Đẩy lùi bạo lực học đường - bắt đầu từ đâu?

Chủ Nhật, 14/04/2019, 23:11
Chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường làm học sinh lo lắng, phụ huynh hoang mang, tạo hiệu ứng không tốt trong môi trường học đường và trong cộng đồng.


Bài 1: Gặp những “hung thần bạo lực”

Vụ việc lột quần áo, đánh dã man nữ sinh N.T.H.Y ở Trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên) còn chưa nguôi thì tại Quảng Ninh, Nghệ An, lại xảy ra vụ các nữ sinh đánh bạn hội đồng cũng hết sức dã man, gây ra nỗi đau đớn về tâm hồn và thể xác cho bạn học của mình.

Ngay sau các vụ bạo lực học đường này, một số cuộc tọa đàm, hội thảo đã được tổ chức; một số địa phương đã có chỉ đạo khẩn để ngăn chặn các hành vi vi phạm đạo đức trong nhà trường, cho thấy tính chất nghiêm trọng nếu bạo lực học đường tiếp tục gia tăng.

Chúng ta sẽ xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện như thế nào? Đó là trăn trở của chúng tôi khi thực hiện loạt bài này, với mong muốn cùng với xã hội, cộng đồng tìm ra giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn nguy hiểm...

Cán bộ Trường Giáo dưỡng số 2 thường xuyên trò chuyện, nắm bắt tâm tư các em học sinh để cảm hóa, giúp các em sớm trở về cộng đồng.

Tại Trường Giáo dưỡng số 2 (Bộ Công an), quả thực, khi tiếp xúc với những đứa trẻ hư, từng một thời là những “hung thần” trong các trường học, tôi cảm nhận được nỗi khổ của các cháu học sinh khác vô tình bị học chung với những “hung thần” này. Những đứa trẻ hư kể rằng, chúng cứ ngứa mắt, ngứa tay thì đánh bạn, thậm chí có đứa vả vào mặt bạn gái đến chảy máu…

Ở một nơi như trường học, những đứa trẻ như những tờ giấy trắng, chưa trang bị được đầy đủ những kỹ năng sống, chúng sẽ đối phó ra sao với tệ nạn bạo lực học đường này? Và chắc chắn điều này sẽ là những ám ảnh tuổi thơ với các em!

Không thích thì… đánh thôi!

Đặng Văn Đồng, quê ở Hà Tĩnh, đã bỏ học từ 2 năm nay nhưng những ngày Đồng học tại Trường THCS P.Đ (Hà Tĩnh), hẳn là nỗi lo sợ của rất nhiều các cô bé, cậu bé cùng trường. Khuôn mặt lì lợm, dường như đối với Đồng, nó chẳng biết sợ ai. Nó không chỉ bắt nạt các bạn cùng lứa, hoặc nhỏ hơn, ngay cả các anh chị lớp lớn hơn nó cũng chẳng ngán.

Hồi Đồng học lớp 8, khi nó vào một lớp 9 chơi, bị một nam sinh nào đó ghét vụt cho một cái chổi vào lưng. Thế là nó điên lên, mặc dù thầy cô giáo đã vào lớp giảng, nhưng nó vẫn chạy ra rút cái gậy sắt ở chổi rác, rồi chạy vào từng lớp khối 9 để truy xét xem ai lúc trước đánh mình.

“Đứa nào đánh tao thì đứng lên nhận!”- Mặc dù các thầy cô giáo đang giảng bài trên lớp nhưng Đồng vẫn cầm gậy sắt hùng hổ xông vào từng lớp 9 và hét lên như thế. Ở lớp 9D, có một bạn đứng lên, thế là Đồng lao xuống, dùng gậy vụt 2 nhát vào người bạn… Nó hùng hổ đánh bạn không kể đến sự ngăn cản của cô giáo. Chỉ đến khi các chú Công an đến theo điện báo của nhà trường thì nó mới chịu dừng lại.

Ở quê, trong khi bố mẹ quần quật với đồng ruộng mới đủ miếng ăn cho cả nhà, thì Đồng lại nghiện games.

Xin bố mẹ tiền không được, cũng bởi bố mẹ nó quá nghèo nên khi cơn nghiện games lên, Đồng phải đi ăn trộm của hàng xóm. Sang hàng xóm nó trộm con gà, ra quán nó rình rình người chơi không để ý thì trộm điện thoại. Gây ra 3 vụ trộm cắp, cùng với những việc gây rối, đánh bạn ở nhà trường, Đồng bị Công an địa phương lập hồ sơ đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2.

