Đấu thầu xử lý rác thải sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng

Thứ Sáu, 27/04/2018, 09:09
Mỗi năm, TP HCM chi hàng nghìn tỷ đồng cho công việc quét dọn, thu gom, vận chuyển rác thải. Tuy nhiên, nếu tổ chức tốt việc đấu thầu minh bạch, đúng luật, lựa chọn đơn vị thực hiện việc này, thành phố có thể tiết kiệm thêm một khoản tiền không nhỏ… 

Và dù đã có quyết định của thành phố, nhưng do đặc thù các gói thầu có điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, gây những khó khăn phát sinh và còn một số khúc mắc khác nên các quận - huyện chưa mạnh dạn thực hiện đấu thầu…

Nhiều khúc mắc trong quá trình triển khai đấu thầu

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có ý kiến chỉ đạo về công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố. Theo đó, UBND TP đề nghị Chủ tịch UBND 24 quận, huyện nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND TP về chủ trương đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn nhằm bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả. 

Việc đấu thầu xử lý rác sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Việc đấu thầu công tác thu gom, vận chuyển rác sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách thành phố, giảm thất thoát kinh phí, tăng khối lượng quét dọn. 

UBND TP chấp thuận ủy quyền cho Chủ tịch UBND 24 quận, huyện tổ chức xây dựng đơn giá, xác định dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị, dự toán các chi phí giám sát, chi phí quản lý dịch vụ công ích đô thị; tổ chức thẩm định, phê duyệt đơn giá và dự toán các chi phí trên trong công tác đặt hàng hoặc đấu thầu trong lĩnh vực vệ sinh môi trường theo đúng quy định hiện hành.

Phải nhắc lại rằng, ý kiến chỉ đạo kể trên bắt nguồn từ thực tế những năm gần đây, công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt trên địa bàn thành phố chủ yếu được các công ty công ích quận, huyện và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố thực hiện qua hình thức đặt hàng.

Trước đó, vào cuối năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã ra Quyết định 6396 (có hiệu lực vào đầu năm 2018) ủy quyền cho 24 quận, huyện tổ chức thực hiện thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt cũng như xây dựng và phê duyệt đơn giá, dự toán gói thầu thay vì thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP Hồ Chí Minh như trước đây. Với quyết định này, nhiều quận - huyện xem như được trao quyền tự chủ trong thu gom rác thải…

Theo Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh, ngay sau khi có quyết định và ý kiến chỉ đạo của thành phố, Sở đã hướng dẫn các quận, huyện tiến hành đấu thầu, tổ chức kiểm tra giám sát các hợp đồng. Đến thời điểm hiện nay, có 5 quận đã thực hiện triển khai đấu thầu là Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức, quận 4 và quận 12. 

Trong đó, quận 12 chỉ đấu thầu ở khâu quét rác trên đường từ năm 2017, còn việc thu gom, vận chuyển vẫn do công ty công ích quận đảm trách. Như vậy, vẫn còn 19 quận huyện khác chưa thực hiện được việc đấu thầu thu gom rác. Theo lãnh đạo nhiều quận, huyện thì có không ít lúng túng trong quá trình triển khai đấu thầu vì thiếu các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là đơn giá.

Là một trong năm quận triển khai việc đấu thầu, lãnh đạo quận Bình Tân cho biết, mỗi năm quận này chi khoảng 250 tỷ đồng cho công tác quét, thu gom và vận chuyển rác. Gần đây, nhờ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị đảm nhiệm công việc trên (đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP) đã giúp quận tiết kiệm khoảng 25 tỷ đồng, tức 10% tổng chi phí cho hoạt động trên. Tuy nhiên, khó khăn là khi đấu thầu xong, việc tổ chức nghiệm thu khối lượng và kinh phí thực hiện lại chưa được hướng dẫn.

Trong khi đó, theo đại diện UBND quận Gò Vấp, hiện quận vẫn duy trì chỉ định thầu là Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP. Quận Gò Vấp cho rằng công tác đấu thầu có ba vấn đề chính là khối lượng, đơn giá, vốn duy trì hợp đồng. 

Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn TP Hồ Chí Minh thải ra hơn 8.300 tấn rác sinh hoạt.

Do hiện nay chưa có đơn giá chính thức nên chưa thể triển khai đấu thầu. Bởi mấy năm nay, đơn giá năm sau thường được tạm tính trên cơ sở giá của năm trước. Việc làm này chưa chặt chẽ và gây khó khăn cho công tác thanh quyết toán hằng năm giữa các đơn vị.

Dù còn một số khó khăn, khúc mắc, tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP Hồ Chí Minh, công ty này ủng hộ chủ trương đấu thầu cung ứng dịch vụ thu gom và xử lý rác, bởi điều đó tạo sự cạnh tranh công bằng, minh bạch hơn.

Thực tế cho thấy, việc tổ chức đấu thầu thu gom, vận chuyển rác đường phố đã phát huy rõ rệt hiệu quả xã hội, giúp thành phố tiết kiệm được khoản ngân sách không nhỏ. Cụ thể, các gói thầu giúp tiết kiệm ngân sách về xử lý rác cho thành phố khoảng từ 20% đến 30% kinh phí. Chưa kể công tác thu gom, quét dọn rác luôn bảo đảm đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật và được địa phương đánh giá cao.

