Đầu tàu sáng tạo

Thứ Sáu, 12/05/2017, 16:11
42 năm sau ngày thống nhất đất nước, TP Hồ Chí Minh ngày càng năng động, sáng tạo và là đầu tàu phát triển của cả nước.


Đầu tàu của đầu tàu

Trong một lần về thăm nhà, người bạn lớn tuổi của tôi là một Việt kiều Mỹ đã phải ngỡ ngàng trước sự thay đổi của TP Hồ Chí Minh. Ngồi trên xe cùng tôi, anh luôn miệng xuýt xoa về sự phát triển nhanh chóng của thành phố. Anh cho biết đã ra nước ngoài từ ngày giải phóng. Khi đó, Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh ngày nay - dù được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông nhưng nếu so với bây giờ chỉ như một cô gái quê so với người mẫu trên sàn catwalk.

Lúc đó, dù nhiều người giàu cũng có ô tô và xe gắn máy, nhưng phương tiện đi lại của người dân chủ yếu vẫn là xe đạp. Còn bây giờ, ra đường chỉ thấy toàn xe gắn máy và ô tô, xe đạp hiếm hoi lắm mới thấy người đi. Về nhà cửa, anh cho biết lúc anh đi Sài Gòn vẫn chủ yếu là nhà cấp 4, nhưng nay chủ yếu là nhà lầu, và cao ốc cũng quá nhiều. Đường sá hiện nay cũng rộng hơn, hiện đại hơn...

Tôi cảm thấy rất vui khi nghe những lời xuýt xoa của anh. Nhưng có lẽ anh vẫn chưa biết được thành phố hiện nay còn có nhiều điều vượt trội hơn cả những điều anh mắt thấy tai nghe. Chẳng hạn, kể từ Nghị quyết đầu tiên về phát triển thành phố của Bộ Chính trị vào tháng 9-1982, đến nay GDP bình quân đầu người đã đạt mức hơn 5.500 USD và dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt đến 9.800 USD. Ðến nay, TP Hồ Chí Minh đã đóng góp khoảng 1/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 1/5 kim ngạch xuất khẩu và 1/5 quy mô kinh tế của cả nước; đóng góp 30% trong tổng thu ngân sách quốc gia.

Nói cách khác, TP Hồ Chí Minh chính là đầu tàu của nền kinh tế nước nhà. Điều này cực kỳ có ý nghĩa, nếu biết rằng Việt Nam chính là một trong những nước tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới nhiều năm qua. 

Niall Paul, Giám đốc Thị trường vốn mới nổi và toàn cầu của thị trường International, từng nhận định: “Việt Nam là nước có tăng trưởng bình quân đầu người nhanh nhất thế giới kể từ năm 1990, chỉ sau Trung Quốc. Nếu nước này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng 7%/năm trong vòng 10 năm tới, chắc chắn họ sẽ đi vào quỹ đạo giống như những con hỗ châu Á trước đây là Hàn Quốc và Đài Loan, tức công nghiệp hóa nhanh chóng và trở thành những nền kinh tế phát triển, thu nhập cao”.

Trong khi đó, Hãng tin kinh tế - tài chính hàng đầu thế giới Bloomberg News vào tháng 1-2017 đã có bài viết nhan đề “Việt Nam là hình mẫu phát triển kinh tế của ASEAN”. Bloomberg dẫn lời bà Eugenia Victorino, chuyên gia của Ngân hàng Australia & New Zealand tại Singapore, cho biết: “Việt Nam, quốc gia đã có sự chuyển mình từ một nước nông nghiệp thành một nước xuất khẩu hàng điện tử, trong đó có điện thoại thông minh, chính là hình mẫu cho các nước ASEAN”.

