Đau lòng hai anh em sinh đôi gieo mình trên đỉnh Thiên Cẩm Sơn

Thứ Ba, 27/08/2013, 17:29

Nơi cao nhất của núi Cấm (còn gọi Thiên Cẩm Sơn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) có tên là Vồ Bồ Hong, được mệnh danh là “nóc nhà của đồng bằng sông Cửu Long”. Vồ Bồ Hong với phong cảnh hữu tình, cao chót vót, là điểm tham quan lý thú, nhưng cũng là nơi được nhiều người chọn tự tử bằng cách gieo mình xuống vực. Mới đây, có hai anh em sinh đôi ở tận vùng Tây Nguyên xa xôi cũng tìm đến đỉnh Thiên Cẩm Sơn để tự kết liễu đời mình. Nhưng chỉ một người chết, người còn lại đưa xác em mình xuống núi, trở về vùng cao nguyên xa xôi...

Nóc nhà của đồng bằng

Theo truyền thuyết, lúc bị quân Tây Sơn truy lùng ráo riết, Nguyễn Ánh đã bỏ đồng bằng chạy lên ngọn núi cao nhất trong vùng để lẩn trốn trong một cái hang lớn (ngày nay có tên Vồ Chư Thần), sau đó bí mật ra đảo Phú Quốc để cầu viện quân Xiêm La và gửi Hoàng tử Cảnh (4 tuổi) cho Bá Đa Lộc sang Pháp làm con tin để cầu viện Pháp giúp đỡ. Vì muốn bảo vệ và giữ bí mật về nơi Nguyễn Ánh trốn, cấm vệ quân và quân binh phao tin đồn đại trên núi có rất nhiều thú dữ ăn thịt người nên cấm người dân quanh vùng lên núi, thật ra là để giữ bí mật cho Nguyễn Ánh. Từ đó mà núi này có tên là núi Cấm, về sau được gọi là Thiên Cấm Sơn hay Thiên Cẩm Sơn.

Năm 1919, trên Thiên Cẩm Sơn xuất hiện một thảo am (lều cỏ) với một đạo sĩ bí hiểm, khoác áo choàng màu đen tên Nguyễn Văn Do (Bảy Do). Ông Bảy Do chính là cháu ruột của người Anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân, vì chán cảnh nước mất, nhà tan sau khởi nghĩa của Thủ Khoa Huân thất bại, đã lên đây dựng am cỏ tu hành, tránh sự truy lùng của giặc Pháp và tay sai. Cũng chính ông Bảy Do là người đã lập am tu hành mà sau này là chùa Phật Lớn trên núi Cấm. Đó cũng là thời kỳ trên núi Cấm xuất hiện tướng cướp lừng danh Đơn Hùng Tín – người chuyên cướp của cải của bọn địa chủ, cường hào, nhà giàu quanh vùng, mang đi chia hết cho người nghèo và ra tay nghĩa hiệp, hảo hán trượng nghĩa, sẵn sàng trừng trị những kẻ ác độc làm tay sai, bức hiếp và hãm hại nông dân nghèo.

Cảnh trên Thiên Cẩm Sơn.

Trên núi Cấm có 5 ngọn núi cao, hiểm trở, được gọi là năm ngọn “Vồ”. Trong đó Vồ Bồ Hong cao hơn cả (705 mét so mặt nước biển), được mệnh danh là “nóc nhà đồng bằng” hay “Đà Lạt của đồng bằng” (vì khí hậu mát lạnh như Đà Lạt). Từ trên Vồ Bồ Hong, du khách có thể nhìn thấy rất rõ biển Hà Tiên và bốn phía mênh mông. Ngày nay núi Cấm là điểm du lịch nổi tiếng ở đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi năm có hàng triệu du khách hành hương về đây. Đến núi Cấm, nhiều người cất công lên tận Vồ Bồ Hong để ngắm toàn cảnh đồng bằng. Trong số họ, thỉnh thoảng lại có một vài người, trong đó có nhiều trường hợp anh em sinh đôi, chọn cách ở lại Vồ Bồ Hong vĩnh viễn bằng cách gieo mình xuống vực sâu tự tử.

Trở thành nơi tự tử

Vụ tự tử đầu tiên từ đỉnh Thiên Cẩm Sơn được ghi nhận dưới thời Pháp thuộc, vào năm 1939. Một cô gái trong vùng vì buồn chuyện tình riêng mà leo lên tận Vồ Bồ Hong để gieo mình xuống vực sau khi để lại cho người tình phụ và gia đình bức thư tuyệt mệnh. Sau đó, cứ vài năm thì có một vụ tự tử trên đỉnh núi Cấm bằng cách thức tương tự. Thậm chí, vào cuối thập niên 1940 có cả một chàng trai người Pháp từ Paris xa xôi cũng tìm đến Vồ Bồ Hong để “yên nghỉ”.