Theo một số liệu thì kết quả đấu thầu quét rác đường phố ở quận 12 (6 tháng cuối năm 2017) đã giúp giảm chi phí ngân sách hơn 3,6 tỷ đồng so với hình thức đặt hàng trước đó…

Bên cạnh đó, để đủ điều kiện tham gia và thắng thầu, các nhà cung cấp dịch vụ thu gom rác phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thông qua việc đầu tư cho nhân sự, trang thiết bị, phương tiện...

Sẽ xử lý nghiêm nếu làm đối phó hoặc không làm

Thực tế hiện nay, việc tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt bao gồm: thu gom từ điểm hẹn về trạm trung chuyển, từ trạm trung chuyển vận chuyển về khu xử lý tập trung theo quy định của Sở TN-MT; vận hành trạm trung chuyển trên địa bàn quận, huyện; ký hợp đồng đặt hàng hoặc đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện cung ứng dịch vụ nói trên. 

Đối với công tác thu gom, vận chuyển từ trạm trung chuyển số 1 Tống Văn Trân, quận 11 và trạm trung chuyển số 12 Quang Trung, quận Gò Vấp về các khu liên hợp xử lý chất thải rắn và công tác vận hành hai trạm trung chuyển này thì UBND quận 11 và UBND quận Gò Vấp ký hợp đồng đặt hàng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố thực hiện cho đến khi UBND TP Hồ Chí Minh triển khai đấu thầu.

Đối với các quận 2, 3, 4, 9, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Thủ Đức và các huyện Hóc Môn, Nhà Bè, trong thời gian đầu triển khai phân cấp, sẽ giữ nguyên đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt hiện hữu trên địa bàn nhằm tránh xáo trộn cho đến khi triển khai đấu thầu. Riêng địa bàn quận 1 do tính chất đặc thù nên chưa xem xét triển khai công tác đấu thầu trong thời điểm này.

Tuy nhiên, với việc mới chỉ có năm quận tổ chức đấu thầu hoạt động quét, thu gom và vận chuyển rác trên địa bàn toàn thành phố như hiện nay cũng cho thấy công tác này chưa được thúc đẩy một cách mạnh mẽ.

Bãi rác Đa Phước (Ảnh Thuận Thắng).

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TP, sở dĩ nhiều quận, huyện chưa tổ chức đấu thầu quét, thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt là do các khó khăn, vướng mắc như bất cập về việc ủy quyền cho các quận, huyện trong việc xây dựng đơn giá quét dọn, thu gom, vận chuyển rác; trong các gói thầu về quét dọn, thu gom rác, tiền lương và phụ cấp cho công nhân làm việc này chưa có khoản phụ cấp nặng nhọc và độc hại; thiếu chi phí quản lý giám sát, định mức lợi nhuận định mức trong lĩnh vực này, thiếu đơn giá khi lượng rác phát sinh… 

Cùng với đó, do đặc thù các gói thầu có điều chỉnh trong quá trình triển khai thực hiện, gây những khó khăn phát sinh nên các quận, huyện chưa mạnh dạn thực hiện đấu thầu.

Từ đó, Sở TN-MT TP đã kiến nghị UBND TP tiếp tục ủy quyền cho UBND quận, huyện tổ chức xây dựng đơn giá, xác định dự toán chi phí dịch vụ công ích đô thị, dự toán các chi phí giám sát, chi phí quản lý dịch vụ công ích đô thị; tổ chức thẩm định, phê duyệt.

Và kết quả là UBND TP đã có ý kiến chỉ đạo về công tác đấu thầu thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố như đề cập trên. Bên cạnh việc yêu cầu các quận, huyện nghiêm túc, khẩn trương thực hiện tổ chức đấu thầu quét dọn, thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt ngay trong quý II/2018, UBND TP đề nghị Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP, Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận, huyện và các đơn vị liên quan tăng cường chuyển đổi công nghệ, phương tiện, thiết bị… nhằm đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, chất lượng vệ sinh môi trường theo quy định của các cơ quan chuyên ngành và phù hợp với công tác quét dọn, thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố tăng tính cạnh tranh công bằng, minh bạch và đạt hiệu quả kinh tế.

Đồng thời, để tạo thuận lợi cho các quận, huyện trong quá trình triển khai, UBND thành phố cũng chỉ đạo bốn sở: Xây dựng, TN-MT, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ động hướng dẫn. Khi các quận, huyện nhờ hướng dẫn thì chậm nhất 5 ngày phải có văn bản trả lời.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định: "Ngân sách thành phố chỉ chi một khoản cố định cho việc thu gom rác một lần/ngày. Tuy nhiên, chính điều này làm đường phố không sạch. Để đường phố sạch hơn, phải gia tăng tần suất thu gom rác, nhưng lại phải tiết kiệm ngân sách. Như vậy, chỉ có cách duy nhất là đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch. 

Qua thực tế, các đơn vị triển khai đấu thầu đều thu được kết quả khả quan, thậm chí tiết kiệm được tiền tỷ. Chúng ta nên sớm triển khai mô hình này. Quận, huyện nào có khó khăn trong quá trình triển khai thì phải báo cáo để tháo gỡ, chứ làm đối phó hoặc không làm sẽ bị xử lý nghiêm".

Ánh Xuân
.
.
.