Đấy không phải là một giấc mơ

Thứ Tư, 01/02/2012, 11:32

Những ngày cuối năm, người ta thường có những khoảng thời gian ngồi với bạn bè hoặc đôi khi ngồi một mình để nhớ lại những ngày tháng cũ. Những ngày tháng mà đời sống vật chất còn quá nhiều thiếu thốn nhưng lại hạnh phúc vô cùng. Bởi lúc đó, con người nghĩ về những điều tốt đẹp nhiều hơn là nghĩ cách kiếm tiền.

Và những điều tốt đẹp ấy thật vô cùng giản dị, giản dị đến mức làm cho không ít người bây giờ không hiểu được vì sao những điều ấy lại làm nên một đời sống tinh thần kỳ diệu của những năm tháng trước đây… Những điều tốt đẹp bây giờ nhắc lại đôi khi lại như một giấc mơ. Nhưng đó không phải là một giấc mơ. Đó là hiện thực đời sống này mà chúng ta đã từng sống.

Củ khoai hầm trấu

Vào đầu những năm sáu mươi, người thưa thớt hiền hòa, khí hậu dễ chịu, nhất là khi gia đình tôi về sống cạnh sông Chu - Thanh Hoá. Con sông mùa nước cạn nhìn thấy cát. Hai bên sông là ngô và những ruộng khoai lang. Khoai vùng cát này luộc dù có vụng mấy cũng đầy bột trắng khi chín, ăn thơm và bột thì tơi ra, mùi đậu xanh rang. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên mùi món ăn đã nuôi sống con người suốt bao nhiêu năm thời buổi loạn lạc, thiếu thốn. Cứ bao giờ ở quê gặt hái xong, mẹ tôi cũng nhìn ra ngõ và nhắc: chưa thấy ông Tiêu lên! Trong gia đình ông ngoại, khi còn yên hàn, ông Tiêu trông nom sân vườn ruộng bãi, trông nom cả nghề dệt cửi cho nhà ông ngoại tôi.

Trong nhà  bao giờ cũng có độ hai chục thợ gặt thợ dệt cửi, lo công việc cho họ, lo trả lương trả nông sản cho họ là cả một chuyện lớn. Ông Tiêu làm chu tất. Ông theo bác tôi bán vải ở chợ Hà Đông từ nhỏ, rồi về Thanh và gắn bó với gia đình ông ngoại tôi như con nuôi. Nhiều biến động lớn đến với làng quê, ông bà ngoại tôi mất, ruộng vườn phát tán, ông Tiêu vẫn trung thành với người chủ cũ. Các bác các cô tôi chạy mỗi người mỗi phương, ở quê còn ngôi nhà thờ họ chưa bị phá hẳn, người ta trưng dụng phía ngoài làm nơi để dụng cụ sản xuất, phía trong vẫn được thờ phụng.

Ông Tiêu là người hương khói. Nhờ ông cả nhà tôi an tâm đi làm ăn. Ông là người giúp việc nhưng thiết thân như người trong nhà, giống những người hầu trong các câu truyện tôi vẫn đọc, trung thành với chủ đến khi chết. Ông lấy vợ có con, gia đình cũng có phúc nên ông có vẻ thảnh thơi no đủ. Giữ lệ cũ, cứ gặt hái xong ông đi thăm chúng tôi. Bọn trẻ chúng tôi nhớ ông vì ông mang đến nhiều sự thú vị.

Hoa trái trong vườn đầy một cái bị cói. Nghề dệt cửi không còn nhưng ông bà vẫn giữ cái khung cửi và dệt cho chúng tôi mấy tấm lụa tơ tằm, mẹ tôi may gối may khăn cho bọn trẻ. Ông đến nhà chúng tôi, người nhỏ thó, hóm hỉnh, ông ngồi hút thuốc lào trong bếp, và khi ông bắt tay vào làm cái món ăn kỳ lạ, quen thuộc và ấn tượng nhất đối với chúng tôi, ông linh hoạt hẳn lên. Món khoai nướng nồi Nghệ mà bà ngoại tôi dạy ông làm khi ông vào ở nhà chúng tôi, thuở chúng tôi chưa ra đời.

Mẹ chúng tôi chuẩn bị hai thùng trấu để ở chái nhà. Chúng tôi theo ông ra sông Chu xem ông rửa khoai. Khoai chọn củ vừa phải, không to quá khó chín, cũng không nhỏ quá. Gọt đầu đuôi, dùng rơm cọ hết đất nhưng đừng để khoai tróc vỏ. Thường ông rửa khoảng ba cân khoai, lau từng củ cho hết nước rồi xếp vào cái nồi đất, loại nồi nung kỹ như sành.

