"Đầu trộm, đuôi cướp" và cách ứng phó

Thứ Ba, 04/10/2016, 08:51
Bàn về những vụ thảm án xảy ra gần đây, mà nạn nhân là nhiều người trong cùng một gia đình, bị sát hại dã man dưới tay những tên trộm đêm, luật sư Lê Hồng Hiển (Giám đốc Công ty luật Nay&Mai) cho biết, đó là sự chuyển hóa của tội phạm. Phổ biến nhất là trường hợp "đạo tặc" đột nhập vào nhà để "khua khoắng" đồ đạc, bị chủ nhà phát hiện tri hô hay xông vào giằng co bắt giữ...


Nỗi sợ bị trừng phạt có ở bên trong tâm lý kẻ gian sẽ được "kích hoạt" ngay tức khắc, biến thành hành vi chống trả quyết liệt trên thực địa để chạy thoát thân, hoặc để có thể mang ra khỏi nhà khối tài sản vừa lấy và đó là lúc tội ác phát sinh.

Nhận diện thủ đoạn

Những năm gần đây, những vụ án có tính chất "đầu trộm - đuôi cướp" đã xuất hiện ngày một nhiều. Đó là những vụ đã đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam như một ví dụ điển hình về sự man rợ, tàn bạo của tội phạm trong giai đoạn hiện nay, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bất an trong xã hội.

Mới đây nhất là vụ Doãn Trung Dũng ở Uông Bí, Quảng Ninh trong một đêm đã "xuống tay" sát hại cả 4 bà cháu vốn là người trong họ mạc. Ngược thời gian, thảm án do Lê Văn Luyện ở Lục Nam, Bắc Giang; vụ Nguyễn Văn Kỳ ở xã Canh Nậu, Thạch Thất, Hà Nội… từng gây rúng động xã hội. Đơn giản là vì loại hình tội phạm này ngoài hành vi chiếm đoạt tài sản, hung thủ còn tước đoạt sinh mạng con người, có khi tàn sát cả một gia đình. 

Ngôi nhà xảy ra vụ thảm án tại Uông Bí, Quảng Ninh.

Phân tích về những thủ đoạn thường dùng của bọn trộm, cướp đột nhập, Thiếu tá Lê Minh Hải (Đội trưởng Đội Điều tra trọng án, Phòng PC45 - Công an TP Hà Nội) cho biết: "Chúng thường hoạt động theo ổ nhóm, có từ 2 tên trở lên và có sự phân chia vai trò như tìm hiểu địa bàn, cảnh giới, đột nhập vào trong lấy tài sản và tiêu thụ của gian.

Trước khi gây án, chúng thường đến hiện trường để "tăm tia" (khảo sát, nắm tình hình). Khoảng thời gian từ 0-5h sáng thường được chọn ra tay, vì là lúc người trong nhà đã ngủ say. Hướng đột nhập thường qua cửa sổ, cửa thông tầng, cửa lỗ thoáng, ô thông gió, trèo lên ban công, đột nhập từ cửa tum xuống (vì những cửa nội bộ này thường không kiên cố như cửa chính). Nhiều tên lợi dụng cột điện, cây xanh gần nhà để leo lên và xâm nhập vào từ tầng thượng (như vụ Lê Văn Luyện).

Hầu hết các vụ đột nhập, kẻ gian đều mang theo dao nhọn, dao bấm để cạy phá tủ và làm hung khí để phòng thân hoặc tấn công, khống chế chủ nhà khi bị phát hiện. Tâm lý của bọn tội phạm đột nhập rất sợ bị phát hiện, bắt giữ. Vì vậy, chúng trở nên rất manh động, sẵn sàng tấn công chủ nhà nếu kháng cự hoặc làm chúng cảm thấy nguy hiểm. 

Phòng hơn chống

Vẫn theo Thiếu tá Hải, việc chủ động phòng ngừa sẽ vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu thiệt hại trong các vụ trộm đột nhập. Anh tư vấn: "Trước hết, các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, kể cả cửa ban công, sân phơi cũng phải chắc chắn và đóng khoá cẩn thận, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, khóa trong để chống cắt phá khóa. Trước khi đi ngủ, cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhiều ngày phải nhờ người trông coi.

