Dầu: sắp trở lại thời đắt đỏ?

Chủ Nhật, 28/10/2018, 10:23
Báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) bày tỏ lo ngại về giá năng lượng tăng mạnh, khi dầu, khí đốt và than hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều năm.


"Quan điểm của chúng tôi là năng lượng đắt đỏ đã trở lại, và nó đang đặt ra một mối đe dọa cho tăng trưởng kinh tế", IEA cho biết hôm 12-10.

Có thể chạm 3 con số

Dầu thô Brent chuẩn quốc tế hiện giao dịch quanh mức 80 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đứng quanh mức 70 USD/thùng. Giá dầu đã tăng hơn 25% trong năm nay, khiến một số nhà đầu tư suy đoán về khả năng quay trở lại mức giá 3 con số trước thời điểm cuối năm.

Thậm chí, một số chuyên gia còn dự báo giá dầu có thể sẽ tăng mạnh lên mức 200 USD/thùng nếu Mỹ quyết định trừng phạt Ảrập Xêút sau vụ mất tích không lý do của nhà báo Jamal Khashoggi làm việc cho tờ Washington Post . 

Nhà Trắng đang coi việc Ảrập Xêút phủ nhận có liên quan đến sự biến mất của nhà báo Khashoggi là điều không thể chấp nhận. 

Tổng thống Donald Trump và các trợ lý của ông đang dần bị thuyết phục rằng nhà báo này đã chết sau khi vào Lãnh sự quán Ảrập Xêút ngày 2-10-2018 để làm thủ tục đăng ký kết hôn.

Dù áp lực từ Nghị viện Mỹ đang tăng, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn đang chần chừ trong việc hủy hợp đồng bán vũ khí trị giá hàng triệu USD cho Ảrập Xêút bởi e ngại quốc gia dầu mỏ này sẽ chuyển sang mua của Nga hoặc Trung Quốc. 

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ đang cân nhắc một số biện pháp trừng phạt khác, có thể là rút quan chức Mỹ ra khỏi hội nghị đầu tư tại Ảrập Xêút vào cuối tháng này, giảm bớt quan hệ ngoại giao với Ảrập Xêút hoặc trừng phạt quan chức nước này.

Người đứng đầu mạng tin tức Arabiya thuộc Nhà nước Ảrập Xêút, ông Turki Al Dakhil, nhận định rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Ảrập Xêút có thể sẽ đẩy giá dầu lên mức 200USD/thùng hoặc cao hơn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tư vấn cao cấp tại Đại sứ quán Ảrập Xêút tại Washington khẳng định tuyên bố của ông Turki Al Dakhil không đại diện cho quan điểm của chính quyền.

Theo giáo sư Fawaz thuộc Trường Kinh tế London: “Hai công cụ quyền lực nhất mà Ảrập Xêút có trong tay chính là dầu và hoạt động đầu tư của nước này. Tôi hoài nghi về khả năng Ảrập Xêút sẽ tự giảm sản lượng sản xuất dầu và giảm cung dầu ra thế giới, bởi như vậy không khác nào tự làm hại chính mình, Ảrập Xêút cũng khó dám rút đầu tư xuống”.

Đe dọa tăng trưởng toàn cầu

Do giá năng lượng tăng cao, IEA đã điều chỉnh theo hướng giảm triển vọng nhu cầu trong 2 năm tới. Hiện tại, tổ chức này dự kiến tăng trưởng nhu cầu sẽ giảm 110.000 thùng/ngày, xuống còn 1,3 triệu thùng/ngày, và 1,4 triệu thùng/ngày vào năm 2019. 

Trước đó, ngày 9-10, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo kinh tế toàn cầu cho năm 2018 và 2019 thêm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 3,7%. Ngoài ra, IMF cũng lo ngại rằng nhu cầu dầu có thể giảm trong những tháng tới.

Ngoài IEA và IMF, OPEC cũng cắt giảm dự báo dành cho tăng trưởng nhu cầu dầu vào hôm 11-10. Tổ chức đến từ Trung Đông này đã có cùng quan điểm với những cơ quan khác trên thế giới khi trích dẫn các khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt vào năm tới, và chỉ rõ những hậu quả tiềm tàng đến từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như các thị trường mới nổi dễ biến động.

Báo cáo của IEA được đưa ra trong bối cảnh chỉ còn chưa tới 4 tuần nữa là Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt liên quan đến dầu thô nhắm vào Iran, với giá dầu Brent hiện được thiết lập trên 80 USD/thùng. 

"Đáp ứng được nhu cầu của một thị trường 100 triệu thùng mỗi ngày là một thành tựu phi thường cho ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu, nhưng hôm nay chúng ta đã đạt đến những đỉnh kép mới cho cầu và cung bằng cách khiến tất cả các bộ phận của hệ thống đang căng mình đến mức giới hạn", IEA cho biết.

Nhóm này cảnh báo rằng những đợt tăng sản lượng gần đây đã diễn ra theo hướng có hại cho khả năng dự phòng. "Đợt căng sức này có thể xảy ra với chúng ta trong một thời gian và có thể sẽ đi kèm với những mức giá cao hơn, tuy nhiên chúng ta sẽ hối tiếc về chúng và tác động tiêu cực tiềm tàng của chúng đối với nền kinh tế toàn cầu", IEA nói.

Kim Thu
.
.
.