Về sân nhà, ông đào một cái hố nông, rải xuống dưới một lượt trấu. Khoai xếp vào nồi xong, đậy vung thật kỹ, ông dùng bùn đào duới ao trét kín cái nồi, từ dưới lên trên. Ông mồi cho đám trấu dưới hố cháy lên, úp nồi khoai lên đám trấu đang ngún khói, và ông đổ lên trên cái nồi cả một bao tải trấu. Mồi cho trấu ở phía dưới cháy thêm nữa, ông úp cái nơm lên, che gió bằng bao tải và bảo chúng tôi: "Các cô cậu đi chơi đi. Khoai chín thì tôi gọi!".

Thường ông ủ khoai khoảng ba giờ chiều. Chúng tôi chơi dưới bãi sông, trò chơi thường ngày không còn hấp dẫn nữa khi đứa nào cũng nhớ đến nồi khoai nướng trấu. Ông Tiêu nhàn hạ ngồi trò chuyện với cha mẹ tôi, rồi ông sửa hàng rào, ông cuốc xới vài luống rau cải ở xó vườn và không quên săn sóc nồi khoai nướng. Thỉnh thoảng ông giở cái nơm ra, đổ thêm trấu lên nồi khoai, rồi đi làm việc khác. Bữa cơm chiều chúng tôi ăn cũng chả hào hứng, vì đứa nào cũng chờ khoai. Tối một lúc lâu, trời bên ngoài gió rét, chúng tôi nằm trong chăn thò cổ ra nghe người lớn nói chuyện, và cả lũ ào lên khi ông Tiêu đủng đỉnh: "Có dễ khoai đã dừ rồi. Cho tôi mượn cái đèn!".

Cả nhà háo hức, trẻ con đã đành, cha mẹ tôi cũng vậy, đứng vây quanh nồi khoai. Ông Tiêu chậm rãi giở bao tải, giở cái nơm, gạt lớp trấu đã cháy thành tro. Cái nồi Nghệ nằm giữa đống tro còn nóng. Ông Tiêu dùng lá chuối lót tay, ông lôi cái nồi lên. Lớp đất bùn trát ngoài nồi, do nóng quá, đã khô đi, chỉ cần đập nhẹ tay vào là rã ra từng mảng. Cái nồi Nghệ không suy suyển gì có thể dùng nhiều lần nữa. Khi vung nồi bật ra, ông Tiêu cười hóm hỉnh: dễ chừng chả củ nào dám sượng đâu, chín hết đấy! Khoai bỏ ra đĩa, người lớn khoan thai bóc vỏ, bẻ từng miếng vừa ăn vừa trò chuyện.

Lũ trẻ chúng tôi ăn như bị bỏ đói ba năm. Khoai vốn dễ chán, nhưng khoai nướng nồi Nghệ ăn một lúc ba bốn củ vẫn chưa đã. Chúng tôi để cả vỏ, cho vào miệng khoai đã tơi ra như bột. Khoai vùng này vốn ngon nhưng hầm trấu thế này, nó chín đến từng phân tử bột, thơm từ vỏ thơm vào. Ăn đến đâu nhớ đến đó. Cha mẹ tôi đem khoai nướng mời hàng xóm láng giềng. Nhà vài ba củ cho vui, ai cũng bảo: nướng thế này có cho gì thêm vào không? Sao thơm lạ thế? Ông Tiêu chỉ cười cười. Cái vẻ thư thả của ông làm cho củ khoai ông nướng có cái gì đó thi vị. Và sự êm ả thi vị đó chẳng bao giờ tôi có thể quên được.

Ông Tiêu ở chơi với gia đình tôi độ mươi ngày, khi về quê ông mang theo quần áo cũ cho trẻ con trong nhà, mẹ tôi gói cho ông đường sữa là những thứ ở quê hiếm hoi. Ông đi rồi mẹ tôi bảo có dễ sang năm ông mới lên. Chúng tôi thèm khoai nướng trấu đến mức bắt cha mẹ tôi làm… Chiều con cái, mẹ tôi cũng rửa khoai, xếp vào cái nồi Nghệ ông Tiêu rửa sạch gác trên gác bếp. Mẹ cũng đổ trấu bên dưới bên trên. Cũng ủ trấu như thế và khoai cũng chín hết, nhưng rất lạ là ăn không thấy ngon như khoai do ông Tiêu nướng. Cha tôi chê: sao bột nó không được tơi? Chúng tôi bảo nhau: hay ông Tiêu có bí quyết gì?