Nên làm tường, rào ngăn chặn việc leo chuyền từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà. Không nên để nhiều tiền mặt, tài sản quý ở trong nhà, nên chia nhỏ tiền và cất ở nhiều nơi. Nếu có, hãy để chúng ở những nơi ít ai ngờ tới nhất.

Không nên khoe thu nhập cao với mọi người, bởi sự giàu có rất dễ cám dỗ những kẻ xấu. Thường xuyên chia sẻ với các thành viên trong nhà những kỹ năng đối phó với các tình huống trộm đột nhập. Dạy cho trẻ khi bị đột nhập phải biết gọi điện báo hàng xóm, Công an và người thân, dạy chúng cách mở khoá cửa để thoát hiểm. Phải lưu số điện thoại của người hàng xóm và công an địa phương.

Trong nhà nên chuẩn bị sẵn những đoạn gậy (tre, sắt, gỗ, bình xịt hơi cay…), để rải trong góc cửa, dưới gầm giường, khe tủ… bởi vì khi đối phương cầm dao thì với một đoạn gậy dài trên tay, bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn. Các thành viên trong gia đình đều phải biết những vị trí để vũ khí tự vệ". 

Sát thủ Lê Văn Luyện - tên trộm đột nhập biến thành cướp.

Giữ mạng hay giữ tiền?

Theo võ sư Trịnh Hồng Minh (môn phái Nhất Nam) thì trong mọi tình huống khi phát hiện gia đình bị trộm đột nhập, ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe con người. Nên nhớ rằng, còn người còn của, đừng tự đặt mình vào gần hơn với nguy hiểm vì tiếc của. Đừng vì luyến tiếc tài sản mà ứng xử manh động, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Ông nói: "Điều quan trọng nhất là phải cố gắng trấn tĩnh lại khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong đêm. Khi đó, hãy bật các đèn lên, gọi người nhà dậy, gọi điện báo Công an… để đánh động. Nếu nghi ngờ trộm đã vào trong sân vườn, tuyệt đối không được mở cửa đi ra xem xét.

Hãy quan sát qua cửa sổ, ban công hoặc áp tai vào cửa để nghe ngóng. Lúc này, gậy và bình xịt cay phải cầm sẵn trên tay. Cũng có thể gọi điện nhờ hàng xóm quan sát, theo dõi giúp mình từ bên ngoài. Khi đi làm về mà trời đã tối, chớ vội bước vào nhà ngay mà cần bật đèn trước cửa để quan sát, vì kẻ gian thường trốn trong bóng tối.

Nếu thấy trong nhà có người lạ, hoặc tiếng động lạ, quan sát thấy cửa bị cậy, nhất thiết không được vào nhà, mà phải lập tức gọi điện báo cho Công an, gọi hàng xóm hoặc người xung quanh cùng đến xem xét sự việc. Nếu đã vào bên trong nhà mới phát hiện có trộm, phải rất bình tĩnh, có thể giả vờ là người đến chơi, không được lộ ra mình là chủ nhà khiến bọn trộm hoảng sợ mà tấn công chống trả hoặc bắt giữ làm con tin.

Nên tìm cách để kẻ trộm đi ra và nhớ quan sát, ghi nhớ đặc điểm của chúng để báo Công an. Nếu trộm đã đột nhập vào nhà, phải tuỳ cơ ứng biến trên cơ sở cân nhắc về tương quan lực lượng giữa bản thân mình và đối tượng.

Tuyệt đối không nên manh động xông vào tấn công đối tượng để bắt giữ, khi chưa biết chúng có bao nhiêu tên, có những hung khí gì và đã chiếm giữ vị trí nào trong nhà. Khi đó cần khóa chặt cửa phòng ngủ, đánh thức người bên cạnh dậy và thông báo thật khẽ tình hình cho họ biết về mối nguy hiểm đang rình rập bên ngoài. Trước khi đánh thức nên dùng tay bịt miệng họ nếu đó là người hay giật mình.

