Đẩy mạnh văn hóa đọc trong thời đại 4.0

Thứ Tư, 22/04/2020, 12:51
Dịch bệnh lại mở ra những cơ hội khác cho ngành xuất bản để kích cầu văn hóa đọc. Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 lần đầu tiên được tổ chức sẽ diễn ra từ 19/4 đến giữa tháng 5/2020 tại book365.vn.


Dịch COVID-19 đang ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống, trong đó có lĩnh vực xuất bản. Các hội chợ sách thường niên đều bị hoãn lại. Tuy nhiên, dịch bệnh lại mở ra những cơ hội khác cho ngành xuất bản để kích cầu văn hóa đọc. 

Năm nay, với chủ đề "Đọc sách, nâng cao trí tuệ, vượt qua nỗi lo dịch bệnh", Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 lần đầu tiên được tổ chức sẽ diễn ra từ 19/4 đến giữa tháng 5/2020 tại book365.vn.

Người dân ngày càng quan tâm tới sách

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, hội chợ sách lần này dựa trên nền tảng sàn giao dịch trực tuyến của Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã sử dụng. Hội sách có sự đồng hành của gần 40 Nhà Xuất bản, đơn vị phát hành cung cấp gần 10.000 đầu sách với mẫu in đẹp, cam kết khuyến mãi trên giá bìa lên tới 25%.

Hội sách online sẽ giúp bạn đọc thuận tiện hơn trong việc tiếp cận sách, trở lại và hình thành thói quen đọc sách, góp phần làm giàu kiến thức và làm đẹp tâm hồn của mỗi người, vượt qua nỗi lo dịch bệnh. 

Hội chợ sách nhân Ngày sách Việt Nam hàng năm thu hút đông đảo bạn đọc quan tâm.

Ông Nguyễn Nguyên cho biết, mục tiêu hội sách cũng chính là mục tiêu của Ngày sách Việt Nam, nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội; tôn vinh người đọc và những người sáng tác, xuất bản, in, phát hành, sưu tầm, lưu giữ sách; từ đó khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng. 

Trước đó, nhiều đơn vị đã tổ chức hội sách online trong thời điểm cách ly xã hội như: Tiki, Fahasa, Phương Nam… Đây đều là những hội sách thu hút nhiều bạn đọc, đưa sách đến với độc giả. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng các kênh thương mại điện tử phát hành sách ghi nhận có sự tăng trưởng đáng kể. Thông tin từ kênh Fahasa online cho thấy doanh thu tháng 3 tăng trưởng tới 94% so với cùng kỳ (tháng 3/2019) và tăng trưởng 20% so với tháng 2/2020. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương.

Các nhóm sách được mua có chỉ số tăng trưởng cao là sách cho thiếu nhi, đặc biệt lứa tuổi mầm non, sách văn học, mảng sách ngoại ngữ và sách tham khảo. Trong khi đó, ghi nhận trong 3 tháng gần nhất, ngành hàng sách trên Tiki tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cũng là mức tăng trưởng mạnh nhất trong vòng 3 năm gần đây. Cụ thể, các loại sách đang bán chạy tại Tiki bao gồm: sách kiến thức tổng hợp, sách thiếu nhi, sách y học và sách lịch sử.

Đó là những tín hiệu cho thấy văn hóa đọc đang được cải thiện tại Việt Nam. Thời đại số đang chiếm lĩnh đời sống và rõ ràng, văn hóa đọc bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mạng xã hội, youtube, facebook đang chiếm lĩnh cuộc sống của mỗi người. Vì thế, muốn kích hoạt văn hóa đọc, các nhà làm sách, nhà xuất bản cũng nên thay đổi phương thức tiếp cận. 

Thay vì phương thức truyền thống để tiếp cận độc giả, chúng ta có thể tận dụng công nghệ để đa dạng hóa các kênh bán hàng. Kênh online là một xu hướng tất yếu. Ngoài ra, việc số hóa sách để tiếp cận công chúng cũng là một bước quan trọng. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng khẳng định: “Thư viện không phải là chỗ giữ sách”. Và câu chuyện về “Thư viện thời 4.0” đã được đặt ra trong nhiệm vụ phát triển văn hóa đọc hiện nay. Đó cũng là một xu hướng tất yếu của thời đại số để tiếp cận và đẩy mạnh văn hóa đọc ở Việt Nam trong thời gian tới.

Nhiều hoạt động giao lưu trực tuyến diễn ra tại hội chợ sách online.

Văn hóa đọc không thể "ăn xổi ở thì"

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương, xây dựng văn hóa đọc cho một dân tộc là một quá trình lâu dài. Chúng ta đã lãng quên nó gần cả trăm năm cho nên khó mà có một kết quả lớn, rộng khắp, cơ bản trên toàn quốc trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thời gian gần đây tình hình có biến chuyển.