Cho đến hôm nay, đêm đêm người bán rong rao ngoài đường phố: khoai nướng đây, tôi cứ nhớ ông Tiêu. Ông đã về chầu tiên tổ từ lâu, còn chúng tôi cũng đã già cả rồi. Nhưng không thể quên ông. Có hôm rét gọi hàng khoai mua vài củ, bên ngoài cháy, vỏ cứng quèo, bên trong khoai sống nguyên. Phải vất đi cả. Có lẽ thời nay chẳng ai còn thời gian để nướng củ khoai nhiêu khê như ông Tiêu đã nướng cho chúng tôi ăn ngày còn nhỏ. Nhưng những kỷ niệm tuổi thơ thường gắn bó chúng ta với người lớn, với giấc mơ về một vùng quê để khi nhớ lại, thấy không có gì đáng quí hơn tình thân ái giữa những con người…

Quà Hà Nội thời ấy…

Những năm đầu bảy mươi chiến tranh như thế, không ai nhận hết vẻ đẹp của thành phố xanh ngắt vắng vẻ, và leng keng tàu điện. Cây Bờ Hồ như cổ thụ trong rừng phủ bóng mát lên những chiếc hầm trú ẩn công cộng. Hầm tối tăm vậy mà không có ai bày bẩn, không ai xả rác, không phải là chỗ để tá túc. Còn nhớ năm 1975, tôi vào Đà Nẵng. Một chú bé mười ba tuổi ngắm nghía tấm bưu ảnh chụp Bảo tàng Bác Cổ tôi tặng. Chú ngắm lặng lẽ rồi nói:

- Hà Nội sạch!

Không bao giờ quên được câu nói của chú bé năm bảy nhăm. Nhưng ngày ấy nhiều lo nghĩ xa xôi chắc chỉ còn duy nhất cụ Nguyễn Tuân tỉ mỉ chiêm ngưỡng cái đẹp. Cây lộc vừng cụ miêu tả đẹp cũng khác bây giờ. Đó là vẻ đẹp được thanh nhàn yên tĩnh. Từ trong rừng cây Bờ Hồ buổi trưa nắng thu hoe vàng, chiếc tàu điện đầu thế kỷ hai mươi chậm rãi chuông, chậm rãi đi. Trên xe là những người lính. Những người đi làm ca. Vài bà buôn bán vặt từ Cầu Giấy lên Chợ Mơ. Những chú nhóc còn ở lại thành phố…

Thú vui của giới hay lang thang cũng bình dị như thành phố. Lên chợ Đồng Xuân ăn quà. Chợ Đồng Xuân có món bún ốc, hàng ngồi ở dãy nhà nối với chợ Bắc Qua. Bà hàng bún là dân làm hàng từ những năm cuối năm mươi giờ cũng chưa phải lớn tuổi đang khêu ốc. Những con ốc vàng rực, nó màu vàng như thế thật vì ốc cũng được ở trong nước sạch, bày một bát tú hụ vì hàng sẽ đông người ăn vào buổi trưa. Bát bún cũng đầy hợp với những con mắt thiếu lương thực. Để lên trên bún cùng hành, rau thơm rồi rưới một lượt nước riêu đỏ cà chua tạo cảm giác có mỡ. Mỡ chỉ cần nhìn cũng được tiếp thêm nhiên liệu.

Người lính đi qua Hà Nội ăn tới ba bốn bát là chuyện thường. Bà hàng niềm nở hỏi han lính chuyện tuyến lửa rồi thuận tay gắp thêm vài con ốc, chan thêm vài muỗng canh. Thời đó ai cũng rộng lòng với màu quân phục. Bát bún ngon lành thơm thảo làm nên màu sắc chợ Hà Nội thời chiến. Muốn ăn thêm người ta thích mấy hàng bánh gai ngồi gần cửa chợ. Lá gai thứ thiệt giã nhuyễn trộn bột nếp nặn bánh tròn có lá chuối khô quấn quanh xếp trong rổ. Bánh để trần đen nhánh lác đác mấy hạt vừng. Không sợ bụi bẩn, có thể ăn vài chiếc lại gói mang về. Bánh để hàng tuần không hỏng.

