Dấu lặng giữa mùa thi

Thứ Tư, 06/07/2016, 09:06
Bỏ lại phía sau lo toan bộn bề của cuộc sống, tạm gác những nhọc nhằn thường nhật, họ "lều chõng" cùng con đội nắng gánh mưa quyết tâm vượt "vũ môn". Những ngày này, có không ít câu chuyện thấm đẫm nước mắt về ước mơ chinh phục cánh cửa đại học của những sĩ tử "chân lấm tay bùn".


"Vượt vũ môn" bằng… 5 tạ lúa non

5h30 phút ngày 1-7-2016, tiếng còi xe vang rền xé tan bầu không khí tĩnh lặng của thành phố chớm bình minh. Cha con ông Nguyễn Văn Tân chạy xe máy lúc ba giờ sáng từ huyện Trảng Bom (Đồng Nai) về TP Biên Hòa dự thi THPT quốc gia. Đầu xe treo đầy ắp đồ ăn, nào là bánh mì, nước uống, rau dền, măng cụt… chẳng khác nào người đi buôn tạp hóa.

Ông Tân thở không ra hơi, nói: "Đồ sạch của nhà cả đấy, tôi định mang theo gạo nữa nhưng sợ không có chỗ nấu ăn. Có rau dền ăn mì tôm lót lạ rồi". Người cha bơ phờ, hai mắt sâu hoắm vì thức đêm, bé gái mặt tái xanh, nhợt nhạt vì mệt mỏi. "Nhìn con thức đêm ôn luyện đến gầy tóp cả người mà thương vô cùng. Cháu nó ham học lắm, nó mơ ước sau này sẽ làm cô giáo. Đợt này tôi đã phải bán 5 tạ lúa non mới có tiền chi phí cho hai cha con ăn ở trong 5 ngày thi", ông Tân chia sẻ.

Mệt mỏi, bơ phờ ngồi chờ con bên ngoài điểm thi.

Cô bé Nguyễn Thị Thùy Trang vì mệt quá nên đã ngủ thiếp đi, hai tay còn nắm chặt xấp tài liệu. Ông Tân cho biết, sức khỏe của Trang không được tốt lắm nên hai cha con đi trước vài tiếng cho con có thời gian nghỉ ngơi. Thoáng thấy nỗi buồn trên khuôn mặt người cha, không biết số tiền từ 5 tạ lúa non kia có đủ cho hai cha con trang trải trong những ngày thi cử? Trong lúc con thi, ông Tân đi lang thang tìm chỗ trọ may gặp được một phụ huynh giới thiệu chỗ ở miễn phí gần trường thi, khuôn mặt ông Tân rạng rỡ hẳn ra, nỗi âu lo dường như tan biến, ông cười rất tươi, liên tục cảm ơn.

6 giờ sáng, mẹ con chị Lê Thị Hiên (huyện Định Quán) ngồi rũ rượi ở gốc cây chờ đến giờ vào phòng thi. Nhà cách điểm thi gần trăm cây số, mẹ con chị Hiên phải "lên đường" trước hai ngày. Do không tìm được chỗ trọ nên họ phải ở nhà người quen cách trường thi hơn chục cây số. Con thức trắng đêm ôn bài, mẹ thức trắng đêm vì lo lắng, mới hơn 3 giờ sáng, con đã giục mẹ đi thi kẻo trễ giờ. Người mẹ mệt quá, thi thoảng gục hẳn xuống hai đầu gối, chiếc giỏ đựng đầy chôm chôm lăn lóc cả ra ngoài. Chị cho biết: "Chôm chôm của nhà trồng được, mang theo để con ăn cho an toàn. Ở trên thành phố đồ ăn, thức uống không biết đâu là sạch, vả lại người ta thấy dưới quê lên thì "chặt chém" dữ lắm".

Khi được đội tiếp sức tư vấn và hỗ trợ nơi nghỉ ngơi miễn phí, chị Hiên mừng rơi nước mắt, chị lấy hết mớ chôm chôm cho các bạn tình nguyện viên. Chị nói mà như khóc: "May quá, có nhà trọ miễn phí rồi, tôi trút được nỗi lo. Con bé sẽ được ngủ thêm một chút, không phải thấp thỏm muộn giờ".

Người thân thí sinh ngóng từng tiếng trống điểm thời gian.

Nhà nghèo, nuôi được đứa con học tới lớp 12 để đi thi đại học là nỗ lực hết sức của vợ chồng chị Hiên. Con đi thi trong nhà không có gì ngoài đàn gà lỡ, bán hết cũng chỉ được mấy trăm. Anh chị em mỗi người cho một ít đủ tiền tàu xe và những bữa cơm bình dân.

Người phụ nữ cả đời bám ruộng đồng, nào biết gì là đại học, là cử nhân nhưng thấy con đăng ký thi vào trường Đại học Luật, cả gia đình đều phấn chấn ủng hộ. Chị Hiên khoe: "Tôi có hai đứa con, thằng lớn năm nay thi đại học, còn đứa bé năm sau lên cấp ba. Hai vợ chồng là nông dân bần hàn, làm thuê nay đây mai đó nhưng nuôi được con lớn bằng này rồi lại còn học hành đàng hoàng nữa, tôi tự hào lắm. Nếu con đậu đại học tôi sẽ bàn với chồng lên thành phố làm thuê hoặc đi bán vé số để lo cho con".