Như vậy, có thể nói TP Hồ Chí Minh chính là đầu tàu của đầu tàu khu vực. Vì vậy, những thay đổi mà anh bạn tôi nhìn thấy chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Lực kéo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Không thể chối cãi rằng, sự phát triển của cả Vùng kinh tế khu vực phía Nam mà ngày nay nhiều tỉnh cũng đã bứt phá lên được, là có vai trò rất lớn của TP Hồ Chí Minh. Theo Tổng cục Thống kê, đến năm 2015, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm khoảng 17% dân số, hơn 8% diện tích, sản xuất chiếm hơn 42% GDP, gần 40% kim ngạch xuất khẩu cả nước, đóng góp gần 60% ngân sách quốc gia. Đây là vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất, là trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính hàng đầu và là động lực phát triển năng động của cả nước và có tầm cỡ khu vực.

Đến nay, các tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu - Long An… cũng là những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế dẫn đầu cả nước. Bình Dương, Đồng Nai, Long An, trước năm 1975 không có vai trò lớn về công nghiệp nhưng nay đã trở thành những tỉnh công nghiệp hiện đại. Trong sự phát triển này có ảnh hưởng rất lớn từ TP Hồ Chí Minh bởi nơi đây vừa là cửa ngõ, vừa là trung tâm vận chuyển, giao thương và cũng là nơi tiêu thụ.

Chính vì thấy được tầm quan trọng đó, Chính phủ đã quy hoạch Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc cả miền Đông lẫn miền Tây Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Trong đó, với vai trò trung tâm kết nối phát triển, TP Hồ Chí Minh đã đóng vai trò chủ lực cho toàn vùng Nam Bộ trong quá trình chuyển đổi và phát triển cơ chế kinh tế thị trường dù mức độ lan tỏa chưa như tiềm năng vốn có.

Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.

“Một bước đột phá trong bức tranh kinh tế các tỉnh phía Nam, đó là từ chỗ chỉ có ngành công nghiệp cơ khí sửa chữa nhỏ, chủ yếu phục vụ cho quốc phòng, nay sau 40 năm đã hình thành được một loạt các tỉnh, thành công nghiệp,” ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá.

Thành phố năng động

Đạt được những thành tựu kinh tế, ngoài sự thuận lợi về địa lý, yếu tố quan trọng số 1 giúp TP Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong phát triển kinh tế, đó là tính năng động của con người ở vùng đất này.

Có thể nói, rất nhiều mô hình kinh tế mà hôm nay cả nước áp dụng, được bắt nguồn từ TP Hồ Chí Minh. Thành phố là địa phương tiên phong của cả nước trong việc triển khai xây dựng các khu chế xuất, khu công nghiệp; hình thành Trung tâm giao dịch chứng khoán, phát triển hệ thống ngân hàng cổ phần, quỹ đầu tư phát triển đô thị; xây dựng các chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; xây dựng cơ chế thúc đẩy phát triển mạnh các loại hình thị trường hàng hóa - dịch vụ, thị trường vốn, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học - công nghệ.

Đi đầu và sáng tạo luôn luôn kèm theo có thể thất bại. Nhưng với truyền thống luôn luôn sáng tạo, TP Hồ Chí Minh đã không xem đó là sự cản trở, mà lấy đó để làm sự thử thách để vượt qua.

Giai đoạn 1991 - 1995, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP Hồ Chí Minh đạt 12,6%; giai đoạn 1996 - 2000 tăng 10,1%; giai đoạn 2001 - 2005 tăng 11%; giai đoạn 2006 - 2010 tăng 11,4%; giai đoạn 2011 - 2015, GRDP TP tăng trưởng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,66 lần mức tăng bình quân 5,8% của cả nước.

GRDP bình quân đầu người liên tục tăng nhanh, giai đoạn 2006 - 2010 là 3.199 USD/người, giai đoạn 2011 - 2013 đạt 4.517 USD/người, năm 2015 là 5.538USD/người, năm 2016 là 5.428 USD/người. TP Hồ Chí Minh kiên trì thực hiện phương châm phát triển bền vững, gắn tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xă hội.

Hồng Ðịnh
.
.
.