Day dứt nỗi đau trẻ bị bạo hành

Chủ Nhật, 03/12/2017, 19:28
Trong vòng chục ngày, 6 vụ bạo hành trẻ em đã khiến tất cả chúng ta phẫn nộ.

Đó là vụ bà giúp việc “tung hứng” bé gái chưa đầy 2 tháng tuổi ở Hà Nam; vụ một số cô giáo ở cơ sở mẫu giáo tư thục Mầm Xanh, TP Hồ Chí Minh đánh đập dã man các cháu bé vào nhiều thời điểm trong ngày; là gã bảo vệ dân phố ở quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh thường xuyên “mơ” cháu bé 6 tuổi chửi mắng mình nên ra tay sát hại cháu; là vụ bé gái học lớp 2 ở Châu Thành, Kiên Giang bị người cha độc ác trong cơn tức giận đã lấy thanh sắt nung đỏ gí vào má phải; là vụ bà ngoại ở Tiền Giang dùng dây kẽm siết cổ cháu trai 7 tuổi đến chết rồi uống thuốc trừ sâu tự tử không thành; và cuối cùng là vụ một bé gái hơn 20 ngày tuổi ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa bị bà nội sát hại…

Không chỉ riêng tôi, tất cả chúng ta khi đọc những dòng tin trên đều cay mắt, thấy tức ngực vì thương xót những em bé còn rất nhỏ nhưng đã phải chịu cảnh bạo hành của người lớn và căm phẫn những kẻ có hành vi dã man, mất nhân tính đó. Bởi các em còn nhỏ lắm, thậm chí sự sống còn rất mong manh, thấy đau chỉ biết khóc và càng không thể tự bảo vệ mình.

Sự ra đời của một đứa trẻ luôn là điều kỳ diệu nhất. Nó trở thành niềm hạnh phúc, gắn kết yêu thương các thành viên trong gia đình. Một đứa trẻ được sinh ra tự bản thân nó đã giữ một vị trí đặc biệt quan trọng và việc cha mẹ dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con cũng là lẽ đương nhiên.

Minh họa của Tả Từ.

Với các nước phát triển, nhà nước luôn có những chính sách đặc biệt với trẻ em để các em phát triển một cách tốt nhất. Bạn không thể tự ý ôm hôn, vuốt ve một đứa trẻ nếu cha mẹ chúng không cho phép chứ đừng nói đến việc đánh đập, bạo hành, bởi nếu có hành vi thô bạo với trẻ, kẻ gây ra tội ác đó chắc chắn sẽ bị xã hội khinh rẻ, lên án và phải nhận một bản án nghiêm khắc. Cùng với trẻ em, người già, phụ nữ và người khuyết tật luôn được xã hội đặc biệt quan tâm, có chế độ ưu đãi riêng.

Trở lại những vụ bạo hành trên. Nó không phải là cá biệt vì thỉnh thoảng, chúng ta lại giật mình khi trên các trang mạng xã hội đưa tin cô giáo một trường mầm non A hành hạ vô cớ các cháu bé hay một kẻ độc ác, bất lương nào đó đánh đập hoặc ra tay sát hại một cháu bé…

Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp 6 vụ việc nghiệm trọng xảy ra khiến chúng ta choáng váng và thật sự bị ám ảnh về ánh mắt trong veo của các cháu bé, về sự độc ác không có giới hạn của những kẻ mất hết nhân tính.

Tất nhiên, kẻ gây ra tội ác sớm hay muộn đều phải nhận sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật. Còn kẻ nào đang lẩn trốn, trước sau cũng phải tra tay vào còng. Nên nhớ, bạo hành, sát hại đối với trẻ em luôn là tình tiết tăng nặng định khung và chắc chắn phải nhận hình phạt cao hơn thông lệ. Chỉ như thế, bản án mới tương xứng với tội ác mà chúng gây ra, có tác dụng răn đe, phòng ngừa.

Tuy nhiên, trừng phạt chỉ là giải pháp sau cùng. Điều chúng ta mong mỏi hơn cả chính là việc hạn chế đến mức thấp nhất những vụ bạo hành đối với trẻ em. Có rất nhiều cơ quan quản lý nhà nước với đầy đủ ban bệ từ Trung ương đến địa phương được ra đời có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Đáng buồn là những hoạt động thực tiễn của họ còn mờ nhạt. Thậm chí, khi những vụ việc đau lòng xảy ra, họ mới dè dặt lên tiếng và chưa thể hiện được sự quyết liệt trong việc ngăn chặn, phòng ngừa nạn bạo hành trẻ.

Vậy giải pháp nào nhằm ngăn chặn nạn bạo hành trẻ em? Nhiều lắm, bởi đã có vô số các hội nghị, hội thảo, nghị quyết, thậm chí là Luật Trẻ em đề cập tới vấn đề này.

Với tôi, chỉ mong sao người lớn chúng ta sống đúng mực, có trách nhiệm với gia đình, xã hội và luôn là tấm gương để con trẻ nhìn vào. Những đứa trẻ rất cần một môi trường sống hoàn thiện để phát triển về nhân cách mà môi trường gẫn gũi, thân thuộc nhất chính là mái nhà các em được sinh ra và lớn lên.

Tuấn Nguyễn
.
.
.