Còn ông Tân thì buông một câu đầy âu lo: "Không biết con thi cử ra sao, sau này có đậu vào trường nào đó thì mình vẫn phải lo, ra trường mình vẫn lo. Lo cho con chẳng bao giờ hết cả". Người cha đầu hai thứ tóc, tay xách va ly, tay khoác ba lô thi thoảng lại ngoái đầu về phía cổng trường, thấp thỏm. Đứa con gái 18 tuổi chưa đủ lớn để ra khỏi vòng tay bậc sinh thành, nó e dè, sợ sệt nắm chặt lấy tay cha như một bóng cây cổ thụ che chở.

Trời miền Nam những ngày này mưa dầm dề, mưa ngập đường gãy cây, bất chấp giông gió bão bùng, những ông bô, bà mẹ vẫn quyết bám trụ trước cổng trường thi ngóng từng tiếng trống điểm thời gian. Họ lo lắng cho con cái qua đoạn trường thi cử đến quên cả bản thân, quên tất thảy mọi chuyển động xung quanh.

Cô bé gù bán chó đi thi

Ước mơ chạm vào cánh cổng đại học luôn là khát khao cháy bỏng, mong muốn tột cùng của các sĩ tử. Cách đây ba năm, tôi gặp cô bé khuyết tật Trần Thị Gương (Bình Phước). Gương là học sinh giỏi 12 năm liền, nhưng gia cảnh thì quá bi đát đến nỗi cô bé phải bán con chó để lấy tiền đi thi đại học. 

Trần Thị Gương, cô bé gù phải bán chó đi thi.

Trần Thị Gương là con áp út của gia đình có 8 anh em. Gương bị dị tật từ trong bụng mẹ, khối u án ngự giữa xương sống, chườm ra khỏi lưng, nhô lên, ép sống lưng vẹo sang một bên, gù xuống. Gương trở thành cô bé gù học giỏi nức tiếng xứ Bù Đốp. Trong nhà Gương có mẹ là người chu toàn và gánh vác trách nhiệm nhưng bà mẹ tần tảo ấy đã mất cách đây 10 năm, khi đó Gương mới học xong cấp hai.

Từ khi mẹ mất, gia đình không còn biết trông chờ vào ai, cuộc sống túng quẫn, bần cùng đeo bám dai dẳng mấy cha con. Anh em của Gương đã lập gia đình gần hết, trong nhà chỉ còn ba bố con Gương. Thằng em út mấy năm nay cũng đi làm xa nhà biền biệt, không thấy về nhà.

Hoàn thành xong tốt nghiệp THPT, cánh cửa đại học mở ra thênh thang trước mặt cô bé 12 năm liền đạt học sinh giỏi. Ngày thi đã cận kề cô bé Gương vừa lo ôn thi vừa dằn vặt chuyện lộ phí "lên kinh". Trong lúc túng quẫn, nhìn thấy hai con chó đang chạy đuổi mối, Gương nhìn chó thật lâu, trong đầu dừng lại ở suy nghĩ: "Hay là bán một con chó đi". Gương bàn với bố, bố tiếc nuối nhưng cũng ủng hộ. Hai con chó là tài sản duy nhất hiện có của gia đình Gương, nhưng chỉ bán được một con chó đực lớn,  con kia vẫn còn nhỏ chưa bán được.

Số tiền bán chó con được 300 ngàn đồng, Gương lận vào túi sách, một mình bắt xe đò từ Bình Phước lên TP Hồ Chí Minh thi đại học. Cũng may, lên tới thành phố có cậu em họ cho ở nhờ rồi có gì ăn đấy, Gương đã vượt qua kỳ thi một cách suôi sẻ. Số tiền bán chó vẫn còn đủ cho Gương bắt xe về tận nhà.

Gương đăng ký thi vào Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, cả hai trường Trần Thị Gương đều đậu với số điểm khá cao. Lúc này, Gương lại phải đứng giữa hai sự lựa chọn: Học kinh tế hay học xã hội? Bạn bè thầy cô khuyên Gương nên học kinh tế sau này có tương lai hơn. Gương đã phải đặt lên bàn cân để đo đếm rất kỹ.

Nỗi lo hiện lên ngay khi con bước ra khỏi phòng thi.

Gương chia sẻ: "Em thích học kinh tế nhưng sức khỏe của em rất yếu không theo được. Cuối cùng em chọn ngành Thư viện - Thông tin của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh vì ngành đó phù hợp với thể trạng của em lại tốn ít học phí".

Chinh phục giảng đường đại học, Gương phải đối mặt với những khó khăn cùng cực về kinh tế và cô bé đã phải bảo lưu kết quả ở năm thứ ba để đi làm thêm. Cố thi và cố đậu, nhưng để theo đuổi trọn vẹn ước mơ lại là khoảng cách quá xa đối với những sĩ tử "nông dân áo vải".

Và mùa thi nào cũng vậy, có quá nhiều cung bậc cảm xúc. Nước mắt, nụ cười, âu lo, mệt mỏi… của những đứa con chuẩn bị bước vào đời, của những người cha, người mẹ phải làm tròn bổn phận. Đến hẹn lại lên, những dấu lặng mùa thi lúc nào cũng có, luôn khiến chúng ta phải nhói lòng.

Ngọc Thiện
.
.
.