, 12:35
Cùng Chương trình xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã thay đổi, đời sống người dân được nâng lên. Nhưng có một điều đang làm đau đầu các cơ quan chức năng. Đó chính là việc cải thiện môi trường, trong đó có việc xử lý rác thải, nước thải.


Nhiều nỗi băn khoăn

Theo tìm hiểu thực tế tại những vùng quê có nhiều làng nghề, nhà máy, khu công nghiệp như Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Nội,… vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với việc xử lý nước thải, rác thải ở nông thôn là chưa có công nghệ xử lý phù hợp; phù hợp ở đây là cả về chi phí đầu tư, công nghệ xử lý, thiết bị và các điều kiện vận hành khác.

Trước đây thì biện pháp chủ yếu áp dụng tại các khu vực nông thôn, kể cả đô thị là chôn lấp. Hậu quả là việc chôn lấp tại nhiều thôn, xã hiện nay là ngoài mất quỹ đất, thì phát sinh rất nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Các bãi rác tập trung, có quy hoạch thì luôn trong tình trạng quá tải và không bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Nhà máy xử lý rác An Khê đầu tư khá lớn nhưng vẫn chưa sử dụng được.

Thời gian gần đây, theo xu thế phát triển, nhiều địa phương (như Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… ) đã chủ động tìm kiếm và đầu tư các lò đốt rác thải cỡ nhỏ (công suất khoảng 300 - 500 kg/giờ) để xử lý rác thải sinh hoạt ở địa bàn cấp xã.

Tuy nhiên công nghệ xử lý, đặc biệt là nhiệt độ vùng đốt, biện pháp xử lý khí thải các lò chưa kiểm soát được, khó đáp ứng được các quy định hiện hành. Những lò đốt này chỉ giúp giải quyết ngay trước mắt về mặt khối lượng rác phát sinh, nhưng hậu quả cho môi trường sinh thái, sức khỏe con người, an toàn thực phẩm từ sự phát tán, tích lũy, lắng đọng các chất ô nhiễm (đặc biệt là dioxin) là chưa thể lường hết được.

Việc phân loại rác tại nguồn cũng chưa được thực hiện triệt để. Nông thôn rất khác với đô thị. Mọi người cứ nói người dân nông thôn dân trí không cao, nhưng tôi nghĩ khác, người dân nông thôn có văn hóa làng xã rất đặc thù. Bên cạnh đó, do đặc điểm sinh hoạt và điều kiện sinh sống, nên việc phân loại rác vô cơ, hữu cơ tại khu vực nông thôn là hoàn toàn có thể thực hiện được.

Một số nơi đã làm rất tốt, nhưng nhiều nơi vẫn không làm, dẫn đến tình trạng lượng rác thải thu gom về lò đốt rất lớn, độ ẩm cao, bốc mùi hôi thối, ảnh hướng đến nhiệt độ và tuổi thọ lò đốt. Thậm chí tại một số nơi, sau một thời gian, lò đốt phải dừng hoạt động.

Còn một nguy cơ nữa, đó là hiện tượng đốt rác lộ thiên (không qua lò đốt). Từ các phong trào, hoạt động vệ sinh đường làng ngõ xóm, rác thải thường được tập kết rác rồi đốt, thậm chí cả bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Đây là một điểm hết sức đáng báo động vì nó nguy hiểm cho sức khỏe con người. Về nước thải sinh hoạt thì hầu như chưa được thu gom và xử lý hoặc theo hình thức tập trung hoặc theo hình thức phân tán phù hợp.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) đánh giá: "Còn một vấn đề rất nan giải tại các địa phương là công nghệ phù hợp xử lý nước thải chăn nuôi, nước thải từ các khu vực nuôi trồng thủy sản và làng nghề.