Muốn ăn canh bánh đa leo lên xe điện trở lại Bờ Hồ vào chợ Hàng Bè. Ngày ấy có một bà ngồi góc đầu chợ giáp phố Cầu Gỗ. Nồi bánh canh của bà khá to. Khách xúm xít sì sụp cả buổi sáng. Thường từ 9 giờ, các hàng ăn vãn khách đề phòng có còi báo động phải tản ra hầm trú ẩn. Hàng bánh canh cũng vậy, bà hàng nhanh thoăn thoắt chần bánh đa, múc canh chan. Gạch cua thứ thiệt không hề trộn lẫn đậu phụ như nhiều hàng bây giờ, bà để trong cái âu bằng sành. Bà nhìn từng người, ai khách quen đũa gạch đậm hơn một chút. Với các chú công nhân trẻ, bà bốc nhiều bánh ít gạch, rồi chan thật đầy để ăn no bụng. Bát bánh canh năm hào là đầy đặn lắm.

Bọn trẻ ăn ào ào rồi nhảy lên xe đạp túa đi. Nhiều cán bộ cơ quan ở lại trực chiến cũng mê món bánh canh riêu cua Hàng Bè. Là sự ăn uống thanh lịch, không đông đúc ồn ào. Hầu như không thấy trẻ con. Trẻ con sơ tán theo trường lớp. Khách ăn thong dong là những người thế hệ Pháp tạm chiếm. Các ông thích trụ lại thành phố. Có ông đội mũ rơm mũ sắt ngồi ăn. Họ ăn thong thả như thưởng thức không khí yên tĩnh quanh gánh bánh canh cua đầu chợ Hàng Bè. Rồi qua bên kia đường đến quán nước của một người cụt tay, có lẽ là thương binh hoặc là người gặp nạn thời Pháp, không ai hỏi nguồn cơn, chỉ thấy mê ấm nước vối ông pha.

Vối lá già đổ trong ấm rót nước sôi cho vào giỏ. Ai uống ông rót một chén, loại chén chỉ có trong thời chiến sản xuất ở những hợp tác xã làm gốm nào đó. Nó nặng trịch nhưng rất hợp với thứ nước vối sẫm màu. Những người thích nước vối thường ở tuổi xế xế, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ. Thỉnh thoảng nhìn thấy cụ Nguyễn Tuân, cụ Bùi Xuân Phái, cụ Dương Bích Liên… những con người đặc biệt ngồi giữa những người lao động bình dân. Ông bán nước cụt tay có vẻ nhận thấy ai ưa nước vối. Ông nói chuyện xung quanh nhưng không bao giờ nhắc tới chuyện của mình. Và không ai hỏi. Hà Nội thời đó nghèo nhưng không ai sấn sổ…

Xe điện vẫn leng keng gieo sự thanh bình qua Bờ Hồ

Xe điện qua chợ Hôm. Phố Phùng Khắc Khoan ngày nay bán vải lúc đó không tấp nập hàng quán. Nhà nhà đóng cửa đi sơ tán. Nhưng sáng nào cũng có một đám, xúm đông xúm đỏ chỗ cái hầm trú ẩn ở đầu phố đối diện cổng chợ: hàng bánh khúc. Bánh để trong hai thúng lớn đậy bao tải. Những người đến sớm sốt ruột chờ bà hàng bánh sắp xếp chỗ ngồi. Một góc bao tải giở ra. Khói xộc lên. Hấp dẫn nhất là khi mùa thu về… Mùa thu lá khúc mọc ở những bãi bồi phía Đông Anh cũng thơm hơn, sạch hơn… Ba hào một cái. Lá khúc thật, với đậu xanh, hành mỡ, hạt tiêu, bọc ngoài là xôi đồ khéo.

 

Chiếc bánh trên tay những người thợ nghi ngút, cắn một miếng người chưa đến lượt đã thấy thèm quá. Mùi thơm lan tỏa bốn chung quanh. Mua một đồng được 3 bánh kèm nhiều xôi. Bụng trai tráng ăn một đồng có thể chiến đấu đến trưa. Nhưng ngày ấy lương 50 đồng đã là hạng khá. Mấy ai có con cái dám ăn một đồng bánh khúc? Ăn bánh khúc chợ Hôm chỉ ăn buổi sáng. Ban đêm nếu muốn ăn hãy đi lên chợ Bắc Qua. Chợ họp cả đêm. Chợ đầu mối này tấp nập cho đến sáng với rau củ quả, gà vịt mang từ các vùng quê đến. Đêm hôm món xôi kèm bánh khúc luôn đắt hàng. Ngày ấy nghệ sĩ, nhà báo, nhà văn ở lại Hà Nội có cái thú đi bộ qua Hàng Ngang, Hàng Đào lên chợ Bắc Qua ăn bánh khúc. Đổi món thì có ngô nướng.