Người ta kháo nhau rằng, khi chọn cái chết từ trên đỉnh Thiên Cẩm Sơn, người chết có cơ hội lên Thiên Đàng, vì đỉnh núi gần với trời (!). Còn những đôi trai gái hay anh em sinh đôi cùng chọn cái chết nơi đây, họ tin rằng đời đời họ sẽ sống hạnh phúc bên nhau (?). Chính vì vậy mà ngày càng có nhiều đôi tình nhân, anh em sinh đôi lên đỉnh Vồ Bồ Hong cùng gieo mình xuống vực để mong tìm đến một thế giới vĩnh hằng. Dưới thời chính quyền Ngô Đình Diệm, chính địa phương Tịnh Biên còn giao cho Cảnh sát nhiệm vụ theo dõi những đôi tình nhân, những cặp sinh đôi lên Vồ Bồ Hong, đề phòng họ lao mình xuống vực tự tử để kịp thời can thiệp.

Nhìn từ đỉnh Vồ Bồ Hong.

Theo người dân sống trên núi Cấm, trong vòng 10 năm qua đã ghi nhận có khoảng 10 vụ tự tử trên đỉnh Vồ Bồ Hong, trong đó có ít nhất 3 trường hợp là anh chị em sinh đôi. Vào năm 2003, có anh em sinh đôi (1 trai, 1 gái) ở Cần Thơ đến đây cột tay nhau rồi nhảy xuống vực cùng chết. Vài năm sau cũng tại đây có 2 người sinh đôi 1 gái, 1 trai cùng nhảy xuống vực tự tử, trên họ có dấu "cột tay" từng gây xôn xao dư luận. Sau đó là 2 chị em ruột ở An Giang đến đây tự tử nhưng người chị thoát chết vì áo vướng nhành cây. Gần đây, một người đàn ông ở Tịnh Biên vì buồn chuyện gia đình cũng nhảy xuống vực tại đỉnh Vồ Bồ Hong. Bốn ngày sau, một người làm vườn dưới chân núi Cấm phát hiện nạn nhân vẫn còn cử động trong lùm cây nên đưa vào bệnh viện cứu sống.

Từ Tây Nguyên xuống đồng bằng tự tử

Trưa 17/7, trên chuyến xe khách chất lượng cao tuyến TP HCM – Tịnh Biên, người ta thấy có 2 chàng trai dáng vẻ thư sinh, da trắng, dong dỏng cao, bước xuống Bến xe khách Tịnh Biên, nhỏ nhẹ hỏi thăm đường lên núi Cấm. Những người buôn bán ở bến xe chú ý tới họ bởi giọng nói lạ của người vùng cao, đặc biệt là họ rất giống nhau, từ dáng người, khuôn mặt, trang phục, mái tóc cho tới giọng nói, cử chỉ. Những người buôn bán xầm xì bán tán: “Chắc là anh em sinh đôi đang tìm lên đỉnh Vồ Bồ Hong, không khéo lại rủ nhau đi tự tử”. Lời tiên đoán của những người buôn bán ở Bến xe Tịnh Biên như là lời tiên tri, bởi ngay tối hôm ấy, đôi thanh niên này khi đi dạo chơi trên đỉnh Vồ Bồ Hong, người em đã nhảy xuống vực tự tử, người anh thấy vậy cũng nhảy theo, nhưng may mắn rơi phải lùm cây nên thoát chết.

Theo người anh tên Trịnh Huy Hoàng (năm nay 19 tuổi), vài tháng nay người em sinh đôi của anh tên Trịnh Hà Hải có dấu hiệu bị trầm cảm vì buồn chuyện cá nhân. Cả 2 anh em ngụ thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, cùng là sinh viên năm nhất của 2 trường cao đẳng ở Quảng Ngãi và Đắk Lắk. Sáng 16/7, Hải xin đi xuống miền Tây chơi. Hoàng thấy không an tâm nên đi theo vì sợ người em song sinh làm chuyện dại dột. Họ đi xe khách từ Buôn Ma Thuột đến TP HCM, rồi chuyển xe đi Tịnh Biên.

Đến Tịnh Biên trưa 17/7, họ đi xe ôm lên núi Cấm, đến tối cùng ngày, họ đi dạo trên đỉnh Vồ Bồ Hong. Khi lên tới đến đỉnh Vồ Bồ Hong, Hải bất ngờ nhảy xuống vực để tự kết liễu cuộc đời mà không nói với anh một lời vĩnh biệt. Quá đau buồn vì phút chốc mất người em song sinh, Hoàng quẫn trí nên cũng gieo mình xuống núi để chết theo em, nhưng anh đã may mắn thoát chết nhờ rơi trúng lùm cây rậm rạp.

Sau 2 ngày điều tra, khám nghiệm tử thi và hiện trường, cơ quan chức năng địa phương xác định Trịnh Hà Hải chết do tự tử nên không khởi tố vụ án. Trưa 19/7, cơ quan chức năng huyện Tịnh Biên đã bàn giao thi thể Trịnh Hà Hải cho gia đình đưa về nhà ở TP Buôn Mê Thuột an táng. Người anh song sinh Trịnh Huy Hoàng sau cú buông mình từ đỉnh núi Cấm xuống vực sâu đã bị thương nhẹ, được đưa vào bệnh viện cấp cứu, ngay hôm sau cũng đã xuất viện, trở về phố núi lo an táng em

Thất Sơn
.
.
.