Vào cùng thời điểm với Đồng còn có Trần Văn Thanh, SN 2003, quê ở Nam Đàn (Nghệ An). Gia đình Thanh thuộc diện có kinh tế, nhưng bố nó rất nóng tính, tức lên là đánh con “thừa sống thiếu chết”.

Ngày nó học lớp 8, nghiện games nên nó bỏ học, bỏ nhà đến “ngồi đồng” trong quán games. Bố mẹ nó phải đi tìm về, trận đấy nó cũng bị bố nó nện cho kinh hoàng. Có lẽ nó bị dạn đòn của bố nên cũng rất hung dữ với các bạn bè xung quanh. Ngày Thanh đang học, trong một lần nó và bạn bè trong trường đá bóng, quả bóng suýt va vào một em học sinh lớp 7.

Em này tức quá vứt quả bóng vào bồn hoa. Thế mà Thanh tức giận, dùng chân sút thẳng 3 cái vào mặt em học sinh lớp dưới khiến em bị gãy răng, chảy máu mồm. May mà các bạn can ngăn, nếu không, với bản tính hung hãn của Thanh, không biết em học sinh kia còn phải chịu đòn đánh của nó đến mức nào…

Nữ sinh H.Y ở trường THCS Phù Ủng (Hưng Yên)sau khi bị hành hung phải điều trị tại bệnh viện Tâm thần Hưng Yên.

Khi học lớp 9, Thanh tham gia nhóm bè phái giữa các lớp với nhau và nó cũng thường xuyên có mặt trong các trận đánh nhau giữa các lớp. “Nhiều bạn trong lớp, trong trường cũng sợ em.

Thi thoảng em không thích thì đánh thôi nhưng chỉ đánh bằng tay chân”- Thanh thản nhiên kể lại. Nó còn tụ tập với một nhóm học sinh hư, nghiện games. Cần tiền chơi games, bọn chúng đã rủ nhau đến các chùa trộm hòm công đức. Chúng gây ra 5 vụ trộm thì bị phát hiện. 

Lì lợm nhất trong nhóm các học sinh hư, có hành vi quậy phá tại trường học trước đây mà các thầy cô của Trường Giáo dưỡng số 2 lọc hồ sơ ra cho chúng tôi gặp là Nguyễn Văn Trung, SN 2002, quê ở Thái Nguyên, còn gọi là Đôn “trề”.

Nước da đen nhẻm, Trung có cặp mắt quá nhiều lòng trắng, khiến người đối diện cũng ái ngại. Trung kể chuyện đánh bạn một cách thản nhiên, điều đó khiến tôi cảm giác bất an khi hình dung tại trường học của con mình tự nhiên có một học sinh hư như Trung thì không biết con sẽ đối phó thế nào.

Trung cậy có một ông anh họ là dân giang hồ ở bên ngoài xã hội nên không biết sợ ai. Ngày đi học, nó thực sự là một “hung thần” đối với các bạn trong trường, nó đánh tất cả các bạn nào mà nó cảm thấy ghét, thậm chí bạn nhìn nó, nó cũng cho rằng nhìn đểu và đánh thôi.

Ngay cả các bạn gái, nó cũng chẳng nể nang gì. Một lần, do đứa em họ mách có mâu thuẫn với một bạn gái cùng lớp, thế là Trung đến lớp em, tìm bạn gái kia xử lý. Dù là đánh con gái nhưng nó chẳng nương tay. Nó túm tóc em gái kia, rồi cứ dép vả vào mặt…

Hồi Trung học lớp 7, do ghét một bạn, lúc nào nó nhìn thấy cũng tìm cách đánh. Khi nó đang đi xe máy cùng với em họ ngoài đường, thấy bạn kia đi xe đạp phía trước, nó bảo em phi xe máy lên sát, đạp bạn xuống lề đường, rồi nhảy xuống đấm đá, hậu quả bạn phải đi bệnh viện. Gia đình bạn làm đơn trình báo Công an. Cùng với các vụ việc khác đã gây ra, Trung bị Công an địa phương làm hồ sơ đưa vào Trường Giáo dưỡng số 2.

Ám ảnh và nỗi sợ hãi thời tuổi thơ

Tôi dám chắc rằng, không ít người bị ám ảnh bởi bạo lực học đường. Ngay cả với tôi, bây giờ vẫn nhớ như in cái cảm giác sợ hãi mỗi khi tiếng trống trường báo hết giờ học. Tôi sợ ra khỏi cổng trường, sẽ phải đối mặt với một học sinh hư, đã bỏ học và thường quay lại bắt nạt các bạn khác.