Võ sư Trịnh Hồng Minh.

Trường hợp trong nhà có trẻ em, người già cả không có khả năng tự vệ, rất dễ mất bình tĩnh, la hét dẫn đến hậu quả thảm khốc, khi đó cần phải tìm cách đưa họ thoát ra khỏi nguồn nguy hiểm. Cần nhẹ nhàng ra khỏi phòng ngủ không để đối tượng phát hiện, cầm sẵn vũ khí trên tay. Nên dồn họ vào nhà vệ sinh, trong phòng nào đó hoặc sân thượng… có cửa an toàn và yêu cầu chốt chặt cửa, ở yên trong đó.

Nếu chủ nhà có võ, hoặc trong nhà nhiều đàn ông trưởng thành mới nên nghĩ đến phương án tấn công bọn trộm. Còn không thì nên ẩn náu cùng gia đình trong phòng an toàn, đã khóa cửa cách ly với bên ngoài. Đây cũng là cách ứng phó khi trong nhà chỉ có một mình.

Sau khi mọi người đã an toàn, hãy bật điện, gọi điện thoại thật to cho Công an. Đối tượng thấy nguy hiểm sẽ tự rút lui theo lối chúng vào nhà. Ban đêm khi tỉnh giấc, nếu phát hiện có trộm tốt nhất nên nghe ngóng, quan sát để quyết định phương án ứng xử tối ưu nhất".

 Đối với tình huống bản thân hoặc người nhà đã bị kẻ gian khống chế, theo võ sư Minh ứng xử khôn ngoan nhất là tỏ ra phục tùng, làm theo tất cả những yêu cầu của bọn cướp. "Đừng có la hét, tri hô hay chống cự, bởi làm thế sẽ kích hoạt nỗi sợ trong người đối tượng, biến thành hành vi ác tính cao. Nên nhớ mục đích của chúng thường là tài sản chứ không phải là mạng sống.

Biết được điều này, chủ nhà nên chấp nhận chỉ nơi để ví, túi xách, đọc mã số hoặc tự mở két sắt cho chúng, phải cho chúng có một số ít tiền hoặc gì đó để ra đi. Không nên nhìn thẳng và đừng bao giờ ra vẻ cố gắng ghi nhớ mặt chúng. Nếu có nhận ra người quen cũng tuyệt đối vờ như không biết.

Trường hợp bị tấn công, hãy la hét, kêu thật to lên để người trong nhà gọi công an và dám tự vệ bằng bất cứ thứ gì có được. Lúc này chỉ cần cái gạt tàn, cái ấm, phích nước sôi… ném vào người đối tượng hoặc thủ thế cũng có thể thay đổi tình hình. Khi chống trả, hãy nhằm vào mắt, bộ hạ, yết hầu là những tử huyệt trên người đối tượng.

Nhưng nên nhớ là đánh để chạy, chứ không phải đánh để bắt. Hãy tận dụng mọi cơ hội để thoát ra ngoài hoặc chạy được vào phòng nào đó có cửa chắc chắn và khóa chốt trong lại. Nếu bị đánh trong đêm, kẻ đột nhập thường không biết mức độ chấn thương của nạn nhân, nên cách cuối cùng trong tình huống này là nằm im giả chết, mặc cho chúng lục lọi, cho đến khi rút đi.

Tóm lại, đừng kháng cự nếu tự thấy mình yếu thế hơn chúng. Khi thấy kẻ trộm vừa ra khỏi nhà, nên quan sát, ghi nhớ đặc điểm, hướng chạy của chúng, rồi trình báo (bằng điện thoại hoặc trực tiếp) với cơ quan Công an gần nhất, cung cấp những thông tin về tên trộm (như độ tuổi, màu da, vẻ mặt, tóc, đặc điểm nhân dạng, ăn mặc, đồ vật mang theo, hướng chạy…) để truy bắt theo dấu vết nóng, không được một mình manh động đuổi theo, rất dễ gặp nguy hiểm" - võ sư Minh tư vấn.

Đào Trung Hiếu
.
.
.