Với loại hình chăn nuôi, biện pháp xử lý phổ biến hiện nay là sử dụng bể biogas. Nếu công suất và quy trình vận hành ổn định, đúng thiết kế, thì hiệu quả xử lý tối ưu vẫn chưa đạt Quy chuẩn về môi trường mà cần bổ sung thêm công đoạn phù hợp như ao hồ sinh học, bãi lọc trồng cây… nhưng hầu hết các cơ sở sau xử lý biogas đều thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước".

Nhà máy xử lý rác bị bỏ hoang

Rác nông thôn ngập ngụa. Nhưng có một nghịch lý là, trong quá trình xử lý cải thiện môi trường nông thôn, không ít nhà máy được đầu tư hàng tỷ đồng để xử lý rác thải, nước thải nhưng tiền mất tật mang. Điển hình như Nhà máy xử lý rác xã Đồng Luận (huyện Thanh Thủy) và xã Sơn Dương (huyện Lâm Thao) của Phú Thọ; Nhà máy Xử lý rác Tâm Sinh Nghĩa, ở ấp 3, xã Tân Đông (Thạnh Hóa - Long An); Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê (xã Song An, thị xã An Khê (Gia Lai); Nhà máy xử lý chất thải chăn nuôi ở xã Ngọc Lũ (Bình Lục- Hà Nam)…

Nhà máy xử lý rác xã Đồng Luận không hoạt động.

Tìm hiểu tại Nhà máy xử lý rác thải rắn An Khê (thị xã An Khê (Gia Lai), sẽ chẳng có gì phải nói, thậm chí là điều người dân mong đợi nếu công trình đi vào hoạt động mang lại hiệu quả, nhưng thật bất ngờ, ngày 30-9-2013, sau ba năm xây dựng, dự án hoàn thiện chỉ chờ bấm nút khánh thành, thì toàn bộ máy móc không thể hoạt động.

Ba năm trôi qua, nhà máy đóng cửa im lìm. Vì bị bỏ hoang nên cỏ dại xâm lấn, từng mảng tường ố vàng, tường rào nứt nẻ; một loạt công trình khá đồ sộ với nhà điều hành, hệ thống chiếu sáng, trạm cân, trạm biến áp…nằm đắp chiếu phó mặc cho nắng mưa; nhiều trang thiết bị nằm chờ… hỏng.

Điều đáng nói, nhà máy này được ngân sách Trung ương và tỉnh Gia Lai đầu tư 117,5 tỉ đồng, được quy hoạch trên diện tích 1,3 ha đất, quy mô triển khai theo công nghệ đốt rác hiện đại, công suất xử lý 30 tấn/ngày, với mục tiêu đặt ra là xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thị xã An Khê, giảm bớt lượng rác thải sinh hoạt cần chôn lấp, tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế bền vững cho An Khê nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung.

Công ty CP Tiến Bộ quốc tế (viết tắt AIC) có địa chỉ tại 69 Tuệ Tĩnh, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội trúng thầu cung cấp trang thiết bị giá trị 86,8 tỉ đồng. Chi phí xây dựng hơn 24,6 tỉ đồng được hai Công ty TNHH Tân Phú (thị xã An Khê) do ông Nguyễn Văn An làm giám đốc và Công ty TNHH xây dựng Gia Yên, do ông Phan Thanh Tâm làm giám đốc đảm nhận. Với trên 117,5 tỉ đồng đầu tư kể cả các khoản chi phí quản lý dự án, tư vấn, đền bù, giải phóng mặt bằng… đây được xem là dự án được đầu tư với số tiền khủng.

Song, như đã nói, nhiều nhà máy đầu tư lớn nhưng không hoạt động. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt hơn việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác và nước thải.

Lúc này cần đánh giá thực chất hơn về tiêu chí môi trường trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Thực tế kết quả thực hiện thời gian qua cho thấy, tiêu chí môi trường là tiêu chí đạt được tỷ lệ thấp nhất (42,4%, nhưng thực tế có lẽ còn thấp hơn nhiều) và cũng thiếu tính bền vững nhất. Nguyên nhân là do các địa phương chưa thực sự được quan tâm, đầu tư, chỉ đạo quyết liệt và phân bổ nguồn lực tổ chức thực hiện.