Tôi vẫn nhớ rõ bạn đó tên thường gọi là Dung đàn ông, là con gái nhưng tướng vóc như con trai, thường chặn chúng tôi lại để cấu, giật tóc, thậm chí giật cả cặp sách trêu chọc. Nhưng vốn nhát, tôi và mấy bạn nữ là nạn nhân của Dung đàn ông chỉ chịu đựng và tìm cách đi đường nào tránh được cô ta.

Một đồng chí Phó Giám đốc Công an tỉnh mà tôi biết, cũng từng là nạn nhân của nạn bạo lực học đường, anh kể rằng, anh bị ám ảnh đến mức, sau này, khi là Trưởng Công an một huyện, anh rất quyết tâm xây dựng đề án phòng, chống nạn bạo lực học đường.

Anh mong muốn bất cứ đứa trẻ nào đến trường đều không trở thành nạn nhân của bạo lực học đường, bởi vấn nạn này như một thứ ám ảnh tinh thần, đeo bám tuổi thơ, sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các cô, cậu học sinh trong một thời gian dài.

Tôi cũng đã từng tiếp xúc với Nguyễn Thị Huyền Trang, một cô bé lớp 9 ở huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) từng được khen là ngoan, học giỏi. Thế nhưng, em lại phạm tội giết người ngay ở cái tuổi còn quá nhỏ ấy. Nạn nhân của Trang là em Nguyễn Thị Thảo, 15 tuổi, học sinh Trường THCS D.S, huyện M.H.

  Theo lời khai của Trang và một số lời khai nhân chứng thì cách đây nửa năm, Trang đã bị Thảo đánh với lý do "không thích thì đánh", khoảng 1 tuần trước khi vụ án xảy ra, Thảo lại tiếp tục đánh bạn thân của Trang. Thấy Thảo to cao hơn, Trang sợ không đánh lại được nên mang theo một con dao gấp phòng thân.

Chính vì thế, vào đầu giờ học ngày 16-5-2008, khi thấy Thảo đến trường của Trang chơi và đang đứng tại sân vận động, Trang đã lấy con dao gấp mang theo trong cặp cho vào túi quần xuống nói chuyện với Thảo.

Hai bên lúc đầu còn giằng co bằng lời nói, sau xông vào đánh nhau. Trong lúc xô xát, Trang rút con dao mang theo đâm loạn xạ, trong đó có một nhát trúng tim Thảo khiến cô bạn gục ngay tại sân.

Khi tôi gặp Trang, tôi đã vừa giận, vừa thương cô bé. Bỗng chốc tương lai của một cô bé mới học lớp 9 sụp đổ, em phải đối mặt với bốn bức tường trại giam và cuộc sống quá khắc nghiệt so với một đứa trẻ. Tôi biết rằng, có lẽ Trang đã bị áp lực từ nhiều lần bị bạo lực trong trường, ngưỡng chịu đựng của cô bé có lẽ chỉ đến một giới hạn, cho đến ngày, nó không chịu nhún nhịn được nữa, nó nổi loạn và gây ra vụ án đau lòng…

Nói điều này để thấy rằng, bạo lực học đường nếu để âm ỉ xảy ra, nó không chỉ khiến những đứa trẻ nạn nhân bị tổn thương, ám ảnh, mà có thể đến lúc nào đó còn khiến những đứa trẻ bình thường “bùng nổ” trở thành tội phạm. Đây là điều thực sự nguy hiểm!

Box: Báo cáo thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT/BCA-BGDĐT về việc phối hợp triển khai nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác trong ngành giáo dục giữa hai ngành Công an và Giáo dục và Đào tạo cho thấy, giai đoạn 2011-2018, toàn quốc xảy ra 18.571 vụ việc vi phạm pháp luật, bạo lực học đường liên quan cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên với 32.418 đối tượng.

Trong tổng số 18.571 vụ việc, có 11.888 vụ đánh nhau gây thương tích, 256 vụ xâm hại tình dục, 915 vụ uy hiếp tinh thần, còn lại vi phạm bằng các hình thức khác...

Đáng chú ý, trong số các vụ việc, có 9.961 vụ (chiếm 53,6%) diễn ra trong nhà trường, số còn lại diễn ra ngoài nhà trường. Số vụ việc xảy ra ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 51,8% tổng số các vụ vi phạm, còn lại các vụ việc diễn ra khu vực thành thị, miền núi… (Còn nữa)


Thu Phương - Thu Hòa
.
.
.