“Trong khoảng một năm trở lại đây tôi nhận được tin nhắn, thư điện tử và các cuộc gọi của bạn đọc, phụ huynh liên lạc để trao đổi về chuyện đọc sách ngày một nhiều và họ ở khắp nơi trên đất nước. Nhiều người trong số họ thú nhận là trước đó họ chưa từng quan tâm đến chuyện đọc sách của bản thân hay của con. 

Tuy nhiên, để có cái nhìn khách quan và phục vụ tốt hơn cho công tác khuyến đọc, tôi nghĩ Hội Xuất bản hay tờ báo nào đó nên tiến hành điều tra khoa học trên một mẫu đối tượng lớn theo định kì về số lượng sách mỗi người đọc/tuần (tháng, năm), về thói quen đọc sách (số lần/tuần), thời lượng đọc sách, các thể loại sách… theo định kì để chúng ta có tham số tham khảo và từ đó hiểu rõ hơn thực tiễn. 

Các số liệu đó cần được công bố rộng rãi và có một website riêng chẳng hạn như “Khuyendoc.vn”. Website này cũng cập nhật thông tin về hoạt động khuyến đọc trên toàn quốc để tạo ra sức mạnh truyền thông. Có số liệu chính xác mới có chính sách tốt và mới có căn cứ hoạt động thực tiễn tốt”, ông Vương nói.

Năm nay, chúng ta tổ chức hội chợ sách online để thu hút độc giả và nhằm kích hoạt văn hóa đọc trong những ngày cách ly. Đây có lẽ sẽ là một xu hướng tất yếu trong thời đại số. 

Bởi trong thời đại kĩ thuật số thì việc tận dụng sức mạnh truyền thông mạng, không gian mạng để khuyến đọc là điều tất yếu. Điều này cũng sẽ tác động đến thói quen của bạn đọc, nhất là bạn đọc trẻ như thói quen chọn sách, mua sách, thảo luận, bình luận về sách. 

Thay vì đến cửa hàng tự tay tìm sách họ tìm trên trang web, đặt hàng qua mạng, đọc và viết bài điểm sách đăng trên báo mạng, mạng xã hội và trao đổi trên đó. Dần dần sẽ tạo ra một mạng lưới, một cộng đồng đọc sách có liên kết, tương tác khổng lồ, thứ mà trong xã hội trước đó không thể nào có được.

Tuy nhiên, để hình thành thói quen đọc sách của người dân thì hoạt động phong trào là không đủ. Muốn có nó phải tạo ra tác động cơ bản, tổng hợp đến từ giáo dục (gia đình, nhà trường, xã hội) tạo ra thói quen đọc sách cho trẻ em ngay từ nhỏ ở gia đình, nhà trường.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương trò chuyện với học sinh về văn hóa đọc.

Theo ông Vương, các địa phương phải thực sự tạo ra không gian học tập suốt đời cho người dân thông qua đọc sách, trao đổi tại các trung tâm, thư viện. Các hoạt động phong trào có tác dụng kích thích nhất thời và nhắc nhở người dân về ý nghĩa của văn hóa đọc nhưng để duy trì nó thì cần tới các hoạt động chiến lược và cụ thể.

Văn hóa đọc là nền tảng của quốc gia cũng như của cá nhân nên sẽ cần thời gian và nỗ lực để xây dựng không thể “ăn xổi ở thì”. Ở nước ta vừa qua phong trào xây dựng thư viện bùng nổ và có rất nhiều tủ sách, thư viện ra đời tuy nhiên theo kinh nghiệm của tôi thì việc duy trì nó hoạt động hiệu quả không đơn giản. 

Rất nhiều thư viện lập ra rồi để đó không thu hút được bạn đọc, nhất là thư viện công và thư viện trường học. Cần tránh kiểu phát động phong trào rồi chạy đua báo cáo thành tích. Việc làm như vậy không đi đến đâu và gây lãng phí nguồn lực.

Vì vậy, ông Vương cho rằng để văn hóa đọc thấm sâu vào người dân cần làm hai việc. Việc thứ nhất là “làm từ trên xuống” bằng chính sách vĩ mô như ban hành luật liên quan đến khuyến đọc (Ở Nhật có các luật như Luật Chấn hưng Văn hóa đọc, Luật Khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em, Luật Thư viện, Luật Thư viện trường học…), các chính sách chiến lược quốc gia về văn hóa đọc…

Việc thứ hai là “làm từ dưới lên”. Người dân, các đoàn thể xã hội, các câu lạc bộ tự phát huy sức mạnh năng động của mình để tiến hành hoạt động khuyến đọc. Đặc biệt ý thức về văn hóa đọc của phụ huynh và giáo viên rất quan trọng vì họ là những người ảnh hưởng lớn nhất đến trẻ em.

Song song với nó cần minh bạch và lành mạnh hóa môi trường xuất bản như chống sách lậu, bảo vệ quyền lợi của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, kích thích sáng tạo ra các sản phẩm tinh thần tốt phục vụ đông đảo đại chúng. Khi người dân nhận ra đọc sách, viết sách thực sự đem lại cả giá trị vật chất và tinh thần họ tự khắc sẽ ngả về phía đó.

Lan Tường
.
.
.