Một lý do nữa là trong thời gian vừa qua, ở giai đoạn mới bắt tay xây dựng nông thôn mới, một số tiêu chí môi trường có mức độ khó nhất định, nhưng chủ yếu là do thiếu định lượng. Vì thiếu định lượng nên trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai cũng như công tác thẩm định, đánh giá còn chưa cụ thể, chặt chẽ.

Nhiều vùng quê ngập rác.

Cũng vì thiếu định lượng, cảm quan nên nhiều nơi, nhiều chỗ khi tổ chức thực hiện còn chưa thực sự coi trọng, khi công nhận còn hình thức, xuê xoa. Chưa kể đến là còn "cho nợ" tiêu chí môi trường (theo quy định cũ trước đây). 

Một ví dụ tại xã Bình Hòa (Bình Sơn - Quảng Ngãi), tiêu chí môi trường được đánh giá là đạt nhưng cơ quan chức năng trung ương đi khảo sát thực tế cho thấy còn tình trạng rác thải vứt bừa bãi, chuồng trại chăn nuôi gia súc đặt ngay trước cổng nhà và chất thải hầu như không được thu gom, xử lý đúng quy định.

Xốc lại công tác quản lý

Xốc lại công tác quản lý bao gồm ban hành quy định, tổ chức thực hiện, hướng dẫn kiểm tra… là vô cùng cần thiết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể là đầu mối, nhưng công tác hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng về bảo vệ môi trường cho nông thôn, công tác quy hoạch và quản lý nghĩa trang lại do Bộ Xây dựng chỉ đạo; nước sạch nông thôn, nhà tiêu hợp vệ sinh do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo… Tại các địa phương cũng vậy, các ngành cũng cần hợp lực với nhau, không thể đứng riêng rẽ, độc lập.

Hiện nay tìm kiếm giải pháp công nghệ phù hợp xử lý rác thải, nước thải nông thôn là một bài toán hiện chưa có lời đáp. Như vậy các nhà khoa học cũng cần vào cuộc, rồi cần ứng dụng, chuyển giao kinh nghiệm của các nước tiên tiến khác trong khu vực. Rồi sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, xã hội. Môi trường phải đi từ gốc rễ là người dân, người dân muốn làm, và người dân biết cách làm.

Nhưng vấn đề là phải có tổ chức, có sự phân công phù hợp, ai làm gì, nguồn lực từ đâu, vai trò người dân như thế nào, vì người dân vừa là chủ thể gây ô nhiễm vừa là người gánh chịu hậu quả trực tiếp của ô nhiễm.

Tại nhiều nơi, người dân chưa coi trách nhiệm bảo vệ môi trường là trách nhiệm của họ, họ có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước (nhất là các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, các làng nghề). Với đầu tư công trình lớn thì có thể cần sự hỗ trợ của Nhà nước, nhưng ngay với các hoạt động vệ sinh đường làng ngõ xóm, xây dựng cảnh quan, họ cũng có tâm trạng chờ đợi, thờ ơ.

Ông Nguyễn Linh Ngọc- Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay: "Đầu tư và vận hành một hệ thống cấp nước sinh hoạt phù hợp cho từng địa bàn cụ thể như thế nào? Mô hình thu gom và xử lý chất thải rắn như thế nào là hiệu quả đối với khu vực nông thôn?

Biện pháp xử lý nước thải, chất thải hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi, cụm dân cư như thế nào cho phù hợp cả về chi phí và hiệu quả? Mô hình cộng đồng tự quản về môi trường như thế nào? Mô hình thu gom xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật như thế nào là hiệu quả? Nguồn kinh phí nào để duy trì các hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động đòi hỏi sự kiên trí và quyết tâm cao độ".

Ngô Thục Miên
.
.
.