Những món ăn dân dã hợp túi tiền bền bỉ sống cùng Hà Nội ngay khi thành phố bị dội bom, bị quản lí ngặt nghèo về lương thực, về làm ăn cá thể. Ngày ấy xe điện leng keng từ Cầu Giấy hoang vu hai bên đồng ruộng lên đến chợ Mơ đã là một quãng đường xa xôi. Nhiều người có cái thú đi tìm những điều lạ hay lên xe điện rồi tới bến rẽ ngang rẽ dọc. Chợ Mơ đã như chợ ngoại ô. Rau củ nhiều hơn vì dân vùng đó trồng trọt gánh lên chợ Mơ bán cho những người cất rau vào bán trong phố. Chợ Mơ nổi tiếng hàng đậu phụ rán ăn kèm bún lá mắm tôm. Bà chủ sợ bị hạch hỏi ngồi khuất sau tấm phên ngăn giữa hai dãy hàng. Ghế băng hai chiếc thấp lúc nào cũng không còn chỗ.

Chị em bán hàng, khách đi đường, khách quen… lặng lẽ ngồi chờ đậu mơ chính hiệu vàng trong chảo. Miếng đậu cắt làm hai làm bốn để lên đĩa đất nung, vài lá bún bày lên rắc ít rau kinh giới. Mắm tôm vắt chanh khuấy cho sủi bọt… Bữa trưa trở nên thi vị, hầu như hàng quà này làm nên hương vị riêng của chợ Mơ… Bao nhiêu năm rồi khách ăn không còn được gặp lại bà bán bún ốc chợ Đồng Xuân, bán bánh canh chợ Hàng Bè, bán bún đậu chợ Mơ… và bánh khúc chợ Hôm…

Khách ăn quen không bao giờ còn được ăn ngon như thế. Không gia vị không chất phụ gia, món ăn chợ Hà Nội thời chiến làm sạch sẽ - bây giờ không ai còn làm hàng ăn sạch thế - ăn một muốn ăn thêm ba. Và điều quan trọng: món ăn làm chợ đặc biệt thanh bình. Người ta có thể mua một món hàng rồi quên. Nhưng ăn một miếng ngon ở chợ Hà Nội ngày ấy, nhiều người nhớ đến bây giờ.

Những năm tám mươi người ta dỡ bỏ tàu điện vì xe máy đã nhiều quá. Con đường từ Cầu Giấy ra Bờ Hồ đã chật chội vì tiếng gầm rú của những xe máy, đống sắt đi dộng. Tàu điện cản trở, đường tàu hay bẫy những đống sắt điên cuồng. Bây giờ những người hay hoài niệm thường ngồi ghế đá nhớ tới cái tàu màu vàng đỏ đi giữa màu xanh đậm của nước hồ hắt lên, của rừng cây, rồi giận những quyết định vội vã chỉ nhìn thấy cái trước mắt mà phá hỏng bao nhiêu việc. Có một thời toà thị chính là ngôi nhà đẹp nhất nhì Bờ Hồ, cây cối bao quanh. Tàu điện chạy qua ngôi nhà đó nhìn từ xa như cảnh trong chuyện cổ. Đến lúc người ta chặt hết vườn cây, phá toà nhà để xây lên một khối đồ sộ, cái tàu điện trở nên lạc lõng khi đi qua quãng đó.

Nhớ biết bao quãng đường tàu điện đi. Qua các chợ để ăn quà bánh Hà Nội. Uống nước vối, rồi rẽ từ phố Huế vào Bà Triệu uống cà phê Hói. Thời buổi loạn lạc thuế má ngặt nghèo, người ta vẫn tìm thấy sự thi vị của một thành phố bàng bạc sương mùa thu, cây cối xanh thẫm có tiếng chuông xe điện đầu thế kỷ hai mươi. Lại hi vọng lúc nào đó được thong dong ngồi toa tàu điện cũ, được ăn những món quà mà không lo ngay ngáy vì các thứ độc hại…

Lê Thị Nhiễu
.
.
.